Hạnh Phúc Kinh
(Mangala Sutta)
Thanh Thái (sưu tầm)
Trong quyển: “The Buddha and His Teachings” (Đức Phật và Phật Pháp), tác phẩm của Đại Đức Narada, vị Tăng Trưởng chùa Vajirarama ở Tích Lan nổi tiếng về kiến thức sâu rộng và đạo hạnh từ bi, có phần chú giải về Hạnh Phúc Kinh như sau:
“Ngày kia có một cuộc bàn thảo sôi nổỉ xảy ra trong “Hội Trường” nhằm tìm hiểu thế nào là phúc lành cao thượng nhất. Mỗi người đều có ý kiến riêng. Có người cho rằng sáng sớm ra đường gặp một điềm lành (như thấy một bà mẹ bồng con, những em bé, bò trắng vv....) được xem là phúc lành; người khác nói rằng nghe những âm thanh thuận lợi như những tiếng “đầy đủ”, “may mắn”vv.....là phúc lành; cũng có người khác nữa cho rằng cảm thấy mùi thơm của hoa, tay sờ đụng đất vv....là phúc lành.
Những người có ý kiến khác nhau chia làm 3 nhóm, mạnh mẽ bênh vực ý kiến của nhóm mình, và cuộc bàn cãi sôi nổi lan tràn đến cảnh giới chư thiên. Các vị Trời cũng không đồng ý với nhau, bèn đem câu chuyện lên đến Vua Trời Đế Thích.(Sakka). Sau cùng Vua Trời đề cử một vị Trời đại diện đến hầu Phật và cung kính thỉnh tôn ý Ngài.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang ngự tại vườn Kỳ
Đà của Trưởng giả Cấp Cô Độc gần thành Xá Vệ. Đêm đã về khuya, có
một vị Thiên giả hào quang sáng chói khắp cả vườn cây hiện xuống
gần nơi Phật ngự, đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi cung kính xin lời chỉ dạy
của Người bằng một bài kệ :
“Thiên và nhân thao thức
Muốn biết về hạnh phúc
Để sống đời an lành
Xin Thế Tôn chỉ dạy”
(Đức
Phật và Phật Pháp trang 731)
Thế Tôn nghe lời hỏi, bèn đáp bằng kệ rằng:
1-“Lánh xa kẻ xấu ác
Được thân cận người hiền
Tôn kính bậc đáng kính
Là phúc lành tối thượng”
2-“Sống trong môi trường tốt
Được tạo tác nhân lành
Được đi trên đường chính
Là phúc lành tối thượng”.
3-“Có học có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là phúc lành tối thượng”.
4-“Được cung phụng Mẹ Cha
Biết yêu thương gia đình
Được hành nghề
Là phúc lành tối thượng”.
5-“Sống hiền hòa ngay thẳng
Giúp quyến thuộc thân bằng
Hành xử trong tâm sáng
Là phúc lành tối thượng”.
6-“Tránh không làm điều ác
Không say sưa nghiện ngập
Chuyên cần làm việc lành
Là phúc lành tối thượng”.
7-“Biết khiêm cung lễ độ
Tri túc và tri ân
Chuyên cần lo tu học
Là phúc lành tối thượng”.
8-“Biết kiên trì phục thiện
Thân cận giới xuất gia
Dự pháp đàm học hỏi
Là phúc lành tối thượng”.
9-“Sống tỉnh cần tỉnh thức
Học chân lý nhiệm mầu
Thực chứng được Niết Bàn
Là phúc lành tối thượng”.
10-Sống cùng trong nhân gian
Tâm không hề lay động
An nhiên sạch não phiền
Là phúc lành tối thượng”.
11-Ai cũng sống được như vậy
Tới đâu cũng yên vui
Cũng luôn luôn vững mạnh
Hạnh phúc của tự thân”.
Lành thay, hạnh phúc thay cho người đã được nghe, dược đọc và được hiểu bài kinh này. Riêng phần tôi, xin chân thành nhận phần thiếu sót, tôi đã theo Mẹ lên chùa lễ Phật từ năm 10 tuổi, đã được nghe và tụng mấy kinh sách, mà mãi đến nay nhờ duyên lành tôi mới được biết bài kinh quý báu này, được thấu hiểu từng chữ, từng câu, như chính tôi đang được nghe những lời nói từ hòa, nhân ái từ Đấng Từ Phụ: lánh xa kẻ xấu ác, thân cận người hiền, giới hạnh trang nghiêm, lời nói ái ngữ, cung phụng Mẹ Cha, sống hiền hòa ngay thẳng, khiêm cung lễ độ, kính trọng người trên với tâm trong sáng, hành nghề lương thiện, lánh xa ác nghiệp, an nhiên tự tại với hết mọi ưu phiền. Người sống như thế luôn luôn dược yên ổn, tạo hạnh phúc cho chính mình.
Cao quý thay những lời khuyên vàng ngọc, những lời khuyên dạy cho ta thấy rõ mục tiêu thục tiễn của đạo Phật là chỉ dạy cho con người tự mình cố gắng thanh lọc tâm, không ỷ lại, không trông nhờ vào một đấng nào khác, mà tự mình trau dồi đức hạnh, tự gieo trồng cây phúc cho chính mình, thành tựu giải thoát, tự đạt tới hạnh phúc tối thượng như lời Phật dạy:
“Ai sống được như vậy
Tới đâu cũng yên vui
Cũng luôn luôn vững mạnh
Hạnh phúc của tự thân”.
Mùa Phật Đản PL 2557 -2013
Thanh Thái