Cảm Niệm Phật Đản
Thích Nữ Như Bảo (Hạnh Bảo)
Sự ra đời của đức Phật mang ý nghĩa rất trọng đại trên toàn thế giới. Đức Phật Thích Ca là vị cổ Phật thị hiện xuống trần ban vui cứu khổ cho chúng sanh, Ngài còn đem ánh sáng trí tuệ khai mở cho nhân loại giác ngộ trong đường sanh tử. Đệ Tử Phật ai cũng đều hòa chung niềm hân hoan trong ngày đại lễ này. Đức Phật Đản sanh vào ngày mồng tám tháng tư của Ấn Độ, nay lấy ngày rằm tháng tư là ngày vui chung của toàn nhân loại thế giới. Hàng đệ tử Ngài khắp năm châu đều hân hoan cung nghinh đấng đại giác ngộ ra đời .
Sự ra đời của Ngài đem lại hòa bình an vui cho nhân loại. Ngài đã chọn.cho mình một hướng đi đích thực để giải thoát cho tất cả chúng sanh. Theo thiển ý của tôi ,Ngài sanh ra dưới gốc cây Vô Ưu giữa đất trời, có ý nghĩa Ngài là người lớn rộng bằng trời đất, là bậc Thầy của nhân loại từ quá khứ,hiện tại và đến vị lai, chứ không phải như một vị vua riêng của xứ Ấn Độ. Nếu Ngài sanh ra nơi chốn hoàng cung thì Ngài là một vị vua của xứ Ấn, Ngài đã hòa mình với đất trời cùng nhân loại để cứu giúp họ ra khỏi biển khổ sanh tử. Mỗi lần đến ngày Phật Đản tôi đem hiết tâm tư nghĩ về Ngài và cảm nhận được điều có ý nghĩa rất sâu xa. Trong một ngày đẹp trời Ngài ra đời dưới gốc cây Vô Ưu, (vô ưu) là không còn phiền muộn, Ngài đã để lại giáo pháp cho chúng sanh hễ ai đi vào nghiên cứu học hỏi tu tập thì đều được an lạc rất lớn. Giáo pháp Ngài dạy rất thực tiễn trong cuộc sống, để chúng ta hành trì tự chuyến hóa thân tâm giúp cho mình và người đều lợi lạc, cộng đồng xã hội cũng được an vui mà không có chút tổn thương nào.
Kinh Niết Bàn nói: “Sự ra đời của đức Như Lai vì thuận theo cách sanh của con người mà thị hiện làm đứa trẻ có cha, có mẹ, có học hành, có thi thố tài năng ,có gia đình, có từ bỏ gia đình đi xuất gia và đạt đạo”.
Kinh còn nói: “Khi sanh ra Ngài đi bảy bước về mười phương để tiêu biểu nguyện lực xuất thế của Ngài ”.
-Vừa sanh ra Ngài đi bảy bước về hướng Nam Ngài nói: “Ta ra đời để làm ruộng phước cho chúng sanh gieo trồng”. Cho nên chúng ta cúng dường Tam Bảo, xây dựng chùa tháp, cúng bông trái, nhang đèn là gieo trồng vào ruộng phước đấy.
-Đi bảy bước qua hướng Tây Ngài nói: “Thân nầy ra đời là thân cuối cùng của ta”. Đúng là Ngài không còn trở lại nhân gian nữa.
-Đi bảy bước về hướng Bắc Ngài nói: “Ta đã ra khỏi sự sanh tử của các cõi”.
-Đi bảy bước về hướng Đông Ngài nói: “Ta ra đời làm Đạo Sư dẫn đường cho nhân loại” .
-Đi qua bốn hướng cạnh Ngài nói: “Ta đã dứt sạch phiền não và hàng phục bốn loài ma liền thành Phật” .
-Đi lên trên không bảy bước Ngài nói: “Ta không còn vật nhơ làm ô uế”.
-Đi xuống đất bảy bước Ngài nói: “Ta sẽ rưới mưa pháp dập tắt lửa địa ngục khiến cho chúng sanh được an ổn ”.
Ngài là vị cổ Phật nên chủ động được sự giáng sanh hy hữu, chủ động được việc làm trong tương lai của Ngài. Ngài vừa mới sanh ra mà liền đi qua mười phương để tiêu biểu và quyết định cho việc độ sanh trong cuộc đời xuống trần của Ngài tại nhân gian. Đây là điều hy hữu của Đức Như Lai nói được, làm được, dù trải qua bao nhiêu triệu năm sau đi nữa, nhân loại cũng đều thấy rõ lời nói và việc làm của Ngài đều hợp nhất.
Ngài giáng sanh tại gốc cây Vô ưu, thành đạo tại gốc cây Tất Bát La, nhập Niết Bàn tại gốc cây Sa La song thọ và thuyết pháp độ sanh phần nhiều cũng dưới gốc cây trong rừng dường như cuộc sống của Ngài đều ở dưới gốc cây, khiến cho nhân loại trên toàn thế giới đều khâm phục và ngưỡng mộ vô cùng. Ngài chọn gốc cây với ý nghĩa đặc biệt nữa, đó là thiên nhiên, là môi trường sống nhẹ nhàng thanh thoát, là hơi thở của nhân loại và cũng là giúp cho người tu đạo và hành đạo tốt hơn, ngồi giữa thiên nhiên giúp cho hành giả dễ quán sát tâm tư của mình, dễ vượt khỏi ý niệm chấp về ngã (cái ta )và ngã sở (cái của ta) để hành
giả dễ hòa nhập với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình và của các pháp, mà đức Như Lai đã hòa nhập và thấy rõ hơn hai ngàn năm trăm năm qua .Gần đây Thế Giới mới phát hiện và bảo vệ môi trường sống ấy .Thiên nhiên cũng là nơi để cho hành giả tu hạnh tháo gỡ, hạnh xa lìa mà đạt đến cứu cánh tịch diệt.
Tịch diệt là vắng lặng, là an lạc hạnh phúc thật sự cho con người khi người đó không còn ham chấp mọi thứ trên trần gian. An lạc đến nổi ,các vị A La Hán khi chứng được Niết Bàn quí Ngài không muốn ra độ sanh nên bị đức Phật quở:”Các ông là những người đốt cháy mầm mống của Phật pháp mà không muốn làm cho nó đâm chồi nẩy lộc “Hiện nay chúng ta sống trong thế giới vật chất dẫy đầy mà luôn học theo hạnh của Như Lai, luyện tập không chấp, luyện tập tháo gỡ thì còn gì quí bằng.Tháo gỡ là mở ra từng khúc mắc một đã ràng buộc trong tâm tư của chúng ta, khi ta chưa học đạo ta không biết tháo gỡ. Ngài thường dạy cho hàng đệ tử chúng ta nên tháo gỡ những kiến chấp sai lầm về bản ngã (cái ta )và về các pháp (cái của ta) đã ăn sâu vào dòng tư tưởng thâm căn cố đế nhiều đời nhiều kiếp của chính mình đã tự trói buộc mình, để cuộc sống của chúng ta thanh thoát nhẹ nhàng hơn rồi dần dần đi đến giải thoát được Đây là mục đích của đức Như Lai xuống trần cũng là điều mà Ngài đã dạy cho hàng đệ tử phải hoàn thành cho chính bản thân mình rồi truyền lại cho người khác bằng năng lực trãi qua sự hành trì thực tiển ,chứ không phải chỉ bằng học lực không .Cho nên xa lìa là không còn chấp chặt vào các pháp cũng như về bản ngã của chúng ta ,chứ không phải xa lìa cảnh ồn náo hoặc người mình không ưa thích hay cộng đồng xã hội. Xã hội hiện nay rất cần sự đóng góp của tăng ni trẻ cũng như tất cả Phật tử đã theo học và thực hành giáo pháp của Ngài .
Hiện giờ hoàn cảnh tu của chúng ta không như xưa, vì chúng ta không đủ năng lực như đức Phật sống trong rừng nữa, mà phần nhiều chúng ta đều ở trong ngôi chùa hoặc lớn hoặc nhỏ hoặc sang trọng hay còn thô sơ hoặc đầy đủ tiện nghi hay chưa đầy đủ hoặc phẩm vật dư thừa hay còn thiếu thốn, ít nhiều gì cũng có tường rào vây quanh để bảo vệ cho sự tu hành an ổn của ta .Nếu chúng ta biết hành trì hạnh buông xả, hạnh không còn chấp trước ngay trong cuộc sống, thì đây cũng là học theo hạnh vô chấp của đức Như Lai vậy .Tuy rằng không dễ nhưng chúng ta cố gắng vẫn được kết quả không ngờ .
Đức Phật là Người đã giác ngộ hoàn toàn từ, nơi con Người bình thường mà có được gọi là thành Phật. Ngài biết khắp và thông suốt từ ý nghĩ việc làm, nghiệp báo sai biệt và nhơn quả luân hồi của mười loại chúng sanh trong quá khứ ,hiện tại và vị lai trong ba ngàn thế giới ,rõ như Ngài nhìn trái “Am Ma Lặt trong lòng bàn tay”. Trong Bát Nhã Ngài dạy: “Viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn…” chỉ có sáu chữ đầu mà giải quyết hết cuộc sống khổ đau của chúng sanh nên họ được cứu cánh Niết Bàn. Nếu chúng ta hiểu đúng ý nghĩa của nó và thực hành quán sát từng ngày từng giờ, từng sát na thì chúng ta có hạnh phúc ngay trong cuộc sống .Vì nó có giá trị kết quả của sự buông xả mọi thứ và cũng có giá trị giải thoát vĩnh cửu về mặt tâm linh. Hơn thế nữa nó còn có giá trị về lúc mãn phần, chúng ta mang theo sự kết quả tu tập bên mình để tái sanh vào thế giới cao đẹp hơn, mà thế giới vật chất ta không mang được tí xíu nào cả . Từ đây ta có được niềm hạnh phúc thật sự phát xuất tự tâm luôn luôn hiện hữu đây gọi là Niết Bàn an vui trong đời hiện tại.
Đức Từ Phụ của chúng ta giác ngộ hoàn toàn dưới gốc cây tất bát la ngày xưa mà cây nầy còn mang tên là cây bồ đề từ lúc ấy .Bồ Đề (Budhi ) là Phạn âm Trung Hoa dịch là Giác Ngộ ,tên Bồ Đề là do ngài giác ngộ mà có. Lúc thành Phật Ngài thấy rõ tất cả chúng sanh đều có đức tánh sáng suốt như Ngài. Rồi Ngài ngạc nhiên nói: “lạ thay ta thấy chúng sanh trên thế gian đều có đức tướng trí huệ của Như Lai như ta, chỉ vì họ vọng tưởng điên đảo chấp trước mọi thứ trên đời mà không thể chứng đắc được .
Nhắc lại lần nữa Ngài là vị cổ Phật rất thương chúng sanh chưa giác ngộ còn bị chìm đắm trong vô minh đen tối nên Ngài thị hiện xuống trần để cứu độ, bằng cử chỉ tuyệt vời, bằng việc làm sâu rộng, bằng lời nói có tánh cách dạy bảo dìu dắt nhân loại của một bậc Đạo Sư rất trọn lành, không những có lợi ích an vui cho nhân loại trong cuộc sống hiện tại mà còn lợi ích giải thoát cho vĩnh kiếp về sau. Ngài là đấng đạo sư tối thượng nêu gương sáng cho chúng sanh tu theo để được giác ngộ như Ngài. Cho nên ,nếu ai đến với đạo Phật thì nên bằng lòng tịnh tâm nghiên cứu và thực nghiệm theo lời dạy của Ngài hằng ngày một cách sâu sắc thì bản thân người đó sẽ tự cảm nhận được nét vi diệu của nó để rồi thọ dụng vô cùng, đối với tiền đồ vị lai có trăm ngàn điều lợi mà không có một điều hại nào. Do sự lợi ích lớn lao về tâm linh cho nhân loại như thế nên hằng năm đến ngày Phật Đản gợi lại cho hàng đệ tử khắp năm châu, ai ai cũng đem hết tâm tư quay về tưởng nhớ đến cuộc đời hành đạo giáo hóa của Ngài trong giờ phút thiêng liêng trọng đại này và luôn cảm động đến lòng từ bi sâu rộng trí huệ siêu xuất của Ngài đã chứng ngộ đem dạy cho chúng sanh từ thưở ấy cho đến ngày nay và mãi mãi về sau. Nếu chúng ta đi vào thực nghiệm thì cảm nhận được điều rất mới mẻ và rất sống động trong tâm trí mình.
Hôm nay nhân mùa Phật Đản, tôi ngồi nơi tịnh thất nhỏ bé của mình viết về ngày Đản sanh của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật lòng tôi cảm động về đấng Cha lành muốn rơi nước mắt, là một tu sĩ hiểu ít nhiều lời dạy về pháp tu của Ngài. Tôi mong rằng tất cả nhân loại trên thế gian đều quay về với đức Từ Phụ để học hỏi thực nghiệm và nhận rõ cái khổ của con người , như người Nhật đang gánh chịu về thiên tai động đất, sóng thần.Họ bị chết chóc, đói rét, đớn đau, thiếu thốn mọi thứ mà tôi thì “lực bất tòng tâm”, chỉ biết thành tâm cầu nguyện cho người dân Nhật sớm vượt qua cơn khủng hoảng này, không biết rồi đây Việt Nam ta có được an bình như hôm nay hay không? Thế nên chúng ta nên nhanh chóng tu tập hằng ngày hằng giờ để giác ngộ trong cuộc sống, để có được sự an lạc vững vàng và luôn cầu nguyện cho đất nước được bình an, dù ta không được may mắn có chết đi ta cũng có một kiếp sau sáng đẹp hơn .
Vì sự lợi ích lớn lao cho nhân loại như thế, nên hàng đệ tử Phật ai ai cũng vui mừng và cung nghinh Bậc Giác Ngộ ra đời vì một đại nhân duyên cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến.
Mùa Phật Đản PL-2555-2011
Thích Nữ Như Bảo (Hạnh Bảo)