Thiền không nhất định phải tĩnh tọa, nhưng phải có tĩnh tọa làm cơ sở.
Tĩnh tọa đối với thân tâm của chúng ta đều có lợi ích. Nó có khả năng làm cho
cơ thể khoẻ mạnh và làm cân bằng tâm lý, có thể khiến cho chúng ta giảm bớt
chấp trước, cũng có thể làm cho đầu óc chúng ta bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn.
Tiến thêm một bước nữa có thể phát sinh trí tuệ, khai mở những lĩnh vực tinh
thần. Nhưng đứng trên quan niệm Thiền, nếu không có sự chỉ đạo của Phật pháp,
trí tuệ do tĩnh tọa sinh ra vẫn mang tính phiền não. Do trung tâm tự ngã của
người ấy vẫn còn, một khi gặp người, việc hoặc cảnh vật xung đột vào bản thân
thì nội tâm của người ấy sẽ thống khổ, bứt rứt.
Tĩnh tọa phải chú ý ba việc: Điều thân, điều hơi thở và điều tâm.
Điều thân là tư thế ngồi phải chính xác, dễ chịu và chú ý những phản ứng của cơ
thể trong khi tĩnh tọa.
Điều hơi thở là điều hòa hô hấp. Tùy theo định lực sâu cạn của mỗi người mà
phân làm bốn lớp: Thở bằng mũi (tỷ tức), thở bằng bụng (phúc tức), thở như
trong bào thai (thai tức), thở như rùa (quy tức). Thở bằng mũi là sử dụng lỗ
mũi thở ra vào tự nhiên. Thở bằng bụng là tuy không khí đi vào từ lỗ mũi nhưng
không chú ý ở mũi, cũng không cảm giác là dùng mũi thở, mà chỉ có phần bụng
chuyển động phồng xẹp. Thở như trong bào thai là không dùng mũi thở mà mỗi lỗ
chân lông ở khắp thân đều trở thành cơ quan hô hấp. Lúc này cả đại vũ trụ tức
là thai mẹ, còn tự mình là thai nhi. Thở như rùa là tự mình không cần hít thở
không khí bên ngoài, thậm chí tim cũng ngừng đập, lúc này thân thể của hành giả
đã tự thành một vũ trụ, khí bên trong cơ thể tự vận hành, tự cấp tự túc, không
cần dưỡng khí bên ngoài cung cấp.
Còn điều tâm niệm thì sao? Thường là dùng phương pháp chỉ quán để nhiếp tâm,
ngưng niệm. Sử dụng các phương pháp như: Đếm hơi thở, quán thân bất tịnh, niệm
Phật, lễ bái, tĩnh tọa, mặc tưởng v.v… đều có thể đạt thành mục đích.
Mục đích chủ yếu của tĩnh tọa là tập trung tâm tán loạn làm cho nó dần dần trở
thành tâm chuyên nhất. Lúc người ta đạt đến tâm chuyên nhất thường ngỡ rằng
mình đã không còn tự ngã và đạt đến giai đoạn vô ngã. Thật ra đó chỉ là một
tầng bậc của tĩnh tọa, hoặc là một tầng bậc của định. Chứng nghiệm về định cũng
có cao thấp nên mới có sự phân chia Tứ Thiền Bát Định. Nhưng đều không ra ngoài
phạm vi của tâm chuyên nhất, chưa đạt đến sự thực chứng của Vô tâm Không huệ.
Vậy, đứng trên góc độ ngộ Thiền của Phật giáo Trung Quốc, chứng nghiệm về định không thể bằng được với Thiền định của Thiền tông.
Cái gì là Thiền định
của Thiền tông? Lục Tổ Huệ Năng trong Đàn Kinh nói: “Ngoài lìa tướng là Thiền,
trong chẳng loạn là Định”, “Không thấy phải trái, thiện ác, lỗi lầm của người”,
“Tiếp xúc với các thứ ngoại cảnh mà tâm không loạn”, “Ở trong mỗi niệm tự thấy
bản tánh thanh tịnh” v.v… Do đó, Thiền định của Thiền tông là dùng trí tuệ
thanh tịnh quán chiếu, không dừng ở chỗ định cảnh của tâm chuyên nhất, vì nếu
trụ nơi định cảnh của tâm chuyên nhất vẫn chưa lìa được chấp trước.
Vậy, theo Thiền
tông, không chấp trước là gì?
Bất cứ vật gì, bất
cứ việc gì, bất cứ người nào lúc xuất hiện ở trước mặt ta, tự ta sẽ không thêm
bất cứ ý kiến nào, nhưng nếu chúng là cái ta cần thì chúng sẽ gây phản ứng nơi
ta. Như những gì có liên quan đến cha mẹ, con cái, nam nữ, tài sản v.v… là những
thứ dễ khiến chúng ta cảm nhận được sự chấp trước của trung tâm tự ngã nhất. Kế
đến là danh dự và quan điểm. Đối với người tu hành, chấp trước khó hoá giải nhất
là cảm nhận được mình có thành tựu về tự ngã, chứng nghiệm về tự ngã. Người ấy
có thể không cần gì cả, nhưng không cách gì buông được giá trị quan điểm và giá
trị chứng nghiệm về tự ngã, do vì còn có tâm kiêu mạn. Do đó, phàm có sự khẳng
định giá trị tồn tại của tự ngã thì không thể có được chân giải thoát, cũng
không thật sự có được trí tuệ vô lậu.
Thiền tông khi khai
ngộ gọi là “thấy tánh”, sau khi thấy tánh phải giữ gìn và nuôi lớn nó. Cho nên
cần phải ngộ rồi khởi tu, tu để nuôi dưỡng nó. Tuy Thiền tông nhấn mạnh sau khi
khai ngộ, chỗ thấy của người ngộ hoàn toàn giống Phật, nhưng người ngộ chưa phải
là Phật. Như người Tây Tạng có một pháp tu quán tưởng mình là Phật, cho dù quán
thành công, Phật vẫn là Phật, người quán vẫn là người quán, chỉ là trong tâm vị
ấy, so với trước đã có thêm một ít tâm từ bi như Phật.
Cho nên các Thiền
sư Trung Quốc trước khi khai ngộ phải cố gắng tu hành, sau khi khai ngộ phải
tìm vị Thầy giỏi hơn hướng dẫn cho. Và chỉ có sau khi khai ngộ mới biết người
như thế nào mới là vị Thầy giỏi. Sau đó chính mình lại cần phải nỗ lực nhiều
hơn nữa.
Thiền, không nhất định
phải tĩnh tọa. Cho nên Lục Tổ Đàn Kinh nói: “Môn Tọa Thiền này vốn không chấp
tâm, cũng không chấp tịnh, cũng không phải không động.” Lại nói “Có người dạy
ngồi, khán tâm quán tịnh, không động không khởi, do đây lập công khoá, người mê
không biết chấp trước thành điên đảo.” Lục Tổ chủ trương: “Định là thể của huệ,
huệ là dụng của định. Ngay lúc huệ, định ở trong huệ; ngay lúc định, huệ ở
trong định.” Cho nên chúng ta không thấy Lục Tổ Huệ Năng tĩnh tọa. Thiền sư
Hoài Nhượng, đời thứ hai sau Lục Tổ, khi thấy Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất ngồi Thiền,
đã nêu lên một ví dụ: “Tọa Thiền cầu thành Phật, chẳng khác nào mài gạch để làm
gương.”
Nhưng trong nhiều
ghi chép về Thiền học, chúng ta lại thấy rất nhiều Tổ sư Thiền tông tọa Thiền.
Trong “Thanh Quy” của Tổ Bách Trượng (đệ tử Mã Tổ), có ghi câu “ngồi Thiền đã
lâu”. Có điều Thiền Tông không chỉ coi trọng việc ngồi Thiền, mà mọi thời điểm,
mọi động tác trong cuộc sống hàng ngày đều được xem là tu hành.
Chúng ta đọc nguyên
tắc sống của Tổ Bách Trượng, không thấy ghi chép Tổ một ngày ngồi Thiền bao
lâu, nhưng Tổ từng nói câu: “Một ngày không làm, một ngày không ăn”. Điều đó
cho thấy cách tu hành chủ yếu của Tổ chính là “Lên núi khai hoang, xuống ruộng
cày bừa.”
Lục Tổ Huệ Năng
cũng vậy. Trước khi gặp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Ngài là một người đốn củi, sau khi gặp
Ngũ Tổ, Tổ cũng không bảo Ngài đi tọa thiền, trái lại bảo Ngài xuống nhà bếp
giã gạo. Chúng ta phải biết rằng ngay khi làm việc, tâm Ngài luôn ở trong trạng
thái ổn định, bình tĩnh, sáng rỡ, không một gợn sóng tình phàm. Người như thế mới
có thể đạt được sự khai ngộ thật sự.
Nhưng cũng cần có sự
dẫn đạo về giáo lý. Đại sư Huệ Năng thật sự khai ngộ khi nghe được Kinh Kim
Cang, nhờ đó Ngài có thể biện biệt rõ chỗ giống nhau và khác nhau của chấp trước
và không chấp trước, ngã và vô ngã v.v…
Do đây có thể thấy
“giáo lý” vẫn rất quan trọng. Tuy Thiền tông nói “không lập văn tự”, nhưng ý là
nói không chấp trước vào ngôn ngữ văn tự, nhưng vẫn phải từ ngôn ngữ văn tự nhận
được tin tức, có được sự chỉ đạo đúng đắn, đó gọi là “mượn giáo để ngộ tông”.
Nếu Lục Tổ không
nghe được câu kinh “Nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia” trong Kinh Kim Cang
thì Ngài không thể khai ngộ. Và nếu Ngài chỉ ôm giữ, chấp cứng câu đó thì Ngài
cũng không thể khai ngộ. Cho nên Thiền tông dụ công dụng của Kinh giáo giống
như “dùng ngón tay chỉ mặt trăng”. Nếu không có ngón tay, người mê không biết mặt
trăng ở đâu. Nếu người mê chỉ xem ngón tay, không chịu xem mặt trăng, thì ngón
tay sẽ trở thành vô dụng. Nếu người mê nương ngón tay thấy được mặt trăng rồi,
ngón tay cũng không còn công dụng nữa.
Do người bình thường
không biết cách làm cho tâm yên tĩnh, dù có yên tĩnh cũng khó giữ được sự yên
tĩnh dài lâu, cho nên vẫn phải tĩnh tọa. Có thể nói để ngộ Thiền không nhất định
phải tĩnh tọa, nhưng định lực của tĩnh tọa có thể trợ giúp cho việc ngộ Thiền,
nhưng chỉ tĩnh tọa suông cũng không ngộ được Thiền.
* HỎI ĐÁP
Sư: Tôi nghĩ các vị
ở đây phần lớn đã hiểu được Phật pháp cơ bản, cũng có người đang tu Thiền, hoặc
tu theo Phật giáo Tây Tạng. Tôi tin rằng quý vị có nhiều vấn đề muốn hỏi. Câu
nào tôi có thể trả lời tôi sẽ trả lời, câu nào tôi không hiểu tôi sẽ nói không
biết.
Hỏi: Ngài nghĩ thế
nào về Tông Tào Động coi trọng việc tu hành, không coi trọng việc khai ngộ, cho
rằng bản thân việc tu hành là cách giảng về khai ngộ?
Sư: Tôi cho rằng đó
là quan niệm tương đối an toàn, bảo đảm. Nếu theo đuổi việc khai ngộ, nhấn mạnh
sự khai ngộ thì có thể khiến người nuôi dưỡng tâm lý nắm giữ kỹ xảo, lấy nhân
làm quả, dễ hình thành cái tệ không muốn tu hành, cho rằng sau khi khai ngộ
không cần tu hành nữa. Ngoài ra cũng có thể khiến người tu lâu mà chưa triệt ngộ
thất vọng không muốn tu hành. Cho nên tôi cũng chủ trương coi trọng quá trình
tu hành, nó tốt hơn coi trọng mục đích khai ngộ. Ông có đồng ý ý kiến của tôi
không?
Đáp: Đương nhiên là
đồng ý. Khi con hỏi Thầy con về vấn đề khai ngộ, Thầy con khuyên con không cần
lo lắng, những người chấp trước kinh nghiệm khai ngộ, thường cho kinh nghiệm
khai ngộ là một loại bảo bối, ôm giữ nó, chấp trước nó.
Sư: Đúng, theo đuổi
khai ngộ, khoe khoang sự khai ngộ, bản thân nó chính là một loại chấp trước.
Hỏi: Nghe nói có một
vị Tỳ kheo Hàn quốc, lúc tu đặt tấm bảng viết chữ “Tử” ở ngay trước mặt. Con
xin Ngài chỉ dạy, có nhất định phải có quyết tâm chết mới có thể tu tốt?
Sư: Chúng tôi cũng
dạy người khi đi vào Thiền đường phải hạ quyết tâm “đại tử” một phen. Chết có
chia ra đại tử (chết lớn) và tiểu tử (chết nhỏ). Tiểu tử là thân chết nhưng các
nghiệp sanh tử như vọng niệm phiền não v.v… chưa chết. Đại tử là đem tất cả những
kinh nghiệm và quan niệm của mình từ quá khứ, hiện tại, vị lai, bất kể là tốt
hay xấu, toàn bộ bỏ hết, như vậy ông mới có thể thực sự dụng công. Tôi không biết
tấm bảng viết chữ “Tử” của vị Thiền sư Hàn quốc kia có ý gì. Nhưng trong Thiền
đường Trung Quốc, vị Thầy Giám Thiền sẽ bảo chúng: “Các vị ngay lúc này phải cố
gắng dụng công. Chỉ cho phép sống đi vào, chết đi ra. Tâm trộm vọng niệm không
chết thì không được ra khỏi Thiền đường!”
Hỏi: Có thể vị Thiền
sư Hàn quốc đó lúc tham thoại đầu hoặc công án muốn dựa vào phương thức này quyết
tâm phá vỡ khối nghi.
Sư: Loại quyết tâm
này rất tốt, nhưng kiểu tu dõng mãnh như thế rất nguy hiểm, chỉ có một số ít
người sức khoẻ tốt, tình trạng tâm lý cũng tốt mới có thể sử dụng.
Hỏi: Chúng con nên
dùng thái độ như thế nào ứng xử với tình cảm?
Sư: Vẫn có tình cảm,
nhưng không bị sự tốt xấu của tình cảm làm phiền não.
Hỏi: Có thể dùng
tình cảm dạy người không?
Sư: Đối với chúng
sanh là tình cảm, đối với Bồ-tát là từ bi. Như Bồ-tát Quán Âm, Ngài dùng đủ loại
hình tướng, đủ loại phương thức giúp người, nếu không dùng tình cảm giúp người,
người ta sẽ sợ Ngài. Vì Bồ-tát không chấp trước nên cũng không có phiền não.
Người không học Phật, không tu hành, tình cảm sẽ trở thành phiền não của chính
mình, cũng hay gây ra phiền não cho người khác.
Hỏi: Làm thế nào
dùng tình cảm mà không bị phiền não?
Sư: Có hai phương
thức: Một là thường dùng giáo lý Phật pháp dần dần điều chỉnh tình cảm theo
đúng hướng được chỉ dạy. Hai là dùng phương pháp tu Thiền từ từ làm trong sạch
tình cảm, biến nó thành lòng từ bi.
Hỏi: Tình cảm là việc
tự nhiên, nếu kềm thúc, phủ định nó thì sẽ mất tự nhiên.
Sư: Bất cứ việc gì
khi được huấn luyện, cải đổi, thì chắc chắn không còn tự nhiên nữa. Như nước chảy
xuống là tự nhiên, chúng ta cho nước đi lên là không tự nhiên. Nhưng chúng ta lại
luôn cho nước đi lên chứa vào hồ hoặc máng để dùng. Có tạo áp lực cho nó thì mới
sử dụng được nó.
Hỏi: Địa vị của từ
bi trong pháp Thiền như thế nào?
Sư: Ý nghĩa của từ
bi và trí tuệ giống nhau, nhưng cách biểu đạt không đồng. Người thật có trí tuệ,
nhất định có từ bi. Biểu hiện của từ bi là rộng độ chúng sanh. Nhưng trong tâm
vị ấy không có mình cũng không có chúng sanh, đó là thực chứng trí tuệ vô ngã
tánh Không. Chỉ có trí tuệ vô ngã, không chấp trước mới hay biểu hiện lòng từ
bi chân thật.