Học Kinh Pháp Hoa
Thích Nữ Như Bảo
Vừa rồi du lịch đến Hoa Kỳ tôi muốn có món quà tặng cho người phật tử Việt Nam sống tại nơi đây và những vị nào rành tiếng Việt. Dù là sự hiểu biết của tôi còn thiển cận, nhưng với tấm lòng tha thiết, tôi muốn giở đến quí Phật Tử thường hay tụng kinh Pháp Hoa tìm hiểu thêm, nếu quí vị cảm nhận được thì cùng tôi uống chung trà,còn không được thì cũng xin quí vị vui vẻ nhé.
Theo tôi thì người nào muốn có hạnh phúc thật sự cho chính mình và tha nhân, thì nên dành thời giờ quý báu để đọc-tụng và tìm hiểu kinh Pháp Hoa. Nếu khi bước chân vào rồi muốn có kết quả hữu hiệu thì nên tìm hiểu đức Phật một cách thâm sâu. Muốn hiểu được ý của đúc Phật như thế nào thì nên đọc kinh thật nhiều, thật kĩ đem hết tâm tư đọc một cách chí thành may ra mới nhận được phần nào lời Phật dạy.
Khi tôi còn là sa di ni và thức xoa, khi tụng kinh Pháp Hoa tôi chỉ thấy trong kinh đức Phật khuyên mọi người nên tụng kinh Pháp Hoa, mà chính mình đang tụng những lời Phật khuyên chúng sanh đời sau nên đọc tụng thọ trì và diễn nói hinh Pháp Hoa ,tôi cảm nghĩ mình đang tụng kinh Pháp Hoa mà tụng những lời Phật khuyên không chứ chẳng thấy kinh Pháp hoa đâu cả. Chính bản thân tôi cũng thấy thật buồn cười mà nghĩ không lẽ Phật nói suông ,sau thời gian đọc nhiều ,tôi mối hiểu ý nghĩa kinh Pháp hoa rất thâm sâu nằm ẩn trong kinh.
Biết là như vậy, nhưng ý Phật muốn nói không biết nằm trong phẩm nào ? Chỉ thấy trong phẩm Phương Tiện đức Phật nói với Ngài Xá Lợi Phất “các đức Phật Thế Tôn chỉ do một nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời, đó là Chư Phật muốn mở tri kiến Phật cho chúng sanh để họ được thanh tịnh; muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh nhận ra; muốn làm cho chúng sanh ngộ được tri kiến Phật để chúng nhập vào tri kiến Phật của chúng” , đọc nhiều lần tôi mới hiểu chút ít. Nhưng khai thị là phần của Phật còn ngộ nhập là phần của chúng sanh , thật là điều rất khó cho chúng sanh làm theo được như ý của đức Phật. Bởi vì phẩm nào khai, phẩm nào thị, phẩm nào ngộ, phẩm nào nhập tôi đều mù tịt. Đến khi đọc mãi kinh tôi mới nhận được phần nào, như trong phẩm Pháp Sư thứ mười Phật nói với Ngài Dược Vương Bồ Tát:” Sau khi Như Lai diệt độ nếu có Thiện Nam Thiện Nữ nào vì trong hàng bốn chúng muốn nói kinh Pháp Hoa thì người ấy phải vào nhà Như Lai, mặc Y Như Lai, ngồi tòa Như Lai, nhà Như Lai chính là Tâm Từ Bi, Y Như Lai chính là lòng nhu hòa nhẫn nhục,Tòa Như Lai chính là quán nhứt thiết pháp không làm tòa”. Đây là điều rất khó đối với hành giả muốn giảng kinh Pháp hoa. Theo ý Phật là người muốn giảng nói kinh Pháp Hoa phải đạt rốt ráo ba điều kiện trên bằng tâm hành chứ chẳng phải nói suông, thì mới được giảng dạy, còn không thì chỉ là người hiểu trên danh từ mà thôi, nói đến thọ trì thì chưa biết lấy gì để thọ trì.
Theo sự học và
thiển ý nhận định của tôi. Đề kinh nêu lên Diệu Pháp Liên Hoa là dùng Liên Hoa
làm dụ để hiển bày Diệu Pháp (tri kiến Phật) hay Diệu Pháp là phần tinh, phần
cốt lõi, Hoa là phần dụng (tinh hoa) Nói cách khác là phần thể và phần dụng
cũng là bổn môn và tích môn , vì bổn thật mà khai quyền để hiển thật, rốt cuộc
bỏ quyền chỉ còn thật. Trong kinh Pháp Hoa phẩm tựa là chủ yếu của toàn bộ kinh
mà rõ ràng nhất là đức Phật đã hiển bày Tri Kiến Phật sáng suốt từ xưa đến nay
thông trên thấu dưới, ở trong Pháp hội nương theo ánh sáng đó mà thấy chúng
sanh trong lục đạo, tạo nghiệp thọ báo, cũng như chư Phật tu nhân chứng quả hóa
độ chúng sanh, họ chỉ thấy như thế nhưng không một ai hiểu được Đức Phật làm
thế để làm gì .Do vì hàng Thanh Văn chưa dứt được vọng thức. Nên đức Di Lặc
(tiêu biểu cho thức )khởi nghi hỏi Bồ Tát Văn Thù (tiêu biểu cho trí),để trả
lời câu hỏi của ngài Di Lặc, vì chỉ có
trí huệ tự nhiên mới hiểu nổi mà thôi. Do trong Pháp hội chưa hiểu nên Phật
phương tiện dùng ngữ ngôn để khai mở cho họ và cũng để cho chúng sanh đời sau
hiểu được để chúng cũng ngộ nhập được Phật tri kiến. Trong khi đức Phật dùng
phương tiện diễn nói mở ra cho chúng hội một lối nhận định và lập thí dụ để
hiển bày , thì có Ngài Xá Lợi Phất căn trí lanh lợi liền nhận ra Phật tri Kiến,
hớn hở vui mừng được điều chưa từng có đem trình lên Phật Đức Phật liền ấn chứng cho Ngài.
Còn những căn cơ kém bén nhậy hơn, Đức Phật phải dùng thí dụ nhà lửa, qua thí dụ nầy vị Thanh Văn kỳ cựu mới nhận được tri kiến Phật của mình, họ vui mừng vô hạn như chàng Cùng Tử được người cha trao cả gia tài mà trước kia ông ta chưa bao giờ dám nghĩ đến.Gia tài đồ sộ là tri kiến Phật của mỗi người.Ba loại xe chỉ cho ba thừa (Thanh Văn, Duyên Giác và Phật thừa) .Đức Phật đưa pháp hội lên tới Phật thừa (Bảo sở) các Ngài nhơn thí dụ nầy mà ngộ được tri kiến đem trình kiến giải lên Phật, Đức Phật liền ấn chứng cho những vị Thanh Văn kỳ cựu nầy là tương lai các ông đều sẽ thành Phật.
Ngài còn phải khích lệ cho những hạng căn cơ bậc trung để họ cố gắng nhận ra Tri Kiến Phật. Đức Phật dùng thí dụ đám mưa lớn mọi cây cỏ đều được thấm nhuần, như một trận mưa pháp khiến cho mọi căn cơ đều được thấm nhuần pháp nhủ. Có người ngộ nhanh thì nhận ra tri kiến Phật mình liền, có người phải nhờ Phật khích lệ mới ngộ,bấy giờ trong đoàn Ngài Ma Ha Ca Diếp được Đức Phật khích lệ mới tỏ ngộ Tri kiến Phật của họ ,họ đem trình lên Phật, Phật liền thọ ký.
Đức Phật còn ngại những vị căn cơ bậc trung, tuy họ thấy rõ tri kiến Phật, nhưng vì Ngài sợ họ đắm luyến trong quả vị tịch tịnh của hàng Thanh văn nên Ngài dùng thí dụ hóa thành và bảo sở để đưa họ đến chỗ rốt ráo. Kế đến có 500 người của Ngài Mãn Từ Tử, ông đại diện trình bày chỗ sở ngộ của họ, đức Phật liền thọ ký ngay. Còn căn cơ hạ liệt chưa dám nhận Phật tri kiến của mình .Đức Phật lại thị hiện một lần nữa là tháp bảy báu, hiện giữa hư không trang nghiêm đẹp cực kỳ. Bên trong có toàn thân Phật Đa Bảo ngồi trong đấy. Phật Đa Bảo tượng trưng cho Pháp thân, tháp bảy báu tượng trưng cho thất đại (địa, thủy, hỏa, phong, không ,kiến ,thức.).Ngài chỉ rõ trong bảy đại có hàm chứa Pháp thân hay tri kiến Phật. Nhưng làm sao để họ thấy được.Đức Phật bảo: “Các ông phải thu nhiếp vọng tưởng lại mới thấy được Pháp thân”. Ý nói sáu thức phân tán theo sáu trần chúng phải tụ hội về một chỗ ,phải an định vào pháp thân hiện tiền, Ngài còn chỉ cho chúng hội biết Tri kiến Phật nằm sẵn trong lầu ngũ uẩn hay trong thất đại của chúng sanh. Đức Phật lại cặn kẽ chỉ dẫn thế mà hạng căn cơ hạ liệt vẫn chưa tin, chưa hiểu .Đức Phật còn rạch ròi chỉ lại một lần nữa, dù tạo tội ngũ nghịch như Đề Bà Đạt Đa, ti tiện như Long Nữ vẫn có tri kiến Phật, nếu họ có duyên gặp được thiện tri thức dắt dẫn thì liền được tỏ ngộ Tri kiến Phật như các vị đã ngộ và đang ngộ .
Đức Phật phân tách đến đây ,tất cả những vị Tỳ Kheo Ni đều buông xả tâm hạ liệt, tự nhận mình có phần thành Phật và đồng có Tri kiến Phật như các vị đã ngộ mà trước kia họ đinh ninh rằng người nữ tu hành không thể thành Phật .
Mọi căn cơ đều đã tỏ ngộ, có người đốn ngộ, có người tiệm ngộ, họ bắt đầu nhập vào tri kiến Phật, nghĩa là họ đã biết và thấy rõ mình có của báu nên phải tìm cách để bảo trì, nói cách khác cần phải tiệm tu Bồ Tát Hạnh.Nếu nói theo thiền thì ở trên đã kiến tánh ,từ đây về sau mới khởi tu. Nghĩa là phải giới luật nghiêm minh, tâm trong sáng luôn an trụ trong đi đứng nằm ngồi, do công phu tu tập để bảo trì tri kiến Phật, chuyên làm như thế nên trong thân phát ra vô sư trí, trí nầy từ thân tứ đại phát xuất. Trí vô sư do tu hành mà được nên có khả năng chống lại sanh tử .Vì thế trong chúng hội cũng như chúng sanh đời sau tự bảo hộ ,tự duy trì Phật tri kiến của mình ,không cần nhờ Bồ Tát tha phương đến bảo hộ. Đây cũng là nói lên được tư cách làm chủ của người đã ngộ nhập tri kiến Phật, không phải như trí vô sư nhờ học mà được ,hể còn phân biệt giảng trạch thuộc về trí phân biệt ,cho nên không đủ khả năng để bảo trì tri kiến Phật được vậy .
Đã có trí vô sư phát sanh nên nhận rõ pháp thân bất sanh bất diệt thường hằng chẳng biến đổi .Tuổi thọ của pháp thân bằng tuối thọ của hư không, vì pháp thân vô tướng nên không bị vô thường làm tan hoại ,như ở đây nói tri kiến Phật hay pháp thân nằm sẵn trong thân năm ấm của chúng sanh ,nhờ có công phu tu luyện , vô sư trí Phật sanh mới nhập được pháp thân., .Vì thế Đức Phật nói rất khó tin khó hiểu , nhưng dù khó tin khó hiểu đến mức độ nào đi nữa đức Phật cũng dùng mọi phương pháp dắt dẫn cho hết chúng hội ,từ thượng căn cho đến hạ trí và cũng là để cho chúng sanh đời sau nếu ai bằng lòng tịnh tâm nghiên cứu và thực hành một cách sâu sắc thì cũng có lợi ích rất lớn cho mình ,trừ các bực tăng thượng mạn không muốn nghe thì họ phải đứng dậy lui về thôi. Cho nên công đức Phật vô lượng vô biên, không lấy gì sánh bằng, trong pháp hội ngộ nhập được tri kiến Phật công đức cũng không cùng ,cho đến người phát tâm tùy hỷ cũng công đức vô lượng vì họ có phần nhận hiểu và khuyến khích người khác cũng nhận hiểu như mình đều có công đức vô lượng cả .
Từ trước đến đây trình bày xong chỗ ngộ Phật Tri kiến rồi, bây giờ trong chúng hội bắt đầu tu bồ tát hạnh để phá sạch năm uẩn ,bằng cách kiên trì và nhẫn nại khi ra chỉ dạy cho người chưa ngộ để họ được tỏ ngộ như mình .Việc làm của Bồ Tát Thường Bất Khinh là trì pháp hoa và truyền bá pháp hoa bằng cách gặp ai ngài cũng vái xá nói rằng:”Tôi chẳng dám khinh quí ngài , quí Ngài đều sẽ thành Phật “.Ngài tu nhơn như vậy ,kết quả thành Phật Thích Ca bây giờ ,Ngài gieo nhơn như thế ,kết quả mọi người đều được dự vào hội Pháp Hoa hiện tại và họ đều được ngộ nhập Phật tri kiến của mình .Ngài trì kinh bằng cách sống với tri kiến Phật của Ngài ,và Ngài gieo cho mọi người đầy đủ lòng tin họ có tri kiến Phật để họ nhập vào ,rồi họ luôn sống với pháp thân thường trụ của họ nên diệu dụng bất khả tư nghì ,diệu dụng nầy từ chỗ diệu trí tự nhiên phát sanh ,do công phu tu hành trở về tánh giác là lẽ thật ,chứ không phải do sự cố gắng luyện tập nào cả .cho nên ở đây đức Phật bày tướng lưỡi rộng dài và cả lỗ chân lông đều phóng quang ,đó là thần lực diệu dụng bất khả tư nghì của tri kiến Phật .Vì thế khi ngài A Nan ngộ rồi Phát nguyện độ sanh rằng: “Nếu còn một chúng sanh chưa chứng quả, cảnh Niết Bàn con đâu dám tự an” Ngài còn nguyện tiếp: “Hư không là thể tánh thường còn, mà có ngày hoại diệt tiêu tan, nhưng tấm lòng kiên cố của chúng con nguyện trước Phật không bao giờ lay chuyển” .Một lời nguyện thật kiên cố thật sâu rộng mà không ngại gì đến sức lực của mình nên mới gọi là hạnh Bồ Tát .
Tri Kiến Phật là huệ mạng của chúng sanh ,là trí huệ của chư Phật .Theo kinh Pháp Hoa trên đường giác ngộ không còn lối nào khác hơn .Thế nên bằng cách nào đó truyền bá cho mọi người nhận ra tri kiến Phật là trách nhiệm tối thượng của người ngộ trước ,ngọn đèn trí huệ đệ nhứt phá vô minh tối tăm là tri kiến Phật .Vì vậy, Đức Phật phó chúc cho hàng đệ tử đã ngộ nhập rồi phải dắt dẫn cho người chưa ngộ nhập, dù bằng cách nầy hay bằng cách khác. Có như thế mới đền đáp công ơn phần nào trong muôn một của chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ Sư và cả quí Hòa Thượng, quí Thầy truyền giới và thế phát cho mình nữa.
Khi họ đã ngộ nhập rồi, mỗi người bắt đầu tự dẹp sạch sự chấp của năm ấm (ngũ ấm ma ). Theo Hòa Thượng Thích Trí Tịnh đã phân định trong phần chú giải Pháp Hoa .Vì năm ấm nầy nó che đậy khiến Phật tánh không hiển lộ rốt ráo được . Mặc dù trong pháp hội đã ngộ nhập nhưng chưa hoàn toàn thành Phật .Ví như vàng còn lẫn lộn trong quặng, chưa được trãi qua sự thanh lọc của thợ vàng. Cho nên hành giả phải lần lược phá năm ấm (sắc, thọ, tưởng ,hành, thức.) và gạn lọc cho hết vọng tưởng và chấp ngã, chấp pháp. Sắc ấm là thân tứ đại ,Pháp thân là thể của báo thân, hóa thân và sắc ấm .Khi hành giả được chánh định hiện tiền ,thì sắc thân liền nhập vào pháp thân. Cho nên trong kinh nói: “Phật dùng y báu cõi trời mà tự quấn thân, rưới các thứ dầu thơm và đốt các loại hương (giới hương ,định hương, huệ hương giải thoát, giải thoát tri kiến hương) Dùng sức nguyện thần thông mà tự đốt thân ánh sáng soi khắp mười phương cõi để cúng dường Như Lai: “Ý nói hành giả phá sạch năm uẩn để trở về tri kiến Phật sáng suốt mới chân thật cúng dường Như Lai. Lúc bấy giờ họ xem sắc thân như bong, như bọt, nên xả sắc thân một cách dễ dàng Bồ Tát thiêu thân cúng dường là xả sắc thân trước, rồi xả sáu trần sau, Bồ Tát đốt luôn hai cánh tay là phá sạch ngã và pháp chấp mới gọi là chân thật cúng dường Như Lai. Kế đến là phá thọ ấm, thọ là lãnh thọ, thọ vui, thọ buồn và thọ không vui ,không buồn trong tâm chúng ta, thọ ấm không hình không tướng, khi hành giả nhận được tri kiến Phật, mới thấy thọ ấm là hư giả nên dẹp cũng rất dễ .Bồ Tát Diệu Âm tư xa đến là tiêu biểu sáu trần ngoài vào làm cho hành giả theo trần cảnh mà không nhận được tri kiến Phật nên gọi là lãnh thọ ,xả mọi lãnh thọ vui ,buồn,thương, ghét…gọi là xả thọ ấm .Một lần nữa Bồ Tát Diệu Âm cúng dường âm nhạc là buông xả âm thanh, cúng dường bát vàng là buông xả sắc tướng. Âm thanh và sắc tướng là hai thứ nổi bậc nhất,sự lãnh thọ của hai thứ nầy nó chiếm địa vị rất quan trọng trong đời hành giả nên phải xả sạch
Kế đến là phá tưởng ấm,tưởng là nhân đau khổ .ví như có một viên đạn ,một nhát dao chạm vào người một cách quá nhanh ta không cảm thấy đau và sợ ,nếu tưởng tượng lại ta mới thấy thật kinh sợ hoặc mơ tưởng những gì chưa đến ,như chỉ ngồi không mà mơ tưởng sự giàu sang mà không lo học hành để có sự nghiệp mà nuôi thân mạng ,khi lớn lên không biết làm gì cả sự khổ đến với bản thân, sự khổ này do mơ tưởng mà sanh ,vì nó không giải quyết được thực tế cuộc sống nên ta phải chiụ khổ muốn không khổ nên dứt mơ tưởng .Đây là khổ vì nghèo còn về tâm linh do suy tưởng mà ta không thể nhận ra tri kiến Phật ,thì hành giả không biết hướng về.Thế nên mọi khổ ở thế gian do tưởng mà có ,hết suy tưởng mông lung thì thân tâm an lạc nhẹ nhàng sáng suốt. Niệm Bồ Tát Quán Thế Âm là “phản văn tự tánh “nghĩa là quán trở lại tánh nghe thì mọi tưởng đều lặng Trong sáu căn nhỉ căn là viên thông hơn cả, hành giả muốn dứt tưởng thì quay trở lại tánh nghe thì chóng kết quả. Cho nên, Tổ dạy: không nuối tiếc quá khứ, không mơ ước tương lai,mà chỉ sống trong hiện tại”, thì ta sẽ có hạnh phúc. .Hòa thượng Nhất Hạnh cũng đã thực hành theo bằng cách hiện đại hơn: “hít vào tâm tỉnh lặng,thở ra miệng mỉm cười, an trú trong hiện tại giờ phút đẹp tuyệt vời “hành giả thử thực nghiệm sẽ cảm nhận cái hay, cái đẹp, cái an lạc và hạnh phúc mà Đức Phật đã dạy cho mình.
Còn về hành ấm là nghiệp tạo sâu dày từ đời quá khứ cho đến hiện tại cho nên rất khó phá, hành giả phá được nó liền cảm nhận tâm ta tịch tĩnh lầm tưởng là Niết Bàn nên hay lạc vào trầm không trệ tịch của Thanh Văn.Vì thế Đức Phật thường quở hàng Thanh Văn là hạng tiêu nha bại chủng (đốt cháy mầm mống Phật pháp không cho nó đâm chồi nẩy lộc).Vì qúi Ngài khi diệt hành ấm rồi thường thích ở trong Niết Bàn tịch lặng mà không muốn ra độ sanh. Hơn nữa, diệt hành ấm rất khó chúng ta buông sạch mọi xao xuyến thầm lặng bên trong và phải nhờ thần chú mới diệt được,vì thần chú có công năng tiêu diệt nghiệp lực sâu dày trong quá khứ cộng thêm sự chú tâm của hành giả mới diệt được sự thiên lưu tạo tác của nghiệp dai dẳng từ quá khứ, đến hiện tại sang tương lai. Nên hành giả phải nhờ thần chú mới định tâm mà phá được.
Cuối cùng là phá thức ấm, thức ấm gồm có “A lại gia thức, Mạt na thức”, Ýthức và năm thức trước Nếu ý thức và năm thức trước thuần tịch không còn duyên sáu trần nữa, thì chuyển A lại gia thức thành đại viên cảnh trí (trí tròn sáng mười phương ), Mạt na thức chuyển thành bình đẳng tánh trí, Ý thức thành diệu quang sát trí, năm thức trước thành Sở tát trí. A lại gia thức đi đâu thì nhân liền đi theo (phu nhân tượng trưng Mạt Na). Mạt Na thức luôn chấp A lại gia thức làm tự ngã, nên A lại gia làm gì thì mạt na làm theo, bấy giờ Mạt na cũng chuyển thành, bình đẳng tánh trí, ý thức chuyển thành diệu quang sát trí, năm thức trước chuyển thành sở tác trí. Đây là tám thức chuyển thành bốn trí Sự công phu tu hành của người ngộ Phật tri kiến đến đây đã hoàn mãn . Chỉ còn giữ gìn của báu của hành giả và giúp cho người khác cũng ngộ như mình, cũng như vàng đã được thợ lọc hết chất quặng rồi , chỉ cần đem ra làm thành xuyến, nhẫn, bông tai, cà rá bày ra cho mọi người xem.Thế nên Phẩm Phổ Hiền tiêu biểu cho hạnh và cũng tiêu biểu cho sai biệt trí để ra hóa độ chúng sanh. Ngài Văn Thù tiêu biểu cho căn bản trí sẵn có sáng suốt của mọi chúng sanh. Thế là phần “tu tự lợi và lợi tha” đã hoàn mãn luôn sống với tri kiến Phật của mình mà được thành Phật. Như thế, ta lần lược học hết bộ kinh Pháp Hoa , nhưng đây là học ngắn gọn, nếu khai triển và chia chẻ ra thì rất nhiều, nhứt là hành trì từng chi tiết một mà trong kinh Pháp hoa đã dạy , chúng ta nên cảm nhận và theo dõi tâm mình, để gọt sạch phiền não vọng tưởng, chấp trước từ nhiều kiếp đến nay cho dù trải qua bao nhiêu kiếp nữa, chúng ta cũng phải phát nguyện kiên trì đừng nên gián đoạn hay bỏ lỡ cơ hội.
Theo sự nhận định của tôi phẩm phương tiện là khai Phật tri kiến. Phẩm tựa, phẩm hiện bửu tháp và phẩm tùng địa dõng xuất là thị Phật tri kiến. Phẩm 3,4,5,6,8,9,,Sáu phẩm nầy ngộ Phật Tri kiến, Phẩm thứ bảy đức Phật đưa hàng Thanh Văn và Duyên giác từ hóa thành tiến lên bảo sở. Phẩm 10 và phẩm 12. Đức Phật gắng độ hàng căn cơ hạ liệt, phẩm 13 hàng tỳ kheo ni ngộ Phật tri kiến; Phẩm 14, 16, 20 là nhập Phật tri kiến, Phẩm 17, 18, 19, nói về công đức của người nhận ra tri kiến Phật, Phẩm 22, Đức Phật phó chúc cho hàng đệ tử ngộ rồi phải dắt dẫn người chưa ngộ, Phẩm 23,24, 25, 26, 27 là phá năm ấm, như trong phần tóm yếu của kinh Pháp Hoa đã phân tách . Phẩm Phổ Hiền là ra hóa độ chúng sanh .
Trên đây là phần tu theo kinh Pháp Hoa dành riêng cho những vị đã ngộ Phật tri kiến, còn chúng ta hiện giờ tu theo Pháp Hoa thì như thế nào ? Nhưng theo tôi nghĩ dù tụng kinh ít hay nhiều tùy vào hoàn cảnh cũng đều có lợi ích cả. Điều cốt yếu chúng ta nhận được ý chỉ trong kinh Phật muốn nói, dù Phật có mắng mình là ngu si thì chúng ta nên thức tỉnh mà giác ngộ. Đây mới chính là hạnh phúc của chính mình .
Hiện nay có nhiều người nói “tu niệm Phật cầu vãng sanh cho dễ “Thật ra tu pháp môn nào cũng đều y như nhau, tuy tên gọi khác cánh, hành trì cũng khác nhưng tất cả pháp môn đều đi vào nhứt tâm, pháp môn nào cũng phải điều phục sáu căn, phá trừ năm ấm của chấp ngã và chấp pháp mới vào được đich của pháp môn mình đang hành trì. Như kinh Pháp Hoa gọi là Phật tri kiến, Pháp môn niệm Phật gọi là tự tánh Di Đà duy tâm tịnh độ ,Thủ Lăng Nghiêm gọi là chơn tâm thường trụ, Viên Giác gọi là Viên Giác Diệu Tâm…Cho nên các bậc thầy tu rồi đối với mọi pháp môn đều phối hợp được cả. Như Sư Trưởng tôi thường nói Thiền, tịnh ,mật đều tu được cả,hay nói cách khác Thiền tịnh song tu, một lời nói đơn giản mà ngày hôm nay bản thân tôi mới hiểu được, khi hiểu ra thì Thầy không còn nữa. Cho nên người tu đối với mọi pháp môn không còn ngăn ngại và đối nghịch nhau. Nếu tu pháp môn tịnh độ mà không nhận ra tự tánh Di Dà thì cũng khó được Cực Lạc hiện tiền, hiện tại không có cực Lạc thì khi chuyển kiếp khó được vãng sanh. Đối với kinh Pháp Hoa ý nghĩa rất sâu kín, lẽ ra chúng ta chỉ cảm nhận rồi hành trì chứ không nên nói. Nếu dùng ngôn ngữ văn tự để diễn tả, chẳng khác nào ghe đi thì thấy bờ dời, đi bộ thì thấy trăng trôi.
Thưa chư vị, sự cảm nhận về kinh Pháp Hoa của tôi còn rất nông cạn, mà đem trình bày ra đây là cả vấn đề mạo muội. Nhưng qua xứ người rồi về không trong lòng cảm thấy buồn. Vì thế nên tôi xin quí vị xem tùy theo sự cảm nhận của mình, vì ý kinh rất sâu thẳm và sự thực nghiệm phải trải qua rất nhiều rất nhiều kiếp mà hôm nay tôi trình bày bằng lời trên giấy mực là tôi đã đi rất xa. Chúng ta cùng nhau hạn chế ,tạm mượn lời để hiểu ý chứ không nên nói nhiều mà chỉ nói khẻ thôi. Bởi vì tất cả kinh điển của Phật đã dạy ví như ngón tay chỉ mặt trăng, chúng ta chỉ nương theo ngón tay để được thấy mặt trăng, chứ không nên chấp nơi ngón tay để rồi chẳng thấy mặt trăng đâu nữa . Xin trân trọng !
T.N. Như Bảo