Tôi tin mỗi người đều có một lý do(cái duyên) nào đó khi tìm đến Phật Giáo. Người tìm đến Phật Giáo vì tò mò. Người thì tìm đến Phật Giáo một cách vô tư vì là đạo "cha truyền con nối". Người thì xem đạo Phật như là cứu cánh để giải thoát khổ đau, để tìm chổ ẩn nấp yên thân giữa chốn xao động của trần gian này . Riêng tôi, tôi tìm đến đạo Phật vì tôi đau khổ.
Tôi tin rằng việc tìm đến giáo lý Phật xuất phát từ nổi đau khổ của tôi là một nguyên nhân đúng đắn. Ngày ấy, tôi bị thất tình và mất việc làm cùng một lúc. Tôi bị rơi vào niềm tuyệt vọng và không thể tìm ra lối thoát.
Thật ra, chuyện thất tình cũng như mất việc làm xảy ra cùng một lúc của tôi không có gì lạ trên cái thế giới này. Đâu đâu cũng có thể xảy ra chuyện thường tình như vậy. Nhưng cái tôi muốn nói đến là nhờ nỗi khổ này, tôi mở được cánh cửa giáo lý Phật một cách tình cờ. Sự "tình cờ" ấy đối với tôi là một phép lạ, một cơ duyên run rủi.
Thôi đã tâm sự thì tâm
sự cho trót. Người đàn ông tôi yêu là
một người Công Giáo. Gia đình tôi vốn là
một gia đình Phật tử thuần thành. Còn
gia đình anh ta là một gia đình Công giáo thuần thành. Dù mang tiếng là một Phật tử, nhưng tôi chưa
bao giờ quan tâm đến đạo Phật mà gia đình tôi đã theo từ đời nàysang đời
khác. Tôi cũng chẳng hiểu gì về cuộc đời
và giáo lý của Đức Phật ngoài việc biết ngài là một vị thái tử bỏ ngôi vua để
tìm chân lý cứu khổ muôn loài. Cứu ai và
cứu như thế nào, tôi cũng không hề biết mảy may.
Khi yêu một người Công Giáo, tôi biết tôi gặp nhiều trắc trở về tín ngưỡng. Nhưng khi yêu, người ta thường mù quáng, và thường tự huyễn hoặc mình về sức mạnh tình yêu, về sự "vĩnh cửu" của tình yêu. Tôi cũng thế, cũng tự lừa dối mình về tình yêu mà người ta dành cho tôi. Rằng tôi đã tự mơ mộng, xây dựng một thế giới yêu đương mà trong đó chỉ có mình tôi là vai chính. Còn anh ấy vẫn chỉ xem tôi là một bóng mờ bên cuộc đời anh. Để dành giựt cái thứ "tình yêu mơ hồ" ấy, tôi đã đánh đổi tất cả. Gia đình, sự nghiệp, việc làm... để cố được gần anh, để xây dựng hạnh phúc với anh. Trong thâm tâm, tôi đã hằng lo sợ vì nhận ra rằng cái tình yêu mà tôi xây dựng trong tâm tưởng chỉ là một thứ tình phù phiếm, mỏng manh, chỉ là một thứ lâu đài trên cát.
Cái cảm giác lo sợ mơ hồ về mối tình cảm phù phiếm đó, bỗng chốc hóa thành sự thật. Nó như cơn bão tố giật sập tất cả những giấc mơ huyễn ảo của tôi, nhận chìm tòa lâu đài hạnh phúc mỏng manh xuống lòng cát ướt. Anh ta rời tôi không một lời giải thích. Tôi chới với, hụt hẫng vì mất tất cả: tình yêu lẫn việc làm...( sự đời thường hay xảy ra như thế với kẻ thua cuộc). Trong cơn tuyệt vọng, tôi nghĩ đến cái chết vì không chịu nổi sự nhục nhã và sự đau khổ của sự mất mát này. Nhưng cứ nhìn ánh mắt lo lắng trong nỗi chịu đựng của cha mẹ, lòng tôi đau như xé. Chết, thật ra không dễ như tôi nghĩ. Bởi xung quanh tôi còn nhiều ràng buộc, nhiều trách nhiệm với cuộc đời này. Nhưng sống, với tôi lúc này, là một chuỗi ngày dài trong địa ngục, khổ đau, thất vọng, nhục nhã, chán chường. Tôi loay hoay như một kẻ đang bị chết đuối dần trong cái tâm trạng bấn loạn, đầy mâu thuẫn của mình....
Một buổi tối, khi cả nhà đã đi ngủ. Không biết cái gì thôi thúc mình, tôi lặng lẽ ra trước bàn thờ Quán Thế Âm Bồ Tát. Cắm một nén nhang, tôi quì xuống cầu nguyện. Tôi nhắm mắt cầu nguyện. Nhưng thật ra trong tôi lúc đó, chẳng có một lời nguyện cầu nào, ngoài lời than thống thiết từ đáy lòng:" Quán Thế Âm ơi, con đã làm gì nên tội, để phải nhận lãnh kết quả này? Cha mẹ con đã làm gì nên tội để phải có một đứa con vô dụng như con? Nếu thật sự con có tội, con có lỗi, xin hãy để cho con được chết còn hơn.... Con không còn muốn sống nữa." Trong đêm khuya thanh vắng, không một tiếng động, tôi chỉ nghe tiếng lòng mình thổn thức. Văng vẳng trong tâm thức tôi tiếng thở dài áo não của ai đó. Tôi chỉ nghe tiếng nức nở của riêng mình. Đầu gối tê dại, khi tôi mở mắt ra, cây nhang đã tàn lúc nào rồi. Tôn tượng Quán Thế Âm lung linh, mờ ảo vẫn nhìn tôi, dịu dàng, bao dung. Tôi quì mọp, vái một vái thật sâu trước bàn thờ Phật Thích Ca và Quán Thế Âm. Mệt mỏi, tôi đứng dậy lê chân về phòng mình, thao thức.
Tôi tin Đức Quán Thế Âm thương tôi, như thương tất cả chúng sinh. Bởi tôi cũng chỉ là một chúng sinh mê mờ đang ngụp lặn trong bể khổ. Như một phép lạ, một tháng sau, tôi có được việc làm trong một hãng nổi tiếng của Mỹ. Tôi như một người đang từ cõi chết, trở về. Tôi thấy mình được hồi sinh. Bắt đầu trở lại dòng sinh hoạt nước Mỹ, tôi như có sức sống trở lại. Ngày tôi nhận được việc, tôi đã chạy tới bàn thờ nhà mình, cúi đầu khóc nức nở. Tôi biết rằng tôi được cứu sống.
Trên bàn làm việc của mình, tôi để bài kinh "Chú Đại Bi" để hằng ngày tôi tụng thầm trước khi bắt đầu một ngày làm việc. Bởi đó là lời thệ nguyện của riêng tôi. Một người bạn cho tôi mượn quyển truyện "Đường xưa mây trắng" của thầy Nhất Hạnh. Càng đọc, tôi càng say sưa. Như một bức màn dày được vén lên khỏi cửa sổ trong căn nhà u tối. Lần đầu tiên, tôi thấy được bầu trời cao, xanh trong. Lần đầu tiên, tôi hiểu được rằng "SỰ KHỔ" là điều hiển nhiên trên trái đất này. Bắt đầu từ sự đau khổ, Đức Cồ Đàm quyết định bỏ ngai vàng đi tìm chân lý, cứu muôn loài. Trong chuỗi năm tháng dài miên mật tu hành, bao nhiêu lần thất bại, bao nhiều lần tuyệt vọng, bao nhiêu lần đau khổ trong sự hành xác, nhưng Đức Cồ Đàm vẫn cương quyết đi tìm cho ra chân lý cứu khổ. Bởi Ngài nhận ra rằng: KHỔ là một sự thật không thể chối cãi được. Và thế gian này tràn ngập sự thống khổ. Niềm vui chỉ thoáng qua như cơn gió, nhưng thật ra trong niềm vui đã ẩn chứa điều đau khổ.
Sự đau khổ có mặt từ khi loài người có mặt. Sự đau khổ sở dĩ có mặt vì nó bắt nguồn từ tâm thức phức tạp, bám víu của con người: yêu, thương, hờn, giận, ganh ghét, ích kỷ(hỉ, nộ, ái, ố...), và từ cái bản chất VÔ THƯỜNG của sự vật, sự việc...Suy từ những điều đã trải qua, tôi tin rằng đây là SỰ THẬT.
Tôi miệt mài đi tìm lời giải thích cho những khác biệt của cuộc đời này. Đi ngược dòng lịch sử, tôi đọc lời giáo huấn của Đức Cồ Đàm khi xưa. Tôi chợt hiểu ra nhiều điều kỳ diệu. Tôi đã vô tình xô cánh cửa Phật Đà trong cơn tuyệt vọng. Không ngờ rằng, đằng sau cánh cửa khô khan, tẻ nhạt ấy lại là một khung trời cao rộng khác. Tôi học được rằng: từ vô thỉ vô chung, con người đều như nhau, đều trong trắng, ngây thơ, không vướng tội . Nhưng sự thật, ở cuộc đời này, có hàng tỉ những số phận khác nhau. Điều gì gây ra sự khác nhau của mỗi con người. Đó là NGHIỆP và QUẢ. Nghiệp, quả quấn lấy thân phận con người cũng từ vô thỉ vô chung. Chính Nghiệp và Quả là nguyên nhân của sự khác nhau trong mỗi số phận con người. Người gây tội (Nghiệp) thì phải trả giá tội của mình gây ra (Quả). Nghiệp Quả quấn lấy nhau như vòng tròn không bao giờ kết thúc. Số phận chỉ có thể chấm dứt ở một con người khi họ ngừng gây nghiệp. Khi nghiệp đã tận, thì Quả cũng không còn. Con người thôi không còn chịu đựng của vòng tròn NGHIỆP QUẢ. Và con người được GIẢI THOÁT. Vĩ đại thay, Đức Cồ Đàm đã tìm ra lời giải thích cho cái vòng tròn "số phận" lẩn quẩn bao quanh con người từ vô thỉ vô chung. Nhưng...biết thế nào là Nghiệp để chấm dứt sự gây nghiệp của con người? Lần theo câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng phức tạp ấy, Ngài đã tìm ra được TỨ DIỆU ĐẾ, và để kết thúc Nghiệp của con người bằng cách thực hành BÁT CHÁNH ĐẠO.
Những điều này không có gì mới lạ, nó như một công thức vật lý mà ai cũng từng học khi còn ở lớp bảy, lớp tám: Nghiệp còn thì Quả còn, Nghiệp dứt thì Quả tiêu tan. Những điều này có từ khi vũ trụ hình thành, con người có mặt trên địa cầu này. Đức Phật không sáng chế hay phát minh ra điều gì mới mẻ, vĩ đại. Nhưng sự VĨ ĐẠI cúa Ngài chính là nằm ở tấm lòng Từ Bi muốn cứu loài người thoát khỏi KHỔ ĐAU. Ngài giống như một người đi tìm vàng, mải miết đi tìm, sàng đãi, để chỉ cho nhân loại thấy VÀNG đang nằm lẫn trong ĐẤT. Chân lý mà Ngài tìm thấy đã nằm sẵn trong vũ trụ, trong sự vận hành không mệt mỏi của nó từ hàng bao triệu tỷ năm nay. Ngài chỉ rõ cho mọi người thấy được căn nhà tù "KHỔ ĐAU" đang bốc lửa trong tâm thức mỗi người như thế nào. Chỉ cần nhận ra được nguyên nhân sự khổ thì căn nhà tù Khổ ấy sẽ không còn cầm tù ai được nữa. Ngài chỉ rõ rằng: hiểu rõ Tứ Diệu Đế và thực hành Bát Chánh Đạo là phương cách duy nhất để giúp con người tự giải thoát chính mình.
Tôi vẫn không phải là một Phật tử thuần thành theo kiểu đọc thiên kinh vạn quyển. Tôi vẫn còn ngu ngơ, mò mẩm trong quá trình tìm kiếm con đường trở về trở về nhà của mình. Tôi vẫn không thuộc được bất cứ bài kinh kệ nào ngoài Chú Đại Bi mà tôi hằng ngày vẫn tụng thầm, bài kinh Bát Nhã mà tôi đã bị bà nội bắt phải học thuộc từ năm lên mười, câu niệm ở cửa miệng "Nam Mô A Di Đà Phật" mỗi khi tôi sợ hãi, hay sám hối một điều gì. Nay, tôi hiểu ra mình đang mang trên lưng, trên vai một gánh NGHIỆP của riêng mình. Mỗi ngày đi qua, tôi phải trả QUẢ cho cái NGHIỆP mà mình đã tạo. Và cũng mỗi ngày đi qua, tôi cũng đã có thể tạo cho mình thêm một nghiệp mới. Để trang bị thêm trong hành trang tiến dần về nguồn của mình, bỏ bớt gánh nặng trên vai, tôi vẫn học và xem TỨ DIỆU ĐẾ và BÁT CHÁNH ĐẠO như ngọn đuốc soi sáng đời mình mỗi khi tôi muốn chệnh choạng, lạc đường. Lời Phật dành cho đệ tử Ngài trước khi nhập Niết Bàn: "Ta là Phật đã thành, các con cũng sẽ thành Phật. Hãy tự thắp đuốc lên mà đi..." cứ văng vẳng trong trí tôi, mỗi khi tôi thấy lòng mình xao xuyến về một điều gì. Tinh thần Bi, Trí, Dũng đã tỏa sáng trong lời Ngài dạy.
Đức Phật Thích ca đã từng dạy: "Đừng có hỏi rằng thế giới này hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng. Dù nó hữu hạn hay vô hạn, hữu cùng hay vô cùng thì điều mà chúng ta phải công nhận trước tiên đau khổ của cuộc đời là một hiện thực."
Mỗi Phật tử đều có một cái duyên để tìm đến Phật và giáo lý Phật. Riêng tôi, cái duyên của tôi với Phật bắt đầu từ "NỔI KHỔ" của chính mình.
Tôi tin rằng tôi đã tìm con đường đúng cho cuộc đời mình.
California, 4 – 2- 2012- Nhâm Thìn
Như Thủy