- Phật giáo tinh hoa và phát triển -Tùng Sơn

22/02/201212:00 SA(Xem: 8972)
- Phật giáo tinh hoa và phát triển -Tùng Sơn



PHT GIÁO TINH HOA VÀ PHÁT TRIN

(Nguyên tác: Buddhism its essence and development)

Tác giả: Edward Conze

 Dịch giả: Tùng Sơn


A Lại Da Thức

 

Quan niệm về A Lại Da Thức (1) của trường phái Du Già Hành đặt nặng vào nguyên nhân sâu sa nằm đàng sau tư tưởng này hơn là giá trị hiện thực của nó. Vô Trước đưa ra giả định về ý thức vượt lên trên cá thể và xem đó như là nền tảng cơ sở cho mọi sinh hoạt của ý thức. Tất cả những hình ảnh, dấu ấn về hành vi, thành quả đều chứa đựng trong A lại da thức. A lại da thức không phải là tâm hồn đơn lẻ kết tạo bởi vật hữu cơ có tính chất tâm, vật lý, mà nó là tạng thức khách quan chẳng qua do mê muội, ích kỷ chúng ta ngộ nhận cho nó là thuộc về bản ngã hay tâm của chính mình. Theo cách gỉải thích về quan niệm duy thức của trường phái Du Già hành thì không phải ai cũng có thể hiểu được, và từ lý do này đưa đến nhiều cuộc tranh luận sôi nổi.

 

Với quan niệm nêu ra như trên chưa có những giải đáp thỏa đáng, do đó cho thấy đây cũng còn là vấn đề quan trọng khó khăn chưa có câu trả lời thỏa đáng trong hệ tư tưởng của Phật giáo. Lý thuyết vô ngã cho rằng không có sự hiện hữu của bản ngã lẫn bản ngã vĩnh cửu, đó chẳng qua là cá thể đồng nhất có tính cách tồn tại độc lập tuơng tục. Cái gọi là hiện hữu từng cá thể hay bản ngã thực sự chẳng qua là một chuỗi dài liên tục các pháp sinh diệt tiếp nối lẫn nhau trong từng khoẳng khắc. Dù nói thế nào đi nữa chúng ta có thể cùng nhận thấy một điều những chuỗi dài liên tục đó hổ tương thống nhất lẫn nhau và đồng thời tương phản lẫn nhau, hơn nữa chúng ta thường nhớ những kinh nghiệm bản thân hơn là của những người khác, trên thực tế không thể nào nhớ được kinh nghiệm nếu không phải tự chính bản thân trải qua.

 

Từ điểm này khái niệm về nghiệp (karma) ra đời và bảo rằng tôi chịu nhận mọi thành quả do hành vi của tôi, và tôi không bị trừng phạt hay tưởng thưởng do nghiệp của người khác. Ngoài ra chúng ta có thể quan sát một số thể nghiệm ngay chính bản thân trong quá khứ, được tàng trữ ở nơi nào đó trong một khoảng thời gian trong trạng thái vô thức, và rồi gây ảnh hưởng tác động đến hành động chúng ta về sau này. Thực ra những ảo tưởng về bản ngã là do dục vọng tạo ra, nhưng với con mắt con người bình thường những ảo tưởng này càng làm tăng thêm niềm tin cho sự hiện hữu bản ngã. Tuy nhiên chúng ta có thể để vấn đề này sang một bên và hướng đến việc đi tìm trạng thái Niết Bàn, khi ấy những hình ảnh nhìn thấy sẽ hiện ra dưới ánh sáng hoàn toàn khác lạ.

 

Tuy nhiên đối với những người mang tâm trạng không mong muốn đi tìm những cái quá khó hiểu về sự hiện hữu, thì niềm tin về sự hiện hữu bản ngã thật là hợp lý, và họ mong đợi tại nơi nào đó có hình thái cơ sở khách quan. Đây chính là nhược điểm trong chiếc áo giáp Phật giáo, là vấn đề tạo mối bận tâm cho các lý thuyết gia Phật giáo trong suốt dòng lịch sử. Với lý luận ngược lại tin rằng có sự hiện hữu bản ngã xâm chiếm khắp mọi nơi trong tăng đoàn. Chẳng hạn như tín đồ trường phái Chính Lượng Bộ (Sammitiyas) thuộc một trong 18 hệ phái, được gọi là “hữu ngã luận giả” (Pudgala-vadins). Những người thuộc trường phái này cho dù không hoàn toàn nghĩ như thế đi nữa, có ý định duy trì vài hình thức nói lên niềm tin về sự hiện hữu bản ngã hay linh hồn. Những người này thuyết giảng về nguyên lý không thể định nghĩa gọi là Pudgala (nhân ngã), theo đó con người không khác với ngũ uẩn và cũng không phải không khác với ngũ uẩn. Con người phải liên tục tồn tại qua nhiều kiếp cho đến khi đạt đến Niết Bàn. Nó là trạng thái nằm hiện hữu nằm ở giữa bản ngã thật và bản ngã do kinh nghiệm tạo ra. Mặt khác nó nói lên tính đồng nhất cá thể của cảm giác trong con người (tương tự bản ngã về phương diện kinh nghiệm), mặt khác nó tồn tại cho đến khi vào Niết Bàn (tương tự bản ngã chân thật). Trong những chủ đề tranh luận vấn đề Pudgala nổi bật nhất và cũng là mục tiêu phê phán. Xuyên suốt qua nhiều thế kỷ trường phái chính thống không ngừng nghỉ thảo luận để đánh bại chủ thuyết tự ngã do những người hữu ngã luận chủ xướng. Tuy nhiên càng cố chấp khăng khăng giữ chặt lấy cái gì đó ở bên ngoài tâm chúng ta hay bên ngoài hệ tư duy của chúng ta thì chúng lại càng xâm nhập đi sâu vào tâm hồn.

 

Sau cùng trường phái chính thống đành phải chấp nhận quan niệm về bản ngã vĩnh cửu, tuy không công khai nhưng được diễn tả dưới hình thức khác nhau, thú vị ở chỗ nó được che dấu đằng sau những quan niệm mập mờ khó hiểu chẳng hạn như khái niệm hữu phân thức(bhavanga) của Thượng Toạ Bộ, khái niệm ý thức vi tế của trường phái Kinh Lượng Bộ, khái niệm căn bản thức thuộc trường phái Đại Chúng Bộ, v.v. Khái niệm A lại da thức của trường phái Du Già hành cũng được hiểu nằm trong tinh thần nói trên. Khi quan niệm phủ nhận bản ngã càng được mọi người tin theo tăng trưởng theo thời gian từ đó mệnh đề “không có sự tồn tại bản ngã” càng thêm vững chắc và tiếp nối theo đó là sự thừa nhận những quan niệm bình dân đại chúng là điều không thể tránh được.

 

Sau cùng trường phái Du Già hành đành phải từ bỏ tham vọng đi tìm căn nguyên của ảo tưởng, thế rồi tự chính họ lặn ngụp trong đại dương của suy luận không có tận cùng. Khởi đầu bằng khái niệm A Lại Da Thức, đây cũng chính là thử thách do chính người Du Già hành tự đặt ra để giải thích về thế giới hiện thực, và cũng từ đó để theo dõi những quá trình tiến hoá, chung cuộc chủ thể cùng cực xa lạ với chính họ và trở thành hòa nhập với khách thể. Nói cách nôm na là cảnh giới không còn cách biệt giữa ta và người. Với công việc đầy thử thách này, trường phái Du Già hành đã dựng lên một hệ thống tư tưởng triết học cực kỳ phức tạp thâm sâu nhưng không quan hệ trực tiếp đến công việc tu hành và giải thoát. Họ đã đi vượt xa những lý luận đơn giản trong quá khứ, chú trọng đến nguyên nhân gây ra ảo tưởng hơn là giải thích chúng. Phần lớn hệ thống triết học thuộc trường phái Du Già hành ra đời là do những vần đề khó hiểu nằm sâu trong giáo lý vô ngã, nó cũng phản ảnh phần nào ảnh hưởng tư tưởng triết học đạo Hindu thuộc trường phái Samkhya (2). Vào thời đại Vô Trước, Patanjali đã đưa vào Phật giáo hệ tư tưởng này để giải thích một cách lý luận phương pháp tu tập Yoga ở Ấn Độ vào thời lúc bấy giờ.

 

Có thể nói một biến động lớn trong phong trào tư duy ở Ấn Độ vào giữa thời kỳ A Tì Đạt Ma và thời kỳ phát triển trường phái Du Già hành. Nói chung vào thời xưa rất ít nhà sư quan tâm đến vũ trụ. Nhưng phương pháp tâm lý, vật lý được xem quan trọng chỉ trong trường hợp dùng cho chính bản thân. Nhưng thời đại thay đổi vì giải thoát cho cá nhân không thể nào có được nếu không có giải thoát có tính cách vũ trụ. Hơn nữa sự tương quan giữa trạng thái tinh thần và tiến hoá của vũ trụ càng ngày càng được chú ý quan tâm nhiều hơn. Hình thái chuyển hướng tư duy khởi đầu bằng trường phái Du Già hành, và được triển khai rõ ràng hơn ở Mật giáo về sau này mà sẽ đề cập trong chương sắp tới.

Chú thích:

(1) A Lại Da Thức tiếng phạn gọi là Alayavijnana, alaya có nghĩa là tạng, nói nôm na là nhà kho chứa đựng, vì thế còn được dịch là tạng thức, cũng chính là chủng tử sinh ra tất cả các pháp. Trong Duy Thức học chia thành tám thức gồm có ý thức, nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, mạt da thức và a lại da thức. Trong số đó A lại da thức được xem như thức cùng cực nhất, nền tảng cho mọi thức.

(2) Học phái Samkhya đưa ra thực tại nguyên lý gồm có hai yếu tố đó là Ngã Thần còn gọi là nguyên lý tinh thần, và yếu tố Căn bản nguyên chất còn gọi là Vật chất nguyên lý.

 

 

Những giáo lý khác

 

Để sang một bên những khảo sát về A lại da thức và khái niệm tính đồng nhất giữa Niết Bàn và Tâm, trường phái Du Già hành được mọi người biết đến là công lao hệ thống hóa hai tư tưởng cổ điển một là Tồn tại luận và quan niệm Phật Đà.

 

Trước hết hãy lượt qua tồn tại luận, trường phái này chia tồn tại luận thành ba tự tính (1). Có nghĩa mọi vật có thể quan sát từ ba góc cạnh: Tự tính thứ nhất (y tha khởi tính), theo nhận thức thông thường, nhận thức là phản ảnh hiện hiển theo đối tượng, sự vật tự nó là chính nó, khác biệt với các vật khác. Tự tính thứ hai (biên kế sở chấp tính), dựa vào sự vật bên ngoài, nhận thức một cách khoa học hơn, có nghĩa mọi vật do nhân duyên, lệ thuộc, trói buộc lẫn nhau. Tự tính thứ ba (viên thành thực tính), là mặt nơi đó mọi vật đều hoàn hảo, chân thật. Nhìn từ khía cạnh này, sự vật không còn hiện hữu như khách thể nữa, chỉ nhận biết được qua phương pháp tu tập Yoga. Khi đó mọi vật là chân như, duy thức, không còn khác biệt với mọi vật khác, vừa siêu việt vừa tồn tại trong mọi vật.

 

Cũng cần phải nói qua giáo lý tam thân của Đức Phật trong Duy thức học, vì nó là kết tinh cuối cùng qua nhiều thế kỷ suy tưởng liên tục của nhiều người, chúng ta đã nói qua ba hình thái Phật trong chương thứ nhất. Tam thân gồm có pháp thân, Thụ dụng thân, và Hóa thân. Pháp thân là Phật thực sự theo đúng nghĩa của nó, chỉ có một, duy nhất mà thôi, vì hai thân kia sinh ra từ pháp thân và trợ giúp bởi pháp thân. Thụ Dụng Thân Phật là Phật hiện thân thành Bồ Tát ở nước Phật thanh tịnh. Ở vào những kỳ tập hợp Bồ Tát khác nhau chúng ta nghe và thấy những Thụ Dụng Thân khác nhau. Thụ Dụng Thân có ba mươi hai tướng tốt và nhiều phát hiện kỳ lạ sinh ra từ thân này. Đây là thân do tâm tạo thành xuất hiện trên thế gian không qua những quá trình sinh đẻ thông thường. Cuối cùng là Hóa thân Phật là Phật giả hiện ra làm người, từ cõi trời giáng xuống, xuất gia, tu hành, đạt đạo, tập hợp giảng dạy chúng đệ tử, và từ giã cõi đời, trợ giúp những người còn đang mê muội. Tính chất con người trong Phật luôn luôn không xem là quan trọng vì chúng là những cái hư cấu không thật.

 

Ở Phật giáo tiểu thừa, Phật được xem như có sức mạnh huyền diệu, là Hóa Phật (nimitta-Buddha) được tự trời ban cho khả năng thuyết giảng bất cứ nơi nào đi đến, ngay cả trong khi đi khất thực. Những vị thần trong đạo Hindu cũng có sức mạnh tương tự như thế. Chúng ta có thể tìm thấy trong tác phẩm Digha Nikaya mẫu chuyện chẳng hạn như: Khi Phạm Thiên Sahampati xuất hiện với xác phàm trong kỳ hội “ Ba mươi ba vị thần”. Vì từ trước đến giờ các vị thần này không thể nào thấy hình tướng ngài (2). Tư tưởng này được Phật giáo đại thừa thâu nhận vả đưa vào trong giáo lý để nói lên tính chất tương quan giữa Phật lịch sử và Phật trường cửu. Vị Phật toàn năng tức Pháp Thân Phật tồn tại mãi mãi, khắp mọi nơi, xuất hiện trên thế gian với nhiều hóa thân Phật tùy trường hợp khác nhau để hoàn thành sứ mạng.

Những tư tưởng như trên hàm ý tính chất thần bí mang ý nghĩa lịch sử rất quan trọng trong Phật giáo. Nói cách khác ngay chính việc Hóa thân Phật xuất hiện trên thế gian này đã mang tính chất thần bí rồi. Khi người Phật giáo giảng dạy thế gian này hư ảo, không có nghĩa thế gian này không hiện hữu. Chúng ta có thể nhìn thấy, cảm nhận bằng da bằng thịt thế gian này, nhưng nó không thực, bởi vì chúng ta ngộ nhận cho thế gian này là chân thật. Những gì chúng ta thấy không phải là thế gian chân thật, thuần túy, và giống như trò chơi ảo thuật, không nên xem trọng nó quá.

 

Dựa trên cảm giác thực tế, những sự vật hiện ra trên thế gian này được gọi là ảo (maya) ngay từ buổi đầu lịch sử Phật giáo. Hiện nay phạm vi ứng dụng từ ngữ ảo mở rộng đến nhiều phương diện. Đức Phật nói với phù thủy Bhadra trong “Bảo Tích Kinh” như sau:

 

“Tất cả những thú vui, vật sở hữu của con người được hóa hiện từ huyễn ảo và hạnh nghiệp; Tăng đoàn cũng từ ảo giác gọi là pháp, Chính tôi đây cũng do ảo giác gọi là trí tuệ; Nói chung mọi vật hóa hiện ra do ảo giác gọi là nhân duyên.”(3)

 

Nói cách khác thế gian là những ảo ảnh, nơi đó những con người được hóa hiện cùng với những nỗi khổ và được cứu vớt bởi đấng cứu thế được hóa hiện, đấng này cho tất cả mọi người biết tính chất không có thật của tất cả các pháp trên thế gian. Vì thế không lấy gì làm lạ, khi niềm tin lan truyền rộng ra rằng chỉ có khái niệm huyền bí, hóa hiện mới có giải đáp thỏa đáng về vũ trụ. Niềm tin này tạo cơ sở hình thành Mật giáo và chúng ta sẽ khảo sát ở phần tiếp theo.

 Chú thích:

(1) Theo danh từ chuyên môn ba tự tính gồm có: Y tha khởi tính, Biên kế sở chấp tính, và Viên thành thực tính.

(2) Trích từ Nam truyền đại tạng kinh quyển thứ 7, trang 217.

(3) Trích từ Bảo Tích Kinh, Đại Tạng Kinh quyển thứ 11, trang 487.


(Còn tiếp)

 

 Tùng Sơn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
)