Thư Xuân Nhâm Thìn
Không khí mùa Xuân truyền thống êm ả trở về phố thị, chợ hoa Bolsa trở nên nhộn nhịp tưng bừng. Chùa chiền bận rộn hơn, trang trí lau chùi, quét dọn để cho mọi thứ được chu đáo để khách thập phương lễ bái ba ngày Xuân. Tất cả chỉ vì nàng Xuân đến và mang theo hy vọng.
Hôm qua lái xe đi trên đường Bolsa lúc trở về, tôi dừng lại ngã tư đèn đỏ. Tôi hay chú ý những người bộ hành đi dài dài trên đại lộ Bolsa. Tôi móc bóp biếu cho một anh homeles hai dollars, anh ta dửng dưng bất cần, có lẽ tâm thần của anh ta không được bình thường. Tiếp đến có một anh khác đi tới tôi tặng hai dollars anh ấy đón nhận và cảm ơn khá lịch sự. Không biết trong xã hội đương đại này còn bao người có cùng cảnh ngộ?
Từ đó cho tôi bài học về con người đi dọc, đi ngang giữa phố thị đông đúc người và trang phục đa dạng. Trên mỗi gương mặt khách bộ hành biểu lộ sự hạnh phúc hay trái lại. Tôi tự hỏi đâu phải ai cũng thích mùa Xuân đến? Nghĩa là người giàu có dư ăn, dư để thích Xuân đến có cơ hội nghỉ ngơi và thể hiện qùa cáp, cũng có thể để hãnh diện về mình qua cung cách đài các trí thức trang trọng. Có người nhờ dịp Tết buôn bán và thu nhập tài chánh để thấy rằng đời sống thực sự có may mắn hơn.
Nhưng thật sự có những mảnh đời rách nát đáng thương, họ không trông đợi mùa Xuân đến để có cơ hội làm thay đổi cuộc đời. Ngày qua ngày họ chỉ cần có bữa ăn tạm đủ no, lắm lúc còn không đủ. Nói như thế để thấy rằng, trên bình diện sinh hoạt của con người không phải ai cũng lý tưởng đón Xuân và ca ngợi vẻ đẹp rực rỡ của nàng Xuân. Thế thì bề mặt và bề trái của con người khá ư phức tạp! Nhưng cho dù thời thế có ra sao Xuân vẫn đến theo chu kỳ thời gian chứ không vì sự mong đợi của ai đó. Nghĩa là từ thượng tầng trí thức cho đến hạ tầng nghèo khó nhất của xã hội trái đất này vẫn cưu mang bình đẳng bất phân chủng loại.
Đem sự thể sinh hoạt của thế gian làm cuộc so sánh bốn mùa, chắc hẳn mùa Xuân màu sắc tươi mát nhất. Mùa Xuân người Việt Nam tiêu dùng tiền nhiều nhất trong năm, mùa Xuân là cơ hội để người Việt Nam thể hiện nhiều sắc thái đặc thù mang tính truyền thống văn hóa đa dạng.
Văn hóa ngươì Việt tỵ nạn không thiếu sự cố gắng vươn lên. Từ tôn giáo đến các sinh hoạt cộng đồng, đoàn thể, vẫn có một sự khao khát chung đó là Việt Nam phải có tự do dân chủ và vẹn toàn lãnh thổ. Cho dù con người có dòng máu lạnh hay nóng, tư duy và sự thao thức ấy phải là hiện thực. Cái giá phải trả quá đắt đối với ngươì Việt lưu vong, rất mong ai đó có lương tâm đừng tiếp tục dẫm lên sự đau thương của những người đã dám hy sinh vì lý tưởng. Xin thưa! đó là sự cảm nhận chân thật của một thành viên tỵ nạn Cộng Sản.
Cho dù hoàn cảnh - thời thế có ra sao, Tạp Chí Trúc Lâm vẫn nhận được sự ưu ái của quý văn nhân -thi sĩ và Phật Tử gởi bài thường xuyên theo định kỳ. Ban biên tập chúng tôi đọc bài rất kỹ trước khi lên báo. Chúng tôi rất tin tưởng những bài vở giá trị đưa lên báo chia xẻ cùng quý độc giả là thức ăn tinh thần khi cảm nhận của chúng ta có cùng lập trường và quan điểm.
Kính chúc quý văn nhân- thi sĩ và độc giả một mùa Xuân rất ý nghĩa.
Cali ngày cuối năm Tân Mão
Tòa Soạn Tạp Chí Trúc Lâm