Sám Thành Đạo Khúc Ca Khải Hoàn

01/03/20177:50 CH(Xem: 3027)
Sám Thành Đạo Khúc Ca Khải Hoàn

 Sám Thành Đạo Khúc Ca Khải Hoàn
Thích Chánh Trí

T

hành đạo là khoảnh khắc đánh dấu sự thành công vĩ đại của đức Thế Tôn. Kinh điển ghi lại rằng Ngài thực chứng sự thật cuối cùng vào canh ba, lúc sao mai vừa mọc. Giây phút ấy khắc sâu trong tâm khảm mọi người và gợi cảm hứng tu tập cho hàng vạn thế hệ Phật Tử. Việc phân tích bài sám thành đạo hôm nay xuất phát từ cảm hứng ấy.
Bài sám gồm ba mươi lăm câu được phân thành sáu đoạn. Nội dung bao trùm toàn bài tụng: sự kỷ niệm ngày Phật thành đạo là để báo ân, ôn lại hành trình tu tập của Ngài và lợi ích của việc thành đạo đối với chúng sanh. Những nội dung này gián tiếp nêu lên mục đích tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành đạo của Phật và chí nguyện tu tập của chúng ta. Tác giả mạnh dạn nêu bật mục đích và chí nguyện ấy trong bốn câu đầu tiên của bài sám:
           
           Hào Quang chiếu diệu,
            Sáng tỏa mười phương,
            Ngộ lý chơn thường,
            Phá màn hôn ám.
 
Hai câu đầu phát thảo phong cảnh khi Thế Tôn thành đạo. Hai câu sau định nghĩa thành đạo là gì. Hào quang là biểu hiện của ánh sáng trí tuệ. Trí tuệ ấy vượt qua không gian mười phương và xuyên thấu thời gian quá khứ, hiện tại, vị lại cho nên nói sáng tỏa mười phương. Thực chứng trí tuệ ấy đồng nghĩa nhận thức một cách sáng tỏ nhất chân lý và sự thật rốt ráo của mọi sự mọi vật nên gọi là ngộ lý chơn thường.
Đức Phật đã vượt qua chướng ngại gì mới ngộ được chân lý ấy? Xin thưa, chướng ngại ấy là màn hôn ám vô minh, phiền não - những độc tố tinh thần. Như vậy thành đạo là phá hủy hoàn toàn tấm màn vô minh vây bọc tâm trí từ vô thủy nhưng hữu chung. Thành đạo là thâm nhập và sống với lý chơn thường của vạn pháp vô thủy vô chung. Lý ấy là lý duyên sinh duyên khởi, đạo ấy là trung đạo. Vì đạo và lý ấy mà hôm nay chúng ta tổ chức lễ vía như sau đây:
           
            Đệ tử lòng thành bái sám,
            Trước điện dâng hoa,
            Cúng dường Phật Tổ Thích Ca,
            Ba ngôi thường trụ;
Đây là những hành động cụ thể thấm đẫm ý nghĩa thiêng liêng dành cho giây phút tưởng niệm khoảnh khắc đức Bổn Sư thành đạo.Tưởng niệm bằng cách phơi trải lòng chí thành chí thiết của mình là đang học theo đức hạnh chơn thường của Phật. Ghi nhớ với cách tu tập lễ bái và sám hối là đang đi trên con đường trung đạo nhân duyên. Ôn lại công hạnh người xưa để sách tấn người nay thông qua cử chỉ dâng hoa cúng dường nghĩa là chúng ta đang xé màn hôn ám ích kỷ, keo kiết. Hoa ấy là hoa lòng chân thành. Hoa ấy là hoa đức hạnh bố thí cúng dường. Hoa ấy là tâm hoa thiết tha tinh tấn chuyển hóa chấp ngã và từ bỏ quá khứ tu tỉnh tương lai. Những bông hoa vô giá ấy không chỉ dâng lên cho riêng đức Phật Bổn Sư mà dâng cho toàn thể Tam Bảo.
 
Cúng dường Phật Tổ Thích Ca: đức Phật Bổn Sư của chúng ta xuất thân từ dòng họ Sàkya nên gọi là Thích Ca. Đó là một trong những dòng họ nổi tiếng Ấn Độ thời cổ đại, thuộc giai cấp võ sĩ, con cháu vua Cam Giá (Iksvàku), Thuộc hệ thống Nhật Chủng (Suryaramsa) trong chủng tộc Aryan. Danh hiệu đầy đủ của Ngài là Thích Ca Mâu Ni (Sàkya-muni, bậc thánh của dòng họ Thích Ca). Sàkya-muni, Trung Hoa dịch là năng nhân, tịch mặc nghĩa là hiền thánh. Ngài là người khai sinh ra Phật giáo nên gọi là Phật Tổ. Phật muốn giáo hóa chúng sanh phải thuyết pháp và xây dựng đoàn thể tu hành. Vì thế hình thành ba ngôi thường trú: Phật, Pháp, Tăng. Nương tựa vào ba ngôi thường trú mới thấy rằng chúng ta đang thiếu cái gì và cần điều chi.
 
Đệ tử chúng con,
            Nhân lành chưa đủ,
           Nghiệp báo theo hoài,
           Nay nhờ Văn Phật Như Lai
           Giáng trần cứu độ.
 
Soi mình dưới ánh sáng của bậc phước trí vẹn toàn, chúng ta tự thấy mình phước đức còn mỏng manh: nhân lành chưa đủ. Đối chiếu với những công hạnh của bậc Vô thượng giác, bi trí cụ túc, chúng ta hổ thẹn vì còn luẩn quẩn trong vòng nghiệp nhân sanh tử: nghiệp báo theo hoài. Đó là tổng thể kiếp sống của chúng ta: thiện nghiệp khiêm tốn, ác báo đầy dẫy.
Trong hoàn cảnh ấy, sẽ càng bi đát hơn với những ai sống đời hưởng thụ, phóng túng, buông lung. Bởi vì, nhân lành chưa đủ mà tưởng rằng đang hưởng phước báo. Ác nghiệp khổ báo theo hoài mà đinh ninh là chướng ngại bé nhỏ. Cho nên, hướng đến lễ thành đạo mà nhắc nhở mình làm lành chưa đủ để tiếp tục tích cực hành thiện không chán nản, không mệt mỏi, đặc biệt không ỷ vào những điều tốt mình đã làm, là hành động tri ân vô cùng vô lượng. Cúng dường Phật – Pháp - Tăng bằng ý thức hành động, từ bỏ cõi lãng quên của vô minh nghiệp báo luân hồi để quay về với đường sáng Giới Định Tuệ là tâm thành báo ân vĩ đại vô biên.
Người xưa từng dạy: Làm thiện trăm năm chưa đủ, làm ác một giờ đã dư. Trăm năm chưa đủ vì bất cứ ai, người hay vật, sống trong đời đều mong muốn hạnh phúc an vui - kết quả của làm lành. Một giờ đã thừa vì bất cứ ở đâu, nhân gian hay thiên đường, ai ai cũng chán ghét đau khổ, bất hạnh - dự báo của làm ác. Chính vì tâm nguyện muốn bổ sung chổ thiếu, san phẳng chổ thừa ấy mà đức Phật đã giáng trần cứu độ. Tác giả dùng thêm chữ Văn để ca ngợi đức Phật. Như Lai là một trong mười danh hiệu của Phật. Chúng ta, cũng như tác giả, ca ngợi Phật tổ Thích Ca vì những công hạnh siêu tuyệt sau đây:
                       
Sáu năm khổ hạnh,
Bảy thất tham thiền,
Ma oán dẹp yên,
Thần long che chở,
Tâm quang rực rỡ,
Chứng lục thần thông,
Lộ chiếu minh tinh,
Đạo thành chánh giác.
 
Bốn câu đầu nói Phật đã chiến thắng cái gì để hành đạo. Bốn câu sau nhắc lại một lần nữa thành đạo là gì. Đoạn này cũng khắc họa lại hình ảnh Ngài đã thực hành pháp môn gì và vượt qua những trở ngại nào, được ai trợ giúp để thành đạo.
Sáu năm khổ hạnh, bảy thất tham thiền: tóm tắt giai đoạn tu tập cuối cùng trước khi ngài thành bậc chánh giác. Có lẽ vì bốn mươi chín ngày đêm tham thiền nhập định ấy mà thiền tông được xem là một trong những pháp môn tu hành nổi bật nhất của Phật giáo từ trước đến nay chăng? Người ta nghiên cứu sâu xa về các loại thiền bao nhiêu thì dường như, ngày nay, họ càng xem nhẹ cái gọi là khổ hạnh sáu năm ấy của Phật bấy nhiêu.
Mà họ xem nhẹ cũng có căn cứ. Chính đức Thế Tôn đã chỉ trích nặng nề pháp môn khổ hạnh ép xác của ngoại đạo, một phương pháp tu tập mà chính Ngài thử qua và đạt đến trình độ cao nhất. Thế nhưng, dường như phần đông chúng ta đã hiểu lầm ý nghĩa khổ hạnh và từ chối áp dụng nó vào đời sống tu tập của mình. Đức Phật khổ hạnh sáu năm, đến độ da bọc xương, là để thể nghiệm công đoạn tu tập khó nhất, khổ nhất. Phải vượt qua được cái khổ nhất, khó nhất của cuộc đời mới vượt lên trên cuộc đời được. Phải tu khổ hạnh như vậy mới nung rèn tột độ ý chí xuất trần. Phải trải qua giai đoạn gian lao tột cùng như vậy mới chuyển hóa được ngoại đạo tà giáo, vốn rất tự hào vì đã làm được những điều không ai dám làm. Thế mà ngày nay, có nhiều người cho ăn chay là khổ hạnh, nên dừng lại ở một tháng bốn ngày. Tụng niệm lễ bái chỉ hơi nhọc thân một chút đã vội tự thưởng cho mình bằng cách thư giản, nghĩ ngơi. Ôi, nhớ đến khổ hạnh của Phật mà thấy hổ thẹn trong tâm. Hồi tưởng về cách tu của Phật mà xấu hổ với hành động hiện tại của mình. Thế mới hay, khổ hạnh và thiền định của đức Thích Tôn năm xưa để chiến thắng một điều thôi:
 
Ma oán dẹp yên: Ma oán là ma gì? Dẹp yên nghĩa thế nào? Ma oán là mười loại ma thường xuyên cản trở người tu đạo giải thoát ngũ ấm ma, phiền não ma, nghiệp ma, tâm ma, tử ma, thiên ma, thất thiện căm ma, tam muội ma, thiện tri thức ma, bất trí bồ đề chánh pháp ma. Đó là theo kinh Hoa Nghiêm quyển 41. Theo luận Đại Trí Độ, mười ma là: Dục, ưu bi, đói khát, ái, ngủ nghĩ, sợ hãi, si, oán hận, lợi dưỡng và cống cao ngã mạn. Dẹp yên nghĩa là không còn bị những loại ma ấy sai khiến nữa. Thành đạo là hoàn toàn tự chủ, tỉnh thức, sáng suốt, không sợ hãi những thứ ma ấy. Thành đạo là tự do tuyệt đối, tự do hoạt dụng từ bi và trí tuệ, tự do trước những thế lực ngu si, tham dục và sân hận. Năng lượng tiêu cực chuyển hóa hết thành năng luợng tích cực, đó là dẹp yên ma oán. Và, ma oán ấy được xem như bức tường chướng ngại sau cùng phải vượt qua mới thành đạo được. Sau khi vượt qua chúng, Ngài trở thành người chiến thắng oanh liệt nhất thành đạo. Đâu là biểu hiện và thời điểm Thế Tôn thành đạo?
 
Thần long che chở, tâm quang rực rỡ, chứng lục thần thông, lộ chiếu minh tinh, đạo thành chánh giác: Lịch sử ghi lại rằng, trong khi chiến đấu với các thế lực ma vương, con rắn sáu đầu hiện ra che mưa và bảo vệ Ngài. Sau đó Thế Tôn chiến thắng các loại ma, đặc biệt là ma Ba tuần, Ngài đạt đến trạng thái giác ngộ, trí tuệ sáng suốt, ánh sáng tràn ngập khu rừng, chứng sáu loại thần thông (thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, thần túc thông, tha tâm thông, túc mạng thông và lậu tận thông) vào lúc sao mai vừa mọc. Thần long che chở do cảm phục đức độ tu tập. Tâm quang rực rở vì ánh sáng trí tuệ soi chiếu thông suốt. Tâm quang rực rỡ cũng là báo hiệu của giới thành tựu, định thành tựu và tuệ thành tựu viên mãn. Điều gì ghi nhận khoảnh khắc huy hoàng đạo thành chánh giác? Đó là thành quả quý báu mà người tu hành thành đạo đạt được: lậu tận thông, một trong sáu năng lực siêu nhân mà chỉ có Phật chứng được. Từ lậu tận thông ấy - chuyển hóa hoàn toàn tất cả vô minh phiền não, đức Thế Tôn được:
           
            Trời, người hoan lạc,
            Dậy tiếng hoan hô;
            Năm mươi năm hóa độ,
            Ba trăm hội đàm kinh,
            Cửu phàm ngu, thoát khỏi mê đồ,
            Tiếp Hiền Thánh, siêu sinh tịnh độ.
           
Đoạn này tổng kết lại cho chúng ta thấy sau khi thành đạo, đức Phật đã làm gì. Ngài đã rất nhiều lần khẳng định, sự xuất hiện của Ngài và những gì Ngài nói chỉ có một mục đích duy nhất: mang lại an vui hạnh phúc cho chúng sanh. Vì mục đích cao thượng ấy mà sau khi Ngài chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác chư thiên và nhân loại đều vui mừng. Tại sao trời hoan lạc? Vì Ngài đã khai mở cánh cửa bất tử vô sanh. Tại sao người mừng rỡ? Bởi Phật đã đưa đường chỉ lối bình an cho cuộc đời. Ai ai cũng lớn tiếng ca ngợi mừng rỡ hoan hô vì ngọn hải đăng vĩ đại đã rực sáng giữa biển khổ lầm than u tối. Người người phủ phục bởi bậc vĩ nhân phước trí vẹn toàn đã xuất hiện. Chúng sanh hoan hô không những vì họ được lợi ích từ sự chứng đạo ấy mà còn vì sau khi thành đạo, đức Phật đã để lại một gia tài vô cùng quý báu, mà ngày nay chúng ta vẫn đang còn thừa hưởng. Đó là Pháp Bảo và Tăng Bảo.
Năm mươi năm hóa độ, ba trăm hội đàm kinh: Các con số năm mươi và ba trăm chỉ là những con số ước lượng. Theo lịch sử, sau khi thành
đạo lúc ba mươi mốt tuổi, Ngài hoằng hóa bốn mươi chín năm và nhập diệt năm tám mươi tuổi. Trong suốt thời gian ấy chắc chắn Ngài đã thuyết kinh hơn ba trăm hội. Bằng chứng là số lượng kinh điển ngày nay để lại lớn hơn con số đó rất nhiều. Điều này cho thấy Ngài đã để lại kho tàng giáo lý (Pháp Bảo) đồ sộ về số lượng nhưng thống nhất về nội dung tư tưởng và mục đích. Nội dung và mục đích ấy như sau:
 
Cứu phàm ngu thoát khỏi mê đồ, tiếp hiền thánh siêu sinh tịnh độ: đây vừa là gia tài quý báu thứ ba – Tăng bảo, vừa là mục đích và nội dung của chánh pháp. Giáo lý của Phật dạy chúng ta cái gì nếu không ngoài nội dung chuyển hóa ngu si thành trí tuệ, phàm phu thành hiền thánh? Mục đích tu hành là gì nếu không phải là thoát khỏi khổ đau sinh tử (mê đồ) và xây dựng hạnh phúc an vui chân thật (tịnh độ)? Bao nhiêu phàm ngu thoát khỏi mê đồ nhờ Phật? Không đếm được, vô lượng. Bao nhiêu hiền thánh siêu sanh tịnh độ nhờ thực hành lời dạy của Ngài? Chẳng nghĩ bàn, vô biên. Trong những con số vô lượng vô biên ấy, chúng ta - những kẻ phàm ngu, có phần không? Phật đã, đang và sẽ cứu chúng ta đấy nhưng liệu chúng ta có can đảm sống với những gì ngài dạy không? Phần đông chúng ta chưa phải là Hiền Thánh, vẫn loanh quanh trong phàm và ngu. Tại sao vậy? Đừng hỏi, vì câu thứ hai và thứ ba của bài sám này “Nhân lành chưa đủ, nghiệp báo theo hoài”, đã thay câu trả lời.
Mặc dầu vậy, một điều chắc chắn là sau khi theo Phật, chúng ta bớt phàm hơn, ít ngu hơn. Đặc biệt, phàm tâm giảm đắm say trong sắc thanh hương vị xúc và lòng trần sáng suốt hơn trong việc đắp xây phước đức lâu dài. Chính kết quả khiêm tốn và quý báu ấy mà chúng ta mãi mãi ngân vang những lời chí thiết sau đây:
           
            Muôn đời xưng tán,
            Vạn đức Hồng danh!
            Đệ tử chí thành,
            Lễ bày kỷ niệm
            Tâm hương phụng hiến,
            Gọi chút báo ân;
            Ngửa trông Vô Thượng Pháp Vương,
            Từ bi gia hộ.
           
Đoạn kết này cho thấy chúng ta kỷ niệm ngày Phật thành đạo để báo đáp ân đức của Ngài. Qua đó cũng khẳng định việc làm hôm nay của chúng ta xuất phát từ lòng thành thiết tha: tâm hương phụng hiến. Dẫu cho khi được làm tiên làm trời cũng không quên ca ngợi công đức của Phật. Dù bị đày đọa làm trâu làm bò cũng biết kính Phật trọng Tăng. Huống chi, nay chúng ta làm người, thì dù tuyệt đỉnh thông minh đến đâu, giàu sang hạnh phúc đến mấy cũng nguyện muôn đời xưng tán, vạn đức hồng danh. Đó là lời nguyện ước trước sau như một, luôn luôn ca ngợi chân lý, ủng hộ chánh kiến, trung thành trí tuệ và nổ lực thể hiện từ bi. Kỷ niệm ngày thành đạo của Phật, chúng con nguyện tuyệt đối tinh tưởng và noi theo những công hạnh tự giác - giác tha - giác hạnh viên mãn của Ngài. Tưởng nhớ giây phút linh thiêng Phật giác ngộ, chúng con nguyện một lòng noi gương ân đức đại từ đại bi đại hỷ đại xả của Ngài. Chắc chắn với tâm hương ấy, với lòng chí thành ấy, chúng ta đã báo đáp dù trong muôn một, ân đức của Phật Thích Ca, vị Phật Bổn Sư của tất cả chúng ta.
 
Vạn đức hồng danh: danh hiệu, danh tiếng (danh) vĩ đại (hồng), mà trong danh hiệu bao hàm muôn ngàn đức hạnh cao thượng. Những đức và hạnh ấy hiện diện trong mười danh hiệu của một vị Phật: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vì vạn đức hồng danh ấy mà chỉ cần niệm tên của Ngài thôi cũng cảm nhận được ân đức và khơi dậy vô vàn cảm hứng tu tập.
 
Vô thượng pháp vương: Mỹ từ ca ngợi đức Bổn Sư. Pháp vương: chúa tể, vua các pháp, hoàn toàn tự đại đối với các pháp, tuyệt đối thông suốt bản chất và hiện tượng của các pháp. Nói cách khác, Pháp vương là bậc tự do đối với pháp, tự tại đối với tâm. Vô thượng: không ai cao hơn nữa, tuyệt đỉnh trí tuệ. Giây phút thành đạo mang đến danh xưng Vô thượng pháp vương. Vô thượng vì dù hoàn hảo cả hai phương diện phước đức và trí tuệ rồi nhưng vẫn khất thực qua ngày, vẫn xâu kim cho bà già, vẫn không mệt mỏi cứu nhân độ thế. Pháp vương vì tự mình thể nghiệm chân lý và truyền đạt lại chân lý ấy cho những ai hữu duyên. Vô thượng pháp vương còn biểu hiện ở chổ: không bao giờ bỏ rơi chúng sanh. Đó là lý do vì sao bài sám kết thúc với câu:
Từ bi gia hộ: Bậc Vô thượng pháp vương mãi mãi trải rộng lòng thương đến tất cả chúng sanh. Tình thương ấy hiện diện rõ ràng trên từng bài kinh bài luận. Tình thương ấy thấm đẫm dưới mỗi chữ mỗi câu. Từ bi của Ngài dọc suốt tam giới thập loài. Từ bi của Ngài ngang qua quá khứ hiện tại tương lai. Phật thường xuyên gia hộ che
chở và gợi cảm hứng tu hành cho chúng ta đấy chứ? Ngài không gia hộ bằng cách giáng phước cứu rỗi. Ngài gia hộ bằng cách khích lệ chúng ta thực tập phước đức và trí tuệ thông qua nhị bảo: Pháp bảo và Tăng bảo. Ai thực hành Pháp bảo mới nhận thức được thế nào là sự gia hộ của Phật. Ai thân cận Tăng bảo mới thấu hiểu sự gia hộ của Phật gần hay xa.
            Kết Luận
Có hay không, thành đạo là cơ hội hâm nóng tinh thần tu tập của chúng ta? Phải chăng khi chiêm nghiệm, trầm tư về sự thành đạo của Phật sẽ khích lệ chúng ta tinh tiến hơn trên con đường hoàn thiện nhân cách của mình? Mỗi khi chí thành tổ chức Vía thành đạo, chúng ta có nhận ra mục đích cuối cùng của sự tu hành là gì không? Sự thành đạo của Ngài mang đến cho chúng ta bao nhiêu ý nghĩa thực tiễn? Đâu là chướng ngại to lớn nhất trên con đường tu hành và chướng ngại ấy đến từ bên trong hay bên ngoài? Hy vọng sau khi cùng nhau trì tụng và phân tích bài sám thành đạo, chúng ta sẵn sàng cho một vài lời giải đáp những nghi vấn ấy.
           
Cuối cùng, chỉ còn một câu đọng lại trong tâm thức: Tâm hương phụng hiến. Vận dụng Tâm hương ấy mà phục vụ chúng sanh một cách vô ngã vị tha thì đạo nào không thành, Phật nào không chứng? Sống và làm việc bằng Tâm hương ấy thì bất cứ việc gì cũng thành, thành mà không chấp, không tham. Hãy hoàn thành những công việc nhỏ nhất bằng hương thơm tâm hồn cao nhất. Đó là thành đạo. Đó là phẩm vật vô giá dâng lên ngày Thành đạo.
                   
                     Vía Đức Phật Thành đạo - 2016                
                                Thích Chánh Trí
 
Nhịp Sống Bình Minh
Hạt sương lung linh
Trên cành nắng đọng
Từ chân trời Đông
Thấp thoáng ánh hồng
 
Mặt trời vừa lên
Phố phường thức dậy
Thuyền buồm ra khơi
Âm vang tiếng cười
 
Ngàn tia nắng mai
Tưng bùng chiếu rọi
Kìa trên hàng cây
Chim nhở nhơ bay
 
Nhịp chày khua vang
Xóm trên cuối làng
Bầy trẻ thân thương
Tung tăng đến trường
 
Bình minh, sáng soi muôn loài
Niều tin, thắm tô cho đời
Trời xanh bao la, chan hòa hy vọng
Hạnh phúc tương lai, đón chờ ngày mai
 
Nắng lên huy hoàng
Ruộng đồng mênh mông
Tiếng chim hót mừng
Xôn xao núi rừng
 
Một ngày đẹp tươi
Cho ta: Bao nguồn vui mới
Cuộc đời đẹp tươi
Nơi nơi: Nhịp sống bình minh  
 
               Cali, Đón Xuân - 2017
    Hoàng Quang Huế - (đã phổ nhạc)                                                                                                        
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn