- Con tìm về mẹ Âu Cơ - Phan Như Huyên

14/09/201112:00 SA(Xem: 10669)
- Con tìm về mẹ Âu Cơ - Phan Như Huyên


Con Tìm Về Mẹ Âu Cơ

 

Con tìm về mẹ Âu Cơ,

Non cao biển vắng mẹ chờ ... bóng ai?

 Phan Như Huyên

 

 Cali, ngày…tháng….năm …

 

 Trường Việt Ngữ Hùng Vương.

 

Mẹ yêu dấu!

 

Con viết thư này để thưa với mẹ rằng: Con thương mẹ vô cùng và lúc nào cũng vâng giữ lời mẹ dạy. Cách nay hơn bốn ngàn năm, mẹ và bố phải chia tay, vì sứ mạng mỗi người mỗi khác. Nhưng trước khi chia tay, bố đã dặn chúng con: Dù trên non dưới biển, khi hữu sự phải báo tin cho nhau biết, chứ không được bỏ rơi nhau. Sau đó, mẹ đưa chúng con lên núi; trên đó, mẹ đã dạy chúng con những bài học đầy yêu thương. Mẹ nhớ chăng? Chúng con thường hỏi mẹ sau những bài học: Bố có thương mẹ con mình không, hả mẹ? Mẹ liền mau lẹ trả lời: Có chứ! Nếu không, làm sao mỗi lần chúng con gọi: Bố ơi! Về cứu chúng con với! thì bố lại về. Sau đó, chúng con lại hỏi mẹ: Thế thì mẹ có thương bố không? Mẹ im lặng... Mẹ không trả lời, nhưng chúng con hiểu ngay rằng tình thương của mẹ thật là bao la. Nếu không, tại sao hằng đêm mẹ lại bồng con lên núi cao làm gì, để rồi mẹ đưa mắt nhìn về phía biển xa. Mẹ chờ ai?... Mẹ chờ ai, nếu không phải là bóng hình của bố!

 

Nền tảng là ở chỗ đó. Cốt lõi là chính ở chỗ đó. Đạo mẹ dạy là đạo yêu thương. Phương châm của mẹ là đợi chờ. Hành động là chấp nhận. Chủ trương của mẹ là sự thật, và giáo huấn của mẹ là những lời ru. Nhớ khi xưa mẹ đã ru chúng con:

 

Gió động đình mẹ ru con ngủ,

Sông tiền đường ấp ủ năm canh.

Tiết trời thu lạnh lành lanh.

Cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông.

Bổng bồng bông, bổng bồng bông.

Võng đào mẹ bế con rồng cháu tiên...

 

Sau đó, các con đã đưa mẹ về Phong Châu, tôn người anh cả lên làm vua hiệu là Hùng Hiền Vương. Cả nước chia làm 15 bộ. Mỗi bộ có lạc tướng trông coi, bao gồm nhiều làng xã do bố chính đứng đầu... 

 

Vua Hùng Vương thứ hai là Hùng Lân Vương. Mẹ hay chăng? Ngày xưa, dân mình sợ thuồng luồng lắm, nên phải vẽ chàm lên người cho giống nó, để nó khỏi hãm hại... 

 

Kế đến là Hùng Quốc Vương. Đây là vua Hùng Vương thứ ba. Thời đó có Chữ Đồng Tử là đứa con rất có hiếu. Hai cha con chỉ có một cái khố. Thế mà, khi cha mất, nó đã mặc cho cha rồi mới đem đi an táng...

 

Không kể mẹ cũng biết. Sang đời vua Hùng Vương thứ tư là Hùng Việt Vương, trong nước có hai anh em tên là Tân và Lang, chị dâu là Lưu Thị. Họ sống với nhau rất trọn tình trọn nghĩa. Thế mới ra sự tích trầu cau, mẹ nhỉ! Người đời sau ru rằng:

 

Trầu này trầu quế trầu hồi,

Trầu loan trầu phượng trầu tôi trầu mình.

Trầu này trầu tính trầu tình,

Trầu nhân trầu ngãi trầu mình lấy ta.

Trầu này têm tối hôm qua,

Trầu cha trầu mẹ, đem ra cho chàng.

Trầu này không phải trầu hàng,

Không bùa không thuốc, sao chàng không ăn?

Hay là chê khó chê khăn,

Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu!

 

Mẹ nghe đó! Có tình không?...

 

Vua Hùng Vương thứ năm là Hùng Hi Vương. Dân mình sinh sống ở phương Nam mà vóc dáng và hình hài chẳng khác gì người phương Bắc. Nói đâu xa, ông nội của bố là Đế Minh, người phương Bắc, là cháu ba đời của vua Thần Nông. Mà quanh đi quẩn lại, chính vua Thần Nông cũng là người phương Nam đấy mẹ nhỉ!... 

Đến thời vua Hùng Vương thứ sáu là Hùng Huy Vương thì giặc Ân nổi lên đánh phá khắp nơi, mẹ đã cho phép Phù Đổng cầm roi đồng, cỡi ngựa sắt đi dẹp giặc. Khi vua già yếu, ngài ra lệnh cho các con: Đứa nào làm đồ ăn ngon nhất sẽ được quyền nối ngôi. Tiết Liêu là con út, thân hình nhỏ thó, chỉ biết ngồi khóc. Mẹ đã hiện ra chỉ cho cách làm bánh dày bánh chưng. Bánh dày tròn tượng trưng cho trời. Bánh chưng vuông tượng trưng cho đất. Vua ăn khen ngon. Thế là vua truyền ngôi cho. Vua Hùng Vương thứ bảy lên ngôi lấy hiệu là Hùng Chiêu Vương...

 

Dân mình là một trong nhiều giống dân trên thế giới. Vì lâu quá mà loài người trải ra sống rải rác khắp nơi, chứ thực sự cũng cùng một nòi. Một ngày nào đó, văn minh tự nhiên phát hiện. Bên ta, tới đời vua Hùng Vương thứ tám là Hùng Vị Vương, dân chúng tự nhiên biết trồng trọt và hái trái, biết lấy vỏ cây làm áo, nhựa cây làm rượu, và bột cây làm đồ ăn... 

 

Rồi vua Hùng Vương thứ chín là Hùng Định Vương. Các vua Hùng Vương lúc nào cũng để ý tới việc mở mang bờ cõi về phương Nam. Một hôm, vua đến cửa thần phù thì bị gió bão chận lại, không sao vượt qua được. Mẹ đã cho phép một vị đạo sĩ tên là La Viện, đi tiên phong mở đường giúp vua vượt qua được cơn sóng gió. Người đời sau có câu ru: Lênh đênh qua cửa thần phù, Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm. Chính nơi đó là cái nôi của nền văn hóa Âu Lạc đó mẹ ạ!.. 

 

Thời vua Hùng Vương thứ mười là Hùng Uy Vương. Bấy giờ, có thằng An Tiêm ngỗ nghịch lắm. Mẹ biết không? Nó nghịch đến nỗi nhà vua phải đày nó ra một hòn đảo thật là xa. Nó nhờ trồng dưa mà phát tài. Sau lại chọn quả to nhất, thả xuống biển, gởi về cho vua cha. Thực chất, An Tiêm là đứa con có hiếu. Người đời sau rỉ tai nhau: Gió đưa Phù Đổng Thiên Vương. Nhớ vua Hùng, nhớ An Tiêm bị đày (Lâm Hảo Dũng)...

 

Vua Hùng Vương thứ mười một là Hùng Trinh Vương. Vua rất có công khai phá đất đai về phương Nam. Một hôm, khi nhà vua dừng quân ở vùng Thanh Hóa, chính mẹ đã cho thần núi Khả Lao đến dâng trống đồng và dùi để giúp vua thắng trận đấy mà!... 

 

Nhà Hồng Bàng có mười tám đời vua, mà vua Hùng Vương thứ mười hai là Hùng Vũ Vương. Mẹ hay chăng? Thời Nghiêu Thuấn, người Hán gọi dân ta là Giao Chỉ. Cái ông sử gia Tư Mã Thiên thì nói: Cắt tóc, xâm mình, khoanh tay, cài nút bên trái là tập tục của người Âu Việt. Dân mình khi xưa chọn vật tổ là con chim hồng. Khi gió bấc về, chim biết tìm đường bay về phương Nam để tránh lạnh. Cũng vậy, người mình biết chạy về phương Nam để tránh hiểm họa và tai ương!...

 

Thế rồi, vua Hùng Vương thứ mười ba lên ngôi, lấy hiệu là Hùng Văn Vương. Trong các bộ lạc, bộ Văn Lang là mạnh nhất và thu phục được các bộ lạc kia. Do đó, mà nước mình còn gọi là Văn Lang! Văn có nghĩa là đẹp. Lang là trù phú. Vì thế, quê hương ta gấm vóc. Bấy giờ, dân ta biết nấu cơm trong ống tre, lấy rễ gừng làm muối. Ai ai cũng tin vào ông thiên, bà thiên, biết thờ cúng tổ tiên. Cây xanh thì lá cũng xanh, Cha mẹ hiền lành để đức cho con...

 

Mẹ ơi, vua Hùng Vương thứ mười bốn là Hùng Anh Vương. Sau một thời gian dài, lúc này, dân ta sinh sản khá đông, vui lắm, hơn trăm ngàn người, trải dài từ sông Hồng đến sông Mã. Người ta càng ngày càng văn minh, biết cày bằng dao, cắt bằng lửa. Khi có người chết thì đem chày cối ra giã làm hiệu cho người chung quanh. Biết làm nhà sàn để tránh ngập lụt...

 

Sang đến vua Hùng Vương thứ mười lăm là Hùng Triều Vương. Mẹ có tin không? Văn Lang là một nền văn minh rộng lớn, gồm văn minh Lạch Trường phía bắc, văn minh Đồng Sơn phía nam, bao gồm cả các nhóm Việt tộc Dương Tử. Lịch sử dân tộc ta bắt đầu như một làn sương bàng bạc, năng động và biến chuyển không ngừng, để cuối cùng thoát ra như một viên ngọc quý mà tồn tại tới ngày nay...

 

Thời vua Hùng Vương thứ mười sáu là Hùng Tạo Vương. Ở vùng Nghệ An có ông Lư Cao Sơn biết làm nghề rèn. Dân ta đang từ thời đá đẽo, nay tiến sang văn minh đồ đồng. Nhiều dấu tích về trống đồng được tìm thấy ở vùng Đồng Sơn, vùng núi Khả Lao, cũng như ở làng Hoàng Hạ và làng Ngọc Lữ, tỉnh Hà Nam...

 

Vua Hùng Vương thứ mười bảy là Hùng Nghi Vương. Dân mình là giống kiên cường, luôn luôn vượt rừng vượt núi. Lúc nào cũng chịu đựng và cặm cụi làm ăn. Bề ngoài trông lãnh đạm, nhưng thích nói chuyện và cười đùa dí dỏm. Vượt thành ra vịt, đọc thành việt, cho nên người ta gọi dân mình là Việt. Người Việt có nhiều nhóm, như: Đông Việt, Nam Việt, Mân Việt, Âu Việt, Lạc Việt. Nhưng tất cả đều nhận Mẹ là mẹ. Mẹ, chính mẹ, là mẹ Âu Cơ. Trăm năm mẹ cũng chờ. Ngàn năm mẹ cũng đợi. Mẹ là mẹ Âu Cơ...

 

Vị vua cuối cùng của nhà Hồng Bàng là Hùng Tuấn Vương. Ngài có đứa con gái giống mẹ như đúc đó mẹ ạ, tên là Bạch Hoa mỵ nương, vừa giỏi vừa thùy mị, nức danh khắp vùng. Cả Sơn tinh và Thủy tinh cũng đều tương tư say đắm. Rõ ràng, Sơn tinh đã đến cầu hôn, nạp sính lễ trước, đem nàng về cai quản vùng núi Ba Vì. Thế mà Thủy tinh cứ nằng nặc đòi voi đòi tiên, rồi gây hấn gây loạn, làm dân chúng rất mực khổ sở...

 

Đó là tất cả 18 đời vua Hùng Vương mà con học được. Sau đó là tới nhà Thục. Thục Phán lên ngôi năm 257 BC, hiệu là Thục An Dương Vương, đổi tên nước thành Âu Lạc. Kinh đô vẫn ở Phong Châu. Lúc bấy giờ, ở phương Bắc Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước, rồi mưu toan xâm chiếm phương Nam. Thục An Dương Vương cho xây thành Cổ Loa. Mẹ đã sai thần Kim Quy trao cho nhà vua cái móng để làm nỏ liên châu. Nhờ đó, nhà vua giữ vững được bờ cõi, và nhất là chống lại được cuộc tấn công vũ bão của Đồ Thư năm 218 BC.

 

Viết đến đây, con xin tóm tắt, mạn gọi Hồng Bàng là thời bí sử. Có đúng không, hả mẹ? Vì ít người hiểu được, chỉ có mẹ con mình biết với nhau thôi. Ai nói sao cũng mặc! Con chỉ biết làm đẹp cho mẹ, giữ thơm cho mẹ, vì mẹ là linh hồn của chúng con. Mười tám đời vua Hùng Vương, mỗi vua trị vì, tượng trưng cho một thời gian dài, khoảng 125 năm. Đâu có ai sống được hơn trăm tuổi, nói chi đến thời gian trị vì lâu như vậy. Cho nên, con mới gọi, đây chỉ là tượng trưng, dùng làm cái mốc cho thời gian thôi.

 

Nói tới đây, con càng cảm thấy thương mẹ quá chừng chừng, không sao kể xiết! Dân chúng biết lập đền thờ trên núi Nghĩa Lĩnh cho các vua Hùng Vương, mà không ai làm nổi cho mẹ được một cái am, để ngày ngày chúng con đến dâng hương kính mẹ, bà mẹ Âu Cơ kính yêu của chúng con. Hay là để con vận động cho mẹ nhé, con sẽ nhất quyết, nếu mẹ cho phép!

 

Còn về tôn giáo, thật là một vấn đề nhiêu khê! Theo con nghĩ, tôn giáo lập ra là để giúp cho con người được hạnh phúc. Thế mà, đã rất nhiều lần, vì tôn giáo mà con người chém giết lẫn nhau. Nhiều người đem tôn giáo ra để biện minh cho lòng căm thù và tham lam của mình. Nhưng con quả quyết với mọi người: Mẹ có trước các tôn giáo, con người có trước các tôn giáo. Để con chứng minh cho mẹ coi. Kinh Vệ Đà của Ấn Độ giáo được viết khoảng đời vua Hùng Vương thứ tám. Kinh Torah của Do Thái giáo được viết khoảng đời vua Hùng Vương thứ mười. Thái Tử Cồ Đàm, Lão Tử, và Khổng Tử sinh ra vào khoảng đời vua Hùng Vương thứ mười bảy. Chúa giáng sinh vào đầu kỷ nguyên. Mohammad vào cuối thế kỷ thứ Sáu sau công nguyên. Vậy thì tôn giáo được lập ra để làm gì? Nếu được phép, con sẽ hỏi tất cả các vị sáng lập ra các tôn giáo: Các ngài sáng lập các tôn giáo này có mục đích gì? Tôn giáo phụng sự con người hay con người sinh ra để phục vụ cho các tôn giáo? Mẹ biết, con không dám xúc phạm tới ai, lại càng không dám xúc phạm tới các tôn giáo. Con chỉ hỏi thôi, và thực sự con cũng muốn tìm hiểu cho biết. Vì trước khi các tôn giáo xuất hiện, mẹ đã dạy chúng con biết yêu thương, châm ngôn là đợi chờ, hành động là chấp nhận, và lấy sự thật làm điểm chính yếu. Vì thế, suốt đời, con chỉ tìm mong sự thật, vì sự thật cho con tự do và niềm vui.

 

Thơ đã dài, nhưng con chưa thể chấm dứt ở đây được. Con phải nói chuyện với mẹ về con người, và về xã hội ngày nay. Câu hỏi của con là: Con người là ai? Và sứ mạng của con người là gì trên trái đất này? Trước khi tìm ra giải đáp cho những thắc mắc đó, con xin tuyên xưng với mẹ ba điều chân thật, như là ba định lý bất di dịch, để từ đó dẫn đến những kết luận chắc chắn, mẹ nhé: Một là mẹ Âu Cơ. Mẹ là mẹ của mọi người chúng con, những người Việt Nam, hải ngoại cũng như trong nước. Mặc dù hình ảnh mẹ có lu mờ cách mấy đi nữa, nhưng chính là mẹ đó. Không có mẹ làm sao có con? Mẹ vẫn sống, vẫn yêu thương, vẫn luôn chờ đợi chúng con trở về, và cùng xum họp bên mẹ. Hai là con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người ở đây bao gồm cả mẹ, cả con, cùng tất cả mọi người, không phân biệt nam nữ hay chủng tộc. Ba là sự thật. Sự thật nào cũng có khả năng tự chứng minh. Người ta bảo: Quy luật tự nó tìm đường mà đi. Quy luật ở đây là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Điều gì thật sẽ mãi mãi thật, còn điều gì không thật sẽ chẳng bao giờ thật. Không phải mình con mới trọng sự thật, mà rất nhiều nhiều người đã và đang trân quí sự thật. Ông Chu Tử nhà mình cũng đã nói: Sự thật đứng bên phải, tôi đứng bên phải; sự thật bên trái, tôi đứng bên trái. Ba điều rất chân thật này cũng chính là những điều mà con đã học được từ mẹ đó, mẹ ạ!

 

Bây giờ, con muốn nói chuyện với mẹ về con người. Bởi vì, biết được con người là biết được về cả vũ trụ. Chứ mẹ đã không dạy chúng con: mỗi hạt nước biển chứa đựng trong nó cả một vùng đại dương đó sao! Bà Joy Harja thì làm thơ thế này: Remember that you are all people and all people are you. Remember that you are the universe and the universe are you... Đấy cũng là một cách nói mẹ ạ! Trước tiên, mẹ đã dạy cho chúng con biết, con người gồm có hai phần: thể chất và tâm linh. Cơ thể của con kết tụ từ những chất liệu trong vũ trụ. Bên trong chất liệu đó là sự sống. Khi con sống là con tiếp tục lấy vào -- bỏ ra những chất liệu đó. Sự sống này do mẹ sinh ra, bằng tình thương, bằng sự ấp ủ, nuôi dưỡng bằng dòng sữa ngọt và lớn lên bằng tiếng ru êm đềm của mẹ. Thứ đến, bên cạnh thể chất là tâm linh. Tâm linh là cái gì khó hiểu, nhưng ai ai cũng tin rằng: con người có tâm linh. Nếu thể chất con từ vũ trụ mà đến, thì tâm linh con cũng là đến từ vũ trụ mà có người gọi là Đại Ngã hay gì gì đó. Kế đến, cơ thể của con còn là một bộ máy tinh vi và huyền nhiệm, vì bên trong bộ máy đó còn có tình cảm và trí khôn. Tình cảm này bao gồm những hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Trí khôn để con biết phân biệt những điều thiện ác và tốt xấu. Cuối cùng, những hoạt động của tình cảm đi đôi với trí khôn còn gọi là hành động và sáng tạo. Tóm lại, con người gồm có bằng đấy thứ: thể chất, tâm linh, sự sống, tình cảm, trí khôn, và hành động.

 

Nhưng con người không sống riêng rẽ một mình, mà sống trong tập thể. Tập thể đó có thể là gia đình, xóm giềng, quốc gia, và trên hết là cộng đồng nhân loại. Mỗi tập thể cũng có tình cảm và trí khôn riêng của nó, do từng cá nhân liên hệ, ảnh hưởng và chung phần với nhau. Mỗi địa phương có tình cảm và trí khôn của nó. Mỗi quốc gia có tình cảm và trí khôn của nó. Và trên cùng, tập hợp nhân loại cũng có tình cảm và trí khôn của nó. Như vậy, mỗi cá nhân có đời sống riêng, nhưng ảnh hưởng tới hết mọi người, bằng một cách nào đó. Thày Nhất Hạnh dạy: nếu sáng hôm nay con mỉm cười, tức là con đang làm cho thế giới vui hơn được một tí. Cũng vậy, khi con thành tâm bố thí, thì chính con được vui, người nhận sẽ cảm động, và người chung quanh cũng được hoan hỉ, và cả thế giới vui hơn được một tí. Mẹ cũng đã từng dạy chúng con như vậy. Chẳng bao giờ con quên.

 

Còn một điều nữa mà con muốn nói với mẹ là sứ mạng của con người. Sứ mạng của con là gì? Hay nói cách khác, sứ mạng của con người trong trời đất này là gì? Mẹ đã từng dạy con: muốn biết sứ mạng của mình, con phải nhìn vào sứ mạng của trời đất. Và khi con nhìn, con đã thấy rằng: Vũ trụ này có thể chất và tâm linh. Vạn vật này có thể chất và tâm linh. Nhân loại này có thể chất và tâm linh. Và mỗi người đều có thể chất và tâm linh. Trong thể chất chứa đựng đời sống. Đời sống thì có tình cảm và trí khôn. Tình cảm và trí khôn sinh ra hành động. Mọi hành động liên đới với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, và chung phần với nhau. J. J. Rousseau nói rằng: con người được tự do, nhưng lại vướng trong xiềng xích (man is free, yet he is in chains). Điển hình như Hitler. Tại sao ông đã làm những chuyện động trời như vậy? Cha mẹ dạy ông, xã hội dạy ông, hay tôn giáo rèn luyện ông? Có khi là do tình cảm và hành động của những người chung quanh. Có khi là vì di truyền. Có khi là ảnh hưởng của thời tiết chăng! Đúng vậy, phải có đầy đủ mọi yếu tố đó thì Hitler đó mới trở thành Hitler. Rồi, nếu chỉ có một bàn tay làm sao ông ta có thể vỗ ra thành tiếng? Cho nên, phải có cơ hội, phải có người cộng tác, thì mới xẩy ra thế chiến thứ hai như vậy được.

 

Nói thế không phải để chúng con bênh vực cho điều ác, nhưng để chứng minh rằng, những điều ác xẩy ra trên đời cũng chính là do anh em chúng con, hay là chính chúng con gây ra mà thôi. Để từ đó, chúng con gióng lên tiếng chuông, rằng, nếu chúng con không tu tâm, không tự cải thiện chính mình, thì thế giới có thể đi đến diệt vong, bằng chính những vũ khí của con người, hoặc do chính những phát minh của họ. J. F. Kennedy đã nói: nếu con người không chấm dứt chiến tranh, thì chiến tranh sẽ chấm dứt con người.

 

Mẹ ơi, biết bao điều đau khổ đã xẩy đến cho dân tộc mình, máu và nước mắt, không thể nào kể xiết. Nào là đô hộ, nào là thực dân, nào là chiến tranh, chủ nghĩa, độc tài..., rồi 30 tháng Tư... Đã đến lúc mọi người Việt Nam phải đứng lên, không phải để bôi mặt đá nhau, nhưng là để lắng nghe tiếng trống đồng - tiếng gọi của tâm linh - để trở về với mẹ, trở về cùng nghĩa yêu thương. Mẹ, chính mẹ, là mẹ Âu Cơ. Mẹ còn đang đứng đó, còn đang đợi chờ. Mẹ đã dạy chúng con những bài học yêu thương, khi xưa cũng như hôm nay, để chúng con biết sống sao cho phải đạo, để chúng con biết phục vụ chúng sinh và phụng sự thế giới...

 

Mẹ, con xin lập lại một lần nữa. Con đoan chắc rằng, tâm linh mẹ vẫn còn đó, và mẹ đang nghe con nói. Con xin long trọng thề hứa với mẹ. Con thương mẹ nhiều lắm, và con luôn luôn vâng giữ những lời mẹ dạy. Mẹ ơi, mẹ phù hộ cho chúng con nhiều, nghe mẹ! Con ... các con của mẹ.

 

 Mùa Vu Lan Báo Hiếu PL2555-2011

Phan Như Huyên

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
)