- Quan niệm sống

25/02/201112:00 SA(Xem: 9916)
- Quan niệm sống


QUAN NIỆM SỐNG

 

 Quảng Thanh


Làm thế nào để mình có một cơ hội tốt hơn?

Thông thường mỗi người có một quan niệm để sống. Sống như thế nào để cảm thấy không hổ thẹn với mọi người đó là điều đáng nói.

 

Sống sao cho ra hồn đó là danh dự của người biết tự trọng tư cách. Từ quan niệm tư riêng dẫn đến ý tưởng hiến dâng hay trái lại, nghĩa là sống cầu an hay sống lý trí mạnh mẽ, hơn ai hết mình phải hiểu được mình. Mỗi người có một hướng đi, hướng đi ấy có thể tạo nên sự nghiệp lớn hay nhỏ tùy thuộc kiến thức và phước báu. Thông thường phải thử thời bằng một việc cụ thể nào đó để đo lường khả năng của mình tới đâu. Nếu nói suông ai nói chẳng được? Lắm lúc để cho mình thất bại nhiều lần mới có thể cảm thông người khác. Người muốn làm việc trọng đại, không có việc nào tốt đẹp chờ sẵn để được gặt hái.

 

Ví dụ, để trở thành một bác sĩ tài năng, một kỹ sư uyên bác, một nhà văn sáng tạo được độc giả hâm mộ v.v…Dĩ nhiên phải trải qua thời kỳ thử thách tôi luyện. Không chịu khó học hỏi và tôi luyện sẽ không có ngày rạng rỡ sắc hương. Sự vinh danh nào đó nó đưọc đúc kết bởi quá trình làm việc cho mình và tha nhân. Đứng về mặc chuyên ngành mà không có đặc điểm xuất sắc mang tính cống hiến, thì chẳng có gì đáng quan tâm đối với mọi người. Do vậy, bản năng sinh tồn thúc đẩy mỗi cá nhân vươn lên tạo thành tích xác định chỗ đứng của mình.

 

Mỗi chúng ta có một thế đứng, miễn sao đừng quá hẹp hòi là tốt lắm rồi. Nếu là doanh gia thì lo tạo sự nghiệp và hướng dẫn các con cháu tiếp nối làm rạng danh giòng tộc, là lương y thì lo việc cứu nhân độ thế đúng nghĩa, nếu là nhà tu hành thì lo xây dựng cơ sở tôn giáo để truyền bá. Hầu như ai cũng mong muốn để lại một chút gì đó trong dòng sống cuộc đời. Những kích thước tầm cỡ hẳn nhiên tùy thuộc khả năng sáng tạo. Điều chúng ta cần nhắc nhở đó là cá tính đố kỵ - ganh tỵ tầm thường. Làm thế nào để có thể chấp nhận nhân tài, cho dù người ấy hơn mình về phương diện nào đó. Thiết tưởng, khả năng tài giỏi nó có chiều dài quá khứ bạn ạ! Người có kích thước sở trường bộ óc của họ phải vận dụng tối đa và thích ứng bén nhạy. Người có tài và kẻ biết khai thác nhân tài quả nhiên tâm đắc. Những dòng nhạc buồn hay vui nó đều có lý do nơi đỉnh phát xuất. Nói khác đi người lãnh đạo và kẻ trợ duyên đều cảm nhận được giá trị từng mỗi việc làm mang tính vị tha. Do vậy, người ta phân loại: “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh” cả hai đều có giá trị trên bình diện văn hóa đại chúng. Cứu cánh của mỗi việc làm có để lại cho đời chút âm hưởng nào không đó là bậc tuệ giác bước qua lộ trình nhân thế.

 

Để quán thông được mọi vấn đề nhân sinh quan, Trong một xã hội khoa học đương đại. Anh làm việc ý nghĩa tôi đây cũng vậy. Chỉ chia xẻ công việc nấu ăn cho đại chúng đã khó lắm rồi. Sở thích của từng khẩu vị làm sao bạn có thể đáp ứng cho vừa ý được? Người nấu ăn và kẻ được ăn cả hai có dị biệt nào không? Tất nhiên quá ư phức tạp! Nhưng cho dù sự phức tạp không dừng lại chỗ nào đó, người nấu ăn vẫn tiếp tục và người ăn vẫn cứ ăn không thì đói. Có điều đáng nói rất kỳ lạ:

“Nếu người nấu ăn tâm được hoan hỷ thì những thức ăn ngon hơn bình thường. Người được ăn tâm cũng hoan hỷ thì bữa ăn ấy tuyệt vời! Tâm lý coi vậy rất ư quan trọng cho dù chỉ là bữa ăn thuần túy, đạm bạc mà thôi.

 

Bữa cơm của gia đình biểu tỏ rất hạnh phúc là không có lời qua tiếng lại cay cú, chua chát va chạm tự ái. Ai cũng hiểu được cái ý nghĩa hạnh phúc nó không nằm trong nhóm từ đóng khung. Chúng ta biểu hiện bày tỏ là nó có mặt, ấy vậy thôi mà không dễ làm, tại sao?

Trong một ngôi chùa lại càng khó hơn bạn ạ! Nghĩa là người làm vất vả thay vì nhận được lời khen tặng, trái lại kẻ được hưởng lộc bày trò xáo trộn khen , chê. Ai mà chẳng có tự ái? Nói có tánh cách xây dựng nó khác lối nói xuyên xỏ trịch thượng. từ đó cho chúng ta thấy được nét sinh hoạt riêng tư được bình an hơn nét sinh hoạt của đại chúng. Bất cứ một góc cạnh nào cũng có người chủ tâm chia rẽ để làm xáo trộn mọi thứ, nhưng hãy xem đó là trò chơi quá ư rẻ tiền bạn ạ!

 

Trên bình diện lớn hơn phạm vi nấu nướng đó là việc xây dựng. Có người tỏ ra hiểu biết cao, rộng bàn luận đủ điều công trình xây dựng chùa. Từ nội dung cho đến ngoại hình, nó đòi hỏi sự vận dụng óc sáng tạo lâu dài, không phải dễ dàng nhìn ra vấn đề để lắp ráp tạo sự hài hòa. Lắm lúc người làm quên ăn, mất ngủ mới khám phá được những khuyết điểm để sửa sai. Trái lại có kẻ chuyên môn “Cưỡi ngựa xem hoa’ tỏ ra hiểu biết dư thừa – nhưng đáng tiếc chỉ nói suông. Vì nói không phải trả tiền nên cứ nói đại cho vui.

 

Thiết tưởng, phàm muốn bình phẩm nhà người phải xem lại nhà mình có gì hơn họ không? Nhưng dù sao cũng phải hiểu tầm nhìn cân đo tỷ lệ khá quan trọng trên bình diện cấu trúc. Ngôi nhà tư riêng có khác nơi chùa chiền từ địa lý cho đến phong thủy. Cứ ỷ y nhắm mắt làm đại rồi sẽ hiểu lễ độ ra sao? Ngôi chùa phát triển được hay trái lại, tất nhiên có nhiều yếu tố chính và phụ. biết dung hòa phong thủy của trời đất để xây dựng cơ ngơi vẫn tốt hơn kẻ mù mờ thêm tính bài bác xem thường trời đất, quỷ thần. Nói tóm lại kẻ khiêm nhường quán thông phương tiện sẽ nhận được nhiều sự đãi ngộ của trời đất cảm ứng bất khả tư nghì. Nên nhớ cho, ngăn ngừa việc xấu hơn là đối phó những việc xấu hằng ngày.

 

Quán chiếu cổ kim để học hỏi bậc trưởng thượng dày dạn kinh nghiệm, tôi cảm thấy thích thú! Từ lãnh vực thi ca cho đến hội họa, nhiếp ảnh và các môn học khác tôi đều học hỏi thực tập và nghiên cứu. Có nhiều tiền không thể mua được những kiến thức thực dụng này. Khả năng lãnh hội sự truyền trao của nghệ thuật nó không khác trường phái nhà thiền. Đột phá được vấn đề có nghĩa rằng phải có bản lãnh trực diện. Với tôi, không có gì lý thú cho bằng vận dụng khả năng nhạy cảm “ăn cắp” nghề! Nghĩa là đột nhập trung tâm ký ức khai thác sở trường để rồi cung kính đảnh lễ và trân quý hơn là đủng đỉnh van xin. Có lẽ do tính đột phá mà những nhân tài có mặt khắp nơi phát huy truyền thống đặc thù văn hóa dân tộc.

 

Chia xẻ là đức tính tốt đẹp của người thực tập đạo giác ngộ. Tuy nhiên, đức tính hội nhập không nên khép lại để thành kẻ cô đơn bên bờ đại mộng. Vâng! Những con đường đều dẫn đến mục đích muốn tới để được bằng lòng. Những dòng sông nước chảy thầm lặng về đâu sẽ có nơi chốn hội ngộ và chan hòa. Hôm nay và ngày mai vẫn có kẻ thúc thủ hay vươn mình cũng là để đón nhận. Bạn ơi! Hãy đón nhận một ngày mới đầy ý nghĩa cho mình và tha nhân trong niềm hoan hỷ.

 

Ô hay! Trời đất vẫn chuyển mình, bạn hãy bằng lòng với những gì trong tầm tay đang có. Phước đức vô ngần khi ta có mặt trên trái đất này và sống bình an. Đâu phải trên cõi đời này ai muốn bình an cũng được. Thực sự có tu nhiều kiếp mới có được cái Bồ Đề Tâm. Nếu không có bồ đề tâm, e rằng mai hậu khó mà gặp được Phật Pháp và chúng Tăng. Dù cho chướng duyên còn thử thách lòng người, đường ta, ta cứ đi hướng đến phương trời cao rộng. không đi làm sao đến được chứ? Đường nào đã chọn nên bằng lòng dấn thân mà đi sẽ đến.

 

Đúng vậy! “chết”. còn có phía sau dài lắm bạn ạ! Thà phát nguyện đi trên lộ trình giác ngộ vẫn hơn. Thà cố gắng làm việc gì đó cụ thể để đại chúng ghi nhận công đức hơn là chỉ biết mình mà thôi. Bạn nên thực tập thiền quán hơn là hí luận đôi ba câu chuyện về thiền. Ừ nhỉ! Cứ vui lòng quét nhà, lau bàn hay rửa bát còn hơn khinh dễ người đang bòn phước đức hoặc tụng kinh, niệm Phật còn hơn ngông nghênh “cưỡi ngựa xem hoa” bình phẩm những người cố công thực tập chữ nhẫn để hành đạo. Thà tụng niệm nương nhờ oai lực chư Phật và Bồ Tát độ cho người chết cũng là độ cho người sống - nhiều thế hệ còn hơn lạc lối quay về. Ai bảo linh thức người chết không còn nghe. Đừng cố tình phản bội truyền thống dân tộc có chiều dài lịch sử hơn bốn nghìn năm. Thật kỳ lạ, có người thuyết minh nhiều về trạng thái “Cận Tử Nghiệp” mà không phát nguyện đứng bên giường bệnh người sắp chết để thấy hiện tướng của cận tử nghiệp thế nào. Khá ư phức tạp! Đón nhận cái chết trong bình an không phải là chuyện dễ làm. Do vậy nhà thiền có câu: “Sanh tử đại sự” Nghĩa là sinh tử là việc trọng đại nhất của đời người phải thực tập hằng ngày mới có thể quán thông. Đạo Phật xây dựng niềm tin trên nền tảng tuệ giác bạn ạ! Niềm tin mù quáng rất có hại cho mình và truyền đạt cho tha nhân. Người hành giả kinh qua những biến cố đời sống tâm linh lấy đó làm bài học chuyển hóa. Năng lực chuyển hóa nó có thể đúc kết bằng sự trả giá cho thời gian. Cái giá phải trải bạn được đổi một hiện vật nào đó có khác cái giá phải trả mà không nhận lại cái gì hữu dụng. Sự cảm nhận vô ngôn cũng khá bí hiểm vô cùng! Giòng tư duy có trải dài, trải rộng hay chỉ là cô đọng, nói đúng đắn nó là sở thích của tâm và thức kết hợp trung hòa. Do vậy, tính thể vô minh hay giác ngộ không hai, không khác. Cái thể vô minh không có thực thì làm sao cho rằng bản sắc giác ngộ tồn tại một nơi nào. Sinh diệt tương tục trên dòng sống hữu tình đa năng dị chủng. Duyên sinh thì cũng do duyên diệt để hiểu sự luân lưu bất khả tư nghì. Có lẽ ai cũng trải qua hơn một lần sinh diệt để gặm nhấm từng mảnh vỡ của trần gian. Thể hiện để liễu nghĩa sắc không chẳng phải chuyện đùa, tuy nhiên đa số chúng ta thích nói hơn là muốn biết sự thật qua ứng dụng hạ thủ công phu.

 

Những gì tôi minh họa trên đây đều là quan niệm của đời sống hằng ngày. Dĩ nhiên, học làm người không cần bằng cấp, miễn sao đem quan niệm áp dụng vào đời sống để phát sinh sự an lạc là đủ rồi. Không có gì bất hạnh cho bằng cuộc sống thiếu sự an lạc, phải không bạn? Những bậc thầy hành đạo không thiếu cố gắng từng giây phút để đoạn trừ phiền não, dứt sạch phiền não là giác ngộ hiển bày. Hãy bình tâm phát nguyện mãi mãi thể hiện tinh thần BồTát Đạo.

 

Kính lạy Chư Phật! Cho dù đời có ra sao con vẫn phát nguyện dấn thân trên lộ trình giác ngộ. Để kết thúc bài này-tôi xin khuyên:

 

Này các người Phật Tử, đừng bao giờ dụ người khác bỏ đạo truyền thống mà lại vinh danh và tôn thờ những người thánh tử đạo. Như thế nào được gọi là thánh tử đạo?

 

 Đón Xuân Tân Mão - 2011

 

 Quảng Thanh


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
)