Cấu Trúc Văn Hóa
Nếu ai đó lâu lắm không có dịp đến thăm chùa Bảo Quang, nay trở lại sẽ ngạc nhiên vì sự đổi mới rất nhiều. Nghĩa là công trình xây dựng khá quy mô theo lối kiến trúc Á Đông.
Nói đến kiến trúc, mỗi quốc gia đều có những nét đặc thù riêng, tuy nhiên những nét đặc trưng văn hóa cốt lõi vẫn là truyền thống của dân tộc. Gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc hài hòa theo nền văn minh hiện đại, việc ấy khó làm – tuy nhiên nếu có cơ hội chúng ta nên thực hiện để thấy rằng bản sắc văn hóa rất quan trọng cho dù hoàn cảnh có ra sao.
Người Việt Nam lưu vong khắp nơi trên thế giới, hầu như ai ra đi cũng đều mang theo quê hương. Quê hương và trái tim rất kỳ diệu bạn ạ! Trái tim can đảm hay trái tim chỉ biết sợ hãi và thúc thủ, sự cụ thể của nó được hình thành trong từng nếp sống của con người với thời gian. Chứng tích thời gian không bao giờ bỏ quên những người quả cảm vì lý tưởng. Nếu muốn viết một trang sử về cuộc đời, ta nên bắt đầu bằng công việc phôi thai. Nghĩa là dám đương đầu trực diện với mọi vấn đề khó khăn. Trả giá để hoàn thành cả một sự chọn lựa của tư duy.
Những tưởng, những ngôi chùa cổ xưa từ Bắc vào Nam đều là biểu trưng nét đặc thù văn hóa Việt Nam. Mỗi ngôi chùa từ hình thức đến nội dung mang sắc thái văn hóa đa dạng. Do vậy, mỗi ngôi chùa là một trung tâm văn hóa đáng kể. Trải qua bao thời kỳ chiến tranh khốc liệt Phật giáo chịu sự thăng trầm theo vận nước, những sắc thái đặc thù vẫn tiêu biểu sức sống của một dân tộc vươn lên.
Chúng ta quả quyết thế cho nên truyền thống văn hóa được bảo tồn và phát huy từ trong nước ra hải ngoại. Phật Giáo luôn luôn thích nghi từng mỗi hoàn cảnh để tự tồn và phát triển. Ngày nay Phật Giáo hải ngoại xây dựng những cấu trúc tiêu biểu văn hóa Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, đồng thời giới thiệu những nét đặc thù văn hóa-nghệ thuật Việt Nam đối với các sắc dân hiện có trên đất nước Hoa Kỳ. Hi vọng từ đây cho đến hai mươi năm sau Phật Giáo sẽ có nhiều cống hiến quy mô hơn để hãnh diện cộng đồng người Việt hải ngoại. Những hoài bão của cộng đồng Phật Giáo Việt Nam hải ngoại luôn luôn không quên cố gắng và hứa hẹn hoàn thành những công trình tiêu biểu của một trung tâm Văn Hóa Việt Nam.
Chùa Bảo
Quang tại thủ đô người Việt tỵ nạn là một trong những cấu trúc khiêm nhường, cụ
thể của những ngôi chùa cụ thể mà cộng đồng người Việt đã và đang vươn mình
trong thế giới văn minh hiện đại.
Nhìn thẳng vào phương trời cao rộng để hiểu rằng tâm con người không khác vũ trụ lưu chuyển nhiệm mầu. Thật vậy, nếu không có tâm thức cảm nhận sự vận hành của vũ trụ lưu chuyển nhiệm mầu, thì tất cả mọi thứ đều bị bỏ quên. Mấy tầng không, ôi mấy tầng không; máu ai hòa lẫn dòng sông bồng bềnh. Những bao hạt nắng bỏ quên. những bao tâm sự buồn tênh cuối trời. Chơi vơi sỏi đá chơi vơi, tiếng ru của gió mộng đời tỉnh ra. Bước dài, bước ngắn kinh qua. Điểm nào cứu cánh cho ta hội đàm. Ưu tư nào những bất kham. Ngộ rồi hội nhập ta làm chứng nhân. Ấy là tiềm năng sáng tạo kẻ sĩ chưa quên.
Thử hỏi thân phận người tỵ nạn nào không là chứng nhân của những biến cố lịch sử? Nếu phải thế, xin gìn giữ tấm lòng đẹp, một tấm lòng nhân ái vị tha.
Thể hiện văn hóa, có những công trình sáng tác như: văn – thi – ca, điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh nghệ thuật, thư pháp, cắm hoa, xây chùa, đúc chuông… Mỗi chúng ta đem khả năng vận dụng sáng tác để cống hiến cho đại chúng là thể hiện truyền thống của các bậc tiền nhân, thầy tổ.
Hy vọng chùa Bảo Quang hoàn thành toàn diện cấu trúc, từ nội dung đến hình thức không những bảo tồn được những nét đặc trưng văn hóa mà còn xác định lập trường người Việt tỵ nạn Cộng Sản.
Xưa và nay, yếu tố tâm linh là năng lực phi thường, chúng ta hàng triệu người hướng về quê hương và cầu nguyện… Chúng ta tin tưởng thời hậu Cộng Sản sẽ có, đừng bao giờ đánh mất niềm tin.
Chúng ta quan tâm nhiều hơn tranh đấu cho Việt Nam sớm có tự do dân chủ.
Văn hóa là tiếng nói trung thực nhất của người vì lý tưởng mà lưu vong. Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam là sứ mệng thiêng liêng của hằng triệu người trong và ngoài nước.
Tùng Dương