- Chăm sóc Như Lai

04/06/201312:00 SA(Xem: 5743)
- Chăm sóc Như Lai



CHĂM SÓC NHƯ LAI


Huệ Trân


Một lần, Đức Thế Tôn cùng thầy thị giả Anan ghé thăm một tu viện nhỏ ở ngoại thành Ca Tỳ La Vệ. Ngài bỗng nghe tiếng rên xiết từ một am tranh. Bước vào, Ngài thấy một tỳ kheo nằm co quắp trên chiếc giường tre, tấm mền mỏng rung theo từng hơi thở hổn hển, đứt quãng. Đức Thế Tôn ngồi ngay xuống, ân cần cầm tay người bệnh mà hỏi:

 -Thầy đau yếu ra sao?

 -Bạch Thế Tôn, con bị bệnh kiết, rồi từ hôm qua,bị cảm hàn.

 -Các thầy khác đâu?

 -Bạch Thế Tôn, các thầy đã đi khất thực cả. Mấy ngày nay các thầy cũng thay phiên ở lại giúp con, nhưng con thấy mình vô dụng nên xấu hổ, áy náy, xin các thầy cứ đi khất thực.

 

Đức Thế Tôn bèn truyền thầy Anan hái lá thuốc, nấu nước, soạn y áo sạch, rồi đích thân Ngài cùng thầy Anan phụ giúp tắm rửa, thay y phục sạch sẽ và thoa bóp cho vị tỳ kheo lâm bệnh.

Khi về lại tịnh xá, Đức Thế Tôn nhóm chúng mà dạy rằng:

 -Này các thầy tỳ kheo, khi gặp kẻ cô đơn bệnh hoạn, đói khổ, các thầy hãy hết lòng giúp đỡ. Các thầy chăm sóc người bệnh, cũng là chăm sóc Như Lai.

 

 Chỉ một lời dạy đơn giản mà bao hàm vô lượng từ bi.

 

 Nỗi khổ của chúng sanh mà Ngài đã thấy, như những mắt lưới trùng điệp bủa vây đàn cá nhỏ nhoi.Chúng sanh bệnh, chẳng phải chỉ là thân bệnh

đói nghèo thiếu thốn, mà tâm bệnh do phiền não chướng nạn cũng hành hạ khôn lường. Muốn cứu giúp, an ủi khổ đau này, ta phải có trái tim lớn với cánh cửa luôn mở rộng, để ban vui cứu khổ bằng khả năng mà ta có thể.


Biển khổ mênh mông thì khả năng bao nhiêu là đủ?

 

Không cần chờ phải có tiền đầy túi, có lúa đầy nhà đâu! Hạt giống nhân-ái trong trái tim lớn kia luôn tìm ra phương tiện để tạo khả năng.Chỉ cần trái tim ta khởi lên được những nhịp đập thổn thức trước nỗi đau của người, là ta đang cùng đau nỗi đau ấy. Đã cùng đau, bản năng ta, ắt tìm phương chữa.Tự lực không đủ thì kêu gọi tha lực.

 

Có phải, ai trong chúng ta cũng từng nghe những tiếng kêu gọi này?

 

Có người nghe, thì đáp.Có người nghe, rồi quên.Nhưng hề gì, muôn người, muôn loài, vốn chẳng đồng khi chưa nhận diện được bản tâm,thì xấu tốt, khen chê, bận lòng chi phê phán. Chỉ xin mở lại trang kinh có những giòng nhắc nhở tránh điều ác: “Chớ coi thường con rắn nhỏ, vì nọc độc của nó có thể hủy diệt bạn!”

 

Từ đây, suy ra về điều thiện: “Chớ coi nhẹ một điều thiện nhỏ mà không làm vì nhiều điều thiện nhỏ sẽ kết thành thiện lớn, mà khi làm điều thiện, có thể ta sẽ khơi dậy được Phật tánh, do vô minh che lấp”

 

Mùa Phật Đản đã gần kề.Người con Phật mong đền đáp ơn sâu, hãy thể hiện lời Phật dạy về lòng từ bi, lắng nghe lời kêu cứu khổ, vọng từ muôn phương vạn nẻo.

 

Cái đói, cái khổ, chẳng phải chúng ta chỉ mường tượng qua những trang kinh chỉ bày về kiếp ngã qủy, a tu la, mà ngay trên địa cầu này, từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, không đâu không thấp thoáng cảnh địa ngục trần gian, nơi đói nghèo và bệnh tật luôn đồng nghĩa và trộn lẫn với sự sống, cái chết.

 

Có những làng xã mà “cái gọi là nhà” chỉ nhích hơn chuồng nuôi heo, và chất liệu chỉ là vài tấm tôn được nâng lên, chênh vênh, xiêu vẹo bằng dăm thanh tre; mái và vá chỉ là những lá dừa, lá vông buộc lại trong đó là những gia đình sống lây lất bằng mò cua, bắt ốc, lượm rác…

 

Có những nơi gọi là bệnh viện mà bệnh nhân rên xiết không ai nghe, nói chi thuốc thang, cơm cháo….Có những trại cùi, con người lê lết trên mặt đất như những sinh vật câm điếc…. Có những người bệnh, nằm chơ vơ trên chõng tre, nửa cái chiếu rách tả tơi không che đủ tấm thân còm cõi …. Có những nơi chốn, người già neo đơn, mòn mỏi như những hải đảo quạnh hiu bốn mùa gió lộng...Có những đám trẻ,có quần không áo, có áo không quần, da thịt tái thâm dưới tiết đông giá lạnh …

 

Qua lời dạy: “Chăm sóc người bệnh là chăm sóc Như Lai”,người con Phật thử mở rộng lòng mình, và bằng ánh mắt Quán Âm, chắc chắn chúng ta sẽ biết và sẽ thấy, có thể làm gì để ban vui cứu khổ đến những nơi đang khát khao nhận được sự“Chăm Sóc Như Lai”.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát

 

(Tào-Khê tịnh thất,)

 

 Huệ Trân

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn