- - Thư tòa soạn
- - Vu Lan Thương Cha, Nhớ Mẹ Nhớ Nước Non Nhà / HT Thích Chơn Thành
- - Truy Tìm Nét Đẹp - Thanh Trí Cao
- - Những sắc thái đặc thù của Phật giáo - Nguyễn Trần Ai
- - Tâm hiếu của thiền sư Tông Diễn - Như Hùng
- - Phép lạ và sự giầu có - Hạnh Chi
- - Phật Giáo Tinh Hoa và Phát Triển - Tùng Sơn
- - Bà Thanh Đề và Nữ Giới Trong Phật Môn - Tâm Phú
- - Nếp Sống Tỉnh Thức - Thích Nữ Giới Hương – (dịch)
- - Dấu Xưa - Nhuận Hùng
- - Danh Ni Truyện/ Bhadda - Ngọc Bảo
- - Tôn giáo tốt nhất - Tịnh Tâm
- - Túi tham nghiệp dĩ - Nguyễn thị Mắt Nâu
- - Bàn về nhân duyên nhân quả - Diệu Huyền
- - Hành khúc Bảo Quang - Thơ Thanh Trí Cao/ nhạc Nam Hưng
- - Mười Hai Cách Tạo Nghiệp Tốt - Cư sĩ Lillian Too- Thich Nguyên Tạng dịch/ Mỹ Tâm Trinh sưu tầm
- - Thiền Ngữ Qua Thi Ca - Như Hùng
- - Gió Hạ - Huệ Trân
- - Một Chút Đồng Cảm Với Cụ Tiên Điền Nguyễn Du/ Thanh Thủy
- - Những dòng sông định mệnh - Thanh Thái
- - Tôi Nợ Nhiều Người - Kiều Mỹ Duyên
- - Người đi tìm tình thương - Diệu Trí
- - Biển Cả và Linh Hồn - Thiện Tâm
NGƯỜI ĐI TÌM TÌNH THƯƠNG
Diệu
Trí
Hoàng hôn buông xuống đem đến u buồn vơ vẩn, đem thương nhớ sống lại trong lòng. Nhìn đàn chim cùng nhau tung cánh bay về tổ ấm, ngồi trong khung cửa, Hà My bâng khuâng mặc cho hai giòng lệ tuôn rơi. Nhìn bầu trời với nhiều nỗi khó tả, Hà My đã từng chịu đựng cảnh này nhiều lần, sau mỗi lần bị mẹ kế mắng nhiếc. Hà My nghĩ: “Thân phận của một kẻ mồ côi mẹ là như vậy.”
Bởi thế cho nên ca dao đã có câu:
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng!
Hà My chợt nhớ, chỉ còn vài ngày nữa là lại đến lễ Vu Lan rồi, nhớ đến mẹ nên nàng cảm tưởng đây là một buổi chiều thê lương, ảm đạm, một buổi chiều vàng đã làm Hà My nhớ lại cảnh đời cay nghiệt của mình. Hà My nghĩ: “Chiều hôm nay sao lại oan trái đến thế?”
Nhớ lại dĩ vãng, mẹ Hà My mất khi tuổi hồng vừa đến, Hà My là một con bé mười tuổi. Còn nhớ rõ, trước khi trút hơi thở cuối cùng, mẹ nàng đã thều thào nói:
“Mẹ chết rồi, con về ở với ngoại!”
Lúc đó còn nhỏ nên Hà My chẳng hiểu gì, nay nàng đã hiểu!
Hà My về ở với ngoại dưới quê được 5 năm, được sống trong sự thương yêu của ngoại, giống như người mẹ thứ hai, nhưng sau đó ngoại lại qua đời, nên Hà My không còn sự lựa chọn nào khác, phải về ở với ba và mẹ kế.
Ba Hà My không phải không thương nàng, nhưng phải đi làm xa, nên không thấy được những sự việc thường xảy ra giữa Hà My và mẹ kế, những gì Hà My phải chịu đựng. Mỗi lần về gặp Hà My ba thường hỏi: “Mẹ kế có thương yêu con không?”
Nàng chỉ mỉm cười và nói: “Mẹ vẫn thương con, ba yên tâm đi!”
Nhưng ba có biết đâu, Hà My sống với mẹ kế và 2 em cùng cha khác mẹ, phải hầu hạ, nấu cơm, rửa chén, quét dọn nhà cửa, giặt dũ áo quần
giống như một người giúp việc nhà không công. Hà My vẫn được đến trường, nhưng công việc nhà phải lo chu đáo, mà mẹ kế vẫn không hài lòng, nếu có lỡ quên việc gì thì bị mẹ kế xỉ vả, mắng nhiếc thậm tệ. Những lúc đó Hà My cảm thấy thật là bất hạnh, có lúc thật bơ vơ, trống trải.
Hà My nhớ lại những ngày còn nhỏ ở với mẹ, sống trong tình yêu thương, Hà My cảm thấy rõ tình yêu thương chân thật của mẹ dành cho con. Đúng vậy, mẹ cho con tình thương yêu không mỏi mệt, vì mẹ là chỗ bắt đầu của ngưỡng cửa tình thương!
Mẹ là một kho tàng quý giá, cho con cơm no áo ấm. Mẹ là một vị bác sĩ không quản ngại giờ giấc lo cho con bữa ăn, giấc ngủ, theo dõi săn sóc sức khỏe cho con. Mẹ là một vị y tá chăm sóc, giặt giũ, tắm rửa cho con khi con còn thơ dại, dẫn con đến trường và đón con sau giờ tan học. Mẹ là một vị luật sư riêng để bảo vệ cho con. Mẹ là một vị thầy dạy học, mẹ dạy con câu nói đầu đời khi con tập nói; chỉ dạy mọi lẽ phải để con vào đời. Mẹ khuyên dạy con học hành và trau dồi để trở thành người hữu ích. Mẹ là một nhà tâm lý học giúp đỡ con những nỗi khó khăn khi con bị vấp ngã, hoặc cố vấn, an ủi cho con khi con bị trắc trở việc gì.
Tình mẹ cho con cao cả, tôn quý trong sạch, thơm ngát như hoa ngọc lan, tươi sáng như hoa hướng dương, dịu hiền như đóa hoa hồng và thắm đượm như hoa cúc.
Tình mẹ ngọt ngào, nhẹ nhàng, tươi mát như dòng suối không bao giờ cạn. Mẹ chịu đựng nhiều gian khổ để bảo vệ con, mong sao con được bình an!
Ôi mẹ còn đâu để an ủi, hai hàng nước mắt
đang tuôn rơi, Hà My cố nén nghẹn ngào, nàng mở cửa bước ra sân. Hà My nhìn lên bầu trời, nhiều vì sao đang lấp lánh chiếu - bỗng Hà My nhìn thấy ngôi sao hôm lớn nhất đang tỏa ánh sáng chiếu vào mặt, khiến cho tâm hồn cô bớt hiu quạnh. Ánh sáng tuyệt diệu của vì sao từ trên trời cao rọi xuống cho Hà My thấy rõ được sự bao dung cho một tâm hồn đơn côi. Mắt Hà My sáng lên và nghĩ : phải chăng đây là một thứ ánh sáng đặc biệt, ánh sáng của mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát, mà mỗi khi buồn khổ Hà My vẫn cầu đến Ngài? Hà My vội kêu lên:
-Mẹ ơi! Dù Hà My đã mất mẹ lâu rồi, nhưng nay con đã tìm ra nguồn ánh sáng mới!
Rồi nàng chắp hai tay khấn nguyện.
-Bước trở về phòng, đóng cửa lên giường nằm, Hà My ngủ lúc nào không hay. Mới sáng sớm ngày hôm sau, lúc mọi người còn đang yên giấc, cô vội tắm rửa thay áo quần tươm tất, mở cửa bước ra đường. Nàng đứng lại trước cửa nhìn lại ngôi nhà, nơi đã được mẹ sinh ra, rồi quỳ xuống trước cửa lậy 2 lạy, lẩm bẩm nói:
- Ba ơi! Con ra đi lúc ba vắng nhà, nhưng con nghĩ nhờ có công cha lo liệu mọi điều, giúp đỡ cho mẹ nhiều phương tiện để nuôi con, nên con mới được lớn khôn như ngày nay. Con xin lạy hai lạy tạ ơn cha, bởi vì:
“Công cha như núi như non
Hy sinh tất cả để con nên người!”
Hà My bước đi trên con đường đất quanh co ở ngoại ô thành phố, con đường quen thuộc dẫn đến chùa Quan Âm, nơi thờ mẹ. Đây là một ngôi chùa sư nữ. Vị sư trưởng là sư bà Thích Nữ Như Huệ, rất từ bi và nhân ái, giúp đem niềm vui đến cho mọi người, an ủi giúp đỡ những người buồn khổ, bệnh tật, cô đơn.
Đã nhiều lần Hà My về chùa xin Sư bà cho thọ tam quy, ngũ giới, thọ Bồ tát giới và thực hành ăn chay trường được ba năm. Đúng mùa Vu Lan năm đó, chùa Quan Âm có thỉnh các bậc cao tăng đến làm lễ Vu Lan và dành một lễ thọ giới xuất gia cho những Phật Tử nào đã có cơ duyên. Hà My được thọ giới Sa Di, có pháp danh là Diệu Tịnh. Kể từ đó, cô ở lại chùa Quan Âm, dốc lòng tu tập theo sự chỉ dẫn của sư phụ Như Huệ, theo con đường chánh đạo của Đức Phật đã đề ra. Nơi đây sư cô Diệu Tịnh đã tìm thấy tình thương của chánh pháp và cứu độ lại chúng sinh đau khổ. Sau 50 năm, giờ đây Sư Bà Diệu Tịnh đã trở thành vị sư trưởng của chùa Quan Âm do sư phụ Thích Nữ Như Huệ truyền trao lại sau khi viên tịch.
Nhân mùa Vu Lan đang tới, chúng ta hãy thành tâm đến chùa kính dâng hương cúng Phật, cầu cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, cầu cho cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ và những người thân yêu đã quá vãng được siêu thăng nơi miền Tịnh độ, cho cha mẹ hiện tiền thân tâm an lạc. Xin tặng những ai còn cha mẹ một bông hồng nhung đỏ thắm, vì:
Có cha có mẹ thì hơn
Vắng cha, mất mẹ như đờn đứt giây.
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát
Mùa Vu Lan, Phật lịch 2556-2012
Diệu Trí