Một năm có bốn mùa, nhưng không khí mùa hè đáng ngại nhất. Nhiệt độ chỉ số 100oF với Cali thì thật là khủng khiếp! Cali mệnh danh vùng nắng ấm - khí hậu dễ thương. Người Việt hải ngoại có câu:
“Cali đi dễ khó về
Về rồi mới biết vỗ về nhớ thương”.
Tất cả hầu như phát xuất từ tấm lòng ưu ái. Thật vậy, nếu ưu ái người ta mới mến thương và thể hiện tình người để mở cánh cửa của tâm hồn lùa vào không khí tươi mát cảm nhận an vui.
Ai cũng hiểu được rằng tâm hồn có tươi mát thì đời mới có an vui nhẹ nhàng yêu đời. Trạng thái an vui nó được kết duyên bằng nhiều yếu tố nội và ngoại tại, tuy nhiên yếu tố ngoại tại hay bị chi phối bởi biến thể vô thường. Chợt đến – chợt đi ý niệm vô thường có thể chi phối lòng người vô hạn. Do vậy, chúng ta mãi đi tìm nguồn vui đích thực để tâm hồn được ngơi nghỉ bình yên.
Vâng! Có những việc làm cụ thể khơi dậy niềm vui đáng kể. Như hát một bài ca tặng ai đó, đọc một vài câu thơ tặng người tri kỷ khi uống trà đối ẩm, kể câu chuyện dí dzỏm trào phúng dân gian xưa cổ, chia xẻ bằng cả tấm lòng nâng đỡ tinh thần vì người bạn vừa vấp ngã hôm qua v.v...Có những thứ không thể mua được bằng tiền bạn ạ! Bởi vì ngôn ngữ chỉ là một phần rất nhỏ nhoi, sự cần thiết hơn hết đó là hành động chân tình.
Lâu lắm rồi tôi quá bận Phật sự đa đoan cho nên không đến thăm hỏi và phát quà cho những người không nhà. Nay trở lại quan sát, tôi thấy vắng bóng một số người mà không hiểu vì sao? Vì sao chẳng hiểu tại vì sao! Có lẽ họ vì bệnh hoạn hay đã qua đời? Với tôi nó chỉ là câu hỏi mà chưa có câu trả lời, tôi thầm cầu nguyện cho họ trở lại đời sống bình thường và an lành trong mọi ngày.
Những người thiện nguyện nấu nướng và phát cơm cho những người không nhà lúc nào cũng vui vẻ. Thấy mọi người xếp hàng lấy thức ăn rất cảm động, vì hoàn cảnh họ mới đành như thế để đẩy đưa cuộc sống qua ngày. Đa số đều mắc bệnh tâm thần, âu cũng là nghiệp dĩ. Mặc dù ngôn ngữ bất đồng chủng tộc, tuy nhiên qua cách thể hiện hành động chia xẻ, tôi hiểu được trước và sau còn có gì để nói và để làm.
Công thức nấu ăn trở nên nề nếp chu đáo rất đáng kể. Tôi thành thật cảm ơn những tấm lòng vàng thể hiện việc làm có ý nghĩa.
Người xưa có câu:
“Bởi lòng người đẹp nên thứ gì cũng đẹp”
Nói nhiều mà chẳng làm chi hết thì người không nhà mất cơ hội hôm nay. Anh làm và chị cũng làm, mỗi người một việc ấy là nghĩa cử tốt đẹp để xoa dịu thương đau nỗi niềm bất hạnh nào đó. Cơm gạo xứ này thật là thừa thãi, nhu cầu ăn mặc chẳng thiếu chi, tuy nhiên lắm lúc người bệnh hoạn vẫn thấy thiếu thốn một bữa ăn tạm đủ trong khi lòng đói khát theo nghĩa thường tình. Thân phận nào cũng là thân phận đáng thương.
Có một nhà báo Orange County phỏng vấn tôi sự phát xuất bữa cơm tình thương với những người không nhà. Câu chuyện khá dài dòng như muốn khai thác tư duy của tôi và mọi người để tìm hiểu và ghi nhận. Sau cùng họ hỏi ước vọng của tôi như thế nào khi thực hiện bữa cơm tình thương cho những người không nhà trải qua 13 năm?
Tôi trả lời chẳng có ước vọng chi ngoài cảm nhận được niềm vui khi cùng mọi người thể hiện tinh thần chia xẻ bất phân. Nghĩa là làm việc bình đẳng đối với mọi người qua cung cách bình dị chân tình. Chúng tôi không mang ý thức vụ lợi qua việc làm ấy! Của thập phương gom góp lại làm việc nghĩa, ấy là niềm hạnh phúc lớn lao khi giáp mặt cuộc đời. Đối diện với tha nhân cố nhiên đa dạng và cần tế nhị để duy trì công việc tốt đẹp. Nhạc Trịnh có câu:
“Ngày sau sỏi đá vẫn cần có nhau”
Nói khác đi, “Có ai mà không có lòng không nhỉ– hình như người cũng nghĩ như tôi”, một nhà thơ nào đó đã viết thi vị như vậy.
Với tôi tiếp cận thi ca để thể hiện việc làm có ý nghĩa. Tôi ý thức một người không thể làm nên tất cả, nhiều bàn tay sẽ vang dội thính đường. Người làm nên sự nghiệp lớn, hẳn nhiên có hai phần ba sức lực của người cộng sự nhiệt tình. Thành thật cảm ơn và xin cảm ơn! nêu hiểu rằng: góc độ nào cũng có giá trị khả kính, khả ái.
Chữ tán dương suối nguồn, biển cả
Một niềm vui tung cánh bay xa
Cung điện ấy vẫn còn ngự trị
Những vì sao lấp lánh ngân hà
Lòng thể hiện tỏ bày cung cách
Cánh hoa nào hồng thắm trên môi
Sức kiên nhẫm cưu mang hạnh nguyện
Mặc thời gian lặng lẽ buông trôi
Có bao giờ mây ngừng ở đó
Và lắng nghe âm điệu trùng dương
Có bao giờ gió qua phố cũ
Để ngắm nhìn chứng tích thân thương
Có bao giờ giao mùa liên tưởng
Cánh Thu phai âm hưởng niềm riêng
Tâm hồn đẹp vòng tay kết nối
Bóng trăng soi đỉnh ấy bình yên
Có bao giờ bằng lòng thực tại
Để tâm hồn cặn bã lắng sâu
Ai chưa qua chiếc cầu phiền não
Giữ hộ tôi những hạt ngọc châu
Lòng thử thách hay đời thách thức
Bàn chân gầy sỏi đá kinh qua
Yêu lý tưởng lòng này quả cảm
Cuộc hành trình chẳng ngại đường xa
Biết rằng ngôn ngữ dễ rơi vào trận đồ khách sáo, song ngôn ngữ này phát xuất tận đáy lòng ghi nhận và biết ơn. Những tưởng có những việc làm không cần ai biết, vả lại có biết cũng chỉ để khen tặng đôi lời. Mình làm việc tốt đẹp, đức Phật và Bồ Tát đã chứng minh. Hãy nhớ cho rằng, nơi Tịnh Độ – Niết Bàn đã để dành một tòa sen cho những người có tấm lòng quảng đại và hạ thủ công phu. Sách có câu:
“Bửa củi – giã gạo – xách nước – là công phu đệ nhất”!
Người không phát nguyện thì Phật đạo khó mà thành. Bồ tát phát nguyện vô lượng kiếp cứu độ chúng sanh rồi mới thành Phật. Bồ Tát không có ý niệm kỳ vọng tương lai. Sự kết quả nào cũng đều có nguyên nhân bạn ạ! Người cường điệu lý luận và phê phán chưa hẳn là trí thức đáng tin. Thánh nhân chưa bao giờ hành xử như vậy. Nghĩa là la lối om xòm mà không dấn thân hành động thực tế, thì chẳng có gì đáng để học hỏi. Trên đời có nhiều người rất thích xử dụng chữ nghĩa để đỡ tay chân. Giả sử không có ngôi chùa làm sao có điểm tựa để diễn giảng đạo lý giải thoát. Không có cái bếp để nấu nướng làm sao có thức ăn để giúp cho người không nhà? Thực tế nó là vậy không thể nào chối bỏ và luận lý không tưởng. Nếu dùng ý thức so sánh chúng ta biết mặc cảm những gì yếu kém để trỗi dậy và vươn lên, hành động ấy là quân tử tính. Giữa đạo này và đạo khác tất nhiên phải có sự so sánh từ hình thức lẫn nội dung. Triết lý rất hay tuyệt vời nhưng không thể đáp ứng nhu cầu người đang đói khát. Phật không bao giờ thuyết pháp cho người đói nghe, trong kinh nói như vậy. Nghĩa là người đói được ăn no đủ sẽ cảm nhận được triết lý sống thực giữa cuộc đời khổ đế. Đạo lý giác ngộ và giải thoát cũng vậy. Ăn mặc no đủ tâm hồn mới phát sinh trạng thái sung mãn. Người đói pháp sẽ không chết, tuy nhiên người đói khát thực sự sẽ chết. Do vậy, sinh lực trí tuệ có ảnh hưởng nhu cầu vật chất.
Đức Phật dạy: “Đừng nên sử dụng dây đàn quá chùng, vì nói không đủ năng lực để phát tiết âm thanh, vả lại nếu dùng dây đàn quá căng thì âm thanh sẽ chát chúa khó nghe. Nếu dây đàn không căng cũng không chùng thì âm thanh sẽ tuyệt diệu! Người thưởng thức âm thanh tâm hồn lắng đọng và giao hưởng. Do vậy, người hành đạo không nên cố chấp ngôn ngữ làm cứu cánh của đời sống ưa thích, cũng không nên ưa chuộng bề ngoài để lấy làm hãnh diện. Một tâm hồn biết dung hòa nội và ngoại tại rất đáng quý”.
Những ai mang cơm cho những người không nhà là thể hiện hạnh Bồ Tát. Những người vào nhà dưỡng lão hay bệnh viện an ủi bệnh nhân là thực hiện sứ mệnh của Bồ Tát. Hãy bằng lòng đứng lên, vì đạo cứu đời bạn ơi! Kiếp này làm việc từ thiện thì kiếp sau được nhiều duyên phước lành tốt đẹp. Không có gì ngẫu nhiên mà thành tựu sự thật bạn ạ! Niềm đau nào đó nó có tác dụng tâm lý thực sự, nếu ai đó xả kỷ hay khắc kỷ thì tự mình sẽ hiểu được trạng thái ra sao, cũng như người uống nước sẽ cảm nhận được tính chất nóng, lạnh của nó.
Vâng! Tu là chọn con đường để đi đến, cho dù đi xe hay đi bộ cũng sẽ đến nếu quyết chí ra đi. Khi đã đến điểm cứu cánh để làm gì? Ấy là điều đáng hỏi. Nếu lầm tưởng cứu cánh Niết Bàn là nơi để an hưởng...Có lẽ quan niệm ấy quá thụ động bạn ạ! Chúng ta thử quán chiếu, bao nhiêu lần chúng ta đã đạt mục đích và còn gì sau đó phải thực hiện để nâng cao trí tuệ.
Nói tóm lại, người dám dấn thân để làm chiếc phao cuối cùng cho một tâm hồn nào đó mà không đặt điều kiện ấy là Bậc Bồ Tát đó vậy.
Xin chúc tốt đẹp đến với những ai xả thân hành đạo cứu đời. “ Bồ Tát và chúng sanh đồng cư độ”. Hãy cảm nhận bằng cả tấm lòng vị tha trên lộ trình giác ngộ.
Cali Hè – 2007