- - Lá thư Trúc Lâm
- - Chúc Mừng Năm Mới - HT Thích Chơn Thành
- - Phật giáo tinh hoa và phát triển -Tùng Sơn
- -Man mác hương thơ - Thanh Trí Cao
- - Bát Nhã và tình yêu - Thích Thái Hòa
- - Những sắc thái đặc thù của Phật giáo - Nguyễn Trần Ai
- - Ngôn ngữ tam muội của Thiền sư Viên Chiếu - Như Hùng
- - Danh Ni Truyện - Ngọc Bảo
- - Năm Thìn nói chuyện Rồng - Mường Giang
- - Tùy Bút - Xuân này - Thích Quảng Thanh
- - Dấu xưa - Nhuận Hùng
- - Vài Ý Đẹp Về Nhân Sinh - GS Trần Thủy Tiên
- - Thênh thang Ba La Mật - Hạnh Chi
- - Cảm Nghĩ - Hoàng Quang Huế
- - THIỀN - Thiếu Bảo
- - Tứ Diệu Đế - Tâm-Tường - Lê-Đình-Cát
- - Một Buổi Thiền Tập Với Thầy Vân Phong - Tuyết Tâm
- - DÒNG SÔNG THẤP THOÁNG CON THUYỀN - Huệ Trân
- - Mùa Xuân Nhớ Chùa Xưa - Tâm Phú
- - Khánh Thành Chân Nguyên Thiền Viện - Hoàng Duy Lê Văn Ba
- - PHẬT TỬ VÀ VIỆC THIỆN - Kiều Mỹ Duyên
- - NĂM NHÂM THÌN KỂ CHUYỆN CON RỒNG - Diệu Trí
- - Đức Đạt Lai Lạt Ma - Nguyễn Trần Ai
- - Phóng Sự - Thanh Phong - NHẬT BÁO VIỄN ĐÔNG
- - MÙA XUÂN QUA THI KỆ - Như Hùng
- - Phóng sự Việt Star Phỏng Vấn HT. Thích Quảng Thanh - Đoàn Trọng
- - TRÁI TIM BỒ TÁT - Thanh Thái
TRÁI TIM BỒ TÁT
Thanh Thái
Theo Phật Học Tự Điển của Đoàn Trung Còn thì Bồ Tát viết đầy đủ theo chữ Phạn là Bodhisattva, phiên âm tiếng Việt là Bồ-đề-tát đỏa. Bồ đề (Bodhi): Chánh giác. Tát đỏa (Sattva): Chúng sanh.
Bồ-đề-tát-đỏa là bực có tâm trí sáng suốt, đã tự giác chế phục các phiền não, tu các hạnh ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, đã chứng đắc quả Bồ đề, đã chứng Niết Bàn, song vì lòng từ bi nên còn ở lại làm chúng sanh để độ đời. Như đức Phật Thích Ca, trải qua những đời trước làm Bồ-tát, đến đời sau rốt ngồi nơi cội Bồ đề mà lên bực Phật.
(Phật Học Tự Điển Đoàn trung Còn quyển 1, trang 189, 190)
Bồ-đề-tát-đỏa còn là tiếng tôn kính để xưng tụng người đại hiếu đại hạnh, dẫu người ấy chưa tu hành, và cũng còn là tiếng gọi người tu học đã thọ giới Bồ tát, hoặc các Phật tử thuần thành hộ trì Tam Bảo, cho nên từ xưa đến nay và hiện thời trong các cõi có rất nhiều Bồ tát.
Có Bồ-tát mới phát tâm, mới vừa thành Bồ-tát gọi là “Tân Phát Ý Bồ-Tát”.
Có Bồ-tát tại gia tức là các nhà đại từ thiện thường đứng ra bố thí giúp chúng sanh, hoặc các Phật tử thuần thành chăm lo hộ trì Tam Bảo.
Có Bồ-tát xuất gia tức là chư vị Đại Đức, chư vị Tổ Sư truyền đạo và thuyết pháp giúp đời.
Cũng có Bồ-tát tại thế sanh lên cõi đời để giúp ích chúng sinh hoặc theo hầu chư Phật, được gọi là Bồ-tát Tỳ-kheo.
Và cũng có Bồ-tát du hành tức là chư Bồ-tát ở các cõi Phật, ở Thượng-thiên thường du hành các nơi và đến viếng chư Phật trong các cõi.
Có Bồ-tát mạnh mẽ tiến tới ngôi Chánh Giác,
Có những vị “Bồ-tát nhất sanh bổ xứ” tức là những vị Bồ tát thường du hành đến các cõi Phật chừng giáng đến cõi nào thì làm Phật Như-lai ở cõi đó. Như trong kinh A Di Đà, có đoạn ghi rõ: “Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực lạc những chúng sanh vãng sanh vào đó đều là bực “Bất thối chuyển”. Trong đó có rất nhiều vị bực “Nhất sanh bổ xứ”, số đó rất đông, chẳng phải tính đếm mà biết được…” (Kinh A-Di-Đà)
Lại có những bậc Bồ-tát có thể thành Phật, như muốn làm Phật thì đã ở ngôi vị đó từ lâu rồi, song vì lòng từ bi, vì sức đại nguyện nên vẫn ở trong hàng Bồ-tát mà cứu độ chúng sinh. Đó là chư vị Bồ-tát như Quan Thế Âm Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, Địa Tạng Bồ-tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát.
(Phật Học Tự Điển Đoàn Trung Còn 1, trang 290)
Như Đức Phật Thích Ca, trong các bài thuyết pháp, Ngài thường nhắc lại những đời trước của Ngài, hồi còn làm Bồ-tát, hễ sanh ra nơi nào thì cũng tận tâm giúp đời, giúp người bằng các hạnh như: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ, Phương tiện. Đó tức là Bồ-Tát Hạnh.
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa có kể công đức của chư vị Bồ tát như: Các Ngài đều theo một mục đích quyết tới quả Phật không thối chuyển. Các Ngài có thần chú Đà Ra Ni. Các Ngài có sức mạnh huyền vi. Các Ngài chuyển bánh xe pháp đi tới không trở lui. Các Ngài đã thờ cúng, phụng sự không biết bao nhiêu đức Phật. Các Ngài hằng tu thân lập tâm bằng nhân từ, bố thí. Các Ngài thông đạt đại trí. Các Ngài thấu rõ Bát-Nhã Ba La Mật Đa. Các Ngài hằng độ vô số chúng sanh.
(Phật Học Tự Điển Đoàn Trung Còn)
Hiểu rõ ý nghĩa của danh xưng Bồ-tát, tôi càng kính phục vị Tăng sĩ mà tôi đã có cơ duyên được đảnh lễ hồi gia đình chúng tôi tới viếng thăm ngôi Phật thất của Người tại một khu vực hẻo lánh thuộc tiểu bang Maryland. Ngôi Phật thất đó chỉ là một cái am nhỏ bé, trần thiết sơ sài giản dị trong một phong cảnh u tĩnh êm đềm, nhưng thật trang nghiêm, thanh tịnh.
Lễ Phật xong, Thầy mời chúng tôi nghỉ chân uống nước. Thấy am vắng vẻ, chúng tôi hỏi Thầy:
- Thưa Thầy, Thầy ở đây có một mình?
Với giọng nói điềm đạm Thầy cho biết Thầy có một đệ tử nhỏ mồ côi cả Cha lẫn Mẹ, Thầy nuôi từ khi còn ở Việt Nam. Sang đây Thầy tiếp tục cho chú đi học, thứ Bảy Chủ Nhật ở nhà Thầy dạy giáo lý. Năm nay chú mới 14 tuổi đang học lớp 8 tại trường trung học gần đó. Chú cũng vui vì cứ hai ngày cuối tuần thì có một số đồng bào ở gần đến nhờ Thầy bấm huyệt chữa bệnh vì Thầy có học cách bấm huyệt từ khi còn ở Việt Nam. Lại cũng có một số thanh niên tại vùng lân cận và ở tỉnh gần bên đến lễ Phật và nghe Thầy giảng pháp. Họ cũng rủ cả bạn Mỹ đến nghe Thầy giảng.
Nghe Thầy nói, chúng tôi vui vẻ hỏi Thầy:
- Thầy giảng tiếng Mỹ? Thầy hay quá!
- Hồi mới tới Mỹ tôi cũng có cắp sách đi học nên cũng nói tàm tạm vậy thôi. May là có thêm các bạn Việt của họ giảng lại cho họ giúp tôi. Vả lại những điều tôi giảng chỉ là mấy điều căn bản của Phật pháp dễ hiểu, dễ nhớ, như khuyên họ cư xử tử tế để có một nếp sống hiền lương, tỷ dụ về làm lành lánh ác, về lòng nhân từ, không hủy hoại đời sống người và vật, làm lành thì lại gặp lành. Hoặc dẫn giải cho họ những điều thật giản dị mà cần thiết để sống một cuộc đời tốt đẹp tức là 4 đức tính căn bản Từ Bi Hỷ Xả mà người tu Phật phải nhớ nằm lòng. Tôi nghĩ như thế cũng đủ cho họ thấy cái cao đẹp của đạo Phật. Tôi đã soạn ra 12 điều khuyên để họ tập thi hành, cũng là để thử xem, nếu họ vui lòng hưởng ứng, thì tôi sẽ giảng nhiều thêm về đạo Phật. Tôi đã khuyên họ rằng: tập sống đời giản dị, làm lành không làm điều ác – thương xót hết thảy chúng sinh, con sâu cái kiến cũng không nỡ giết – Tôn trọng sự thật, không nói dối làm mất danh dự - Không lấy của người khác làm của mình – Không uống rượu say sưa làm mất lý trí… Họ đều vui vẻ chăm chú nghe lời giảng, và rồi thành quen, chủ nhật nào họ cũng rủ nhau tới chùa, có khi quét lá tưới cây giúp tôi.
Thấy lời dạy của Thầy thật dễ hiểu và có ích, tôi xin Thầy cho ghi cả 12 điều. Thầy cười thật hiền từ mà rằng: “Nếu quý vị thấy được thì tôi xin đưa nguyên bản tôi đã ghi lại.”
Đón nhận tờ giấy có ghi 12 lời khuyên của Thầy, tôi thật cảm kích mà thầm nghĩ thật là một cơ duyên may mắn, chúng tôi được gặp một vị Thầy đức độ, nhân hậu, một vị “Bồ tát xuất gia” đang truyền đạo, thuyết pháp giúp đời, và cứu nhân độ thế.
Chúng tôi kính cẩn cám ơn Thầy, và trước khi ra về tôi xin Thầy cho phép được ghi thêm mấy chữ sau mỗi lời khuyên dạy của Thầy, mấy chữ ngắn gọn sẽ giúp chúng tôi ghi nhớ mãi mãi lời Thầy nói ngày hôm nay, đó là ba chữ: Tâm Bồ Tát.
Sau đây là 12 lời khuyên ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, gửi cho toán thanh niên trẻ Mỹ- Việt trên đường vào đạo:
1- Tập sống đời giản dị, làm lành không làm điều ác. Đó là tâm Bồ Tát.
2- Vui vẻ giúp đỡ mọi người với lòng thương thành thật. Đó là tâm Bồ Tát.
3- Hết lòng cung kính Mẹ Cha cho tròn chữ Hiếu. Đó là tâm Bồ Tát.
4- Không lấy của người khác làm của mình. Đó là tâm Bồ Tát.
5- Tôn trọng sự thật, không nói dối làm mất danh dự. Đó là tâm Bồ Tát.
6- Giúp đỡ mọi người, không mong cầu đền đáp. Đó là tâm Bồ Tát.
7- Tránh nói lời xấu ác làm buồn lòng người khác. Đó là tâm Bồ Tát.
8- Vì tình thương, con sâu cái kiến cũng không
nỡ giết. Đó là tâm Bồ Tát.
9- Luôn hiền hòa vui vẻ, không say sưa rượu chè cờ bạc. Đó là tâm Bồ Tát.
10- Không gây thù hận. Tình thương sẽ đem lại tình thương. Đó là tâm Bồ Tát.
11- Biết kính Phật, trọng Tăng, hết lòng hộ trì Tam Bảo. Đó là tâm Bồ Tát.
12- Sống an hòa thân ái với tất cả muôn loài. Đó là tâm Bồ Tát.
Năm Nhâm Thìn đã tới, “Tâm Bồ Tát” từ tiểu bang Maryland vang vọng sang
tới miền Nam Cali. của chúng ta. Ước
mong rằng các bạn trẻ nơi đây coi những lời khuyên đầy nhân ái của một vị
Bồ-Tát xuất gia như những lời chúc đầu Xuân để quanh năm Tâm Bồ-Tát luôn hướng
dẫn chúng ta trên đường tu học.
Thanh
Thái