Sơ Lược Nghĩa Danh Xưng Phẩm Vị Trong
Giới Đàn Phật Giáo Bắc Truyền.
Ngẫm thấy thời kỳ Phật giáo suy vi bởi danh chức lợi quyền. Hậu học Tỳ kheo thấy mình phước mỏng đúc kém biết làm sao trước ma lực bạo ngược của một số đám sống lâu niên kiêm quyền độc đoán. Thương cảm nhiều trăn trở nhưng biết nói sao đây với thân phận thấp cổ bé miệng, nên đành kính soạn những lời sơ lược phép tắc uy nghi, để gởi đến những ai hành trì kính tin Luật tạng.
Y như Luật, khi soạn lược ý nghĩa danh xưng này:
Kính đê đầu đảnh lễ Tôn giả Ưu Ba Ly vị Thánh tăng thuyết giới thời Phật tại tiền.
Kính đảnh lễ Tổ sư Đạo Tuyên lập Luật tông tại Đông độ Bắc truyền Phật giáo.
Phật Giáo Truyền sang Đông độ đến khoảng giữa thế kỷ thứ 6 đầu thế kỷ thứ 7 thì đạt đến thời kỳ hung thạnh.
Nhiều tông phái Phật Giáo đã hình thành, giáo nghĩa và tông chỉ của từng tông phái đã hoàn toàn cụ bị.
Trong thời kỳ này Luật tông cũng đã được ngài Đạo Tuyên thành lập, Luật tông lấy Tứ Phần Luật làm căn bản Kinh điển, thiết lập tông chỉ, san định luật nghi, thành lập hình chế quỹ phạm giới đàn, nghi thức truyền giới của Luật tông Phật Giáo Bắc Truyền hầu như đã định hình và cụ túc.
Giới Đàn Luật Tông Phật Giáo Bắc Truyền, Giới Đàn vốn là nơi truyền giới cho người xuất gia để tu học, thuần túy trong ý nghĩa là nơi tuyển người làm Phật trong tương lai.
Theo Luật định lập đàn truyền giới chỉ cần Cụ túc Thập Sư, Yết ma kết giới, tác pháp truyền giới.
I. Đắc Giới Hòa Thượng, Đàn (Đường) đầu Hòa Thượng:
Hòa Thượng Đường Đầu hay còn xưng là Đàn Đầu Hòa Thượng. trong sách Chỉ Quy chép: “Thiên Trúc gọi là Đô Ba Đề Da, ở đây xưng Thầy thường thân cận thọ trì”.
Sách Phát Chánh Ký chép: “Phạm danh Ưu Ba Đề Ha, ở gọi là y theo học vậy”.
Trong Tỳ Nại Da chép: “tiếng Phạm Khâu Ba Đề Da ở Đông Độ gọi Thân Giáo, vì là người có thể chỉ dạy chúng ta con đường xa lìa nghiệp thế gian nên còn xưng là Thọ Nghiệp Hòa Thượng”.
Trong Thập Pháp Sư chép: “Phạm ngữ Hòa Thượng đây xưng là Lực Sanh”.
Hòa Thượng Đường Đầu trong Đại Giới Đàn thường là các bậc thanh tu thạc đức giới hạnh nghiêm minh trong chốn tòng lâm, vì Giới Đàn là nơi giới tử cầu thọ Giới Pháp để tu hành cho nên là người đứng ra thí giới phải cụ túc tịnh giới.
Trong Tứ Phần Luật chép: “Vị Tỳ Kheo từ 10 hạ trở lên mới đủ tư cách làm Truyền Giới Hòa Thượng, thứ nữa phải đầy đủ Năm Đức":
1 - Kiên trì Tịnh giới.
2 - Đủ mười tuổi hạ.
3 - Thông hiểu Luật tạng.
4 - Thông đạt Thiền tư.
5 - Trí huệ thông đạt.
Trong Thiền Tạng chép: “Hòa thượng Phương Trượng xưng là Đường Đầu vậy”.
Đàn Đầu Hòa Thượng hay Đường Đầu Hòa Thượng là một phẩm vị nhưng hai, có hai danh xưng là do nguyên nhân, theo truyền thống của Giới Đàn Luật Tông Bắc Truyền và Luật Truyền Giới của Phật giáo Trung Hoa. Nơi nào mở Giới Đàn truyền giới có lập Giới Đài để truyền thọ Giới Pháp thì nơi đó Đắc Giới Hòa Thượng xưng là Đàn Đầu Hòa Thượng, nơi nào mở đàn truyền giới mà không lập Giới Đài, truyền giới trong điện Phật hoặc là Tăng đường thì Đắc Giới Hòa Thượng xưng là Đường Đầu Hòa Thượng.
II. Yết Ma A Xà Lê:
Yết Ma: trong Hoa Nghiêm Âm Nghĩa của Ngài Huệ Uyển chép: “Tiếng Phạm Yết ma, Đông Độ xưng là Biện Sự, tất cả các phép tắc Tăng sự đều do vị này bạch hỏi”.
Trong Thập Tụng Luật chép: “Bạch là vấn hỏi việc của chúng Tăng nên xưng là Bạch. Nếu có việc của Tăng lần đầu nói cho Tăng biết gọi là Bạch. Bạch Yết-ma thọ Cụ Túc Giới, Bố Tát Thuyết Giới, Tự Tứ .v.v… gọi là Bạch Tứ Yết-ma”.
A Xà Lê: Bồ Đề Tư Lượng Luận chép: “Phạm âm là A Giá Lê Dạ, đời Tùy gọi Chánh Hạnh”.
Trong Nam Hải Ký Quy Truyện chép: “Tiếng Phạm gọi A Giá Lợi Na, đời Đường dịch là Quỹ Phạm Sư, là người chuyên dạy đệ tử các phép thức lễ nghi, cũng còn gọi là A Xà Lê…”.
Trong Thiện Kiến chép: “Trong tất cả pháp dạy cho người hiểu biết thì xưng là A Xà Lê”.
Nam Sơn Sao chép: “Đầy đủ hạnh đức chân chánh khiến cho đệ tử học theo gọi là A Xà Lê”.
Yết Ma A Xà Lê là phẩm vị thứ hai trong Đại Giới Đàn chuyên đảm trách việc xướng bạch tác pháp Yết ma, để được sự tác thành của Thập Sư Phương Trượng, vị nào đảm nhiêm chức vụ này có ít nhất trên 10 Hạ lạp thông hiểu Giới Đàn Tăng và Nghiêm Tịnh Thanh Tu Cụ Thọ Giới Đức.
III. Giáo Thọ A Xà Lê:
Giáo Thọ A Xà Lê: Thiền Lâm Tượng Khí Tiên chép: “Là vị thầy đắc độ dạy dỗ, còn gọi là Thọ Nghiệp Sư, Thân Giáo Sư”.
Trong Phật Giáo Nghi Chế chép: “Tức là vị dạy dỗ oai nghi pháp tắc trong Giới Đàn, là người hướng đạo khai diễn vấn nạn giới tử”.
Theo Luật định giới tử trước khi đăng đàn thọ giới trước tiên phải thông qua các vấn nạn của vị Giáo Thọ, nếu như cụ túc thì mới được đăng đàn thọ giới. Chức Giáo Thọ sư thuộc các vị đại Tăng Giới Luật tinh thông và có niên lạp giới đức trưởng thượng đảm nhận, nếu như giới đàn có đông giới tử thì thường thỉnh hai vị Yết ma và hai vị Giáo Thọ.
IV. Tôn Chứng Tăng Già:
Luật định Giới Đàn phải đủ 7 vị Tôn Chứng thì tác pháp mới thành tựu và tất cả những vị Tôn Chứng đều cụ túc 5 Hạ trở lên thanh tụ giới hạnh, khi Tác Pháp Yết ma có thành tựu hay không là do sự chấp thuận đồng ý của 7 vị Tôn Chứng Sư, Giới tử đắc giới hay không cũng đều từ sự tác thành của bảy vị Tôn Chứng Tăng Già.
V. Tuyên Luật Sư:
Giới Đàn Phật Giáo Việt Nam xưng vị Giám Luật của Đàn Giới là Tuyên Luật Sư, Giới Đàn ở Trung Quốc, Đài Loan xưng chức danh này Thuyết Giới Hòa Thượng, hai chức danh hàm ý như nhau nhưng xưng hô có khác.
Luật Sư: Trong Luật Sao Giải Đề chép: “Phật dạy người giỏi giải thích một chữ gọi là Luật Sư. Một chữ là gì, đó là chữ Luật vậy”.
Kinh Bảo Vân chép: “Cụ túc 10 pháp gọi là Luật Sư:
1 - Giỏi về diễn giải duyên khởi của Tỳ-ni
2 - Giỏi về cắt nghĩa thâm ý của Tỳ-ni
3 - Giỏi về diễn đạt sự vi tế trong Tỳ-ni
4 - Giỏi nói về được lợi ích của Tỳ-ni
5 - Giỏi thuật về tánh trọng giới của Tỳ-ni
6 - Giỏi thuật giải luật chế trọng giới trong Tỳ-ni
7 - Giỏi về thuyết giảng nhân duyên của việc chế Giới.
8 - Giỏi về chuyên trì nội tạng Kinh Điển của Phật.
9 - Giỏi về thuyết giảng Bích-chi Tỳ-ni.
10 - Giỏi về thuyết giảng Bồ tát Tỳ ni”.
Trong Thập Tụng Luật chép: “ người trì Luật có 7 công đức:
1 - Năng trì nội tạng kinh của Phật.
2 - Giỏi về khả năng dứt sự tranh cải.
3 - Trì giới.
4 - Lấy Giới luật ngăn chặn ngoại đạo.
5 - Không bàn luận với người khác, ở trong chúng thuyết giới không sợ.
6 - Năng đoạn các nghi hoặc.
7 - Năng làm cho chánh pháp cửu trụ trên đời”.
Trong Thiện Kiến Luật chép: “Phật nói người trì Luật, tức là căn bản của công đức, vì nhân duyên ấy mà nhiếp lãnh các pháp”.
Tuyên tức chỉ cho Ngài Đạo Tuyên Luật Sư đời nhà Đường, người sáng lập Luật Tông Phật Giáo Bắc Truyền và chế ra nghi quỹ phép tắc nghi thức truyền giới và định chế hình tướng của Giới Đài. Phẩm vị Tuyên Luật sư với ý nghĩa là đại diện cho Ngài Đạo Tuyên Giám Luật trong Giới Đàn, quán xét hết thảy các nghi quỹ phép tắc truyền giới có như pháp hay không. Thứ nữa Tuyên Luật Sư có nhiệm vụ khai đạo thuyết giới cho giới tử tỏ bày diệu ý của Giới Pháp, cũng như tuyên dương Luật Học cho nên cũng gọi là Tuyên Luật Sư.
Đây là Sơ lược nội dung và ý nghĩa các Phẩm vị trong một Đại giới đàn, để truyền thừa mạng mạch Đạo Pháp. Vậy xin các vị ai là người cảm thấy mình không xứng đáng với danh xưng, thì đừng hô hào to tiếng. Gần đây tại vài nơi xứ Hoa kỳ này, có một vài kẻ bất tiếu đi đâu cũng xưng mình là Tuyên Luật Sư, tỏ ra mình cốt cách đạo mạo. Nhưng thật chất không thể lòe được thiên hạ có trăm ngàn con mắt, vãi thưa sao che mắt Thánh, thúng sao úp miệng voi.
Sở dĩ nói ra điều này để tránh hậu hoạn về sau, chứ không có ý sửu tiết Đạo Giáo vậy. Bởi vì Mùa An Cư sắp đến, thường hay tổ chức Đàn giới, tác pháp Yết ma. Để thanh lọc phép tắc uy nghi cần người mô phạm. Hãy nên tự mình sám hối nhường đức cho bậc tinh nghiêm giới thể. Có như vậy Phật pháp mới lưu truyền, tông phong hằng vĩnh chấn.
Hoa kỳ ngày 1/5/2015.
Hậu học Tỳ kheo Thích Thiện Tài.