- NĂM NHÂM THÌN KỂ CHUYỆN CON RỒNG - Diệu Trí

23/02/201212:00 SA(Xem: 8635)
- NĂM NHÂM THÌN KỂ CHUYỆN CON RỒNG - Diệu Trí


NĂM NHÂM THÌN KỂ CHUYỆN CON RỒNG

 

 Diệu Trí

 

 Theo lịch Thái Ất, năm, tháng, ngày, giờ đều dựa vào mười hai con giáp, đó là: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

 Như trên thì năm con Rồng là Thìn, đến sau năm Mão (con Mèo) và đến trước năm Tỵ (con Rắn).


 Thực ra, trong thời kỳ hiện tại, chưa ai được nhìn thấy tận mắt con Rồng, hình thù, vóc dáng, xuất xứ từ đâu, chỉ hình dung qua hình vẽ, hoặc trên mái chùa, đình ở Việt Nam, cũng như ở các nước Á Châu người ta thường đúc hình dáng con Rồng đầu to, có mào lớn, phùng mang, râu dài, trên thân mình nhiều vẩy có bốn hoặc sáu chân với những móng dài nhọn hoắt, được sơn phết mầu sắc tùy theo vị trí. Ví dụ như hai con mắt được gắn hai viên bi chiếu sang, trên mặt thì sơn mầu đỏ hồng, thân mình mầu vàng đậm. Ngay cả trên kèo nhà cũng được đúc con Rồng bằng gỗ hình như trên.

 Ở chung quanh những bức hoành phi, câu đối cũng được trạm trổ rồng, một đôi khi có trạm phượng hoàng kế bên, được gọi là Rồng Phượng.

 Theo tục truyền rằng, con Rồng cũng thuộc vào một loại ma, có sức mạnh mẽ và đôi khi cũng có phép thần thông nho nhỏ để hóa phép ma mà sinh yêu, tác quái.

 Người xưa kể lại vào thời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi ngài đang thuyết pháp tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc của Thái tử Kỳ Đà, lúc đó trời đang mưa tầm tã vào tháng năm khi đang mùa an cư kiết hạ. Có bảy con rồng hiện ra định đến phá phách, nhưng khi chúng có mặt tại nơi đó, thấy oai nghi của Đức Phật, chúng khiếp sợ và không dám quấy phá nữa, bèn quỳ phục chung quanh ngài và nghiêm chỉnh nghe Pháp.

 Sau thời gian thọ pháp của Đức Phật, chúng bèn xin Đức Phật cho phép bảy con rồng này được trở thành Rồng hộ pháp và làm kiệu để cung nghinh Đức Phật.

 Còn có một thuyếtt nữa truyền rằng:

 Cũng trong thời Đức Phật tại thế có một loại chim Đại Bàng lớn trên 300 do tuần, cứ 80 do tuần thì bằng 24,000 dặm, như vậy phải biết rằng Đại Bàng này lớn lắm. Hễ con Rồng nào hiện ra đều bị Đại Bàng bắt ăn thịt. Sau đó hễ có con Rồng nào là chim Đại Bàng lại bắt hết, vì thế mà loài Rồng rất sợ. Một hôm Rồng tính đến xin với Đức Phật cứu giúp, nhưng gặp lúc Đức Phật đang thuyết pháp nên không thể kêu xin, bèn trình với ngài Casa, đệ tử của Phật rằng:

 “Xin ngài thưa lại với Đức Phật, nếu ngài cứ để cho chim Đại Bàng ở đây thì chẳng bao lầu loài rồng chúng tôi sẽ bị tiêu diệt hết.”

 Sau đó Đức Phật đã truyền cho Casa không cho Đại Bàng ăn thịt rồng nữa, và ngài cũng ra lệnh cho Rồng không được phá hoại hoặc sinh yêu tác quái ở thế gian hại người. Rồng xin hứa sẽ làm hộ pháp để theo Đức Phật độ chúng sinh khi có nạn, như trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Phổ Môn có câu: “Hiện ra như Trời, Rồng, Dạ xoa v.v..” Rồng này là do Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hóa phép ra, bởi thế cho nên mỗi khi Đức Quán Thế Âm thị hiện bất cứ ở đâu, đều có một con Rồng quỳ gối dưới chân Ngài. Ngài đứng trên đầu Rồng, cầm cành dương liễu và tưới nước Cam Lồ cứu độ chúng sinh. Người ta vẫn thường hay xây bệ thờ Phật và trạm chung quanh các bệ này những con rồng bằng xi măng.

 Rồng không thuộc loại bò sát như rắn vì Rồng có chân, và khác rắn là có vẩy, và vây dài.


 Cũng có tục nhân gian truyền rằng:

 Ngày xưa khi trời vần vũ chuyển mưa, các cụ nhìn lên bầu trời thường thấy hiện ra những đám mây tụ lại hoặc trắng hoặc đen thành một vệt to và dài uốn lượn trước khi cơn mưa đổ xuống. Các cụ thường nói với con cháu và mọi người rằng:

 Rồng đen lấy nước làm mùa

 Rồng trắng lấy nước thì vua đi cầy. 

 Vua ở vào thời phong kiến được ví như con trời sai xuống để cai trị nhân gian, làm sao lại đi cầy được. Không phải vậy đâu. Vì các cụ nhà ta ý nói theo kinh nghiệm, thấy mỗi khi hiện ra đám mây đen thì trời mưa vừa đủ để mùa màng, cây cối, ruộng vườn tốt tươi, hoa mầu nhiều, còn hễ những đám mây trắng xóa hiện ra thì mưa nhiều đôi khi có thể làm ngập lụt vì mực nước dâng cao, có thể bị mất mùa.

 Và cũng có thuyết nói có sáu loại rồng:

  1. Rồng Hộ Pháp do Đức Phật hóa phép ra
  2. Rồng làm cảnh trên hình vẽ hoặc được trạm trổ trên cái mái đình, chùa, hoành phi câu đối.
  3. Rồng ở Long Cung
  4. Rồng làm mưa làm gió
  5. Rồng làm cảnh bằng gỗ để trong cung vua
  6. Rồng là một loại ma xuất hiện để phá phách.


Người xưa cũng kể lại rằng:

Vào thời Lục Tổ Huệ Năng tại chùa Nam Hoa bên Tàu, trước chùa có một cái hồ lớn rất sâu và rộng, nước mênh mông, trong đó có một con Rồng. Con Rồng này rất dữ và là loại rồng độc, cho nên nó hay làm hại cho người bị bệnh, vì nó có một chút phép nho nhỏ để sinh yêu tác quái mà phá phách.

Một hôm, Ngài Lục Tổ Huệ Năng đến chùa Nam Hoa để hoằng pháp. Sau buổi lễ, Ngài đi dạo chung quanh hồ, thì con Rồng này tự nhiên hiện ra thật lớn, nổi lên choán đầy mặt hồ. Lục Tổ đã biết trước vì Ngài có thần thông khống chế tất cả ma quái, nên Ngài bèn cười lớn và nói:

- A, con Rồng này, người chỉ có thể hóa ra thật lớn chứ không thể làm cho thu nhỏ lại được.

Một lúc sau, Rồng lại hiện ra thành một con rất nhỏ. Lục Tổ lại nói thêm:

- Được đấy, nếu ngươi có giỏi thử nhẩy vào bình bát của ta xem nào! Ta biết nhà ngươi đã làm cho thân biến thành to lớn rồi lại làm cho nhỏ lại. Nhưng ta biết chắc nhà ngươi không có khả năng nhẩy vào bát ta được đâu.

Một lúc sau, Rồng lại hiện ra thật nhỏ và nhảy vào được bình bát của Lục Tổ Huệ Năng. Song lần này chú Rồng ta cứ nằm ngay đơ trong bình bát của Ngài Lục Tổ mà không còn phép gì nữa. Ngài Lục Tổ đưa bình bát ra xa một chút và nói lớn:

- Nào, ngươi thử trổ tài mà thoát ra khỏi bát này xem!

Lúc này Rồng nằm yên không cựa quậy được ở trong bát vì đã bị Lục Tổ khống chế, hai con mắt lờ đờ không thể tự mình thoát ra được. Lúc đó Rồng bắt đầu hàng phục phép của Ngài Lục Tổ và van xin Ngài cho Rồng được thoát ra khỏi bình bát của Ngài. Trước khi Ngài Lục Tổ làm phép cho Rồng ra khỏi bát, Ngài bắt Rồng phải hứa từ đây về sau không được quấy nhiễu cho người ta bị bệnh nữa. Rồng hứa sẽ tuân lệnh, và được Ngài Lục Tổ thả ra khỏi bình bát của Ngài. Từ đó dân chung quanh vùng chùa Nam Hoa không còn bị ma Rồng quấy nhiễu nữa.


Lại có một truyền thuyết nhân gian nữa kể rằng:

Vào thời vua Đường Thánh Tông, có rất nhiều loại Rồng hay làm mưa làm gió, gây nên lụt lội lớn, nên vua hạ lệnh hễ gặp loại Rồng, dù ở đâu cũng giết hết. Một hôm Rồng vào chầu cung vua xin nhà vua tha tội và cứu mạng cho loài Rồng. Vua bèn sai ngài Ngụy Trung xử việc này. Ngày hôm sau, ngài Ngụy Trung cho mời ngài Mộ Công là bậc quân sư của triều đình đến, hai vị bày kế: đúng giờ Rồng vào chầu để xin cứu mạng thì hai ngài Ngụy Trung và Mộ Công giả ngồi đánh cờ với nhau, nhưng thấy Rồng đi chầu là ra giết chết. Rồng chờ đến đúng 12 giờ trưa, vì biết đó là giờ Ngụy Công đi nghỉ, nhưng thực ra khi ông nghỉ, ông đã xuất thân ra, nên Rồng đã bị thảm sát sau đó một giờ.

Thế là Rồng đã bị tuyệt giống từ đó, nên không ai còn thấy con Rồng nào quấy nhiễu gây tổn hại, và cũng không còn ai được nghe người đời nói về bất cứ loại Rồng nào nữa.


Sau nhiều vật đổi sao dời, không còn ai thấy loài Rồng nào bất cứ ở đâu, cho nên người ta chỉ được nghe và thấy con Rồng được mang tên một năm trong lịch Thái Ất là Thìn, và được nhìn thấy hình dáng con Rồng trong hình vẽ, hoặc Rồng được trạm trổ bằng gỗ, hoặc được đắp hình Rồng trên các mái đình, mái chùa. Đó là hình Rồng bằng xi măng được sơn phết mầu sắc mà thôi. 

 

Diệu Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
)