TƯ TƯỞNG THIỀN TÔNG VIỆT NAM
Như Hùng
(Tiếp theo Trúc Lâm số 65)
Thiền sư Cứu Chí đời thứ 7 của phái Vô Ngôn Thông, cũng có lối nói pháp thâm cao vi diệu đầy uy lực, mạnh bạo một cách khủng khiếp, khi ngài diễn tả về cái tánh cái tâm. Nó làm đinh tai nhức óc, chấn động cả hệ thần kinh, đầu óc vỡ tung ra, chận đứng mọi suy tư toan tính, dập tắt mọi hý luận bày trò. Khiến người nghe bay bỗng lên tận mây ngàn chơi vơi nơi muôn trượng, không chỗ bám víu, không còn nơi chốn để dựng lên thiết lập bất cứ điều gì cái gì. Phong kín mọi ngỏ ngách, bịt lối đi lại, không còn chổ nào để thoát ra, không có kẻ hở nào để chui vào, bí lối không đường để dọ dẫm hy vọng trông chờ. Ở vào ngay cái giây phút sống chết như đường tơ kẻ tóc đó, ngay sát na diệu huyền đó, sự bùng vỡ của giác ngộ tức thì trổi dậy, nhập thẳng vào thể tánh chân như thường tại, thâu tóm càn khôn trong tích tắc. Quả thật ngôn ngữ đó, không còn là ngôn ngữ mà là sức công phá mãnh liệt vào tận cùng ngõ ngách trôi nỗi đi lại của tâm thức, một thứ mật ngôn cùng tuyệt phủ trùm lên tâm cảnh thời không, bặt lời trọn ý, thong dong trong không cùng vô tận, không còn ngần mé biên độ, định kiến chủ quan, phạm trù sai biệt, đâu đó bị quật ngã vỡ tung cuốn hút tự bao giờ.
“Phàm tất cả pháp môn vốn tự tánh của các ngươi, tánh tất cả pháp vốn từ tâm của các ngươi. Tâm pháp nhất như vọng không hai pháp. Phiền não trói buộc. Tất cả đều không. Tội phước phải quấy, tất cả đều huyễn. Không cái nào chẳng phải quả, chẳng phải nhân, không nên ở trong nghiệp mà phân biệt thì chẳng được tự tại. Tuy thấy tất cả pháp mà không có chỗ thấy, tuy biết tẩt cả pháp mà không có chỗ biết. Biết tất cả pháp lấy chánh nhơn làm tông. Thấy tất cả pháp lấy nhơn duyên làm gốc. Tuy chuyên nói thật tế mà hiểu rõ thế gian đều như biến hóa, rõ thấu chúng sanh chỉ là một pháp không có hai pháp. Chẳng rời cảnh nghiệp mà phương tiện khéo léo ở trong cõi hữu vi hiển bày pháp hữu vi mà không phân biệt. Tưởng vô vi là do hết dục, dứt ngã, quên niệm mà nhận lấy vậy”. Sư liền nói kệ:
“Giác liễu thân tâm bản ngưng tịch
Thần thông biến hóa hiện chư tướng
Hữu vi vô vi tùng thử xuất
Hà sa thế giới bất khả lường
Tuy nhiên biến mãn hư không giới
Nhất nhất quan lai một hình trạng
Thiện cổ vạn cổ nan tỷ huống
Giới giới xứ xứ thường lãng láng
Dịch :
“Giác ngô thân tâm vốn lăng yên
Thần thông các tướng biến hiện tiền
Hữu vi vô vi từ đây có
Thế giới hà sa không thể lường
Tuy nhiên đầy khắp cõi hư không
Mỗi mỗi xem ra chẳng tượng hình
Muôn đời ngàn đời nào sánh được
Chốn chốn nơi nơi thường rạng ngời”.
(Thiền sư Thích Thanh Từ dịch)
Trong cuộc đối đáp giữa Định Hương Trưởng lão và Cứu Chỉ thiền sư, ngay từ phút đầu gặp gỡ, sư hỏi: “Thế nào nghĩa cứu cánh?” Trưỡng Lão im lặng, giây lâu hỏi lại sư: “Hiểu chưa”
Sư thưa: “Chưa hiểu”
Trưỡng Lão bảo: “Ta đã cho ngươi nghĩa cứu cánh”
Sư còn suy nghĩ, Trưỡng Lão bảo: “Lầm quá rồi”
Ngay câu này sư nhận được yếu chỉ!
Chúng ta hiểu được gì trong cuộc vấn đáp trên, nghĩa của cứu cánh mà Cứu Chỉ muốn thâu tóm trên điều kiện nào?
Khi đặt câu hỏi “Thế nào” ngay lúc đó đã khởi lên ý niệm so sánh sai biệt, tạo cơ hội để cho ý thức xen vào gây rối lũng đoạn, và tha hồ dẫn dắt tác yêu tác quái, vì thế Định Hương im lặng, một sự lặng thinh tuyệt vời, không ngôn ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn được, hé mở toàn bộ ý nghĩa đích thực của cứu cánh. Đó là thể tính chân như tròn đầy vi diệu, vắng bặt mọi chấp trước vọng khởi, trôi nổi đi lại, từ nội tâm đến ngoại tướng, đâu đó một sự vắng lặng tuyệt nhiên không gì có thể làm suy giảm lung lay được.
Để rồi sau đó Cứu Chỉ ca vang khúc khải hoàn, tự mình xoay đổi càn khôn trong cuộc quật khởi hùng tráng, trông thấy rõ cội nguồn tánh và tâm, cứu cánh và biện minh, khúc thinh âm huy hoàng rực rỡ vi diệu vang vọng trong không cùng vô tận. Tâm và pháp hòa cùng một thể duy nhất, đâu đó những giả tướng huyễn tướng, từ nơi trần cảnh không cơ may giành giựt nổi, bị san bằng tức thì, đổ nhào ủi sập vỡ tung tất cả, một khi tâm thức bùng lên soi tỏ lối vào giác ngộ. Một sự sáng suốt linh hiện dị thường, minh mẫn thấu triệt bản thể thường nghiệm của các pháp, bằng vào con đường quật khởi của trí tuệ thênh thang rộng mở khai thông muôn lối. Khi thấy tất cả các pháp là không, tức là không còn
có chổ để thấy, không còn có chổ để biết, một sự vắng lặng tròn đầy, chân không diệu hữu.
Vì lẽ, khi ngộ là nhập thẳng vào tận cùng hiện hữu của từng tương tác, hiện thể của hiện thực ấy phải trần trụi nguyên vẹn ban sơ, từ vô thủy đến vô chung vẫn hằng viễn y nguyên như thế không hề suy giảm, không bị méo mó sai sử dẫn đưa, từ đâu đến hay do nơi đâu mang lại. Một khi vận dụng tất cả mọi năng lực toàn triệt và quyết liệt bao nhiêu, thì kết quả thâu tóm ấy càng cao độ bấy nhiêu. Ngộ không nẩy mầm lên từ sự duy ý chí, nếu ở đó chỉ là sự đi lại biến đổi, nó vốn ở một năng khiếu tuyệt diệu, phủ trùm lên tất cả từ nội đến ngoại giới, tâm cảnh. Một sự đánh động quật khởi liên tiếp vào tận cùng hiện hữu, vượt ra ngoài khuân mẫu thước đo, luận bàn suy diễn. Dĩ nhiên những chuyển hướng để tạo nên ngộ không thể tách rời ra tổng thể để có được, tuy nhiên sự quật tung đó vẫn phải bất động nhất như, thoát ra ngoài ngần mé, biên độ. Tuy vậy, thiền vẫn kêu gọi đến trợ thủ đắc lực nhất, đó là tâm thức kiên định, sức mạnh nội tâm, lực đẩy thẩm sâu không cùng. Bởi lẽ nó là đầu mối, nguyên nhân kết quả khiến ta rơi vào tử sinh, cho dù cố gắng thoát ly, nhưng nếu không quyết lòng vững chí thì khó thoát ra được, không khéo thì lại dính vào mãi và bế tắc hơn. Trừ khi ta cứ để nó ở yên vị mà nó đã từng ở, ta làm một cuộc tập kích bất chợt thình lình, thâu tóm chuyển hóa nó thành trợ thủ đắc lực và bạn đồng hành với ta trên muôn lối. Như thế ta mới có dịp cất vang lời ca trên từng đi lại, dạo bước thảnh thơi, rong chơi trên vạn nẻo mà cõi lòng thì cứ vẫn tự tại an nhiên.
Trong cuộc đối đáp giữa Định Hương trưỡng lão (? 1051) với thiền sư Đa Bảo dưới đây, cho ta thêm những dấu ấn khó phai, và cái nhìn rạch ròi đúng mức.
Một hôm Định Hương hỏi thiền sư Đa Bảo: “Làm thế nào thấy được chơn tâm”?
Đa Bảo đáp: “Là ngươi tự nhọc”.
Sư hoạt nhiên tỉnh ngộ thưa: “Tất cả đều như vậy, đâu phải chỉ riêng con”.
Ngươi hội chưa?
Sư thưa: “Đệ tử hội rồi lại đồng chưa hội”.
Đa Bảo nói: “Cần phải giữ gìn cái ấy”.
Sư bịt tai xây lưng đứng
Đa Bảo liền nạt: “Đi”.
Sư sụp xuống lạy.
Đa Bảo dạy: “Về sau ngươi lại giống một kẻ điếc để tiếp người”.
B - NGUYÊN LÝ ĐẮC VÔ ĐẮC, VÔ ĐẮC ĐẮC (KHÔNG CÓ ĐỐI TƯỢNG và GIÁC NGỘ ĐỂ ĐẠT)
Thiền phái Vô Ngôn Thông, còn xử dụng đến nguyên lý đắc vô đắc, vô đắc đắc, nghĩa là không có đối tượng để giác ngộ và không có giác ngộ để đạt. Đây cũng là một trong những lý lẽ vô cùng quan yếu và phức tạp, nhằm phá vỡ mọi sự nắm bắt dính mắc, phân biệt chủ thể khách thể, rơi vào sở chấp, nhị nguyên lý, và phải được hiểu, tất cả chỉ là “tùy bệnh cho thuốc”, một sự dẫn dụ ngăn ngừa đầy cẩn trọng.
Thiền tổ Vô Ngôn Thông nhấn mạnh đến nguồn gốc của Thiền, có phải ngài phủ nhận sự “huyên truyền” nào đó hay chỉ là sự giả lập và là phương tiện nhằm khai mở chỉ bày. Ngài đề cập đến câu chuyện truyền thừa từ Phật sang Tổ “Thiên hạ huyên truyền từ bốn phương rằng thỉ tổ ta gốc ở Tây Thiên, có truyền lại chính pháp nhãn tạng gọi là Thiền, rằng như một đóa hoa có năm cánh, thiền tông sinh trưởng ở Đông Độ và gieo hạt giống thiền mãi mãi bất diệt về sau, rằng những mật ngữ có đến hàng ngàn hàng vạn lời kia đều thuộc về truyền thống thiền. Nhưng ta tự hỏi: Tây Thiên là đâu? Tây thiên chính là đây chứ không ở đâu khác, mặt trời mặt trăng năm xưa chính là mặt trời mặt trăng mà ta đang thấy đây, hể vướng mắc vào một từ ngữ là liền bị kẹt và làm oan cho chính Phật và Tổ. Sai một ly là đi một dặm. Các vị nên chiêm nghiệm kỷ, đừng để cho thế hệ tương lai trách móc vì bị đánh lạc đường”.
Rõ ràng, trong sự quật khởi để giác ngộ trổi dậy, tông môn gốc tích có thật sự giúp ích gì để ta đi đến giác ngộ chăng? Nó càng làm cho ta dựa dẫm bám víu vào đó, để mà tự hào ru ngũ và cho đó một thứ thẩm quyền đặc quyền hư ảo nào đó mà thôi. Nếu giác ngộ là đối tượng dù đối tượng ấy có từ bên ngoài hay bên trong vẫn khiến hành giả rão bước tìm cầu, như thế ta tạo thêm chướng ngại trong việc dựng nên tổng tướng để phân định. Thiền vốn bặt hết tướng trạng dù đó là tướng của kẻ truyền và người được trao, hể còn rơi vào đối đãi lúc ấy vẫn không thoát ra, dù kẻ ấy được truyền y bát của chư Tổ. Phải quật khởi chuyển hóa nội tâm, tự mình đốt đuốc soi đường, từ nơi chính mình trong tâm mình, tại đây giây phút hiện tại này, chứ không cần phải nương nhờ trông cậy vào một ai và điều gì cả.
Thiền sư Nguyên Học (? -1174) có bài kệ về điều này:
Đạo không hình tướng
Trước mắt chẳng xa
Xoay lại tìm kiếm
Chớ cầu nơi khác
Dù cho cầu được
Được tứ chẳng chơn
Vì có được chơn
Chơn ấy vật gì?
Vì thế chư Phật ba đời
Lịch đại Tổ Sư
Ấn thọ tâm truyền
Cũng nói như thế
(Thiền sư Thích Thanh Từ dịch)
Đạo vô ảnh tượng
Xúc mục phi diêu
Tự phản suy cầu
Mạc câu tha đắc
Túng nhiêu câu đắc
Đắc tức bất chơn
Thiệt sử đắc chơn
Chơn thị hà vật
Sở dĩ tam thể chư Phật
Lịch đại Tổ sư
Ấn thọ tâm truyền
Diệc như thị thuyết
Điểm tuyệt diệu của những Thiền Sư là không mang theo bất cứ hành trang tư lương nào có thể gây trở ngại vướng bận nhọc nhằn, trong việc thấy tánh giác ngộ. Phải thật sự thảnh thơi thong dong, an nhàn trên muôn lối, đến đi tự tại giữa vô vàn biến động. Ở đó, còn là sự linh hiện phủ vây, hoàn toàn tự do thể nhập, sự huyền diệu thường xuyên có mặt đong đầy cả càn khôn. Có vẻ đẹp nào ngự trị, có con đường nào dẫn đến giác ngộ, khi ưu tư, ngang trái sầu muộn khổ đau còn đong đầy? Không chịu buông xuống để thảnh thơi, không chịu bỏ xuống để thong dong, chắc chắn là không, một chữ không to lớn.
Nguyên lý đắc vô đắc là không có gì còn gì để gọi là đắc, ngay cả tiêu đề gọi là nguyên lý đó cũng không thể tồn tại, một sự lặng thinh bất tận trên lối về, chấm dứt mọi nguồn cơn. Quán chiếu, nhìn thẳng vào, nhìn ngay vào chính cái thực trạng đó, thấy mình bơi lội cuốn hút trong ấy, ý thức một cách thâm sâu trọn vẹn mọi hành hoạt tương tác, nhưng quyết không bám theo, nắm giữ thủ đắc một thứ gì. Có được như thế, mới thảnh thơi dạo bước thật sự an nghĩ bình thản trên mọi lối đi về, và rằng dấu ấy, chốn đó, cũng sẽ không bao giờ vương lại dấu chân, dù cho một hạt bụi còn bám lại, và dù bước chân ấy đã từng dẫm nát cõi tử sinh mộng huyễn.
Còn tiếp
Như Hùng
Một Chút
Lắng Lòng
Vạn pháp xưa nay vốn lặng yên
Chẳng gây khổ nghiệp bởi vọng duyên
Bốn mùa chuyển biến theo năm tháng
Khắp nẻo đường về cõi Diệu Liên .
Phật tánh trong ta mãi thưở nào
Vô minh chẳng tự biết đường vào
Khổ hải trùng ba tràn ngập đến
Ngàn năm lặn hụp biển trần lao .
Đường về tự tánh Phật chỉ ra
Một chút lắng lòng lại chính ta
Mặt nước hồ tâm liền hiển hiện
Nhìn đâu cũng thấy ánh trăng ngà .
CA 12-12-2016
Tánh Thiện