ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Nguyễn Trần Ai
Vì Tàu ngoan cố khăng khăng cho rằng Tây Tạng nỗ lực tìm kiếm “độc lập dưới vỏ ngụy trang”, ngài phải công nhận là đã thất bại trong chính sách ôn hòa. Trong bài “Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố dân tộc đang đứng trước hiểm nguy” ngày 23.11.2008, các tác giả Bảo Thạch và Tú Anh tường thuật:
Hôm 23.11.2008, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tuyên bố dân tộc Tây Tạng đang đứng trước hiểm nguy và ngài không còn tin tưởng vào các giới chức Tàu. Tuy nhiên, ngài đã loại trừ khả năng về hưu và tái xác định đường lối ôn hoà, đối thoại với Bắc Kinh.
Ngay tại Bắc Kinh, một cuộc tranh luận về Tây Tạng đã diễn ra trong một thành phần lãnh đạo và trí thức. Cũng có tiếng nói cho rằng cần phải tìm giải pháp lâu dài cho Tây Tạng và gắn liền hồ sơ này với nhu cầu dân chủ hoá. Thông tín viên Marc Lebeaupin tường thuật từ Bắc Kinh: "Bắc Kinh đã cảnh báo trước khi hội nghị Dharamsala khai mạc là đại hội của cộng đồng Tây Tạng lưu vong là một việc làm vô ích. Trong bất cứ hoàn cảnh nào và thời điểm nào, Tàu không bao giờ nhượng bộ. Một viên chức trong đảng Cộng Sản chuyên trách hồ sơ Tây Tạng đã tuyên bố như vậy và còn nói thêm: Dự án đòi quy chế “tự trị thật sự” đi ngược lại bản hiến pháp Trung Quốc.
Thật ra, tình hình Tây Tạng đang gây tranh cãi trong nội bộ giới lãnh đạo Tàu. Bằng chứng là hồi tháng 6 năm nay, một ủy viên trong ủy ban đặc biệt về Tây Tạng đã bị mất chức. Tranh luận về tương lai Tây Tạng cũng thu hút một thành phần trí thức Tàu. Theo họ, giải pháp cho vấn đề Tây Tạng đi đôi với việc dân chủ hóa Tàu.
Ông Trương Bá Thư, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Tàu giải thích: “Các đảng viên đặc trách hồ sơ dân tộc thiểu số đã biểu dương thái độ cứng rắn trong các cuộc thảo luận với đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tình trạng này làm tôi lo ngại vì theo tôi cần phải duy trì đối thoại. Đức Đạt Lai Lạt Ma đề nghi một quy chế tự trị thực sự trong khuôn khổ hiến pháp Tàu. Cá nhân tôi, tôi ủng hộ sáng kiến của ngài. Tôi nghĩ rằng, vấn đề Tây Tạng gắn liền với toàn cảnh chuyển đổi xã hội và dân chủ hóa đất nước. Đây là một tiến trình lâu dài và phức tạp . Chúng ta cần kiên nhẫn”.
Kiên nhẫn là đức tính mà người Tây Tạng không thiếu. Các đợt đàm phán mở ra từ năm 2004 giữa hai bên không mang lại một bước tiến triển nào. Đầu tháng này, chính Đức Đạt Lai Lạt Ma là người đầu tiên thừa nhận là cuộc thương thảo cuối cùng đã thất bại.
Mặc dù đa phần người Tây Tạng ủng hộ sự lãnh đạo của ngài, một nhóm khoảng 150,000 người Tây Tạng lưu vong kêu gọi p̣hải có đường lối cứng rắn hơn. Nhà hoạt động Tây Tạng Jamyang Norbu, nhận định: "Đức Đạt Lai Lạt Ma không còn sự lựa chọn nào khác, Ngài phải quay trở lại cái mà người Tây Tạng đã kêu gọi ban đầu, đó là cuộc đấu tranh giành độc lập... Tất cả những cử chỉ của Tàu mời người Tây Tạng tới ngồi vào bàn đàm phán về thực chất chỉ là cái bẫy của chúng... Nếu ngài còn bảo vệ ý tưởng khôi phục một dạng đối thoại nào đó với Tàu thì tôi nghĩ nhiều người Tây Tạng chắc sẽ cho rằng di sản của Ngài chỉ là sự thất bại mà thôi”.
Phó chủ tịch Dhondup Dorjee của hội Thanh Niên Tây Tạng, TYC, một tổ chức gồm khoảng 30 ngàn thành viên, cho rằng các cuộc biểu tình chống Tàu gây chết người tại Tây Tạng và các khu vực thiểu số Tây Tạng năm ngoái là các đợt bạo động tồi tệ nhất trong 20 năm qua. Ông nói tổ chức TYC không tuyên bố bạo lực là giải pháp để đạt mục tiêu, mà thay vào đó, các thanh niên Tây Tạng cả trong nước lẫn hải ngoại tiếp tục chiến dịch bất tuân thủ về dân sự. Cuộc nổi dậy là bằng chứng cho thấy thanh niên Tây Tạng sẵn sàng hi sinh tính mạng vì "sự nghiệp Tây Tạng". Tuy nhiên, cho dù có khác biệt về mục đích chính trị, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn được hết sức tôn trọng với tư cách là lãnh đạo tinh thần. Ông Dorjee nói tiếp: “Trong môi trường dân chủ, ngài khuyến khích mọi người và các tổ chức có các ý kiến khác biệt. Ngài chưa bao giờ nghi ngờ về quyền được tranh đấu đòi độc lập của người Tây Tạng. Đơn giản ngài chỉ muốn kiếm giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh hiện thời”.
Thái độ hèn hạ nhất của Trung Quốc là theo dõi bước chân của ngài khắp nơi trên thê giới và tìm đủ cách phá đám.
Ngài đã đến ít nhất là 62 quốc gia, có mặt tại tất cả các lục địa. Từ năm 1967 lần đầu tiên Ngài xuất ngoại sang Nhật và Thái. Tháng 9 năm 1973 ngài khởi đầu cho nhiều cuộc thăm viếng và vận động ở các nước Tây Phương bao gồm Ý, Thụy Điển, Hòa Lan, Bỉ, Ái Nhĩ Lan, Na Uy, Thụy sĩ, Đan Mạch, Anh, Tây Đức và Áo. Riêng Pháp từ 1982 cho đến nay, ngài đến có hơn chục lần. Năm 1993, ngài được các TT Mitterrand (Pháp), George W. Bush (HK), các tt Angela Merkel (Đức), Gordon Brown (Anh) đón tiếp. Ngày 30.10.2006 ngài đến thăm Nhật lần thứ 12 và ở lại 14 ngày.
Ngày 17.10.2007, TT George W. Bush đích thân tháp tùng Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Nhà Vòm Quốc Hội (U.S. Capitol Rotunda) để ngài nhận lãnh huy chương dân sự cao cả nhât, Huy Chương Vàng Quốc Hội. Bao vây bởi các lãnh tụ lưỡng viện, ngồi giữa TT Bush và bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện, ngài cười xòa về tiếng Anh không được hoàn chỉnh của ngài và tuyên bố: “Tôi xúc động sâu xa về danh dự lớn lao này ban cho tôi, cho nhà sư này, sinh ra từ một gia đình bình thường tại vùng núi hẻo lánh của Tây Tạng. Được nhận Huy Chương Vàng Quốc Hội là một danh dự to lớn cho tôi. Việc này sẽ đem lại niềm vui vô cùng và sự khuyến khích cho dân chúng Tây Tạng mà tôi có một trách nhiệm đặc biệt. Tôi tin rằng việc này cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ đến nhiều cá nhân tự hiến cho việc thăng tiến hòa bình, thông cảm và hòa hợp”.
Bà Pelosi phát biểu: “Ngài đã dùng cương vị của mình để đề cao trí huệ, từ bi, và bất bạo động như là một giải pháp -- không chỉ ở Tây Tạng - mà cho cả các xung đột khác của thế giới”.
TT Bush nhấn mạnh rằng việc đàn áp tôn giáo dai dẳng suốt hơn một thế kỷ qua và sự kiện rằng đa tôn giáo là một nguồn sức mạnh đã khiến ông kêu gọi Bắc Kinh chấp nhận Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Vì thế tôi tiếp tục thúc giục các nhà lãnh đạo Tàu tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma về Tàu. Họ sẽ thấy hảo nhân này là con người của hòa bình và hòa giải”. Lãnh tụ đa số Thượng Viện Harry Reid nhận định ngài là một chiến sĩ đơn phương chiến đấu cho hòa bình, cho tinh linh tính (spirituality). Ông phát biếu, “Thật là một đặc ân hiếm có được chia sẻ sân khấu này với đấng Chí Tôn ( His Holiness), Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14”. Dân biểu CH tb Florida Ileana Ros-Lehtinen bảo, “Những nổ lực của thánh nhân này không chỉ hạn chế vào Tây Tạng. Đức từ bi và trí huệ của ngài siêu việt các biên cương quốc tế”. Dân biểu DC tb California Tom Lantos nói, “Ở một thời điểm của lịch sử khi không gì hiếm hơn là thẩm quyền luân lý, vị sư Phật Giáo khiên nhường này có một nguồn cung cấp vô tận”. Ông cũng kêu gọi Tàu nên cho Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Bắc Kinh vào những tháng tới để chứng tỏ sự nhân nhượng dẫn đến Thế Vận Hội vào năm tới ở đó. Tns DC tb California Dianne Feinstein nhận định, “Nghe ngài nói là học được trí huệ, gần ngài là cảm thấy sự hiện diện của một cái gì đó rất đặc biệt”. Lãnh đạo thiểu số Thượng Viện Mitch McConnell, tb Kentucky, ca ngợi TT Bush về sự hiện diện của ông tại Capitol hôm thứ tư, “TT có thể ở nhà nhưng đã tham gia vào danh sách các lãnh tụ lưu tâm đến việc dân Tây Tạng có quyền trên di sản và tự do của họ và người mà chúng ta tôn kính hôm nay không những can đảm mà còn đúng khi đòi hỏi cả hai”. Trong cuộc họp báo tại tòa Bạch Ốc, TT Bush phát biểu, “Tôi rất bái phục Đức Đạt Lai Lạt Ma... Tôi ủng hộ tự do tín ngưỡng... Tôi luôn bảo người Tàu rằng tự do tín ngưỡng là lợi ích quốc gia của họ. Tôi cũng bảo họ rằng gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma lợi ích cho họ. Nếu họ ngồi lại với Đức Đạt Lai Lạt Ma, họ sẽ thấy Ngài là một người hòa bình và hòa giải”.
Đầu tháng 12.2008, ngài thăm Quốc hội Châu Âu. Trong mỗi chặng dừng chân, ngài đều kêu gọi đối tác quan trọng của Tàu là Châu Âu đừng quên nhân quyền và khẳng định chỉ mong Tây Tạng được tự trị chứ không đòi hỏi tách rời khỏi Tàu. Ngài đến Ba Lan do lời mời chính thức của ông Bogdan Borusewicz, chủ tịch Thượng Viện Ba Lan. Lần này là lần thứ 3 ngài tới Ba Lan. Tại thành phố biển Gdansk của Ba Lan, trong cuộc hội ngộ các nhân vật từng nhận giải Nobel Hòa Bình với nhiều chính khách Châu Âu, ngài và TT Pháp Nicolas Sarkozy đã có cuộc nói chuyện riêng (hình bên). Ngài thăm 4 thành phố lớn của Ba Lan, nói chuyện với đại chúng và nhận nhiều danh hiệu cao quý như công dân danh dự của thành phố Wrocław, giáo sư danh dự của trường đại học tổng hợp lâu đời nhất Ba Lan, trường Jagielonski tại cố đô Krakow. Tàu “nực” quá, đơn phương hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Tàu – Liên Âu và cuộc đàm phán với Pháp đã được trù liệu từ đầu tháng 12.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Marc Lebeaupin tường trình:
Chưa đầy ba tháng sau khi quan hệ Pháp- Trung được hàn gắn lại, chuyến viếng thăm Paris lần này của Đức Đạt Lai Lạt Ma có nguy cơ gây ra những rắc rối mới.
Trong chuyến đi châu Âu lần này, việc lãnh tụ tinh thần Tây Tạng qua thăm Đan Mạch và Hà Lan đã khiến cho chính quyền Trung Quốc rất tức giận. Trong một thông cáo do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chuyển tải, Trung Quốc lên án cuộc gặp của Đức Đạt Lai Lạt Ma với Thủ tướng Đan Mạch, coi đây là một hành động xâm hại nghiêm trọng đến các mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Copenhagen. Đây cũng là dịp để Trung Quốc cảnh báo những nước đang chuẩn bị đón tiếp lãnh tụ tinh thần Tây Tạng. Thông điệp trên được gửi đến Hà Lan, cuối cùng Thủ tướng nước này đã từ chối gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây còn là thông điệp gửi cho cả nước Pháp, nơi mà Đức Đạt lai Lạt ma sẽ được nhận danh hiệu ''công dân danh dự” của thành phố Paris. Không có cuộc gặp gỡ với các thành viên chính phủ Pháp. Lời cảnh báo của Bắc Kinh còn gửi chung đến tất cả những nước mở cửa đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma, bất kể lý do và tầm quan trọng của những nhân vật được gặp gỡ như thế nào.
Hiện giờ khó có thể biết được phản ứng của Bắc Kinh sẽ ra sao. Thỏa thuận ký hồi tháng tư nói rõ rằng Pháp không ủng hộ Tây Tạng độc lập. Tuy nhiên, Paris không hề chính thức cấm đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Chính phủ đã giữ khoảng cách đối với sáng kiến của đô trưởng Paris. Tuy nhiên thế nào rồi Bắc Kinh cũng có phản ứng.
Không riêng lần này Trung Quốc làm mình làm mẩy khi ngài được các nước tiếp đón.
Ngày 6.6.2009, ngài đến phi trường Roissy-Charles-de-Gaulle (Paris) để viếng thăm trong hai ngày, gặp gỡ cộng đồng người Hoa chống cộng ở Paris, các nghị sĩ Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh của người Tây Tạng. Ngày 7, ngài được đô trưởng Bertrand Delanoe (hình bên) trao danh hiệu “công dân danh dự” của đô thành Paris theo quyết định của hội đồng thành phố tháng 3.2008 vì các đức tính và sự tranh đấu của ngài nhắm vào đối thoại và hòa bình. Như thường lệ, sự kiện này đã khiến Bắc Kinh giận dữ. Ngay từ tháng 5, Tàu đã phản đối việc này. Bộ Ngoại Giao Tàu yêu cầu Paris ngưng can thiệp vào nội bộ Tàu và đừng phạm những lỗi lầm về vấn đề Tây Tạng. Nếu Paris trao danh hiệu này thì sẽ lại gây ra sự phản đối mạnh của Tàu. Trước hàng ngàn người tại lâu đài đa thể thao Bercy ở Paris, Đức Đạt Lai Lạt Ma một lần nữa tố cáo chính sách “rất cứng rắn, ngay cả tàn bạo” của Trung Quốc đối với Tây Tạng.
Ngày 3.7.2009, một nhóm gồm các dân biểu và thượng nghị sĩ của các đảng trong Quốc Hội Úc đến Dharamsala, Ấn Độ, hội kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma hơn 1 tiếng đồng hồ. Ngài cảm tạ họ đã ủng hộ ngài, gọi họ là những người không phải ủng hộ Tây Tạng mà là những người ủng hộ công lý. Vẫn thế, đại sứ quán Tàu ở Canberra nói rằng chuyến đi này là một sự can thiệp trắng trợn vào nội bộ của Tàu. Các giới chức ở Canberra nói rằng chuyến thăm vừa kể và một loạt những bài diễn văn, những buổi họp mặt của ngài với các nhân vật cao cấp cầm quyền Úc cho thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma là một nhà lãnh đạo tôn giáo chứ không phải là một nhà hoạt động chính trị.
Ngày 31.8.2009, theo lời mời của đảng Dân Tiến bất chấp những lời phản đối của Bắc Kinh, ngài cầu nguyện trước hơn 10 ngàn người tại sân vận động Cao Hùng. Các Phật tử tham gia đã phủ phục cầu nguyện cho nạn nhân trận bão Morakot đã giết hại hơn 600 người vào tháng trước. Đây là lần thứ ba Lạt Ma viếng Đài Loan. Ngài cũng gặp riêng các vị lãnh đạo đảng đối lập Dân Tiến, ca tụng nền dân chủ của Đài Loan: “quý vị thích chế độ dân chủ thì phải bảo vệ dân chủ dù đang theo đảng nào. Bản thân tôi cũng hết lòng tranh đấu cho dân chủ”. Một cuộc họp báo được dự trù diễn ra tại thành phố Cao Hùng đã bị hủy bỏ sau khi một nhân vật thuộc đảng lãnh đạo đương quyền Quốc Dân Đảng tỏ ý e ngại sẽ có nhiều câu hỏi nhạy cảm chọc tức Trung Quốc.
(Còn tiếp)
Nguyễn Trần Ai