- - Lá thư Trúc Lâm - Vu Lan Thắng Hội
- - Vu Lan Nhớ Bốn Ơn - HT Thích Chơn Thành
- - Phật Giáo Tinh Hoa và Phát Triển - Tùng Sơn
- - Mây Trời - Minh Đức Triều Tâm Ảnh
- - Vô Môn Quan - Nguyễn Nam Trân biên dịch
- - Ngôn ngữ tam muội của thiền sư Viên Chiếu- Như Hùng
- - Quán thông thực tướng - tuỳ bút Thanh Trí Cao
- - Tình người giác ngộ - Thích Tâm Ngoạn
- - Dâng hoa Lương Hoàng Sám trong mùa Vu Lan - Thích Nữ Giới Hương
- - Hương gió đức - Huệ Trân
- - Những sắc thái đặc thù của Phật giáo - Nguyễn Trần Ai
- - Học kinh Pháp Hoa - Thích Nữ Như Bảo
- - Dấu xưa - Nhuận Hùng
- - Danh Ni Truyện- - Ngọc Bảo
- - Thập nhị nhân duyên và tứ đế - Đức Hạnh
- - Ngôn ngữ loài vật - Huệ Trân
- - Ta từ thành Phật đến nay - Diệu Huyền trích dịch
- - Đức Đạt Lai Lạt Ma - Nguyễn Trần Ai
- - Con đi tìm mẹ! - Tâm Tường Lê Đình Cát
- - Lòng Mẹ - Diệu Trí
- - Tình cha nghĩa mẹ - Thanh Thái
- - Dòng thơ Issa - Hành Khất Thế Kỷ
- - Thì thầm với mẹ - Ngô thị Minh
- - Con tìm về mẹ Âu Cơ - Phan Như Huyên
- - Phỏng vấn HT Thích Quảng Thanh - Đoàn Trọng/ Việt Herald
- - Đêm Nghe Tiếng Chuông Chùa Tam Bảo - Trần Kiêm Đoàn
- - Thoát tục- Vô Thức Thi Nhân
PHẬT GIÁO TINH HOA VÀ PHÁT TRIỂN
Tác giả: Edward Conze Dịch giả: Tùng Sơn
Phương Pháp Tu Tập
Mục tiêu đã đề ra để đạt đến đích có 5 phương pháp có thể liệt kê ra ở đây, theo phương pháp tu tập này mọi người có thể tái sinh vào cõi tịnh độ cực lạc:
- Mọi người nên sống một đời sống trong sạch, nuôi dưỡng ước nguyện trở thành Phật.
- Theo đà phát triển Đại thừa, càng có khuynh hướng nhấn mạnh đến sự sùng tín Đức Phật như phương cách tích lũy công đức. Lòng sùng tín có thể biểu hiện qua những việc như ca ngợi công đức của Phật, tôn kính chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Phật, hoan hỷ niệm Phật, cúng dường phẩm vật đến Phật và luôn ước nguyện tương lai được tái sinh hoàn toàn như Phật. Hành vi cúng dường sẽ là nguồn có được công đức lớn lao nhất. Công đức nhận được tăng trưởng theo phẩm vật cúng dường và người thụ nhận phẩm vật cũng được ca ngợi theo đó. Từ thủa ban đầu, một số cá nhân hay nhóm người, đặc biệt các thánh hay tăng già được tôn kính như vô thượng phúc điền cho thế gian. (1) Trong khi đó Đại thừa nhấn mạnh Đức Phật như nguồn phúc điền tối cao nhất.
- Niệm, nghĩ đến Phật bằng cách đọc tụng danh hiệu Phật. Vì trong danh hiệu Phật hàm chứa sức mạnh linh thiêng của chư Phật và Bồ Tát. Hơn nữa trì niệm danh hiệu Phật là hành vi tích lũy công đức cao nhất. Có nhiều hình thức xướng tụng danh hiệu, trong số đó cách xướng tụng danh hiệu “quy y Phật A Di Đà” là nổi tiếng nhất. Tiếng Phạn gọi là “Om Name Amitabhaya Buddhaya”, tiếng Trung Hoa đọc là “Om O-mi-to-fo” và tiếng Nhật đọc là “Namo Amida Butsu”. Khi so sánh với người tại gia các tăng có nhiều lợi điểm hơn trong việc xướng tụng danh hiệu Phật, tuy thế
4. Mọi người nên tin tưởng mãnh liệt vào Phật và Bồ Tát đã lựa chọn, vì những đấng này đã lập lời thề cứu vớt tất cả, do đó Phật và Bồ Tát sẽ cứu vớt chúng ta và đưa chúng ta đến Niết Bàn, Tịnh Độ. Ba đức tính sau nói lên niềm thành tín: (1) thành thật; (2) tin tưởng sâu xa về ác nghiệp của bản thân, và sức mạnh thề nguyện của chư Phật; (3) Hồi hướng, bản thân lập lời thề tái sinh vào tịnh độ và đem công đức hoàn trả lại. Do sự hợp lực với lòng từ bi của Phật và lòng thành tin tưởng của bản thân, sẽ đưa chúng ta tái sinh vào nơi mong muốn.
5. Tập trung tư duy thiền định vào nước Phật, ngoài ta phải trui luyện sức tưởng tượng quán tưởng về chư Phật và Bồ Tát, cảm giác về âm thanh, thị gíác, và khứu giác, để nhận biết cảm thấy cái đẹp của nước Phật.
Đây là năm phương pháp tu tập, vậy thì lực chính cứu vớt chúng ta là gì? có học gỉả cho rằng đức tin, có học giả cho rằng việc xướng tụng danh hiệu Phật. Có nhiều cuộc luận tranh giữa phương pháp thứ nhất và thứ năm, vì có quan điểm bảo rằng hai phương pháp này đặt quá nặng vào niềm tin bản thân. Nói chung, tín ngưỡng Phật Giáo ở Ấn Độ không mang chiều hướng xem nhẹ giá trị đạo đức người sùng bái. Bởi vì tội lớn nhất trong năm tội (2) là phỉ báng pháp, thì không thể cứu vớt bằng niềm tin. Bằng phương cách nào để cho những người chống lại lời Phật dạy, không làm theo lời Phật có thể tin yêu Đức Phật? Phần này sẽ đề cập chi tiết hơn trong đoạn nói về Tịnh Độ Tông ở Nhật Bản, vì tông phái này chủ trương niềm tin toàn diện, đức tin là tất cả không đặt nặng đến hành vi đạo đức.
Chú Thích:
1. Trích từ Nam Truyền Đại Tạng Kinh quyển 17, trang 338. Phúc điền ở đây có nghĩa phúc đức sinh ra do lòng cúng dường Phật, Tăng, theo đó đất đai ruộng vườn trở lên phì nhiêu.
2. Ngũ nghịch hay năm tội lớn gồm có: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm tổn thương thân thể Phật, tạo bất hòa, phá hoại trong tăng đoàn.
Tín ngưỡng và Tự diệt bản ngã
Sau khi Phật nhập diệt vào khoảng 500 năm, hình thành phát triển những tính chất đặc biệt của các trường phái Phật giáo, một phần do áp lực xã hội, một phần do vấn đề tự diệt bản ngã tiềm ẩn trong giáo lý. Bằng cách đưa vào lý tưởng Bồ Tát, Phật giáo đại thừa trong nỗ lực loại trừ phần còn sót lại sau cùng tính chất vị kỷ, lợi ích cá nhân, cũng trong chiều hướng có tính cách thành tín, dựa vào tín ngưỡng, phủ nhận việc dựa quá nhiều vào bản thân để hoạch định đời sống cũng như công việc giải thoát. Ngay khi chúng ta phán đoán tín ngưỡng qua tiêu chuẩn tự hủy diệt bản ngã khi đó tín ngưỡng Phật giáo trở thành trực thuộc với Phật giáo chính thống. Hiến thân trong tín ngưỡng mang ý nghĩa tự hủy diệt bản ngã ở mức độ cao, do bởi vì một phần người này không dựa vào chính bản thân, hay sức lực chính mình, bởi vì người này nhận biết được tính chất vô ích cho mọi nỗ lực, mọi ý thức có tính cách cá nhân, do đó chấp nhận ‘mang’ tự bản thân đến giải thoát, hơn nữa một phần người này không đòi hỏi đặc quyền đặc biệt dựa trên trí tuệ hay công đức siêu việt.
Do đức tính khiêm tốn cho chúng ta thấy rằng mọi công đức chúng ta đòi hỏi không là cái gì khi so với công đức cứu giúp mọi người của chư Phật và Bồ Tát. Tự mãn luôn luôn là cái tội mà người Phật gíáo tiến bộ thường hay phạm phải. Nhưng nay họ được dạy cho đức tính khiêm tốn khi nhận tặng vật từ người khác, cũng từ những người này họ mới có nhận thức về đức tin. Tất cả những tự hào về tri thức, về thanh khiết trong tâm hồn là những cái tạo thành chướng ngại giữa ta và người. Nếu khi ta tự nhận thấy tri thức không là gì cả, tâm hồn cũng thối tha, khi ấy bản ngã sẽ thu nhỏ lại. Chỉ có lòng từ bi của đấng toàn năng mới có thể mang chúng ta đến bỉ ngạn, còn mọi kế hoạch, nỗ lực cá nhân đều rất nhỏ bé không thấm vào đâu cả. Chúng ta phải nhớ rằng ngay đến những kẻ khá đần độn thuyết giảng về cõi tịnh độ dưới hình bóng đấng cứu thế thì không khác gì người hiền nhân giảng dạy về đấng cứu thế.
Theo lý luận biện chứng của Phật giáo, sự hoàn thành Phật đạo chỉ tìm thấy khi sự hoàn thành không còn nữa, hay tự diệt đi, và sự hoàn thành chỉ hiện ra cũng là khi nó trở thành không còn phân biệt, hay biến mất. Đời sống người tín đồ Phật giáo rõ ràng là phải đi đến chỗ hoàn thành Phật đạo. Muốn thế cần phải có niềm tin và tấm lòng thành tín, không mang ý thức đến công đức của sự thành tựu đó. Mong mỏi Đức Phật cứu vớt, mọi người không cần phải làm điều gì đặc biệt, chỉ cần hoàn tất phương pháp tu hành này một cách trọn vẹn như mọi phương pháp khác.
Chương Thứ Bẩy
Trường Phái Du Già Hành
Thiền Định và Trí Tuệ
Vào khoảng thời gian những thế kỷ đầu của kỷ nguyên một học phái mới đã xuất hiện ra đời được gọi là trường phái Du Già Hành (1). Vào khoảng 500 năm trở về sau, tư tưởng trường phái này ngày càng gia tăng ảnh hưởng đến tư tưởng Đại thừa. Lý thuyết trường phái Du Già Hành rất phức tạp không dễ dàng để quần chúng bình dân có thể hiểu được. Lý luận trường phái này với tiền đề cho rằng có quan hệ mật thiết giữa phương pháp và kết quả do tham thiền nhập định mang đến, và mức độ tương quan đó lớn hơn những gì chúng ta hiểu biết hiện nay.
Nguyên động lực đầu tiên ra đời của Phật giáo lúc ban đầu có thể nói tác động bao chùm lên mọi hệ thống tư tưởng cũng như phương pháp tu hành của mọi trường phái (Đề cập trong chương nói về trường phái Cổ Trí Tuệ). Những phương pháp tu tập đều được gom lại trong tam học đó là giới, định, tuệ. Từ chương thứ bốn cho đến chương thứ sáu chúng ta đã thảo luận sự triển khai lý luận về trí tuệ, lý luận này do những người tinh thông về trí tuệ đề xuất ra, và những phương pháp tu tập của A Tì Đạt Ma Luận chính là động lực thực sự nằm đằng sau những lý luận này. Như vậy phần giới và định thì như thế nào? Giới đã không trở thành vấn đề thảo luận mãi cho đến khi tả phái Mật giáo phủ nhận nó (đề cập ở phần Mật giáo). Với những người chỉ chuyên thực hành thiền định đã không thể hoán chuyển những kinh nghiệm và phương pháp thành một lý luận hay giáo lý có hệ thống. Nhiệm vụ và mục đích của trường phái Du già là nhấn mạnh đến hình tướng thế gian hiện ra khi vào thiền định. Do đó phương pháp Thiền Định có thể thích hợp với người này, và phương pháp trí tuệ có thể thích hợp với người kia. Trong Nam Truyền Đại Tạng Kinh đưa ra câu chuyện hai người Narada và Musila là thí dụ tiêu biểu cho hai con đường (2). Trong tập thơ Bhagavat Gita (3) có đưa ra chi tiết đối chọi giữa hai danh từ Samkhya và Yoga. Những con người có trí tuệ chủ yếu là tri thức, còn những con người thiền định chủ yếu là mặc tưởng và khổ hạnh. Do đó người trí tuệ để hết tâm vào pháp, còn người thiền định chỉ chuyên trầm tư mặc tưởng. Trí tuệ đạt được bằng sự nội quan, còn thiền định đưa đến sự trầm lặng. Người trí tuệ để ý rất ít đến thần thông lực, còn người thiền định thì ngược lại. Nhưng theo giáo lý chính thống, chỉ khi nào cả hai đôi cánh cùng chắp lại với nhau mới có thể đưa đến giác ngộ hoàn toàn.
Trường phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ luôn luôn nhấn mạnh đến tính chất siêu việt của trí tuệ, có nghĩa là tính chất suy ngẫm về các pháp. Có những người chẳng hạn như Ha Lê Bạt Ma (Harivarman) chuyên tu tập thiền định để rồi phai lạt dần những gì ghi nhớ tích lũy trong quá khứ. Trong khi đó truờng phái Trung Quán đặt hết trọng tâm vào trí tuệ, ở đây trí tuệ được hiểu như lý luận siêu việt vượt lên trên mọi phân biệt. Riêng truờng phái Du Già hành bày tỏ thái độ chống lại việc quá nhấn mạnh đến quá trình tư duy mà coi thường sự tu tập thiền định.
Câu hỏi đặt ra vậy thì đặc điểm giáo lý của trường phái Du Già hành là gì? Trường phái Du Già hành bảo rằng Tâm là đấng tuyệt đối. Lý luận này thực ra không có gì mới lạ. Điều này đã được giảng dạy rõ ràng trong mọi kinh điển của các trường phái, không hiểu tại sao đã bị lãng quên quá lâu, và phải đợi đến khi trường phái Du Già hành ra đời và triển khai lý luận này.
Trong những kinh điển bằng tiến Pali, Phật đã giải thích rõ ràng rằng Tâm được hướng dẫn đúng đắn thì giống như hồ nước trong vắt không một chút vẫn đục trên mặt nước.
“Tâm tự tính thanh tịnh, thường bị ô uế bởi bụi trần”. (4)
Nói một cách khác, khi tâm trực diện với chân lý từ bên trong nội tâm dường như có tia sáng chiếu vào làm bừng sáng tất cả sự thật, đó là tự tính thanh tịnh. Những nhà luận sư của trường phái cổ trí tuệ tuy không chính thức phủ nhận lý luận này nhưng tỏ thái độ coi nhẹ nó. Những nhà lý luận cho trường phái cổ trí tuệ đã đưa ra A Tì Đạt Ma Luận, và theo A Tì Đạt Ma Luận thực tại được xem như một phần trong chuỗi dài liên tục của các pháp, hay là sự tồn tại trong khoẳng khắc của chuỗi dài thời gian. Dẫn chứng câu nói của Phật Âm “chỉ có các pháp là hiện hữu” (dhamma-matta) để chứng minh các hiện tượng khi chúng ta quan sát thế giới nó là như thế. Trường phái Du Già hành chủ trương “chỉ có tâm” (citta-matra) từ đó có thể diễn giải ra nhiều ý nghĩa, phản ảnh tính chất tương phản với lý luận của A tì đạt ma.
Nay trở lại tư tưởng Bát Nhã, Tính Không là yếu tố cùng cực của dòng sinh mệnh. Nhưng theo trường phái Du Già Hành mô tả Tính Không như là trạng thái của tâm, lối nghĩ này dường như hoàn toàn vô dụng với tư tưởng của trường phái Trung Quán. Không phải tư tưởng trong kinh Bát Nhã không để ý tư tưởng “tự tính thanh tịnh” được xem như tư tưởng cốt lõi cho mọi trường phái. Nói cho đúng trường phái Cổ Trí Tuệ không quan tâm nhiều cho lắm vấn đề Tâm. Mối quan tâm chính của họ là tính chất biện chứng tương quan giữa tâm của đấng tuyệt đối và tâm tuyệt đối (xem phần về trí tuệ) có nghĩa mâu thuẫn nội tại, cũng có thể nói là trạng thái phủ nhận chính mình. Đương nhiên khi xa lìa khỏi tham sân si, khi ấy tâm trở về trạng thái nguyên thủy, và cũng là bản tính của tâm là thanh tịnh, ở giai đoạn này tâm trở thành “pháp tính”. Tuy nhiên theo Bát Nhã Tâm Kinh cái gọi là tâm (ý thức) cũng không phải là tâm, vì tâm không hiện hữu lẫn không phải không hiện hữu. Tư tưởng trí tuệ với tư duy chủ đạo như nêu trên có thể hiểu như giải pháp biện chứng cho mọi hiện tượng, rõ ràng đó là nhân tố quyết định cho phương pháp tiếp cận đến vấn đề.
Tư tưởng cao nhất “Tự Tính Thanh Tịnh” đã không ngừng ở đây, Theo Phật giáo Trung Hoa nhấn mạnh đến tính thụ động, không hành động, dẫn giải lời nói trong Bát Nhã Tâm Kinh và giảng rằng giải thoát là đạt lấy trạng thái vô tâm. Họ phủ nhận mọi hoạt động tinh thần và cho rằng chỉ những người ngu mới tu đức và ngồi thiền định. Luận đề của họ là “Đừng nên suy nghĩ điều gì cả”. Hình thái tư duy này không được sự đồng tình ủng hộ của các người anh em Ấn Độ thuộc trường phái Trung Quán.
Trong khi đó trường phái Du Già
Hành đã đưa ra lối nghĩ hoàn toàn khác biệt với người thời trước, đối với họ điều
quan trọng nhất đó là tư tưởng đấng tuyệt đối chính là tâm, trong ý nghĩa không đi tìm vật khách quan bên ngoài, mà xa rời
mọi khách quan bên ngoài, quay vào tìm bên trong con người, thuần túy chủ quan.
Trước khi đi vào việc giải thích giáo lý có tính cách thần bí, chúng ta hãy đi
lượt qua lịch sử trường phái này.
Chú Thích:
(1) Du Già Hành(Yogacara) có nghĩa thống nhất thân và tâm, yên lặng, thiền định, chứng đạt được trí tuệ.
(2) Nam Truyền Đại Tạng kinh quyển thứ 13, trang 167.
(3) Bhagavat Gita là một tiết mục nằm trong tác phẩm Mahabharata, một trong hai tập thơ trữ tình thời cổ đại Ấn Độ, cũng còn được xem như thánh thư cho đạo Hindu, được viết khi nào không có ký lục rõ ràng.
(4) Nam truyền Đại Tạng Kinh quyển thứ 17.
Lịch sử kinh điển trường phái Du Già Hành
Có thể nói động hướng đầu tiên phát sinh trường phái Du Già Hành bắt đầu vào khoảng năm 150 sau kỷ
nguyên với tác phẩm Giải Thâm Mật Kinh (Sandhinirmocana Sutra). Vào khoảng thời đại giữa năm 150 và năm 400 sau kỷ nguyên có nhiều bộ kinh nói về “Duy Thức Học” và những bộ kinh như “Kinh Lăng Gìà” (Lankavatara Sutra), “Kinh Hoa Nghiêm” (Avatamsaka), “Hiện Quán Trang Nghiêm Kinh Luận” (Abhisamayalankara) , là những tư tưởng có vị trí trung gian giữa hai trường phái Trung Quán và trường phái Du Già Hành. “Hiện Quán Trang Nghiêm Kinh Luận” không chỉ là tác phẩm chú giải nổi tiếng mà còn là kim chỉ nam giải thích về Bát Nhã Tâm Kinh từ năm 350 trở về sau này, không những thế bộ kinh luận này còn được dùng như tài liệu cơ bản giảng dạy về Bát Nhã Tâm Kinh ở các trung tâm tu học ở Tây Tạng và Mông Cổ.
Kinh Hoa Nghiêm đưa ra giáo lý “Nhất Như” có nghĩa đó là sự dung thông giữa mọi vật trên thế gian lẫn nhau. Chính là nguyên lý trường cửu về vũ trụ, biểu hiện tâm trong sáng như mặt trăng, phản ảnh tất cả về vũ trụ vạn vật, tinh thần đó tiềm ẩn ở khắp mọi sự sống, tính chất thần bí đó bàng bạc khắp mọi nơi, xuyên qua những đối tượng con người có thể tạo sinh công đức, thấu triệt tính chất thần bí của toàn thể vũ trụ. Kinh Hoa Nghiêm là giáo học căn bản cho tông Hoa Nghiêm một tông phái có ảnh hưởng rất lớn ở Trung Quốc, tiếng Trung Hoa gọi là Hua-Yen-Tsung, và tiếng Nhật gọi là Ke Gon Shu. Pháp Tạng (1) mất năm 412 là một nhà lý thuyết vĩ đại nhất cho trường phái Hoa nghiêm. Trường phái Hoa Nghiêm đã có công đóng góp rất lớn trong việc cô đọng thăng hoa tinh thần Đông Phương, và cũng là nguồn kích thích cổ vũ cho rất nhiều nhà nghệ thuật ở Trung Hoa và Nhật Bản. Riêng ở Ấn Độ tư tưởng Hoa Nghiêm là biểu hiện nối kết quan trọng giữa hai trường phái Du Già Hành và Mật Giáo. Trường phái Du Già Hành được thành hình vào khoảng năm 400 do công lao hai anh em là Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu), cả hai sinh trưởng vùng Tây Bắc Ấn Độ. Có một số học giả cho rằng Vô Trước sinh sống vào khoảng năm 320 sau kỷ nguyên. Vô Trước và Thế Thân hai người đã hệ thống hóa lý thuyết Duy Thức, triển khai thêm ba tư tưởng A Lại Da Thức, Tam Tự Tính, và ba loại Phật thân. Trường phái Du Gìa Hành đã triển khai một hệ thống tư tưởng có tính chất học gỉả rất phức tạp, và không kém phần phong phú về mặt tư duy.
Những người xuất thân từ trường phái Du Gìa Hành đã tạo dựng giáo lý Phật giáo thành một môn khoa học về lý luận (2). Có thể nói Trần Na (3) là người sáng lập ra môn Phật giáo Lý Luận Học vào khoảng năm 440 sau kỷ nguyên, và cho đến năm 1100 nhiều tác phẩm liên quan đến lý luận học ra đời ở Ấn Độ. Nguyên nhân tạo mối quan tâm đến lý luận cũng do bởi kết qủa công việc truyền đạo.
Vào thời Trung Cổ ở Ấn Độ, những nhà cai trị có tập tục tổ chức những buổi tranh luận giữa các nhà tu hành của các trường phái trước quần chúng. Những người thắng trong cuộc tranh luận không những nâng cao uy tín tông môn mà còn được tăng thêm sự bảo trợ của Hoàng gia. Hình thức huấn luyện về lý luận giúp tín đồ Phật giáo tăng thêm lợi điểm so với các tôn giáo khác, từ đó bắt buộc đạo Hindu phải sáng tạo ra hệ thống lý luận cho chính họ. Lý Luận Học của Trần Na đã mang đến hệ quả gián tiếp quan trọng. Ở nơi nào trường phái Du Già Hành gây ảnh hưởng thì ở nơi đó người ta rời xa trường phái A Tì Đạt Ma truyền thống, quan tâm nhiều đến môn lý luận học mới này, cho dù không chính thức khước từ đi nữa trường phái A Tì Đạt Ma càng ngày càng bị xao lãng. Hiện nay truyền thống lý luận của trường phái Du Già Hành vẫn còn hoạt động ở Tây Tạng. Ở Trung Hoa chúng ta có thể tìm thấy nhiều văn kiện, tác phẩm có liên hệ đến hình thái lý luận của Ấn Độ, riêng Nhật Bản mãi cho đến thế kỷ thứ 15 mới có một số văn kiện ra đời.
Cùng chung số phận với Phật giáo, trường phái Du Già Hành biến mất khỏi Ấn Độ vào khoảng năm 1100 sau kỷ nguyên. Tư tưởng Du Già truyền sang Trung Hoa do những nhà Luận sư, trong số đó có hai học giả nổi tiếng, một là Chân Đế (4) đến từ vùng Ujjayini thuộc vùng phía Đông Ấn Độ vào khoảng năm 546 sau kỷ nguyên, và một người nữa là Huyền Trang Tam Tạng vào khoảng năm 650, riêng trường phái của Huyền Trang còn được gọi là Duy Thức Tông (Weih-shih).
Huyền Trang tổng hợp giáo lý Duy Thức vào trong tác phẩm gọi là “Thành Duy Thức Luận”(5), chủ đề những thành quả đạt được không gì ngoài ý thức, còn được xem là một trong những tư liệu cổ điển nhất ở Đông Phương. Tác phẩm này là kết tinh cô đọng mười loại chú thích của Ấn Độ cùng với tác phẩm “Duy Thức Tam Thập Tụng” của Thế Thân. Tuy nhiên Huyền Trang dựa vào phần lớn cách chú giải của Hộ Pháp, cũng là Viện Trưởng Viện Nalanda, hơn là tác phẩm của chín người kia . Đồng thời cũng phải nói đến một nhà chú giải nổi tiếng của trường phái Duy Thức vào thời lúc bấy giờ là Khuy Cơ (Kuei-Chi), đệ tử của Huyền Trang Tam Tạng. Khuy Cơ viết rất nhiều tập chú giải, đồng thời cũng là tác giả của tác phẩm “Đại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương”. Chẳng bao lâu sau đó trường phái Duy Thức chia thành hệ phái Bắc và hệ phái Nam. Ngoài trường phái Chân Đế, trường phái Duy Thức, một số hệ phái thuộc Du Già Hành đã tồn tại ở Trung Hoa, tại đây đánh dấu một giai đoạn lịch sử của Phật giáo với những cuộc tranh luận không ngừng về giáo lý phức tạp. Vào năm 653 cho đến năm 712 trường phái này truyền sang Nhật Bản, trở thành Pháp Tướng Tông, tiếng Nhật gọi là Hosso shu, tiếng Trung Hoa gọi là Fa Tsiang Tsong. Vào triều đại Tempyo (Thiên Bình) Pháp Tướng Tông phát triển mạnh nhờ công lao nỗ lực của nhà sư Nghĩa Uyển (Sojo Gien), mất vào khoảng năm 728. Hiện nay Pháp Tướng Tông vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản như một tông phái nhỏ có vào khoảng 44 ngôi chùa và 700 nhà sư.
Chú thích:
(1) Pháp Tạng cũng chính là Hiền Thủ Đại Sư người sáng lập tông Hoa Nghiêm đầu tiên, ngoài ra còn có tăng Đỗ Thuận, và Tri Nghiêm, ba vị này còn được gọi là tam tổ.
(2) Lý Luận Học theo Phật giáo còn gọi là “Nhân minh” gồm có ba phần, thứ nhất “tông” có nghĩa mệnh đề để thảo luận, tiếp đến “nhân” là lý do để thành lập, và sau hết “dụ” là làm sáng tỏ quan hệ giữa “tông” và “nh ân”.
(3) Trần Na (Dignapa 400-480) một học gỉả vĩ đại sau Thế Thân, tiếp nhận lý luận “Nhân Minh” của Thế Thân và triển khai cho có hệ thống, những sáng tác của ông gồm có: “Tập Lượng Luận”, “Nhân Sinh Chính Lý Luận” và “Quán Sở Duyên Luận”.
(4) Chân Đế (Paramartha 500-569) có thể nói là người tổng hợp tư tưởng Nhiếp Đại Thừa Luận của Vô Trước v à Nhiếp Đại Thừa Luận Thích của Thế Thân, do đó còn được gọi là Nhiếp Luận Tông.
(5) Khuy Cơ (năm 632 - năm 685) còn có pháp hiệu là Từ Ân Đại Sư, những tác phẩm chính gồm có: Duy Thức Luận Thuật Ký, Duy Thức Nhị Thập Luận Thuật, Biện Trung Biên Luận Thuật Ký, Du Già Sư Địa Luận Lược Soạn.
Duy Thức
Trong tư tưởng Phật giáo những danh từ như Tâm, Ý, và Thức có thể dùng chuyển hoán cho nhau tùy trường hợp. Trường phái Du Già Hành dường như vượt thoát lên trên cách diễn đạt tiêu cực về đấng tuyệt đối của Phật Giáo cổ truyền, thay vào đó bằng cách biểu hiện mang tính tích cực hơn chẳng hạn mô tả Niết Bàn bằng những từ như Duy Tâm, Duy Thức hay Duy Ý Thức. Danh từ Niết Bàn nguyên thủy có nghĩa là thổi bay mất, các tôn giáo khác gọi là đời sống vĩnh cửu, trong khi đó Phật giáo gọi là bất tử. Vì muốn duy trì tính chất siêu việt của đấng tuyệt đối, và cũng muốn tránh những ngộ nhận đáng tiếc có thể nẩy sinh, vì nếu cho vật nào đó hoàn toàn khác biệt với thế gian này với cùng một danh xưng với những vật có trên thế gian là điều Phật giáo muốn tránh. Chẳng hạn Ky Tô Giáo gọi thượng đế là ngôi thứ ba. Vậy thì với lý do nào trường phái Du Già Hành chọn yếu tố “Thức” trong số những yếu tố cấu tạo thành thế gian, và cho đó là biểu tượng của đấng toàn năng tuyệt đối.
Trường phái Du Gìà Hành có ý định hướng đến một điểm trong thế gian, cũng tại nơi đây có sự hiện hữu của đấng tuyệt đối, cũng chính là thước đo ý thức bản thân. Qua kinh nghiệm cho thấy khách quan là cái đối lập với chủ quan. Theo A Tì Đạt Ma chủ quan thuộc về uẩn thức (skandha), có nghĩa là trạng thái nhận biết, hay ý thức. Tương tự như con dao tự chính nó không thể cắt, không dùng gì được, chúng ta cũng thế không thể nào trực tiếp nhận biết những đối tượng ngay trước mắt. Vì ngay khi chúng ta hướng về chủ thể, chủ thể biến thành khách thể và không còn là chủ thể nữa. Vì thế cho dù cố gắng quay nhìn vào nội tâm đi nữa, khó mà nắm bắt trực diện với chủ thể. Do đó quá trình tiến tới hay trở về chủ thể cùng cực nhất là cái gì vô tận, vượt qua khỏi những kinh nghiệm bản thân, là cái không có ở trên thế gian, là cái siêu nhiên. Cho dù cố đạt đến đó đi nữa không thể nào đến được. Đây chính là cái mà những người thuộc trường phái Du Già Hành muốn đạt đến.
Có nghĩa bằng cách tham thiền nhập định, quan sát nội tâm, không khoan nhượng lạnh lùng khước từ khách thể, khi đó hành giả có thể hy vọng tiến đến nắm bắt được chủ thể cùng cực. Ở trong mọi trạng huống, sự hiện hữu của tôi có được là khi luôn luôn chủ thể đi đôi với khách thể. Tuy nhiên, khi trạng thái đối lập giữa chủ thể và khách thể không còn nữa, và khi không còn chút dính dáng với khách thể nữa là khi ấy tôi có thể nhìn thấy phần thâm sâu nhất, thuần khiết nằm bên trong tôi. Giải thoát còn được giải thích là trạng thái đột khởi phần thâm sâu nhất trong bản ngã, và cũng là khi tách rời mọi bám víu đến khách thể, và cũng chỉ nhận biết được trạng thái này khi bản thể có thể tồn tại một mình không còn mang theo hoặc phân biệt đối tượng nữa. Tại một nơi không có sự nhận thức lẫn không còn có sự nhận thức. (1)
Bây giờ chúng ta có hình ảnh rõ ràng hơn về tương quan giữa kinh nghiệm thiền định và lý luận. Trường phái Cổ Trí Tuệ bằng những phân tích triệt để không nhượng bộ đã hủy diệt hoàn toàn mọi đối tượng xung quanh chúng ta vì chúng không thật, mỏng manh có nhiều chấp trước, theo đó nhận thấy vô số các pháp trong từng sát na, và cũng bằng cách phân giải lạnh lùng không tình cảm trường phái Cổ Trí Tuệ cắt đứt tính đồng nhất với mọi đối tượng thay vào đó bằng lối nghĩ “ Tôi không phải là cái này, cái này không phải là của tôi, cái này cũng không phải là chính tôi.” Trạng thái thiền định xuất thần nội quan liên tục không ngừng nghỉ không chỉ tách rời đối tượng mà còn làm mất đi đối tượng. Những kinh nghiệm này tạo cho lý luận của trường phái Du Già Hành mang tính chất đặc thù. Như đã trình bày qua phần Thiền Định của trường phái Cổ Trí Tuệ, có nghĩa liên tục tránh xa mọi kích thích những đối tượng bên ngoài, giảm bớt từ từ những tác động đến tâm hồn, cho đến khi sáu cơ quan cảm giác được yên nghỉ, thanh thản, thư thái; Khi đạt đến cảnh giới thiền định cao nhất mọi đối tượng bên ngoài không còn nữa. Người thuộc trường phái Du Già Hành đi tìm hạnh phúc và sự viên mãn không từ cảnh giới bên ngoài, mà là sự trầm tĩnh thanh tịnh bên trong tâm hồn. Trường phái Trí Tuệ luôn luôn chủ trương rằng chúng ta phiền não là do bởi chúng ta nhầm lẫn xem bản ngã chân thật với bản ngã có tính cách thể nghiệm là một. Trong khi đó trưòng phái Du Già hành cho rằng bản ngã chân thực chính là chủ thể cùng cực nhất. Do đó quy kết tự nhiên phải đến là căn nguyên mọi cái ác do quán tính nằm bên trong chính chúng ta, vì khi nhìn những đối tượng bên ngoài ngay cả phần nằm sâu bên trong bản ngã, chúng ta thường có xu hướng cho đó là ở bên ngoài, không liên hệ đến chúng ta. Thực ra, tất cả mọi vật, mọi phân biệt chỉ duy có thức mà thôi. Nguồn gốc những ảo tưởng là do chúng ta cho rằng những khách thể đối tượng của tâm là những cái tồn tại biệt lập với tâm, nhưng thực ra tâm là bản chất, là căn nguyên mọi sự vật. Lối tư duy có tính chất triết học như trên rất gần với chủ nghĩa duy tâm của Berkeley (2). Berkeley có nói như sau:
“Có những chân lý quá gần và quá rõ ràng với tâm đến độ chỉ cần mở mắt ra là thấy ngay. Tôi nghĩ chân lý quan trọng này như sau, tất cả những đoàn thánh ca trên cõi trời, tất cả mọi vật trên thế gian, nói một cách đơn giản hơn, tất cả những vật thể tạo thành nền tảng cho thế gian, không thể không tồn tại nếu không có tâm hồn.”
Thế giới bên ngoài thực ra cũng chỉ do tâm mà hiện hữu. Vô số những khách thể tồn tại bên ngoài “chỉ là những hiển hiện”,”không gì khác hơn là ý nghĩ.”Chẳng hạn trong chân không không có nước thực, nhưng ý nghĩ bảo rằng có nước cho nên có nước thực được tạo ra. Tương tự dù không có đối tượng đi nữa, nhưng quan niệm nghĩ về đối tượng theo đó đối tượng hình thành.” Cảnh giới cao nhất đạt được khi mọi vật hiện ra hoàn toàn như những ảo tưởng. Dựa vào niềm tin này, trường phái Du Già Hành không chỉ đưa ra một số lập luận có tính cách lý luận để chứng tỏ rằng sự hiện hữu vật bên ngoài bản ngã không thể có được, mà còn cho thấy qua kinh nghiệm sống thực tế tu tập thiền định đã chứng tỏ điều này. Theo những người thuộc trường phái Du Già hành, khi đạt đến giai đoạn cao của thiền định, hành giả không cần những vật kích thích bên ngoài, vẫn có thể thấy những hình ảnh rất rõ ràng. Chẳng hạn như ngay trong khi thiền định, hành giả nhìn thấy trước mắt những đối tượng như vòng tròn màu xanh, bộ xương, những hình ảnh này chẳng qua là những ảo giác, nói theo Vô Trước đó chỉ là thức mà thôi. Thế gian như giấc mơ. Giấc mơ tạo thành do quan niệm; Những đối tượng gặp phải là không thực. Ngay sau khi tỉnh giấc chúng ta thấy không có khách thể ở trong những bức tranh trong giấc mơ, tương tự chỉ những người giác ngộ được chân lý mới nhận thức được rằng không có khách thể ngay trong khi tỉnh thức.
Chú thích:
(1) Có nghĩa là trạng thái cảnh (đối tượng của nhận thức) và thức (chủ thể nhận thức) cả hai yếu tố này không còn nữa. Đây chính là tư tưởng căn bản trong mọi tác phẩm về Duy thức.
(2) Berkeley (1685 – 1753) nhà triết học tiêu biểu của Anh Quốc vào thế kỷ thứ 18.
(Còn tiếp)
Dịch giả Tùng Sơn