- Thiền Ngữ Qua Thi Ca - Như Hùng

04/09/201212:00 SA(Xem: 9445)
- Thiền Ngữ Qua Thi Ca - Như Hùng



Thiền sư Trí Bảo (? - 1190)

Trong sách Thiền Uyển Tập Anh ghi lại cuộc đời của sư như sau: Sư họ Nguyễn là cậu của thái úy Tô Hiến Thành đời Lý Anh Tông, xuất gia tu hành ở chùa Thiên Tước, ăn gạo hư, mặc áo rách, ba ngày mới nhóm lửa thổi cơm. Khi ra đường thấy kẻ nghèo hèn thì khoanh tay tránh lối, gặp người tu hành thì quỳ lạy chào. Sư chuyên tu tập thiền định, sau khi thành đạo bèn chống gậy xuống núi, từ đó đi phổ khuyến khắp nơi để lo việc sửa cầu đường, dựng chùa tháp. Có vị khách tăng đến hỏi sư:

- Sinh từ đâu tới? Tử đi về đâu?


 Sư còn phân vân nghĩ ngợi, khách tăng nói:

 Còn đang nghĩ ngợi

Vạn dặm mây trôi.

 

( Nghĩ nghi chi gian

Bạch vân vạn lý).

 

Sư không đáp được, vị khách tăng bèn quát:

Chùa tốt mà không có Phật! Quát xong tăng khách bỏ đi.

 

Từ đó sư vân du tìm thầy học đạo, nghe danh thiền sư Đạo Huệ ở Tiên Du bèn đến tham vấn, sư nêu ra câu hỏi mà lúc trước vị khách tăng nọ đã hỏi sư: " Sinh từ đâu tới, tử đi về đâu? "

 

Thiền sư Đạo Huệ đáp:

 - Sinh không từ đâu tới, tử chẳng về đâu.

 

Sư hỏi:

 - Thế chẳng phải rơi thoát vào chổ trống không ư?


Đạo huệ đáp:

- Chân tính diệu viên, thể tự không tịch, vận dụng tự tại chẳng cùng với sinh tử. Cho nên nói sinh không từ đâu tới, tử chẳng về đâu.


 Sư lĩnh ngộ thưa rằng:

 " Không nhờ gió cuốn mây trôi hết

 Màu xanh sao tỏ một trời thu? "


(Bất nhân phong quyện phù vân tận

Tranh kiến thanh thiên vạn lý thu)

 

Đạo Huệ nói:

 Ngươi thấy cái gì?

 

Sư đáp:

 " Quen biết đầy thiên hạ

Tri âm được mấy người? "

 

(Tương thức mãn thiên hạ

Tri âm năng kỳ nhân?)

 

Như một thứ âm ba vô tận, chấn động lòng người, đập vỡ tan hoang những trì trệ ứ đọng, đẩy ta bay bổng ra ngoài càn khôn, trong sự hụt hẩng khiếp đảm cùng cực, trong sát na bí lối đó khiến ta chợt tỉnh. Cái có hoà quyện với không, sanh với tử như một điệp khúc réo rắt gọi mời. Cái đẹp trọn vẹn được hiển lộ là lúc ta đẩy xô tất cả vào tận cùng, cuốn phăng hất trọn, buông xuống những đè nặng, chướng ngại, để cho bản thể diệu viên bừng dậy soi chiếu, không trụ bám vào đâu, dù đó là tử sinh hay niết bàn, mặc nhiên đến đi trong sự an tịnh, không còn bóng dáng của phiền não tử sinh. Khi nào ta còn xử dụng đến sự chỉ lối của ý thức, đưa đường của vô minh, còn chần chờ so đo tính toán, thì vẫn muôn trùng ngăn cách, vạn dặm sơn khê, mịt mờ hoang lộ, ta bị bung ngay xuống vực sâu, khó lòng leo lên được. Năng lực của thiền mở ra con mắt huệ, khiến ta thấu rõ mọi chuyển động, đưa ta từ thế giới triền phược, thong dong đi đến giải thoát, mở ra giá trị đích thực của sự sống. Một khi ta biết tận dụng tất cả năng lực nội tại, quán chiếu vào tận cùng, uống được ngụm nước đầu nguồn, ta sẽ thảnh thơi đi về muôn lối mà không lo sợ hụt hẩng.


 Thiền sư Tịnh Không ( 1091 - 1170) 


Trong sách Thiền Uyển tập Anh ghi về sư như sau: Sư chuyên tu hạnh Đầu Đà, mỗi khi nhập định suốt mấy ngày mới dậy.

Có một thầy tăng hỏi:

 Lời dạy của hoà thượng nghĩa thế nào?

 

Sư đáp:

 Ngày ngày gặt lúa về

Quanh năm kho dụn rỗng.

 

( Nhật nhật khứ hoạch hòa

Thì thì không thương lẫm )

 

Tăng nói:

 Đệ tử chưa hiểu.

 

Sư nói:

 Sáng mãi trời trăng

Mây trôi toả bóng.

 

( Nhật nguyệt trường minh

Phù vân cái ấm )

 

Nói đoạn sư đọc bài kệ:

 Kẻ trí không ngộ đạo

Ngộ đạo ấy ngu đần

Duổi chân nằm nghỉ khoẻ

Chân ngụy chẳng chi cần.

 

( Trí nhân vô ngộ đạo

Ngộ đạo tức ngu nhân

Thân cước cao ngọa khách

Hề thức ngụy kiêm chân ).

 

Có người hỏi Phật là gì? Ngài đáp:

 " Nhật nguyệt trời cao soi mọi cõi

Ai hay mây khói phủ non sông."

 

(Nhật nguyệt lệ tam thiên hàm trân sát

Thùy tri vân tụ lạc sơn hà?)

 

Lại hỏi tiếp: “Làm thế nào mà hiểu?”

 

Sư đáp:

 " Mục đồng ngủ mãi lưng trâu nọ

 Câu chuyện anh hùng biết được sao? "

 

 (Mục đồng kỳ quán ngọ ngưu bối

 Sĩ hữu anh hùng khoa đắc y)

 

Hỏi: Ý tổ và ý Phật giống nhau, khác nhau thế nào?

 

Sư đáp:

 Trèo non vượt biển muôn dặm đều hướng về cửa khuyết.

 

Tăng nói:

 Trí tuệ của Hòa Thượng thật đặc sắc kỳ lạ, sao không cho các đệ tử cùng biết?

 

Sư đáp:

 Ngươi thổi lửa, ta làm gạo, ngươi xin ăn, ta lấy bát. Ai phụ bạc ngươi?

 

Trong cõi mênh mang sâu thẳm, ta lầm lủi rong chơi lạc bước nẽo luân hồi, đi từ thế giới hiện thực đến phi thực, rồi từ phi thực trở về với hiện thực. Từng bước đi với nhọc nhằn trĩu nặng, ngang trái phủ vây, hay từng bước đi về an tịnh? Tâm cảnh mà ta đang trực nhận, với bao buồn vui biến động, nhưng cũng là hiện cảnh, thân thể của ta dù réo gọi bởi vô thường sinh lão bệnh tử, thì cũng vẫn là nơi chốn để ta nương vào tu tập, không o bế cũng không tàn nhẫn với chính mình. Cho dù ta phát nguyện trở lại, hay vì nghiệp lực nhân quả khiến ta có mặt, thì ta vẫn phải sống, vẫn phải cưu mang, đem hết tâm lực hoàn thành đạo nghiệp. Quá khứ, tương lai vốn bất định, tâm cảnh biến đổi hư ảo không thật, hy vọng trông chờ ở một nơi chốn khác, tốt hơn đẹp hơn, sáng lạng hơn cảnh sống của ta bây giờ, là điều không tưởng. Mong cầu có được một thân tướng đẹp hơn, tốt hơn, không khổ đau, không chi phối bởi sinh diệt, nếu không là báo thân, ứng thân thì đều huyễn tướng. Ngoài chốn nầy, nơi nầy, hiện tại nầy, phút giây nầy, thì có chổ nào chốn nào, phút giây nào, để ta thảnh thơi nhẹ bước, trong khi ta chất đầy âu lo, phiền não khổ đau bám theo quấy rối? Ngoài thân thể của tinh cha huyết mẹ, nghiệp lực dẫn dắt, ta chờ đến chừng nào để có được một hình hài khác, tốt hơn đẹp hơn, khi tuổi già sức yếu, vô thường bịnh tật thi nhau chế ngự, luôn phiên thăm viếng? Ta sống ở đây nhưng tâm thức lúc nào cũng chạy nhảy ở tận phương khác, ta nhận lãnh mọi hậu quả do mình tác tạo, nhưng lúc nào cũng ra công chối bỏ. Giây phút thắp sáng hiện hữu tìm lại con người đích thực của mình, liên tục bị ta đánh mất, thế giới mà ta đang sống và cảm nhận, luôn bị ta xô đẩy khước từ. Nhưng rồi sẽ có một ngày ta bỏ lại sau lưng tất cả, không dậy được, không mở mắt ra được, mọi thứ đều trở nên xa lạ, cảm giác trở nên rời rạc, không còn hơi sức để sống để thở, lúc ấy mặc cho số phận nghiệp quả thao túng. Ta ra sức nguyện cầu để được ban bố, ân sủng, nhưng không chịu sớt chia, nhận vào chứ không cho ra, không phát khởi lòng từ bi vô lượng. Ta đòi hỏi cái gì, điều gì, khi tâm cùng cảnh sống của ta vốn như thế, không hề thay đổi?

 

Thiền sư Chân Không ( 1046 - 1100)


Một hôm sư nghe thiền sư Thảo Nhất giảng kinh Pháp Hoa lòng bừng tỉnh ngộ, vua Lý Nhân Tông rất kính mộ sư bèn sai sứ mời sư về Đại nội giảng kinh Pháp Hoa.

 

Một hôm có vị tăng hỏi:

 Diệu đạo là gì?

 

 Sư nói:

 Giác rồi mới biết.

 

Người kia nói: 

 Học nhân chưa hiểu được xin thầy dạy cho.

 

Sư nói:

 " Đến được động tiên sâu thẳm ấy

Linh đơn đổi xác mới quay về. "

 

(Nhược đáo tiên gia thâm động nội

Hoàn đan hoán cốt đắc hoài quy)

 

 Hỏi: Thế nào là linh đơn ( hoàn đan )?

 

Sư đáp:

 " Vạn kiếp si mê không hiểu thấu

Sáng nay bừng mở nẻo khai minh. "

 

(Kiếp tịch ngu mông vô động hiểu

Kim thần nhất ngộ đắc khai minh)

 

Hỏi: Thế nào là khai minh?

 

Đáp:

 " Khai minh thấy hết trần gian nọ

Muôn loại sinh linh thảy một nhà. "

 

 (Khai minh chiếu triệt ta bà giới

Nhất thiết chúng sinh cộng nhất gia)


Hỏi:

 Người ta nói: “Tuy không biện luận nhưng đâu đâu cũng gặp người”. Người đây là ai?

 

Sư đáp:

 " Lửa cháy tàn rồi, tan sạch hết

Non xanh, mây trắng vẫn còn bay."

 

 (Kiếp hào đồng nhiên hào mạt tịnh

Thanh sơn y cựu bạch vân phi. )

 

Hỏi:

Sau khi chết xác thân tan rã rồi thì sao?

 

Đáp:

 " Xuân đi xuân đến ngờ xuân hết

Hoa nở hoa tàn cũng lại xuân. "

 

 (Xuân lai Xuân khứ nghi xuân tận

Hoa lạc hoa khai chỉ thị xuân. )

 

Người kia đang suy nghĩ, sư hét một tiếng và nói:

 " Bình nguyên sau trận cháy

Cây cỏ càng xanh thơm. "

 

 (Bình nguyên kinh hỏa hậu

Thực vật các thù phương) .

 

Mọi biến hiện đổi thay, cháy hết tàn hết, tiêu tan hết, cũng là điều tự nhiên của vô thường, nhưng trong bản thể tuyệt cùng của chân như, giác ngộ, thì vẫn còn đó ở đó không hề vơi. Giải đất tâm một khi cày bừa thật kỷ, quét dọn thật sạch, đốt tan phiền não, đoạn diệt vô mình thì giác ngộ bùng lên soi sáng, mọi thứ trở nên tươi tốt rực rỡ. Chỉ có sự thiêu hủy đúng nghĩa mới hiển lộ nên những bí ẩn ngàn đời phong kín, hiên ngang trong từng biến hiện, một sự vươn mình trổi dậy vượt thoát ra ngoài có không, nhập thẳng vào dòng chảy bất tận, không đi qua chặng đường so đo tính toán, ru ngũ. Không có biểu tượng, dẫn chứng nào tồn tại, phải tự mình trãi nghiệm thì mới biết đó là cái gì, hương vị ra sao, Tất cả chỉ là sự kết nối của tương duyên tương hợp, trong sự vô thường biến đổi, còn có vi diệu của chân thường bất biến, nhận thức và quán chiếu được như thế, thì tâm ta sẽ được an lạc, hạnh phúc thật gần có thể với tay kéo xuống, nó có mặt ngay tại nơi đây, con người nầy chứ không đâu khác. Chỉ cần lòng từ bi chan hoà trên muôn lối, trí tuệ dâng trào thắp sáng cõi nhân sinh, thì an lạc hạnh phúc nào không ngự trị ở trong ta? 

 

(Còn tiếp)

Như Hùng


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
)