Con Người và Văn Học – Nghệ Thuật
Thanh Trí Cao
Theo tôi không cần định nghĩa văn học nghệ thuật trước khi viết bài này, bởi vì xưa nay có quá nhiều định nghĩa, hơn thế đã có rất nhiều cây bút phê bình văn học nghệ thuật theo cảm tính. Nhưng cho dù phê bình trung thực hay phiến diện điều đó độc giả đã thừa biết và mỉm cười.
Vâng! suốt chiều dài lịch sử, bao nhiêu biến cố đổi thay vận nước và con người làm sao có thể mô tả hết bằng ngôn ngữ? Những chứng tích lịch sử có quá nhiều để cho từng thế hệ gặm nhấm và học hỏi. Thời thế đã giúp cho con người làm nên đại sự, tuy nhiên thời thế cũng đã xô đẩy con người đến chỗ tận cùng của xã hội. May mắn hay thiếu may mắn của thân phận kiếp người điều này có ảnh hưởng lớn lao đối với văn học nghệ thuật có một chiều dài và rộng.
Nói đến văn học nghệ thuật Việt Nam, người ta vấn nạn những tác phẩm lớn là gì? Nói đến văn học- thi ca ngài Nguyễn Du đã để lại trên dòng thời gian một dấu ấn rất đáng kể và từ đó còn có gì tương tự hay không? Dĩ nhiên có nhiều câu hỏi rất thách đố. Quy luật tương đối của thời gian ai mà chẳng biết để ứng dụng trên bước đường hành hoạt và khám phá. Khả năng khám phá và đáp ứng thị hiếu dĩ nhiên không phải chuyện dễ làm, nếu làm tất nhiên phải trả giá. Nếu khả năng chỉ có thể vuốt ve và trang điểm ấy là chuyện khác. Những tưởng, người làm nên lịch sử và người phê bình lịch sử rất ư tế nhị. Những cây bút phê bình lịch sử có được đứng đắn hay không còn tùy thuộc lương tâm, nhưng dù sao việc làm ấy đòi hỏi tấm lòng trung thực khí khái của bậc trượng phu. Nếu một người phê bình văn học nghệ thuật theo cảm tính nịnh hót thế thì không có gì để nói, tuy nhiên đó là cái quyền của người cầm bút.
Đứng trên một bình diện nào đó, phê bình văn học thuật mà thiếu khả năng, tệ hơn dùng văn hằn học để so sánh cân đo khả năng người khác điều ấy thật khôi hài. Những
sản phẩm trí tuệ nó có giá trị thời gian không thể nào đo lường được. Chẳng hạn đương thời là đồ bỏ rơi chẳng đáng quan tâm, nhưng trăm năm sau thành đồ vô giá tác giả thường chịu cảnh thiệt thòi qua ánh mắt của thế nhân.
Trong đời này có những cây bút rất ư kỳ lạ, nghĩa là viết thuê, chửi mướn tùy hứng bắt chẹt người khác phải chi tiền mới tha, thế thì những người phê bình văn học phải làm sao để hóa giải được vấn đề một cách trung thực với lương tâm? Lương tâm cho phép hay lương tâm không cho phép đó là tư cách cấu trúc văn phong thời đại.
Theo tôi, đất nước Việt Nam là của người Việt Nam, văn hóa Việt Nam cũng thế. Bất luận trình độ nào cũng có quyền duy trì và phát triển văn học thuật theo khả năng của mình. Người viết có trình độ, người đọc tương đắc – đồng cảm chuyện ấy rất khó, nhưng trong đời không thiếu chi tri âm –tri kỷ rất tình người. Có những mẫu người đam mê văn học nghệ thuật họ chỉ biết làm mà không khoa trương biện bạch. Chính tác phẩm là tiếng nói trung thực của lòng người. Nếu là tác giả thông thường họ rất sung sướng và hãnh diện sản phẩm trí tuệ của mình đã cho chào đời. Kỷ năng đa dạng là động cơ giúp cho người sáng tác bước tới một việc làm có ý nghĩa. Có lẽ chỉ có làm việc mới có thể hiểu được tại sao mình làm và không lo ngại tính chất ngoại tại.
Tính chất giao cảm không theo một quy luật hay giao ước nào hết bạn ạ! Người biết tự trọng lời nói và việc làm phải đi đôi, nói huyên thuyên mà không làm được gì đáng kể, kẻ ấy dễ bị người đời xem thường tư cách. Nói được làm được điều đó đã chứng tỏ khả năng tiềm ẩn trí tuệ. Tệ nhất trong đời đó là kẻ chờ người khác làm sẵn rồi chớp bắt và làm kẻ phê bình để tỏ ra mình hiểu biết thông thái.
Vì tính chất tế nhị, trong bài này tôi không đơn cử một cụ thể nào hết để tránh thêm sự ngộ nhận đáng tiếc. Bởi vì bóng tối của màn đêm không đáng sợ mà sợ nhất là bóng tối của lòng người!
Ngôn ngữ thi ca đã tán dương tính chất văn học thuật trên dòng lịch sử đã trải dài và trải rộng.
Ngạo nghễ như trường sơn
Niền vui hay nỗi hờn
Khát vọng nào thương tiếc
Chiêm ngưỡng và tri ơn
Ngạo nghễ như rừng cây
Sương gió những đong đầy
Thu tàn hoa thay áo
Phượng hoàng đếm tuổi mây
Hư không là chân lý
Ngôn ngữ nào của anh
Ngôn ngữ nào của chị
Yêu thương bầu trời xanh
Ngạo nghễ như đồi thông
Thiên thu một tấm lòng
Yêu thương dòng lịch sử
Tình đẹp như dòng sông
Dĩ nhiên không có gì tuyệt đối trong lãnh vực văn học thuật. Bất cứ ai cũng có quyền tôn vinh thần tượng của mình theo nghĩa chủ quan nào đó. Trên cõi đời này, người không có tên tuổi thì chẳng có gì để nói, khi đã có tên tuổi góp mặt với đời cái danh ấy trở nên phức tạp vô cùng. Cái danh thực sự nó không có gì gọi là vĩnh viễn cả, nhưng một khi đã gắn liền tâm thức từ đó phát sinh bảo thủ, tự ái- hơn thua, nhất là phân loại giai cấp. Bản sắc văn học thuật nào có giai cấp phải không các bạn? Kiến thức của con người lèo lái, uốn nắn những thứ tự nhiên trở thành hạn hẹp cục bộ rất ư kỳ cục.
Tôi đã từng hân hạnh tiếp xúc với một số thức giả có tên tuổi trên diễn đàn thi ca học thuật. Hầu như người nào cũng có tham vọng mình là hướng đi của thi ca nghệ thuật. Theo tôi, mình chỉ là một phần nhỏ của thi ca nghê thuật cũng đủ hạnh phúc lắm rồi. Người nghệ sĩ khoác lên mình chiếc áo, chiếc áo nào cũng đẹp và dễ thương. Phong thái dễ thương khả kính hơn hết đó là tấm lòng nhân ái vị tha. Lợi cho mình chưa đủ phải lợi cho người ấy là nghĩa cử bậc trượng phu – quân tử.
Thi hào Nguyễn Du ông đã nói một cách chân tình:
“Chữ đức bằng ba chữ tài”. Nếu có tài mà không có đức cho dù sống bất cứ thời đại nào cũng sẽ đón nhận sự cô đơn lúc chiều về bến vắng. Trong đời sống tương quan hài hòa rất có lợi cho bản thân mình, bởi vì tính chất va chạm chỉ để tồn tại trong lòng người một ấn tượng vụn vỡ tang thương. Có lẽ không có gì xấu hổ cho bằng tự mình dành một hướng đi đích thực của thi ca nghệ thuật.
Có những người tiếp tục đóng vai phê bình mà không có khả năng sáng tác. Công việc phê bình lắm lúc không những đánh lừa mình mà còn đánh lừa độc giả, bởi vì tâm lý đồng cảm hay phản cảm. Trạng thái tâm thức tùy thuộc bối cảnh chung quanh để rồi sinh ra một thứ ý thức phán đoán thiếu cân bằng – rất nguy hiểm! Người có tinh thần hiến dâng cho văn học thuật họ rất ứng dụng. Những thứ ngôn ngữ thiếu khiếm nhã họ loại trừ khỏi tư duy để cảm nhận sự nhẹ nhàng của một tâm hồn yêu nghệ thuật – và vì nghệ thuật.
Trong một tác phẩm nghệ thuật bao gồm: đường nét, màu sắc, tỷ lệ và ý nghĩa chủ đề tất nhiên không thể thiếu. Trường phái nào cũng thế, sự đề cao và hãnh diện nó sẽ thành một cái gì đó ràng buộc con người vào một phạm trù bảo thủ tự tôn.
1- SỐNG CÓ NGHỆ THUẬT
Đời hay đạo cũng thế, đời sống có nghệ thuật đời sống ấy rất có ý nghĩa. Tư cách sống tự nó đã thể hiện tính nghệ thuật ở mọi góc cạnh của cuộc đời. Viễn ảnh tương lai chỉ là ngôn từ hứa hẹn, quá khứ ấy đã vùi chôn biết bao kỷ niệm, này là thực tại bạn ơi! Chúng ta phải sống cho đúng nghĩa một con người. Người già thường sống với kỷ niệm, tuổi trẻ sống với thực tại vì chữ công danh sự nghiệp. Vết thăng trầm của dòng đời hằn lên ánh mắt, nếu để ý theo dõi sự biến chuyển của đời sống bạn sẽ thấy ý vị hơn. Ta bằng lòng với thực tại để tránh đi sự thất vọng bất thường. Sự mong cầu không dễ gì toại ý, chính vì thế tâm tư sinh chán nản muộn phiền. Hằng ngày đối diện với cuộc đời và ứng dụng từng mỗi việc làm để thấy khó khăn, ý chí vượt qua để thành sự nghiệp hẳn nhiên phải có nghệ thuật. Cho dù bằng lòng với một việc làm hay trái lại sự kiện ấy đã cho bạn một bài học rất ư thực tế.
Trong đời tôi có quá nhiều thử thách bạn ạ! Người đời đã cho tôi nhiều bài học đáng giá. Chuyện đối nội, đối ngoại làm cho vừa lòng không thể nào tưởng nổi những điều phức tạp. Lắm lúc tôi vui người đời cảm thấy không đồng ý, lúc tôi tỏ ra khó chịu vì ảnh hưởng sức khỏe chẳng hạn họ lại trách tôi tại sao khó tánh đáng ghét. Cho dù ghét hay thương đối với tôi không có gì quan trọng, song việc lãnh đạo tinh thần đòi hỏi sức lực kiên nhẫn để tránh bớt trạng thái tâm lý để khỏi ảnh hưởng đến tôn giáo.
Nói đến tín ngưỡng tôn giáo cần học hỏi và chia xẻ những gì rất cụ thể. Chẳng hạn một người bệnh cần cầu an, nếu con bệnh có điều lo âu sợ hãi, làm thế nào để thấy đức Bồ Tát Quán Thế Âm là chiếc phao để họ nương tựa tinh thần. Tinh thần bất an thì bệnh tình khó cứu chữa. Làm thế nào người bệnh có niềm vui và tự họ giải trừ phiền não sợ hãi ấy là nghệ thuật chuyển hóa.
Lời cầu nguyện, tiếng tụng kinh bên giường bệnh của người đau yếu bệnh tật nó có một giá trị kỳ diệu. Chỉ có làm và giao cảm với chư Phật và Bồ Tát mới hiểu được tại sao mình làm. Người làm bằng cả tấm lòng chia xẻ và cảm thông hẳn nhiên có khác với người làm có tính cách miễn cưỡng. Tôn giáo không là công cụ đối với xã hội và con người, tôn giáo là thể chất nhiệm mầu bất phân biên giới. Nghĩa là đối với người sống hay người đã quá vãng đều có thể xoa dịu bằng thể chất từ bi. Ban vui và cứu khổ không có hạn chế bạn ạ! Người cảm thấy cần thiết nó sẽ trở thành giá trị, kẻ không đủ đức tin cũng chẳng sao cả. Tuy nhiên truyền thống tôn giáo hơn một lần đã làm ấm áp lòng người trong lúc lạc lõng cô đơn tinh thần nơi một góc độ đáng thương nào đó.
Vâng! dòng đời không thể nào bằng phẳng như mình mơ ước phải không các bạn? Khi năng lực đầy đủ đâu cần phải sợ điều gì ngoại tại, tuy nhiên lúc tâm hồn có vấn đề mới thấy cần thiết điểm tựa tinh thần. Trong lúc quay lại niềm tin tình cha mẹ vẫn là hơn hết bạn ạ! Bạn bè không thể nào mở rộng vòng tay để đưa bạn đến điểm cứu cánh nào đó. Chỉ có cha mẹ mới có thể cho bạn một thứ tình đứng ngoài cuộc so sánh bình thường. Đối đãi là một nghệ thuật sống trên lộ trình đi tìm chân lý giác ngộ. Tuy vậy sự đối đãi phải tương quan – tương kính, nghĩa hai chiều thể hiện tư cách sống chân tình và chia xẻ, nếu chỉ một chiều e rằng sẽ sinh trạng thái đột biến của tâm lý.
Người có tuệ giác sẽ không bao giờ cô đơn bạn ạ! Thiên nhiên, bông hoa, cây cỏ và những thứ nghệâ thuật sáng tạo cho họ một đời sống ý vị hơn. Một đời sống có ý nghĩa là một đời sống thực tế qua phong thái hành hoạt năng động, trốn chạy sự thật, lánh nặng tìm nhẹ chưa chắc có niềm vui hơn ai.
Một cái chậu cây bonsai chẳng hạn nó cần bàn tay của một tâm hồn nghệ sĩ rất độ lượng và bao dung. Uốn nắn sự sống của bonsai cả một bí quyết nghệ thuật. Nghệ nhân đôi tay trở nên mềm mại trước cái thân hình gầy guộc cằn cỗi tưởng chừng đáng vứt bỏ. Thời gian chăm sóc tưới bón cây bonsai trở thành tác phẩm nó không khác sự sống của một con người hữu dụng trong xã hội.
Có người hỏi tôi:
- Sao thầy có đủ thì giờ lo đời sống tu hành và những tác phẩm nghệ thuật?
-Vâng! Tôi thích làm việc ấy không phải để giết thì giờ mà để học bài học biết yêu thương...
-Hằng ngày thầy có giờ thiền chứ?
-Vâng! Tôi làm việc là thực tập thiền vậy.
-Thầy làm thơ lúc nào?
-Thưa tôi làm thơ khi bất chợt thấy một vấn đề ngoài sự chuẩn bị nào đó. Tôi cầm cây viết phải hoàn tất bài thơ mà không phải vận dụng trí óc quá đáng. Cho dù hình ảnh thực hay một ấn tượng sâu sắc đều là duyên khởi đối với tôi. Làm thơ – viết văn –vẽ tranh – chăm sóc bonsai- cắm hoa nghệ thuật – nhiếp ảnh đối với tôi thuộc loại giải trí “vô tranh”.
-Thưa thầy nhà tu như thầy có ước mơ gì không?
-Ô! Nói có thì sợ người ta cười, nói không thì dối lòng, thôi thì cứ nhìn vào những thành quả hiện thực để hiểu rằng có hay không –có không cũng chỉ là ý niệm cơ mà.
Điều đáng nói hơn hết, thấy được thực tướng có không lưu chuyển trên dòng tâm
thức từng mỗi sát na.
Lắm lúc sáng thức dậy nghe chú chim hót lảnh lót trong vườn chùa hay quá! Tôi thầm nghĩ chú chim oanh không phải thích khoa trương cái giọng thanh tao của mình, chú chim oanh không cần biết loài người ai thích hay không, tiếng hót là bản tánh tự nhiên.
Tôi tự nhủ, tiếng chim âm điệu quá hay, nhưng không để tâm nghe làm sao cảm nhận được. Thế thì cả hai duyên với nhau để thành tác dụng đồng cảm hay phản cảm tùy theo sự đón nhận hay không. Tôi những hỏi sau khi chú chim bay đi rồi có còn lại chút dư âm nào trong vườn này không?
-“Có thì có tự mảy may –Không thì cả thế gian này cũng không”. Tôi lập lại câu thành ngữ này trong một cuốn sách nào đó để minh họa câu hỏi có chất thiền tính.
-Thưa thầy như vậy làm việc cũng có thể thiền phải không thầy?
-Đúng vậy!
-Theo chỗ con được hiểu, biết nhiều môn nghệ thuật như thầy chỉ khổ thôi?
-Tùy theo sự cảm nhận của tâm thức. Việc làm nào không mang tính bắt buộc sẽ cảm thấy thỏa mái và thú vị có ý nghĩa; việc làm mang tính miễn cưỡng nó sẽ dở đi – Nghĩa là làm mà lòng không vui chút nào.
“Người buồn cảnh có vui đâu”. Đại loại là thế. Do vậy trạng thái an vui hay trạng thái buồn - bất an đều do mình cả bạn ạ!
-Có lúc thầy bực bội và nóng giận thì bản chất nghệ thuật chúng thế nào?
-Lắm lúc bất thường phải thế! - đó là bản tính của con người vậy, nếu không thế con người mất đi một nửa ý nghĩa của cuộc đời. Bài học nóng giận cho đến bài học vui vẻ lạc quan hạnh và phúc tự nó đã gói ghém trọn vẹn cái ý nghĩa con người.
Người xưa có câu:
“No mất ngon – giận mất khôn”. Tuy nhiên lắm lúc sự đột biến của tâm lý nó có thể đáp ứng được cái gì đó rất khó nói. Người năng động hay có giòng máu nóng bất thường, điều này bất phân giới tính. Vả lại trên đời này mọi người cứ ù lì giống nhau thì xã hội chẳng còn gì để nói phải không nhỉ? Trong dòng tư duy của ta có cách chọn lựa để thích ứng cho mình một lý tưởng sống thực.
-Thưa thầy theo tinh thần thiền con người phải buông xả để đạt cứu cánh hạnh phúc – còn thầy học và làm việc quá nhiều thế ấy làm sao có thể thong dong tự tại như thơ thầy đã viết.
“Sang sông rồi thuyền bỏ lại đây
Bước ung dung tự tại như mây
Thảo am nhỏ trăng treo lơ lững
Dấu ấn thiền hạnh ngộ Đông Tây”.
-Có lẽ bạn phải lắng nghe trọn vẹn bài nhạc: “Dòng Sông Thấp Thoáng Con Thuyền” do nhạc sĩ Hoàng Quang Huế và Thanh Trí Cao họp soạn mới chia xẻ tinh thần “ Phật pháp bất ly thế gian pháp”.
Ý thức buông xả thực sự nó được hiểu rất ư phóng khoáng bằng cả tuệ giác. Đạt đến cứu cánh Niết Bàn không thể hiểu để an hưởng mà để tùy thuận nguyện lực vượt ra ngoài ý niệm thông thường. Hành hoạt mà không vướng mắc vào đối tượng đó là khả năng thâm hậu nói theo nghĩa so sánh.
Đức Phật Ngài đã cảnh giác đại chúng:
“Chánh pháp hãy còn buông bỏ huống chi phi pháp”. Tất cả đều là phương tiện.
Đứng trên bình diện nhân sinh và văn học thuật có một giá trị đặc thù sẽ không bị hạn cuộc bởi thời và không gian. Viết văn, làm thơ, dịch thuật, vẽ tranh, tạc tượng, chăm sóc bonsai, cắm hoa nghệ thuật, nhiếp ảnh nghệ thuật, kiến trúc, võ thuật, truyền thông báo chí, nghệ thuật thiền quán vân vân và vân vân. Cứu cánh của nghệ thuật là đạo vậy. Đạo hay đời cũng thế, rất cần những tài năng đóng góp vào những công trình đại sự.
Theo truyền thuyết khi đức Phật Thích Ca còn tại thế, 96 món học thuật của xứ Ấn Độ đương thời Ngài đều tinh thông. Do vậy, sự kế thừa truyền thống văn hóa, nghệ thuật Phật Giáo lúc nào cũng khởi sắc vì sự lợi ích của tha nhân. Xin thưa, bất cứ sở trường môn học thuật nào cũng đòi hỏi thời gian và công sức của con người không ít. Mỗi con người sống trên trái đất này có sở trường bộ môn nghệ thuật nào đó đáng hãnh diện cho chính mình và những người đồng cảm thưởng ngoạn.
Những công trình sáng tác đáng kể đã cống hiến vào vườn hoa nghệ thuật của nhân loại xưa và nay đều được vinh danh và ngưỡng mộ.
Nói tóm lại sự sống hằng ngày của một thực thể vị nghệ thuật nó là nền tản văn học thuật của nhân loại. Nhân sinh và vũ trụ quan do tính bén nhạy thấu thị của tâm thức kết hợp. Lìa tâm thức của con người không có một tác phẩm nghệ thuật nào có ý nghĩa đáng kể. Chính vì tâm thức cưu mang quá nhiều kỳ vọng làm đẹp cuộc đời thăng hoa sự sống, từ đó “cái ta” và “ cái của ta” trở thành những lớp vỏ dầy cứng bao bọc kiếp người. Phải nói cũng chính vì thế mà văn học thuật của nhân loại được tồn tại và phát triển ngoài sức tưởng tượng của con người. Theo tôi, chúng ta nên tôn trọng những sản phẩm trí tuệ theo tinh thần phóng khoáng bao dung. Bởi vì đương thời người ta bỏ rơi ông Picasso cho nên bây giờ tranh của ông có một giá trị tuyệt đối trong những viện bảo tàng lừng danh của thế giới. Nếu đương thời có những tấm lòng bao dung và độ lượng hơn thì danh họa Picaso đâu phải thiếu ăn, thiếu thuốc uống, thiếu sơn và thiếu cọ để vẽ, thiếu đồ sưởi ấm. Thế thì tư tưởng nhà danh họa Picasso đương thời bị con người đối xử quá ư tội nghiệp! Để bây giờ nhân loại chiêm ngưỡng bằng cả tấm lòng và ánh mắt nghệ thuật hối tiếc.
Không biết trong những tầng lớp thưởng ngoại tranh và thầm lặng chiêm ngưỡng phê bình. Có ai biết đại tài danh họa Picasso đang đứng chỗ nào trong thực tại? Có phải chăng ông đang đứng đâu đó và lắng nghe những ngôn ngữ khen tặng hết lời và mỉm cười rất lịch sự. Picasso ông đã nghĩ: phải chi tranh của mình được trao đổi thuận lợi thì tác phẩm có quá nhiều đâu phải chỉ chừng ấy.
Đương thời Picasso chỉ cần tiền trăm để độ nhật và vẽ tranh nhưng không có, huống chi tiền ngàn. Ngày nay tranh của Picasso trị giá năm bảy chục triệu một bức, thật là phũ phàng cho thân phận một người tài hoa đã để lại trên dòng thời gian một dấu ấn nghệ thuật tuyệt vời.
Thôi thì thôi, người ơi! Chỉ là thế thôi!
Cali mùa Thu 2006