NHỮNG SẮC
THÁI ĐẶC THÙ CỦA PHẬT GIÁO
Nguyễn Trần Ai
IV.3.B. KINH LĂNG GIÀ gọi đủ tên là Nhập Lăng Già Kinh (Lankavatara Sutra, Nhật: Nyū ryōga kyō). Lăng già Lanka là tên một hòn núi tại nước Tăng già la (Simha), nay là đảo Tích lan.
Kinh có ba bản Hán dịch song song với nguyên bản tiếng Phạn còn tồn tại: 1/ bản “Nhập Lăng Già Kinh” 10 quyển (năm 513) của Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci), 2/ bản “Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh” 7 quyển (năm 700-704) của Thiệt Xoa Nan Đà (Siksānanda), 3/ bản “Lăng Già A Bạt Đa La Bảo Kinh” 4 quyển (năm 443) của Cầu Na Bạt Đà La (Gunabhadra).
Ở Việt Nam phổ biến hơn cả có bộ “Lăng Nghiêm Trực Chỉ” của thiền sư Hàm Thị hiệu Thiên Nhiên ở chùa Đơn Hà thuộc đời thứ 34 tông Tào Động. Bản này có nhiều bản Việt dịch: của sư bà Diệu Không (1970), của hòa thượng Thích Thanh Từ (1975), của pháp sư Thích Từ Thông (1986) lưu hành nội bộ Huỳnh Mai tịnh thất, của thượng tọa Thích Phước Hảo ở thiền viện Thường Chiếu do tu viện Chơn Không, Honolulu, ấn tống năm 1995.
Bản dịch của Tam Tạng Sa Môn Cầu Na Bạt Đà La cũng thịnh hành, được cố hòa thượng Thích Duy Lực (1923-2000) dịch ra Việt ngữ (1994). Cố ni sư Thích Nữ Trí Hải (1938-2003) dịch bản của Thật Xoa Nan Đà (1969). Đại đức Thích Chơn Thiện dịch từ bản Anh ngữ của Daisetz Teitaro Suzuki (1992).
Trong
phần “Lời người dịch”, hòa thượng Thích Thanh Từ giải thích: “Bản kinh ngài
Hàm Thị sớ giải đây, nguyên tên là Lăng-già A-bạt-đa-la Bảo kinh
(Lankàvatàrasùtra), do ngài Cầu-na-bạt-đà-la (Gunabhadra) dịch Phạn Hán, có bốn
quyển. Bởi tổ Bồ-đề-đạt-ma sau khi truyền pháp cho tổ Huệ Khả còn bảo: “Xứ này
có bốn quyển kinh Lăng-già có thể dùng ấn tâm…”, nên ngài Hàm Thị sớ giải để
thêm hai chữ Tâm Ấn. Tâm Ấn có nghĩa là toàn bộ kinh Lăng-già cốt làm sáng tỏ bản
tâm. Người đọc khéo lãnh hội sẽ thấy rõ bản tâm mình, bao nhiêu lời Phật nói
trong kinh dường như Phật đem tâm Ngài in qua tâm mình. Cộng thêm lời giải của
ngài Hàm Thị càng làm cho chúng ta thấy rõ bản lai diện mục của chính mình, hiện
sờ sờ dưới bóng mặt trời trí tuệ của Ngài. Vì thế, hai chữ Tâm Ấn thật là xứng
đáng. Do đó ngoài bìa chúng tôi chỉ đề năm chữ Kinh Lăng - già Tâm Ấn.
Kinh kể sự tích Đức Phật thuyết pháp tại thành Lăng Già của vua loài dạ xoa tức la sát 10 đầu La Bà Na (Ravana) trên đỉnh núi Ma La Dà, bắt đầu bằng câu hỏi của vua La Bà Na:
Như lai thường dạy: “Pháp còn phải xả, huống hồ phi pháp”. Bạch Thế Tôn, làm sao xả hai thứ pháp ấy? Pháp là gì, phi pháp là gì? Làm sao có hai pháp để xả? Có hai pháp tức đã sa vào tướng phân biệt giữa hữu thể và vô thể (svabhàvàbhàva) giữa thị và phi (abhautibhautika). Tất cả đấy đều là phân biệt, không thể biết được tướng vô sai biệt của A lại da thức. Như khi thấy vòng lông (mao luân) trong hư không mà cho có thật, (sự phân biệt) đó không phải là cảnh giới của tịnh trí. Pháp tính vốn như vậy, làm sao có thể xả (pháp hay phi pháp)?
Sau đó Đức Phật trả lời những câu hỏi của bồ tát Đại Huệ (Mahāmati), đặc biệt nhấn mạnh đến tính giác ngộ nội tại, qua đó mọi hiện tượng nhị nguyên đều biến mất, hành giả đạt tâm vô phân biệt. Đó là tâm thức đã chứng được Như Lai tạng (tathāgata-garbha) vốn hằng có trong mọi loài. Kinh chỉ rõ là văn tự không đóng vai trò quan trọng gì trong việc trao truyền giáo pháp. Đức Phật cũng tiên đoán tại miền nam Ấn Độ sẽ xuất hiện một đại sư tài cao đức trọng tên là Long Thọ (Nàgàrjuna), sẽ đạt đến sơ địa bồ tát và vãng sanh Cực Lạc.
Giáo sư Mark A. Ehman giải thích:
Lankavatara-sutta là một văn bản Đại Thừa soạn vào khoảng năm 300. Nó tóm lược những giáo lý học thuyết chính của Đại Thừa -- những giáo lý như tính không (sunyata), Bồ tát (Bodhisattava), Phật tính (buddhata), sự biến hóa của Phật, Như lai (Tathagata), vân vân. Kinh được đọc vào dịp Đức Thế Tôn giáng (descent = avatara) xuống đô thị huyền bí Lăng Già (Lanka), do đó có tên là Nhập Lăng Già (Lankavatara). Kinh có ý vượt qua tất cả các giáo lý và hành trì có trước. Nó tách ra những triết gia để đặc biệt nghiêm khắc chỉ trích vì họ đã sẵn sàng làm đông lạnh thực tại thành một thường cửu chia phạm trù hóa và phân biệt chủ thể và khách thể. Ngay cả những thanh văn (sravakas) và bích chi Phật (pratyeka-buddhas) cũng bị coi như hạ đẳng vì chư vị đối tượng hóa những trình độ thành tựu của chư vị. Chân lý là siêu việt; nó phải được thể nghiệm trong một trạng thái ý thức nội tại nhất vượt xa những nỗ lực cả phân tích lẫn thực nghiệm về cách vạch ra những phân biệt. Kinh trình bầy một giai đoạn trong việc phát triển Phật giáo Du Già Hành Tông (Yogacara). Văn bản mở đầu bằng chủ đề trung tâm của Yogacara -- rằng thế giới khách quan chỉ là một hiển thị của tâm (citta) -- và tiếp tục với việc mô tả một lý thuyết về ý thức đặc thù của những người theo Yogacara. Giới học giả thường đặt kinh này ở một điểm giữa phê bình thuyết của Trung quán (Madhyamika) và những triết học đã phát triển đầy đủ của Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu) (những nhà chủ trương duy thức của tk IV đến V). Lankavatara đồng ý với Madhyamika rằng tất cả là không (sunyata). Tuy nhiên, nó vượt Madhyamika trong nỗ lực của nó để lập sự liên tục giữa những tri giác riêng biệt.
Lankavatara dạy một giáo lý về bát thức (vijnanas).
1. Nhãn thức nhìn thấy hình thù
2. Nhĩ thức nghe được âm thanh
3. Tỉ thức ngửi mùi vị
4. Thiệt thức để nhận biết vị
5. Thân thức để thấy những vật sờ mó được
6. Ý thức để hiểu những ý niệm
7. Mạt na (Manas) -- một “tâm” [thức] tinh diệu hơn có quan năng là tiếp nhận và sắp đặt những dữ kiện từ sáu thức nói trên. Mạt na gồm hai năng lực, aklista và klista (vô tình và hữu tình). Năng lực vô tình là khả năng cho phép người ta suy xét đúng, vượt lên trên những quan tâm của các giác quan và muốn cái tốt. Mặt khác, năng lực hữu tình là khả năng tán trợ một tà niệm về ngã, tính vị kỷ, ngã chấp và vô minh. Thực thế, klistamanas là gốc của nhầm lẫn, cả trong tri giác lẫn trong thẩm định. Có một tương quan nhân quả giữa mạt na và các thức. Thức chuyển giao những tin tức góp nhặt được do kinh nghiệm cho mạt na; đến lượt mạt na hồi chuyển những ranh giới phạm trù trong đó kinh nghiệm có thể xảy ra.
8. A lại da thức (Alaya-vijnana) hay tàng thức. Trên thực tế, alaya không phải là một thức riêng biệt và hoạt động -- nghĩa là, nó không ý thức cái gì cả. Nó là một nơi tiếp nhận những sắp đặt và những năng lượng quán tính của các thức khác. Những sắp đặt và năng lượng quán tính này cấy vào alaya như những chủng tử (bijas). Nếu những chủng tử này được những tạo tác đã có sẵn tiếp nhụy, chúng trưởng thành và dùng để di lưu tà kiến về ngã và pháp. Đó là một nguyên tắc về sự liên tục. Phật giáo dạy rằng vạn pháp (dharmas) đều vô thường (anitya) và nhất thời (ksanika); tuy nhiên, tính nhất thời của các pháp không cho phép để có các hiện tượng của ký ức và tính khả dĩ tiên đoán trong lãnh vực tri thức của con người. Để lập mối liên quan nào đó giữa những kinh nghiệm quá khứ, hiện tại, những người theo Yogacara đặt ra a lại da. Nó có một đặc tính hai lớp: Vijnaptir alaya, thông tin chứa đựng trong a lại da gồm có những hình ảnh khách quan và những biểu thị tâm thức; và Paramalaya, a lại da bên ngoài nhị nguyên chủ khách. Khi mô tả đặc tính hai lớp này, Lankavatara minh định rằng a lại da cũng “như một đại dương trong đó những làn sóng cuồn cuộn mãi nhưng (những vùng sâu thẳm vẫn bất động; đó là a lại da) chính tổng thể duy trì không gián đoạn, hoàn toàn tự do đối với sai lầm của vô thường, bất chấp giáo điều vô ngã chất và tuyệt đối thanh tịnh trong bản chất căn bản của nó”. Đồng nghĩa với a lại da là citta (tâm) và Tathagatagarbha (Như Lai Tạng).
Kết quả từ việc hành sử của các thức khác nhau là ngũ pháp (trạng thái tri thức) (112-3).
1. Nama -- trạng thái trong đó tâm vô minh ấn định thực tại bằng cách đặt tên cho nó.
2. Nimitta -- trạng thái trong đó những hình thái, hình dáng, mầu sắc, âm thanh nhất định được cảm niệm.
3. Samkalpa -- trạng thái của phân biệt trong đó ghi nhận rằng A là A và A khác B.
4. Samyagjnana -- trạng thái của tri thức đúng trong đó những sản phẩm của lục quan được thấy như là phù phiếm và tiến bộ đến hoàn hảo đã bắt đầu.
5. Tathata -- trạng thái của Như thị (Suchness) trong đó các phạm trù của hữu và phi-hữu được siêu việt.
Tính chất đặc biệt tức là ngã tính của tri thức dẫn xuất từ những trạng thái tri thức này được chỉ định dưới ba phương diện được biết như là svabhavas (tự tính).
1. Parikalpita -- những tưởng tượng. Đây là loại tri thức kết quả của việc quy chiếu thực tại vào cái không hiện hữu, thí dụ cứ cho ảo ảnh ở sa mạc (mirage) là nước.
2. Paratantra -- tri thức về tính tương đối. Hình thái tri thức này nổi lên từ tri giác những hiện tượng thế gian. Nó tiêu biểu cho một tiến bộ trên parikalpita vì nó coi vạn vật là liên lập và vì nó có một mục tiêu (tuy rằng vô thường) tham chiếu cho những ý niệm của nó. Tuy nhiên, paratantra tiếp tục phân biệt giữa người thấy và cái bị thấy và như thế là hụt mất tuệ giác (ultimate wisdom).
3. Parinispana -- tri giác đã hoàn hảo. Hình thái tri giác này là tuệ giác (prajna) loại hết mọi phân biệt.
Thực hiện chân lý tối hậu coi như ngang với tính vô ngã (egolessness, theo toàn văn dịch là xả chấp có lẽ đúng hơn).
1. Xả chấp ngã là việc bác khước sự hiện hữu và sở hữu chủ thể hành sử. Không có những trạng thái của ý thức, của những ý niệm, những diễn tiến của tư duy hay những phạm trù của ý tưởng mà một chủ thể có thể sở hữu vì không có chủ thể thường hằng nào để có thể sở hữu chúng.
2. Xả chấp pháp là việc bác khước thể chất tính của những đối tượng được nhận biết. Tuy ý thức biệt lập những đối tượng cho mục đích kiến giải, thế mà những đối tượng ấy không hề ở trong một trạng thái bất biến. Do đó, biệt lập chúng là chú mục đến chúng như là chúng chỉ hiện hữu trong một khoảnh khắc mà thôi, nhưng không biết đến những chiều năng động của chúng và tính liên lập hỗ tương của chúng. Vì không có thể chất cho vạn vật, không thể có những đặc tính cố hữu hay ngẫu nhiên cho chúng. Như kinh ghi nhận: vạn vật “không có cả những dấu hiệu của cá thể và tổng thể” (114).
Hỏi: Nếu vạn sự và vạn vật đều vô ngã và chỉ là những tiêu biểu tưởng tượng, vậy chúng tiêu biểu cho cái gì? Trả lời: Cittamatra. Theo truyền thống, từ ngữ này được dịch là duy tâm (mind only or nothing but mind). Tuy nhiên, thế là lầm vì nó vẫn còn truyền đạt một ý niệm của thể chất. Dịch đúng hơn là duy ý (intention only = chỉ có ý định). Ở đây những hình thái thô hơn của thể chất tính đã bị loại bỏ và những tiêu biểu, kết hợp thành thế giới của người ta, được thấy như có gốc rễ trong sự có ý định (intentionality).
Chủ đề hai lớp của Lankavatara có thể tóm lược như sau:
1. Thế giới khách quan không là gì khác hơn là việc hiển thị của những ý định của chính mình.
2. Để hiểu đầy đủ điều này ta phải hiểu thấu đáo tám thức, năm pháp, ba tự tính (svabhavas) và hai xả chấp . . .
Chân lý hiện ra khi phân biệt ngừng và ý định không còn tìm cách tạo tác một ngoại giới cho chính nó. Những công đoạn trong diễn tiến hướng về việc thực hiện chân lý này gồm có một nhận thức về tính tùy thuộc hỗ tương của vạn vật và một đình chỉ tất cả các asravas (lậu; như tạo tác, tin tưởng, tưởng tượng, vân vân, từ citta (tâm) chảy ra và kết thành một vũ trụ khách quan). Chân lý do cái trước mà ra được chỉ định như là chân lý ước định hay thế gian (samvrti-satya = chân lý quy ước); chân lý từ cái sau mà ra được chỉ định như là chân lý tối hậu (paramartha-satya = chân đế). Lý thuyết chân lý kép này là một cố gắng về phía các Phật giáo đồ để ghi nhận quan năng tính của tri thức cảm niệm nhưng cũng để ghi nhận những giới hạn của nó,
Niết Bàn chỉ được thể hiện khi có một đảo ngược [asraya-paravrtti, quay lại ở bệ] trong những hoạt động của những thức khác nhau. Lục thức phải thôi trình bầy tin tức; mạt na phải thôi phân biệt; và a lại da phải thôi chuyển vận những năng lượng quán tính, ký ức, xu hướng, vân vân (115) . . .
Việc biến hóa những ngoại thức thành duy ý (intention only) có thể thực hiện được bằng Như Lai Tạng (Tathagatagarbha). Robinson ghi nhận rằng từ ngữ này có một nghĩa kép: tạng và nội dung của tạng. Trong định nghĩa đầu nó tương đương với a lại da thức và được hiểu như là một thùng chứa và mang những ảnh hưởng tiềm tàng rồi sẽ ảnh hưởng kinh nghiệm. Trong định nghĩa sau nó nghĩa là sự hiện diện của tiềm năng tính của Phật tính trong mọi hiện hữu. Như Lai ngự trong vạn vật in utero [trong tử cung]. Tuy nhiên, Lankavatara bác khước rằng điều này chuyên chở bất kỳ cái gì giống như linh hồn hằng cửu của những triết học đối thủ.
Kinh ghi nhận rằng Như Lai Tạng tự bản chất trong sáng và thanh tịnh nhưng nó mặc một y phục dơ bẩn vì tham, sân, si và tưởng tượng sai lầm. Khi bỏ y phục này ra, ta không khác gì Như Lai. Tathagata in utero {Như Lai thai nghén] thành Tathagata in res [Như Lai hiện hình] (The Lankavatara Sutra trong Buddhism: A Moden Perspective, 115-6).
Giáo pháp trong Kinh cũng là nền tảng của Duy Thức tông (yogācāra, vijñānavāda). Những thuyết trong Kinh rất gần với quan điểm của Thiền tông. Người ta cho rằng Bồ Đề Đạt Ma truyền Kinh cho nhị tổ Huệ Khả. Ngay cả giáo pháp tiệm ngộ của Thần Tú cũng bắt nguồn từ Kinh này. Lăng Già và Bát Nhã Ba La Mật Đa là hai Phương đẳng kinh căn bản của hai chủ trương tiệm ngộ và đốn ngộ trong Thiền Tông. Trước khi đề cập đến Kinh Bát Nhã hãy xem các tác giả phân tích dị biệt giữa hai kinh này. Trước hết là Thomas P. Kasulis, giáo sư Nghiên Cứu Đối Chiếu đại học Ohio:
Bồ Đề Đạt Ma trao cho Hui-k’o (Huệ Khả: 487-593) một cuốn Kinh Lăng Già như là một dấu hiệu truyền thừa Thiền (24).
Kinh Lăng Già, nhất là đoạn được dịch ra tiếng Tàu vào thời Bồ Đề Đạt Ma, là một bản văn tối nghĩa đầy những từ chuyên môn Phật giáo Ấn Độ mà người ta tự hỏi các Phật giáo đồ Thiền Tông ban đầu làm sao có thể thông đạt được. Tuy nhiên, hai phương diện nổi bật như là những đề mục quan trọng suốt lịch sử Thiền Tông.
Trước hết, như là một văn bản chủ yếu duy thức có liên hệ lỏng lẻo với truyền thống Du Già Hành Tông, Kinh Lăng Già lấy tâm làm căn cứ cho kinh nghiệm. Chúng ta không biết chính thế giới, chỉ biết thế giới như nó hiện ra trong tâm chúng ta. Nếu tâm thanh tịnh, nó phản ảnh thực tại; nếu hoen ố, nó bóp méo . May thay, theo Kinh, có thể đạt đến thanh tịnh được. Trong mỗi chúng ta, có một a lại da thức (alaya-vijnana), hay Như Lai Tạng (Tathatagarbha) cũng thế, thanh tịnh từ nguyên thủy. Bế tỏa các chức năng của các đam mê vị kỷ trong thiền định, chúng ta có thể hiển lộ cái giác ngộ cố hữu này.
Cường điệu thứ nhì trong Kinh Lăng Già quan trọng cho mục đích của chúng ta là tính bất khả tư nghị [acintya/acinteyya] (25)…
Vào đầu tk VII, Thiền Tông đã phát triển hai lý tưởng vẫn còn tồn tại như là những đề mục chủ yếu trong tinh linh tính của nó: cộng đồng tu viện và hòa điệu với thiên nhiên. Cũng vào thời này, có những chỉ dấu đầu tiên của một chuyển hướng tinh diệu trong cường điệu từ Lăng Già sang Kinh Kim Cang, một văn bản trong truyền thống Bát Nhã Ba La Mật Đa (prajnaparamita) (26)…
Tuy rằng cả Lăng Già và Kim Cang đều chủ trương tính bất khả tư nghị của giác ngộ, Lăng Gia cường điệu tính thanh tịnh của tâm dường như tích cực hơn là chú tâm vào tính không của Kim Cang. Dị biệt này thích ứng cho cả thực hành lẫn lý thuyết. Nếu chú tâm của dhyana là việc thanh tịnh hóa tâm, thì có thể có nhiều bực thanh tịnh và người ta có thể phải hành trì liên tục để duy trì thanh tịnh ấy. Diễn dịch như vậy liên kết với bắc phái do Thần Tú (Shen-hsiu: 605-706) thành lập và lấy truyền thống Lăng Già làm gốc rễ. Mặt khác, Tính Không phải được thể hiện hoặc tất cả hoặc không có gì. Như thế nam phái của Huệ Năng (Hui-neng: 638-713) và Kinh Kim Cang cường điệu đốn ngộ. [Hà Trạch] Thần Hội (Shen-hui: 670-762) gây ra tranh cãi giữa nam và bắc phái sau khi cả Thần Tú và Huệ Năng đều đã viên tịch. Biện luận của ông rằng chỉ có thầy ông, Huệ Năng, là xứng đáng với tước vị lục tổ, như thế truyền thống Thần Tú là bất chính thống (Ch’an Spirituality trong Buddhist Spirituality, Later China, Korea, Japan and the Modern World, 1999, trg 27-28).
Giáo sư Daisetz Teitaro Suzuki so sánh tác dụng của hai kinh Lăng Già và kinh Bát Nhã:
Dẫn tất cả hiện hữu sai biệt trở về tánh không (Sùnyata) là thành tựu vĩ đại của kinh điển Bát Nhã – một trong những công trình cao cả được thể hiện bởi đầu óc dân Ấn. Lấy cảnh giới Thánh Trí Tự Chứng (Pratyàtmàryajnanagocara) làm nền tảng của sinh hoạt Phật giáo là sứ mệnh của kinh Lăng Già, nói theo giải thích của Thiền Tông, và đây cũng là điều mà các Phật tử Trung Hoa trước Bồ đề đạt ma chưa thấu triệt (86).
Bộ kinh Bát nhã ba la mật đa là một trong những kinh điển tối cổ của Phật giáo được dịch sang Hán văn. Bản kinh Bát Nhã đầu tiên, được gọi là Đạo Hành [Tao-hsing], xuất hiện năm 172. Truyền thuyết cho rằng kinh Tứ thập nhị chương được phiên dịch do sứ đoàn đầu tiên người Ấn đến Trung hoa năm 69, nhưng không có gì bảo đảm cho chứng cứ lịch sử của nó. An Thế Cao [An Shih-kao] từ nước An Tức (Parthia) đến Trung Hoa vào năm 148, trải qua 22 năm thực hiện công trình phiên chuyển các kinh Phật sang Hán văn, nhưng tất cả thuộc kinh Tiểu thừa. Trong trường hợp đó, kinh Đạo hành Bát nhã bản Hán dịch của Chi Lâu Ca Sấm (Lokaraksha) người Nhục chi [Yueh-chi] (nước này sau trở thành vương quốc Kusana), đáng cho là thực sự bản kinh Đại thừa đầu tiên trong số tất cả các kinh Phật được truyền vào Trung hoa từ trước (355)…
Trong tk III, hai bản kinh thuộc Bát nhã được dịch sang Hán văn, và tk IV vẫn còn xuất hiện những bản khác. Các bản của Cưu ma La thập (Kumaràjiva) được hoàn thành khoảng đầu tk V. Cho đến hậu bán tk VI, Huyền Trang hoàn tất bản dịch đồ sộ của bộ Đại Bát nhã gồm 600 quyển. Đó là một tập đại thành bách khoa gồm hầu hết những kinh điển thuộc bộ Bát nhã của Đại thừa.
Trong Phạn văn, tuyển tập dài gồm 125.000 bài tụng
(sloka), tức những đoạn chỉnh cú có 32 chữ. Bốn bản ngắn hơn gồm 100.000,
25.000, 10.000 và 8.000 sloka. Bản ngắn nhất được ấn hành năm 1888 do nhà bác học
người Ấn Rajendralala Mitra, và bản 100.000 sloka được ấn hành do Pratapacandra
Ghosha năm 1902, nhưng theo chỗ tôi biết chưa có ấn bản đầy đủ nào xuất hiện. Bản
xưa nhất trong số các bản kinh Bát nhã khác nhau hình như là bản ngắn nhất, bản
8.000 sloka, được gọi là Bát nhã bát thiên tụng (Astsahasrika). Những bản dài hơn là những bản
quảng diễn về sau. Bát thiên tụng tương đương với Đạo hành kinh của
Chi lâu Ca sấm (Lokaraksha), Tiểu phẩm bát nhã [Hsiao-p’in] của Cưu ma
La thập (Kumarajiva), và quyển thứ 538-555 trong bản Đại Bát nhã của Huyền
Trang, và Phật mẫu bát nhã [Fomu Prajnaparamita] của Thi Hộ [Shi-hu](Thiền
Luận, Quyển Hạ, Tuệ Sỹ dịch, trg 356-7).
(Còn tiếp)
Nguyễn Trần Ai