- Những sắc thái đặc thù của Phật giáo

25/06/201112:00 SA(Xem: 10354)
- Những sắc thái đặc thù của Phật giáo

NHỮNG SẮC THÁI ĐẶC THÙ

CỦA PHẬT GIÁO

 

Nguyễn Trần Ai

(tiếp theo kỳ trước)

IV.3.C. KINH BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA (Prajnaparamita sutra) dịch nghĩa là Trí Độ tức là trí huệ siêu việt độ người sang bờ bên kia (Giác Ngộ). Parami Tàu dịch là bwo lwo mi tức ba la mật. Từ ngữ Hán-Việt “ba la” có nghĩa là quả dứa, “ba la mật” có nghĩa là quả mít hay mật của quả dứa có vị ngọt. Tán rộng ra thì đấy là hương vị ngọt ngào thơm tho của Giác Ngộ.

 

Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa là bộ kinh vĩ đại nhất của Phật giáo Bắc truyền,

gồm 600 quyển chia làm 3 tập 3.000 trang khổ lớn. Người ta cho rằng chính ngài Long Thọ là tác giả của Kinh. Toàn bộ Kinh đã bị quân Hồi giáo tiêu hủy khi đánh chiếm đại học Phật giáo Nalanda, may còn những bản dịch ra Tạng ngữ và các bản Hán dịch của Cưu Ma La Thập (344-413), sơ tổ Thiền Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-866), Pháp Nguyệt, Bát Nhã và Lợi Ngôn, Trí Tuệ Luận, Pháp Thành, Thi Hộ. Bản dịch phổ biến nhất ở Việt Nam là của ngài Huyền Trang dịch năm 649 sau khi thỉnh kinh về tuy bản này thiếu phần khai kinh và phần kết luận hoan hỉ vâng làm theo của chư vị nghe giảng kinh. Các phần này có trong bản Tạng ngữ.

 

Trước bản dịch của ngài Huyền Trang đã có một số bản dịch từng phần của Kinh:

1. Kinh Đạo Hành Bát Nhã, 10 quyển của Chi Lâu Ca Sấm (Chih Lou Chia Ch'an) sa môn xứ Nguyệt Chi đến Lạc Dương năm 147 (đời Hậu Hán).

2- Kinh Đại Minh Độ, 6 quyển của Chi Khiêm (Chih Ch'ien) sa môn xứ Nguyệt Chi (đời Đông Ngô).

3- Kinh Phóng Quang Bát Nhã, 20 quyển của Vô La Xoa (đời Tây Tấn).

4- Kinh Quang Tán Bát Nhã, 10 quyển của Trúc Pháp Hộ tức Trúc Đàm Ma La Sát (Dharmaraksa) người xứ Nguyệt Chi (đời Tây Tấn).

5- Kinh Ma Ha Bát Nhã Sao, 5 quyển của Đàm Ma Bì và Trúc Phật Niệm (đời Tiền Tấn). 6- Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, 27 quyển của Cưu Ma La Thập (đời Hậu Tần).

7- Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật, 10 quyển của Cưu Ma La Thập (đời Hậu Tần).

 

Có nhiều bản chú giải từ nhiều quốc gia, ở Việt Nam có bản của thiền sư Đạo Tuân Minh Chánh ở chùa Bích Động, tỉnh Ninh Bình, thời vua Minh Mạng là sớm nhất. Samuel Beal dịch ra Anh ngữ vào cuối tk XIX. Tiến sĩ Suzuki phân tích triết học Bát Nhã Ba La Mật Đa dưới 13 đề mục và và tôn giáo dưới 5 đề mục.

 

Kinh Kim Cương là một hội ngắn của kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (hội thứ 9), Bát Nhã Tâm kinh là sự thâu tóm một số điểm then chốt, tinh túy nhất của kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa. Trong cuốn Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền viện dẫn lời Minh Chánh Thiền Sư:

 

Bát Nhã Tâm Kinh là tâm-tông của chư Phật, là cốt tủy của các kinh, là ánh sáng của Bồ tát tu Đại thừa, là nguồn cội của chúng sanh trong pháp giới. Từ kinh này mà tất cả Như Lai đều sanh ra, nên kham xưng là mẹ Trí; lại trình đủ ba Thừa của kho điển, nên đáng gọi là Vua Tâm. Truyền rằng kinh này do Kinh Đại Bát Nhã mà ra. Văn tuy hết sức sơ lược, diệu nghĩa thật hoàn toàn, lý rất kín sâu, nhờ vậy Chân Không được tỏ. Ấn pháp này, Phật Phật truyền nhau; Đèn Huệ ấy, Sư Sư trao giữ.

 

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Prajnaparamitahridaya Sutra) là bản văn ngắn nhất về Bát Nhã, tóm lược bộ kinh Đại Bát Nhã. Bản Hán dịch của Huyền Trang có 262 chữ:

 

Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

 

Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.

 

Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.

Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức.

Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.

Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.

Vô khổ, tập, diệc, đạo. Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đỏa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.

Tam thế chư Phật, y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.

Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.

Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết

Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

 

Dịch ra Việt ngữ:

Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.

Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.

Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.

Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức.

Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.

Không có vô minh, mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.

Không có khổ, tập, diệt, đạo. Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.

Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.

Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.

Cho nên phải biết rằng Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối.

 Cho nên khi nói đến Bát nhã Ba la mật đa, tức là phải nói câu chú:

 Gate gate pàragate pàrasamgate bodhi svàhà.

 gate -- Lộ trình tích lũy hay tích lũy đạo

 gate -- Lộ trình chuẩn bị hay gia hành đạo

 paragate -- Lộ trình tri kiến hay kiến đạo

 parasamgate -- Lộ trình thiền định hay tu tập đạo

 bodhi -- Lộ trình vô học hay vô lậu học đạo

 

IV.3.D. KINH THỦ LĂNG NGHIÊM (Shurangama sutra) cũng liên quan mật thiết với Thiền Tông. Tên đầy đủ của Kinh là “Đại Phật Đỉnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ-Lăng-Nghiêm Kinh” (Ta-fo-ting-ju-lai-mi-yin-hsiu-cheng-liao-i-chu-p'u-sa-wan-hang-shou-leng-yen-ching) dịch là: “Kinh của đỉnh Đại Phật, chứng ngộ trọn vẹn do tu hành nguyên nhân bí mật của các Như Lai, nền móng của vạn hạnh của tất cả các Bồ Tát". Nguyên bản tiếng Phạn bô kinh này đã thất truyền, may còn lại những bản dịch.

Tương truyền Kinh Lăng Nghiêm do ngài Long Thọ (Nagarjuna) tìm được và được các vua chúa Ấn Độ coi như quốc bảo, cấm đem kinh này ra khỏi nước. Đời Nhà Tùy (581-618) ngài Trí Khải (538-597) sáng tổ Thiên Thai tông, nghe nói đến Kinh, suốt 18 năm mỗi ngày quay về hướng Tây tụng niệm cầu cho Kinh du nhập Tàu. Đến đời Nhà Đường (618-907) ngài Bát Lạt Mật Đế (Po-la-mi-ti, dịch nghĩa là Cực Lượng) người Trung Thiên Trúc, hai lần thử đem lén ra khỏi Ân Độ không thành, bèn chép Kinh chữ rất nhỏ trên lụa mỏng bọc sáp rồi mổ cánh tay dấu dưới da, băng bó cho lành lại mới đem ra được, năm 705 đến Quảng Châu trú tại chùa Chế Chỉ (tại chùa này, thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã ngụ 6 năm để dịch bộ kinh “Tượng Đầu Tinh Xá” trước khi sang Việt Nam). Lúc đó có Phật tử thuần thành Phòng Dung (Fang Yung) vốn là quan gián nghị đại phu bị nữ hoàng Võ Tắc Thiên (Wu Tzu-t'ien) giáng chức cho về làm quan tại quê nhà. Phu nhân lại thông thạo y lý bèn giúp mổ lấy được Kinh ra nhưng dính đầy máu mủ không đọc được nên gọi là “Huyết Tý Kinh” (Kinh thấm máu). Phu nhân nấu tấm lụa trong một dung dịch, tẩy rửa sạch máu mủ chỉ còn lộ ra chữ. Ngài Mật Đế ở lại chùa Chế Chỉ cùng Di Già Thích Ca, người nước U Trường (hay Ô Trành), dịch Kinh dưới sự bảo trợ của Phòng Dung. Có người cho rằng Mật Đế dịch nghĩa, Di Già Thích Ca dịch lời, quan Phòng Dung chấp bút nên ai đọc kinh Lăng Nghiêm cũng kính phục nghĩa lý cao siêu và văn chương tuyệt diệu.

Kinh dịch xong Phòng Dung dâng lên Võ Tắc Thiên. Bà không cho phổ biến vì lúc ấy đang có vụ kinh giả. Thiền sư Thần Tú cư ngụ trong hoàng cung tìm đuợc bộ kinh. Từ đó Kinh được các thiền sư phổ biến như Trường Thủy Tử Duệ (Ch'ang-shui Tzu-hsuan, Nhà Tống), Hám Sơn Đức Thanh (Han-shan Te-ching, Nhà Minh). Theo Hám Sơn, Kinh Lăng Nghiêm chỉ có thể được thông hiểu gián tiếp qua tri giác trung thực nhờ tu tập "Du già hiện sự", bằng cách loại trừ mọi dấu vết của sự phân biệt có ý thức.

 

Kinh được Ronald Epstein, giáo sư đại học California ở San Francisco, phổ biến ở Mỹ. Theo giáo sư, ta có thể nhận ra ảnh hưởng của Mật tông và Du-già hành tông, một tên khác của Duy thức tông, trong Kinh Lăng Nghiêm. Một trong những chủ đề được khai triển là tính vô hiệu của Pháp (sự giảng dạy) riêng biệt mà không có “định tam muội” đạt được nhờ thiền định. Sự quan trọng của việc giữ giới cũng được nhấn mạnh không kém. Hai chủ đề nầy được đề cập trong đọan mở đầu qua các điều không may của A-nan-đà.

 

Ông cũng là người giới thiệu với người Mỹ hòa thượng Thượng Nhân Tuyên Hoá (Hsuan Hua: 1918-1995), một trong những vị đại sư đề xướng Kinh Lăng Nghiêm, cũng là người báo động về các vị thầy không chân chính. Trong phần Dẫn Nhập cho cuốn “The Shurangama Sutra” đại sư tóm lược duyên do của Kinh:

 

Các nguyên nhân và điều kiện cho Kinh được tiết lộ tại “A Nan Đà xa ngã” trong đó ngài A Nan, tùng đệ trẻ nhất của Đức Phật, bị con gái của Ma Đăng Già (Matangi), một gái điếm, quyến dũ. May thay, Đức Phật biết trước đã chỉ thị vị bồ tát đại giác Văn Thù đi cứu A Nan... Rồi trong “A Nan Đà sám hối và tìm chân lý”, A Nan ý thức được rằng Đức Phật không thể ban sự cứu rỗi cho ngài được, ngài phải đích thân làm cuộc hành trình và tu đạo. A Nan lại xin Phật mở lượng từ bi dạy cho... 

 

Kinh nói rõ hơn:

 

Ông A Nan đang bị nạn, hết sức buồn rầu, chỉ còn chắp tay niệm Phật và hướng về Đức Chí Tôn để cầu cứu. Đức Phật cảm ứng được, nên khi vừa thọ trai xong không kịp thuyết pháp, Ngài liền trở về tịnh xá ngồi kiết già, phóng hào quang có hoa sen ngàn cánh và bắt đầu nói thần chú Lăng Nghiêm. Sau đó, Phật bảo ngài Văn Thù Sư Lợi đem thần chú ấy đi đến chổ nàng Ma-đăng-già để phá trừ tà chú cứu nạn cho A Nan... Trước khi nói về chơn tâm, Phật gạn hỏi ông A Nan bảy lần về nơi thường trụ của tâm...

Biết Có là chấp theo cái Có tức là cho sự vật là thật có. Nhưng tất cả vạn pháp đều là vô thường cho nên cái biết Có ấy cũng vô thường hoại diệt. Biết Không là chấp vào cái ngộ. Biết theo hai cái Có, Không là cái biết sanh diệt. Biết thật biết là cái biết của chơn tâm, không kẹt hai bên Có và Không. Đó chính là linh tri, Chơn Tánh của chúng ta vậy.

 Kinh cũng khai triển sự phân biệt giữa ý thức phân biệt và chân tâm phổ cập hiện diện không phân biệt trong tất cả các pháp. Kinh có những chỉ dẫn cụ thể liên quan đến thiền định, miêu tả 57 giai đọan đến cảnh giới Bồ Tát, giải thích rõ ràng về nghiệp và tái sinh, cũng như sự trình bày 50 "tâm giới" ma quỷ mà người tu tập có thể gặp phải trên con đường tâm linh.

 Kinh Thủ Lăng Nghiêm gồm 10 quyển đại thể chia làm ba phần:

Phần I: Kiến Đạo hay Nhận thức luận.

Phần II: Tu Đạo hay phương pháp thực hành Thiền định.

Phần III: Mô tả 50 (10 cho mỗi uẩn) “tâm giới” ma quỷ cản trở tiến bộ tâm linh và cách đề phòng các biến cố trong khi tu tập Thiền định (hay tu Trì - Quán). Đoạn này cũng như những chú giải liên quan đến Chú Lăng Nghiêm rất được nhiều người ưa đọc.

 Có nhiều bản chú giải Kinh như “Lăng Nghiêm Hội Giải” 20 quyển của ngài Thích Nguyên Tắc đời Nguyên, “Thủ Lăng Nghiêm Chính Mạch” 40 quyển của ngài Chân Giám đời Minh, trong lời tựa ngài phàn nàn các bản chú giải có khi sai lạc. Vì thế nên ngài Thích Truyền Đăng phải viết ra 2 quyển nhan đề “Lăng Nghiêm Viên Thông sớ Tiền Mao” để cảnh giác những sai lầm này.

 

Việt dịch có bộ “Thủ Lăng Nghiêm Kinh Trực Chỉ Đề Cương” của HT Thích Từ Thông do Huỳnh Mai tịnh thất xuất bản năm 1986 để lưu hành nội bộ, bộ “Kinh Thủ Lăng Nghiêm” của cố HT Thích Duy Lực do Từ Ân thiền đường, Santa Ana Hoa Kỳ xuất bản năm 1990, bộ “Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ” của HT Thích Phước Hảo dịch bản của thiền sư Hàm Thị do tu viện Chơn Không, Honolulu ấn tống năm 1995.

 

Thường hay có sự nhầm lẫn giữa kinh này với một bộ Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh.

 

Thủ Lăng Nghiêm Kinh triển khai giáo lý về bản Tâm và các cảnh giới tu chứng trong Thiền định cùng với phần tuyên thuyết Bạch Tản Cái Đà La Ni. Trong khi đó Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh nói về nền tảng giáo lý cơ bản của Đại Thừa, với sức Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội (Đại định kiên cố) mà Bồ Tát trong Đại định ấy có thể thị hiện đi khắp nơi giáo hóa hàng phục Ma Vương một cách tự tại, tuy thị hiện nhập Niết Bàn ở nơi này nhưng lại bày thân đi giáo hóa chúng sinh ở cảnh giới khác.

 

Ít nhất có 2 bộ từ điển hàm hỗn giữa hai Kinh này.

 

Bộ “Phật Học Từ Điển” đồ sộ 6 quyển khổ lớn của Thiện Phúc do Tổ Đình Minh Đăng Quang, Santa Ana, xuất bản năm 2003. Trang 1075 quyển II có 2 mục từ (entries):

 

Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội: Surangamasamadhi-Sutra – See Kinh Thủ Lăng Nghiêm.

 Kinh Thủ Lăng Nghiêm: Surangama Sutra (skt)-Còn gọi là Kinh Thủ Lăng Già Ma, hay kinh của các bậc “Kiện Tướng,” kinh nhấn mạnh về “Tam Muội” qua đó đại giác được đạt tới và giải thích...

 Quyển “Từ Điển Phật Học” của Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bích do NXB Thuận Hóa, Huế xuất bản năm 1999, không có mục từ Thủ Lăng Nghiêm Kinh, ở trang 419 chỉ có:

 Thủ-lăng-nghiêm-tam-muội-kinh, S: surangama-samadhi-nirdesa-sutra; cũng được gọi ngắn là Thủ-lăng-nghiêm hoặc Lăng-nghiêm-kinh...  

 Quyển từ điển này từ hình thức đến nội dung có lẽ đến 80-90% giống cuốn “The Encyclopedia of Eastern Philosophy and Religion của các tác giả Ingrid Fischer-Schreiber, Franz-Karl Ehrhard, Kurt Friedrichs và Michael S. Diener do Otto Wilhelm-Barth Verlag ở Bern và Munich giữ bản quyền và Barnes & Noble Books xuất bản ở New York năm 1999.

IV.3.E . THỦ LĂNG NGHIÊM TAM MUỘI KINH

 

(Surangama samadhi nirdesa sutra, Nhật: shuryōgon sanmaikyō) gọi đầy đủ là Phật Thuyết Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh, dịch ý là Kiện tướng định, Kiện hành định, Dũng phục định, và Nhất thiết sự cánh định, chỉ một loại định (samādhi) phá vỡ mọi phiền não. Tam muội có nghĩa là thiền định, là trạng thái của tâm tập trung chuyên nhất vào một điểm (nhất tâm = cittaikāgratā). Trạng thái định được đề cập trong kinh này là Thủ Lăng Nghiêm. Gọi là Kiện hành vì bất kỳ ai đã có được đại định này thì dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có phong cách của vị kiện tướng (sura), sẽ không gặp bất kỳ trở lực nào. Kinh này có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng nay chỉ còn có vài bản tiếng Phạn không hoàn chỉnh: hai phần trích dẫn trong Tập Bồ Tát học luận (Siksāsamuccaya) của Tịch Thiên (Sāntideva) và một số trang bản thảo tìm thấy ở miền Tây xứ Turkestan. Bản kinh hoàn chỉnh lưu hành hiện nay nhờ bản Hán dịch 2 quyển của Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) có lẽ từ năm 402 đến 409 và một bản Tạng dịch vào đầu tk IX do sự hợp tác của học giả Ấn Độ Thích Ca Quang (Sakyaprabha) và các nhà chú giải Tàu khác. Những bản dịch này nay cũng đã thất lạc. E. Lamotte dịch sang tiếng Pháp năm 1965 và bản này đã được Boin-Webb dịch sang tiếng Anh năm 1998.

 Nội dung của Kinh nói về vấn đáp giữa Đức Phật và Bồ tát Kiên Ý (Drdhamati). Bồ tát hỏi về tam muội (samdhi) thượng đẳng siêu việt để đạt tới giác ngộ của những phương pháp tu tập khác nhau, Đức Phật trả lời rằng “thủ lăng nghiêm tam muội” (surangama-samdhi) là phương pháp tiến bộ nhất trong số tất cả những phương pháp tu tập, nó gồm thâu tất cả những phương pháp tu tập khác, kế đó ngài mô tả chi tiết về phương pháp đó và làm thế nào để tu trì loại tam muội này.

 Kinh được biên soạn vào khoảng những năm đầu Tây lịch mở đường cho những kinh điển khác như “Hoa Nghiêm Kinh” (Avatạmsaka-sùtra), “Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh” (Vimalakīrti-nirdeśa-sūtra) và “Pháp Hoa Kinh” (Suddharmapụndạrìka-sùtra).

 

 (Còn Tiếp)

 Nguyễn Trần Ai

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn