MÙA XUÂN MIÊN VIỄN
Ngọc Bảo
hững ngày cuối năm bóc tờ lịch mỗi ngày thấy thời gian qua đi thật là nhanh. Năm hết Tết đến, Tết Tây xong rồi đến Tết ta, đánh dấu một chặng đường mới trong cuộc hành trình sinh tử. Bao nhiêu cái Tết đã qua, nhưng trong tâm tư tôi, và có lẽ cả nhiều người Việt Nam khác ở hải ngoại, bao giờ cũng in khắc hình ảnh những cái Tết quê hương ở Việt Nam năm xưa, nhớ cái không khí Tết nhộn nhịp không chỉ bắt đầu từ ngày đầu năm, mà từ những ngày sửa soạn trước Tết. Lúc ấy còn trẻ nên thật vô tư, chỉ thấy trong lòng nao nức mong chờ được mặc áo mới, được phong bao lì xì, đâu biết đến những nỗi vất vả của người lớn, nào là lo chẻ lá đãi đậu nấu bánh chưng, làm bánh mứt, kho thịt kho cá nấu những món ăn để dành cho ngày Tết, rồi thì dọn dẹp nhà cửa tươm tất, mua hoa về chưng v..v..
Tết âm lịch thường đến vào khoảng tháng 2, khi khí trời còn lạnh nhưng mùa xuân đã bắt đầu nẩy mầm trong lòng đất, nơi gốc cây ngọn cỏ. Vì thế, nói đến Tết là nói đến mùa xuân.
Xuân đến thể hiện cho sự đổi mới của thiên nhiên vạn vật sau một giấc ngủ dài mùa đông, cây cỏ đang khô cằn héo úa trở nên đẹp đẽ xinh tươi, hoa muôn mầu muôn sắc nở rộ tràn đầy sức sống. Trong khí xuân tưng bừng đó, con người cũng dâng lên niềm phấn khởi và hi vọng cho một năm mới tốt đẹp hơn. Người ta chúc nhau những điều may mắn, những đổi mới thăng hoa hơn năm cũ. Người Việt Nam thường đi chùa trong ngày Tết để cầu nguyện cho được an lành vượng phát, xin xâm hay xem bói để biết vận mệnh năm mới, và nếu có sao xấu thì cúng sao giải hạn v.v.. Người Mỹ thực tế hơn, thường lập ra những quyết định mới (resolution) trong dịp đầu năm. Theo thống kê, 45% người Mỹ lập ra những quyết định mới đầu năm phần lớn thường có những mục tiêu rất thực dụng như cải thiện sức khỏe, cải thiện bản thân hay các mối quan hệ, cải tiến sự nghiệp v.v.. Tỷ lệ thành công trong mục tiêu đạt được là 39% trong giới trẻ và 14% với những người trên 50 tuổi. Và thống kê cũng cho biết rằng, những người có lập ra quyết định đầu năm rõ ràng và nghiêm chỉnh thường có thể đạt được mục tiêu gấp 10 lần hơn những người chỉ thầm mong ước, mà không lập quyết định để đạt đến. Điều đó cũng cho thấy luật nhân quả, muốn ăn trái thì phải trồng cây, có vun xới chăm sóc cho cây thì mới có trái, còn nếu không làm gì thì làm sao có trái ăn được.
Những năm gần đây người Việt các nơi đổ về định cư tại miền Nam Cali càng ngày càng đông, nhất là Orange County với khu Little Saigon, nên khu này cũng thay đổi bộ mặt ngày càng sầm uất hơn. Những ngày cận Tết các cửa hàng tấp nập người đi mua sắm, với đủ loại bánh chưng, bánh mứt v.v… và những chợ hoa nở rộ lên khắp nơi. Ngày giao thừa, người ta đi lễ chùa đông như hội, xe cộ nối đuôi nhau, tìm được một chỗ đậu xe cũng thật vất vả trần ai. Một số chùa thường có chương trình văn nghệ với các nghệ sĩ nổi tiếng góp mặt, nên càng thu hút đông đảo dân chúng đến xem. Đến nửa đêm, tiếng pháo nổ đì đùng khắp nơi, gợi nhớ đến không khí Tết quen thuộc của Saigon năm xưa.
Tuy nhiên, nơi nào đông người quá thì thường trở nên xô bồ và không còn không khí thanh tịnh trang nghiêm. Trong suốt quãng đời trên xứ người, đêm giao thừa tôi còn nhớ mãi là một đêm của nhiều năm trước đây, trong một ngôi chùa nhỏ ở Westminster, chỉ lác đác một số người cùng vị sư trụ trì tụng bài kinh vào lúc đêm khuya. Không khí thanh vắng phảng phất mùi trầm hương hòa cùng tiếng chuông mõ nhịp nhàng, khiến tâm hồn trở nên lắng đọng, nhẹ nhàng như vừa trút được những gánh nặng tội chướng ưu phiền. Lúc ấy, dường như trong không khí có phảng phất một điều gì thiêng liêng, một vẻ gì trang trọng của giây phút trời đất giao hòa, của sự vận hành trong vũ trụ.
Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm
Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Khắp nơi u tối mọi loài nghe
Siêu nhiên vượt thoát giòng sinh tử
Giác ngộ tâm tư một hướng về
(trích kinh của Làng Mai)
Tết âm lịch cũng có một ý nghĩa đặc biệt trong đạo Phật, đó là ngày lễ vía Đức Phật Di Lặc trong ngày mồng một đầu năm. Theo kinh Phật, Di Lặc là vị Bồ Tát được Đức Phật thọ ký sẽ thành một vị Phật tương lai, đem ánh sáng Phật pháp cứu độ chúng sanh đang chìm đắm trong màn vô minh đen tối đến tận cùng. Trong tiếng Phạn, Di Lặc được gọi là Metteya, dịch ra tiếng Hán là “Từ Thị”, có nghĩa là lòng từ bi. Tâm từ là một trong “Bốn tâm vô lượng” Từ, Bi, Hỷ, Xả. Từ là tình thương bao la tự nhiên, Bi là lòng mẫn cảm chia xẻ nỗi khổ của người, Hỷ là niềm vui phát xuất tự nhiên không phân biệt ta và người, và Xả là buông bỏ mọi chấp trước, không hận thù, không tranh đua. Bốn tâm này như giòng suối mát, như nước cam lồ rửa sạch nghiệp chướng phiền não, thanh lọc thân ý, khiến cả thân lẫn tâm được nhẹ nhàng và an định.
Người Trung Hoa có điển tích về một vị hòa thượng, được gọi là Bố Đại vì lúc nào ông cũng mang bao bố bên mình, xuất hiện trong khoảng thế kỷ thứ 10 thời Ngũ đại. Ông có hình tướng mập mạp, lúc nào cũng tươi cười và hay chơi với trẻ con. Nơi nào vị hòa thượng này đến đều có những điều kỳ diệu xẩy ra, và đến khi thị tịch ngài đã để lại một bài kệ tự nhận là Di Lặc. Vì vậy những hình tượng Phật Di Lặc ngày nay đều có hình ảnh một vị hòa thượng mập mạp bụng phệ, vẻ mặt tươi cười mặc dù có sáu đứa trẻ leo lên thân mình nghịch phá. Sáu đứa trẻ tượng trưng cho sáu tên giặc, tức sáu căn: mắt tai mũi lưỡi thân ý, ngụ ý rằng sáu căn của chúng ta lúc nào cũng bị lôi cuốn theo những quyến rũ trần cảnh của hình sắc, âm thanh và mùi vị, để rồi tạo nên những nghiệp chướng sai lầm. Nhưng mặc dù có “lục tặc”này quấy phá, Đức Di Lặc lúc nào cũng tươi cười vui vẻ, an nhiên bất động, bởi vì ngài đã điều ngự được sáu căn và chuyển “lục tặc” chướng ngại thành “lục thông” thấu suốt vô ngại.
Trong mấy ngày Tết ở Việt Nam có một tập tục rất hay là người ta thường kiêng cữ, cẩn thận lời ăn tiếng nói, cư xử hòa nhã, tránh gây gổ giận dữ. Điều đó cũng đi gần với những lời dạy của Đức Phật. Nếu có thể thực hành được như vậy suốt năm, chắc hẳn mọi sự sẽ được hài hòa êm xuôi, không cần phải van vái cầu xin, phước cũng sẽ tự đến. Lễ vía Đức Phật Di Lặc nhằm vào ngày đầu năm phải chăng là một nhắc nhở cho chúng ta theo hạnh của ngài tập Từ Bi Hỷ Xả, để mở rộng tấm lòng với người khác, xả bỏ những ràng buộc phiền não mà sống tự do tự tại trong mọi biến đổi của giòng đời.
Mùa xuân đến như khoác lên đất trời một tấm áo mới tươi thắm rực rỡ, tỏa sáng hồn người và cũng gợi lên biết bao cảm hứng cho văn nhân, thi sĩ, nghệ sĩ v.v.. Nhưng xuân đến rồi xuân đi, hoa nở rồi tàn, không có gì là ngừng lại, không có gì là thường hằng trong vũ trụ luân hồi sinh
diệt vô tận. Mùa xuân hoa anh đào nở rộ là một cảnh tượng đẹp tuyệt vời, nhưng cũng gợi lên sự vô thường mong manh, khi hoa chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi lả tả rơi từng cánh theo cơn gió bay qua. Nhìn hoa anh đào nở mà tâm tư chợt đầy ắp những chuyện cũ đã qua, như trong bài thơ haiku của Basho:
Biết bao nhiêu chuyện cũ
Bỗng gợi lên trong tâm
Hoa anh đào nở rộ
(Samazama no
Koto omoidasu
Sakura kana)
Nhưng đối với những người đã hiểu đạo, đã biết rõ chân lý của cuộc đời, mùa xuân không chỉ là xuân của bốn mùa chợt đến chợt đi, mà gợi lên một sự sống miên viễn, bất sinh bất diệt. Thiền sư Mãn Giác trước khi thị tịch có để lại một bài thơ bất hủ:
Xuân đi trăm hoa tàn
Xuân đến trăm hoa nở
Việc trước mắt đi qua
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
Cành mai tượng trưng cho sự sống bất tận, không có khởi đầu, không có chấm dứt, ngay trong những biến đổi vô thường của vạn vật . Sự sống ấy đã có từ trước khi ta sinh ra và không mất đi khi thân xác ta đã hoại diệt, mà tiếp tục luân lưu qua nhiều hình thái khác nhau. Nhận ra nền tảng của sự sống ấy ngay nơi tâm mình là đã tìm thấy bộ mặt nguyên thủy có sẵn từ trước khi ta được cha mẹ sinh ra. Bộ mặt nguyên thủy ấy không hình không tướng, nhưng vẫn luôn thường trú thường hằng nơi ta, rỗng không, tĩnh lặng và sáng suốt như bầu trời bao la, chỉ vì những vọng tưởng mê lầm che lấp mà ta không thấy được thôi.
Vua Trần Nhân Tông dù sinh ra trong nhung lụa, ở trong danh vọng tuyệt đỉnh nhưng lúc trẻ không tìm được sự bình an hạnh phúc, chỉ vì tâm còn vọng động chạy theo trần cảnh, chấp mọi sự là thật, thấy hoa nở thì trong lòng rộn ràng, hoa tàn thì tiếc nuối. Nhưng khi ngài đã buông bỏ tất cả để sống với Đạo, biết rõ chân lý Sắc Không rồi thì được an vui tự tại, nhìn đời như nước chẩy mây trôi, xem những gì đến và đi chỉ là huyễn hóa, phú quý chỉ là chiêm bao. Tất cả những gì hiện hữu trước mắt đều biến hóa từ một nền tảng Chân Không Diệu Hữu, từ Không mà Có, và trong Có bản chất lại là Không, nên chẳng có gì để nắm giữ, để tham muốn và nuối tiếc cả.
Thuở bé chưa từng biết sắc không
Xuân về hoa nở rộn trong lòng
Chúa xuân nay bị ta khám phá
Chiếu trải vườn Thiền ngắm cánh hồng
Điều Ngự Giác Hoàng đã khám phá được Chúa Xuân, tức bộ mặt thật nguyên thủy không sinh diệt của mình, nên ở trong Chân Không Diệu Hữu mà an nhiên ngắm cánh hồng trong vườn Thiền.
Chúng ta ai cũng đều có Chúa Xuân, và một ngày nào khi ta biết buông xả hết mọi ràng buộc phiền não, mọi ý niệm phân biệt, chắc hẳn sẽ tìm lại được mùa xuân miên viễn chưa bao giờ đánh mất của mình.
Ngọc Bảo