Phật Tánh ?
Đức Hạnh
Thông thường Phật Tử, chúng ta học giáo lý hoặc nghe băng giảng của quý thầy, nhưng cũng có khi chưa hiểu rốt ráo những từ ngữ trong kinh điển Phật Giáo. Vậy hôm nay nhân mùa Phật Đản Phật lịch 2555. Xin được gởi đến Tạp Chí Trúc Lâm bài viết này.
Đức Phật nói một cách khẳng định: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh” (Nhứt thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh).
Đức Phật là bậc đại giác, cha lành của muôn loài chúng sinh, có đủ phước trí vẹn toàn, lời Phật nói tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, là một chơn ngôn chắc thực không sai!
Như vậy Phật Tánh trong tâm chúng sinh nói chung, con người nói riêng được hiển lộ hay luôn ẩn tàng sâu kín trong tâm thức? Có hiển lộ và cũng có ẩn tàng sâu kín.
Trường hợp nào được hiển lộ, trường hợp nào không hiển lộ?
Phật tánh được hiển lộ ở trạng thái tỉnh thức, trang nghiêm vô ngã, không trụ tướng, trụ pháp của các hành giả xuất thế gian.
Phật tánh chưa hiển lộ, chứ không phải không hiển lộ, tức là bị ẩn tàng sâu kín dưới các tầng lớp chủng tử ô nhiễm qua trạng thái hữu ngã còn chấp ngã trụ tướng, chấp pháp trụ pháp của các hành giả chưa được xuất thế gian.
Qua hai hiện tượng Phật tánh hiện và chưa hiện
nói trên, được gọi một bên thiện, một bên ác. Hay nói khác hơn
Phật tánh và chúng sinh tánh. Phật tánh chỉ có một, còn chúng sinh
tánh thì nhiều tánh, tánh trời, người, Atula, địa ngục, ngạ quỷ, súc
sinh. Mỗi tánh của chúng sinh như vậy lại sinh sản ra nhiều tánh khác
nhau nữa. Cả hai Phật tánh và chúng sinh tánh đều có cái giác
(biết) trong đó. Giác về phía Phật tánh là trí giác nên gọi
là linh giác, linh tri. Giác về phía chúng sinh tánh gọi là
thức (biết), đây là cái biết do tâm khởi xúc và thân tiếp xúc với
các sắc ngoại cảnh, nên gọi là cái biết theo bản năng sinh tồn.
Cội gốc của sự biết theo bản năng chính là do bốn thứ thọ, tưởng, hành, thức tương duyên tác động nhau mà có biết, trong đó thức là chủ tể của hành mà sinh ra các tánh tham đắm, dục lạc, sân si, vọng động và mọi thứ ngã… đúng theo bản chất của thức là mê, do vậy mới gọi sự biết theo bản năng là giác hồn, sinh hồn, linh hồn. Sau khi bản thân chúng sinh chết đi, những thứ thọ, tưởng, hành, thức và ba hồn không còn. Duy chỉ còn lại Phật tánh ra đi. Đi trong thanh thoát hay buồn tênh ủ dột, là do tổng thể quả báo nghiệp của con người vốn tạo ở quá khứ có tri giác hay không. Nếu có tri giác, Phật tánh ra đi có tên Bạch tỉnh thức. Nếu không có tri giác, Phật tánh ra đi có tên Thức A Lại Da (Hãy tìm hiểu Thức A Lại Da trong Duy Thức Luận).
Những thứ tánh mê hay nói rõ hơn ba thứ hồn
đều có trong bản thân chúng sinh trên đường mưu sinh sống còn, cũng
là do xuất phát từ Phật tánh nằm sâu dưới các tầng lớp vô minh ác
trược trong tâm chúng sinh mà xúc tác giúp cho sự sống có biết. Gọi
sự sống có biết say đắm dục lạc của chúng sinh bằng cụm từ: “Tâm
sinh diệt về phần lưu chuyển sinh tử”. Hay nói cách khác, thức A
Lại Da vô mình là cụm từ được Lăng Già chế tác ra để biểu thị cho
Phật tánh bị khối vô minh bao phủ, chế ngự dẫn dắt qua sáu nẻo luân
hồi, nhưng vẫn biết, cái biết ở phía sau thức A Lại Da, tức là sau
màn vô minh.
Cho nên thức A Lại Da là tổng thể hợp chủng của những chủng tử ô nhiễm trong bản thân chúng sinh, nó là chủ tể của cái biết ở mọi hiện tượng sinh, vật lý được nhận thức từ sự sinh hoạt thường nghiệm của nó, không thể phủ nhận vì nó là chủ thể của sự sống đầy ái dục khi 5 thức trước con người duyên với mọi sắc trần, gọi đó là tùy nhiễm duyên, chỉ là khách trần tạm trú trong căn nhà tâm linh, chỉ là những bụi trần dính gương, không phải người thật.
Phật tánh có trong nội thức con người, mới đích thực chính tông người thật của con người, vì Phật tánh không sinh diệt, không luân hồi. Sở dĩ bị luân hồi sinh tử là do để cho những khách trần vô minh, phiền não vào ngự trị trong căn nhà linh tri, linh giác (Phật tánh) của ta.
Vì thế con người đến với Đạo Phật không gì khác hơn, là muốn học Phật để biết nhiều cách đuổi hết khách trần phiền não, vô minh ra khỏi căn nhà Phật tánh của mình, chừng đó Phật tánh của mình được hiển lộ ra một cách thênh thang bay bổng về hướng mà ta đã định, đó là hướng Tây phương cực lạc, Niết Bàn, là cõi vô sinh, vô tử, vô luân hồi.
Phật tánh còn gọi là Như Lai tạng, là bản lai diện mục vốn có trong tâm muôn loài hữu tình chúng sinh từ vô thủy vô chung không bao giờ mất, là nền tảng cơ bản kiến tạo sinh mệnh chúng sinh trong các cõi có sự sống, dù là cõi hữu sắc hay vô sắc vẫn có sự sống, sống có biết chơn hay vọng. Do vậy không có Phật tánh, chúng sinh không có, không có các thế giới chúng sinh, không có thế giới chư Phật và không có vạn hữu. Ngược lại, có Phật tánh là có tất cả, tất cả có, có biết khác nhau.
Biết của chúng sinh trong các thế giới vô sắc,
vô hình bằng tâm thức, còn biết của chúng sinh thế giới hữu hình
bằng tâm thức và 5 cảm quan hữu xúc như con người và muôn loài hữu
tình chúng sinh tại trái đất này là cái biết có cả tri và giác
tương quan nhau do Phật tánh mà có, dù cái thấy biết ấy ở góc độ
chân hay vọng, một cách bình đẳng giống như cái tánh của gương là
sáng, nên sắc nào đối trước nó cũng được nó chiếu vào không phân biệt
sắc tốt mới chiếu, sắc xấu thì không.
Tánh thấy của mắt cũng như
vậy, nhắm lại thấy tối, mở ra thấy sáng. Sáng tối có khác, nhưng
tánh thấy chỉ có một. Dù cái thấy ấy lúc 5 tuổi thấy chùa có vẻ
to lớn vời vợi, lúc 22 tuổi thấy chùa là cõi thơ mộng, lúc 70 tuổi
thấy chùa buồn tênh đầy rêu phong. Sự thấy đó qua từng giai đoạn có
khác nhau do tướng trạng bị biến dịch và tâm vọng, nhưng cái thấy lúc
5 tuổi, 22 tuổi và 70 tuổi vẫn là cái thấy nhất như bình đẳng. Tất
cả chúng sinh đều có cái thấy nhất như bình đẳng này, đó là Phật
tánh, tánh tri giác (thấy biết) bình đẳng. Nó không lệ thuộc xác
thân, ngoại cảnh, bất di bất dịch nằm im trong thân chúng sinh lúc
trẻ, khi già… không do vì thân trẻ, già mà tánh tri giác có tối, có
sáng, cảnh vật biến dịch, thay đổi hình thể vật này qua vật khác! Mà
là do sinh lý và tâm lý chúng sinh khởi vọng tưởng, biến kế sở chấp.
Cho nên chúng sinh bị trôi lăn trong 6 cõi sinh tử, chịu nhiều khổ đau,
là do vô minh quấy động, khởi lên nhiều ý niệm ái dục, tham sân,
vọng tưởng… Nói như Duy thức học là y tha khởi tánh, biến kế sở
chấp, đều là pháp hư vọng vô
tánh, chứ không phải do Phật tánh có hư vọng. Điều đó đức Phật đã
nhấn mạnh: “Không có tự ngã lấy gì sinh tử”.
Cho nên Phật Tánh (Như Lai Tạng) không phải là ngã, không phải là chúng sinh. Mặc dù Phật Tánh bị thức A Lại Da vô minh nhận chìm rồi mang đi khắp các cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới, giống như hạt kim cương sáng ngời bị con người gói trong miếng vải dơ nhớp hôi thối, mà tánh cứng cõi và trong sáng không mất. Khi miếng vải dơ được vất đi, thì hạt kim cương vẫn là kim cương sáng chói như thuở nào. Tức là lục đạo chúng sinh trong tâm chúng sinh được tiêu trừ bằng pháp môn giải thoát của đạo Phật, thì Phật tánh hiển lộ. Gọi sự hiển lộ Phật tánh này bằng cụm từ “Tâm sinh diệt về phần hoàn tịnh”, hay là Tuỳ Tịnh Duyên. Nếu không nói đây là đại tuệ bình đẳng, tức là Phật tánh hoàn nguyên bản lai diện mục, là lúc Phật tánh lột xác vô minh bởi chất liệu Phật pháp làm xúc tác, sau khi tâm chúng sinh nhận thức được, ngộ nhập được cái thực tướng bình đẳng vô tướng của mình và vạn hữu.