PHẬT GIÁO TINH HOA VÀ PHÁT TRIỂN
Buddhism its essence and development
Tác giả: Edward Conze
Dịch giả: Tùng Sơn
Theo kinh điêêển trường phái Cổ Trí Tuệ, tự lực có nghĩa dựa vào khả năng và nỗ lực chính bản thân là đặc tính nổi bật trong tư tưởng của trường phái này. Theo tư tưởng này cũng xem như điều đương nhiên chỉ chính sự nỗ lực bản thân từng cá nhân mới cứu được chính mình, vì không một ai có thể cứu người khác được. Trong tín ngưỡng Phật giáo có ba lối nghĩ khác ra đời đả phá lập luận này, cho rằng thái độ chỉ dựa vào tự lực để giải thoát là không đúng. Tư tưởng này gồm có giáo lý Hồi Hướng Công Đức , quan niệm tất cả chúng sinh đều có Phật Tính, và quan niệm có nhiều đấng cứu thế trên thế gian.
Giáo lý niềm tin Công Đức cho rằng công đức có thể truyền đạt từ người này sang người khác cho thấy có tính chất mâu thuẫn với định luật về Nghiệp được giảng dạy theo giáo lý cổ truyền. Nguyên lai tư tưởng về Nghiệp cho rằng tự thân mỗi con người chúng ta đều mang theo chuỗi dài cái gọi là Nghiệp (Karma), do đó mỗi người phải chịu khổ đau để trả lại ác nghiệp, và nhận hưởng phần thưởng trong đời sống do thiện nghiệp trong quá khứ. Sự quá độ chủ nghĩa cá nhân không phải tinh thần căn bản giáo lý về nghiệp, về phương diện lịch sử tư tưởng, khái niệm trách nhiệm tập thể có trước khái niệm trách nhiệm cá nhân. Vì thế trong kinh điển Vệ Đà có đưa ra quan niệm mỗi thành viên trong gia đình hay trong bộ tộc cùng chia sẻ nghiệp chung còn gọi là cộng nghiệp. Tính chất giải thích về nghiệp mang tính chất cá nhân, có thể nói quy định trách nhiệm nặng nề vào từng cá nhân, và dường như phủ nhận tính chất liên đới giữa mọi người xung quanh trong xã hội, đời sống, và cả vấn đề có đức hay không có đức. Trong kinh điển cổ thường hay có mẫu chuyện kể người Bà La Môn phản đối giáo lý Đức Phật do vì khi thực hành giáo lý này, nó chỉ gây tạo công đức cho người đó mà thôi. Đức Phật đã trả lời rằng hành động bậc thánh nhân làm gương mẫu, cổ vũ, gây ảnh hưởng đến nhiều người. Tuy nhiên theo kinh điển có vào khoảng 200 năm trước kỷ nguyên không cho thấy dấu hiệu sự hiện diện giáo lý truyền đạt công đức từ người này sang người kia.
Công Đức mang ý nghĩa đặc biệt, đó là đảm bảo mang lại lợi lộc trong tương lai cho dù đó là lợi ích tinh thần hay vật chất đi nữa. Thật ra cũng dễ hiểu lòng ước muốn có công đức, tích lũy, tích trữ và cất giữ nó, tuy nhiên ước vọng này cũng biểu lộ tâm hồn ích kỷ ở mức độ nào đó. Cũng phải hiểu rằng công đức là phương pháp giúp tín đồ yếu kém về năng lực tinh thần giảm bớt đi bản năng chiếm hữu, mang những đối tượng như vật chất, giàu có ra xa họ, và hướng họ đến mục đích là gây công đức. Đương nhiên phương thức này chỉ hữu dụng cho những người với mức độ tinh thần còn yếu kém, đến trình độ cao hơn người tín đồ phải sẵn sàng từ bỏ việc tích lũy công đức vì hạnh phúc của tha nhân. Chính vì thế người Đại Thừa đưa đến kết luận mong mỏi tín đồ “Hãy bố thí công đức chính mình cho tha nhân”, hay nói cách khác “Hãy đem công đức này hồi hướng đến tất cả cho sự giác ngộ”. Hay như trong kinh điển có nói như sau:
“Tôi ước mong mang công đức này do những thiện nghiệp của tôi để làm giảm bớt những đau khổ các loài, sẽ biến thành thuốc, người y sĩ, người y tá chăm sóc cho những người còn có bệnh. Qua những cơn mưa thức ăn, nước uống tôi ước mong sẽ làm dịu đi ngọn lửa đói và khát. Tôi ao ước trở thành kho tàng vô tận cho những người nghèo, là người đày tớ cung cấp cho họ tất cả những gì họ thiếu thốn. Tôi từ bỏ ngay chính cuộc đời tôi, tất cả sự sống của tôi, những vật sở hữu, những công đức mà tôi đã nhận, không một chút gì cho riêng mình, tất cả là để giúp tất cả mọi sự sống đạt đến giải thoát.” (1)
Đây là lý tưởng, đại nguyện, mục đích trong giai đoạn cuối cùng của sự phát triển tinh thần mà những vị Bồ Tát vĩ đại hướng đến trong đời sống. Lý tưởng này được cụ thể hoá bằng những lời nguyện(2). Một phần trong vô lượng công đức của vị Bồ Tát là chuyển hoán và biến nó thành đức tin nơi các tín đồ.
Điểm thứ hai, tư tưởng Đại thừa nhấn mạnh đến tính đồng nhất giữa Phật và thế gian, có nghĩa Phật tính tồn tại khắp mọi nơi, ngay trong chính mỗi con người chúng ta. Tư tưởng này có thể biểu hiện qua câu kệ sau:
Phật ngự trên ngai sư tử
Tiềm ẩn trong cả những hòn đá lẫn hạt cát.
Gỉả như rằng tự mỗi người nỗ lực đi tìm, tinh tiến đạt đến giải thoát, câu hỏi đặt ra vậy thì bộ phận nào trong con người mong mỏi đạt đến Niết Bàn? Đó là “bản ngã”, hay “phần cao vượt lên trên cái ngã”, hay “Phật tính trong cái ngã” của con người đi tìm kiếm nó. Phật giáo Đại thừa đi đến kết luận cho rằng chính vị Phật trong chân ngã của mỗi con người chúng ta, nói cách khác đó là Phật tính đi tìm kiếm Niết bàn.
Điểm thứ ba, Đức Phật là vị thầy, chứ không phải đấng cứu thế. Nhưng trong tín ngưỡng Phật giáo có những vị Bồ Tát được quần chúng tin như đấng cứu thế. Một khi Bồ Tát đã thấu triệt trí tuệ viên mãn, hủy diệt bản ngã, hiểu tường tận rốt ráo tính không, khi ấy về bản chất vị Bồ Tát thăng hoa hoàn toàn. Có nghĩa mọi tư lợi và chấp trước không còn nữa. Trên lý thuyết vị Bồ Tát có thể tự hủy mình vào thời điểm này, tuy nhiên vì lòng từ bi đến chúng sinh đã ngăn trở hành động này. Vị Bồ Tát vẫn tiếp tục hoạt động sinh sống, nhưng trong tinh thần thanh khiết, vô vị lợi. Khi ấy vị Bồ Tát chính là nhà vua chân chính, Chúa tể thống trị muôn loài, cũng khi ấy Bồ Tát có sức mạnh siêu nhiên, phi thường. Hơn thế nữa khi ấy vị Bồ Tát có thể thần kỳ tái sinh vào bất kỳ hình dạng nào, bất cứ ở đâu, có năng lực biến dạng vô biên. Chính vì tính chất này mà trường phái Tân Trí Tuệ thừa nhận tính chất siêu nhiên trong tín ngưỡng. Cũng từ đó Phật giáo đã đặt cho những vị Bồ Tát những danh xưng, truyền thuyết và hình thể hữu hình.
A Xúc Phật, Vô Lượng Quang Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cùng với chư Phật, chư Bồ Tát trên cõi trời, theo trường phái Tân Trí Tuệ rõ ràng đó là sản phẩm tinh thần không có cơ sở lịch sử cũng như nền tảng thực tế nào. Thật ra cũng khó hiểu một mặt người Đại Thừa công nhận những sự kiện này, đồng thời mặt khác họ lại phủ nhận và cho đó là những sản phẩm của sự tưởng tượng, chủ quan, có tính chất độc đoán. Vì thế thật khó để giải thích về thái độ không chấp nhận sự kiện mang tính chất lịch sử của người Đại thừa. Đây cũng là quan điểm mà chúng ta thường tìm thấy trong tín đồ đạo Hindu. Trong khi đó tín đồ Phật giáo tiểu thừa Ấn Độ chủ trương rằng họ không tin có những vị Phật hay Bồ Tát trên cõi trời, bởi vì không có dấu vết nào chứng tỏ có sự hiện hữu các Phật và Bồ Tát.
Tại điểm này nổi bật sự khác biệt mang tính chất triết học liên quan giữa “Duy Danh Luận” và “Thực Tại Luận”. Với người Duy Danh Luận chỉ có cá thể thực sự hiện hữu, còn đối với người Thực Tại Luận cho rằng chỉ có vũ trụ tồn tại mà thôi. Tương tự trong tôn giáo cũng thế, một hình thái tinh thần đòi hỏi dữ kiện lịch sử thật sự dựa trên kinh nghiệm niềm tin bản thân, trong khi đó một hình thái tinh thần chủ trương những sản phẩm của sự tưởng tượng mang tính chất thần thoại, sáng tạo có giá trị không thua kém gì những sản phẩm của con nguời lịch sử.
Ngay ở trong Thiên Chúa Giáo cũng thế, có tín đồ nhấn mạnh đến quan điểm xem Jesus như nhân vật lịch sử. trong khi đó những người đứng trên quan điểm thần bí, họ xem nhẹ sự hiện hữu có tính chất lịch sử của Jesus. Có nghĩa với thái độ tinh thần này họ xem Jesus như là biểu hiệu tinh thần mang tinh chất tôn giáo, chứ không phải con người lịch sử Jesus. Quan điểm người Đại thừa có thể tìm thấy trong những người Thiên Chúa giáo thuộc trường phái Gnostic trong giai đoạn ban sơ. Trường phái này chủ trương Thiên chúa hóa thân thành Jesus vào lúc rửa tội, và ra đi khi Jesus bị đóng đinh trên cây thánh giá. Khi ấy Jesus đã kêu lên:
“Chúa ơi! Chúa ơi! sao ngài bỏ tôi?”
Nhà triết học thường hay phân biệt giữa con người là gì và sự thật tồn tại về con người. Trong khi đó chỉ có khái niệm về chúa trời là yếu tố duy nhất không tìm thấy vào thời kỳ tiền Thiên chúa giáo, trong bất cứ tôn giáo nào, và trong những huyền thoại về Messiah (3), Osiris (4), Herakles (5) và nhiều huyền thoại khác nữa. Theo trường phái thần thoại chủ trương khái niệm thần thoại về đấng cứu thế là điều cơ bản. Có nghĩa đấng cứu thế có được cụ thể hóa dưới dạng con người lịch sử hay không, điều này không quan trọng cho lắm. Danh hiệu Vô Lượng Quang Phật hay các vị Phật khác được tạo tác ra không chỉ biểu hiện thực thể đằng sau danh xưng mà còn nói lên một chân lý, đấng tuyệt đối tồn tại xuyên suốt dòng thời gian.
Hình thái tư duy của Đại thừa gặp sự đối kháng tinh tế nhạy bén trong nền văn học truyền thống Trung Hoa. Vì nền văn học này có ý muốn xác định vị trí lịch sử của các Bồ Tát ở cõi trời. Chẳng hạn như có người cho rằng Văn Thù Bồ Tát kiếp trước là một vị Hoàng Tử Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ nhất ở Ngũ Đài Sơn, dưới triều đại Hoàng Đế Minh Đế (6). Câu chuyện về Văn Thù Bồ Tát đặt trong bố cục không gian thời gian và sự giải thích có đầu có đuôi. Tương tự câu chuyện theo dấu vết Green Tara trở về Công Chúa người Trung Hoa, theo đó nhà vua Tây Tạng Song Tsen Gampo (mất năm 650) có hai người vợ, một là người Trung Hoa, và một là người Nepal (7), cả hai đều là hai nữ thần, thần trắng Tara và thần xanh Tara. Theo người Ấn Độ đây là sự kiện do sức mạnh tinh thần của tiền kiếp biểu hiện ra trong kiếp này. Trong khi đó người Trung Hoa lại diễn đạt theo quá trình ngược lại. Hơn nữa người Trung Hoa với văn hóa đặc thù có ý huyền thoại hóa con người lịch sử, từ đó hai người Công Chúa được thần thánh hóa thành hai nữ thần Tara (8). Ngoài ra Nữ Thần Tara là hình thái thần thánh hóa con người lịch sử, đó không phải là việc cụ thể hóa khái niệm, mà là điểm xuất phát cho việc triển khai khái niệm này. Nhìn cách tổng quan theo tư tưởng đại thừa cho thấy sự quan tâm về những vấn đề tỉ mỉ nho nhỏ con người lịch sử là cái gì không được ổn cho lắm.
Chú thích:
(1) Đoạn văn này trích từ Santideva Bodhicaryavatara, III, 6-10, Đại Tạng Kinh quyển 1662, tựa là “Bồ Đề Hành Kinh”.
(2) Trong “Vô Lượng Thọ Kinh” có nói đến 48 lời nguyện.
(3) Messiah theo tiếng Hebrew có nghĩa người bị đổ dầu lên trên người, và cũng là biểu tượng đấng cứu thế cho dân tộc Do Thái.
(4) Osiris, theo thần thoại Ai Cập là vị thần chi phối thế giới sau khi chết.
(5) Herakles là tên người anh hùng trong thần thoại Hy-Lạp, trở thành thần và được đưa lên thiên giới sau khi hoàn tất 12 đại nghiệp.
(6) Câu chuyện này có thể tìm thấy trong “Văn Thù Sư Lợi Pháp Bảo Tạng Đà La Ni Kinh” Đại Tạng Kinh quyển 20, trang 791.
(7) Tên hai người vợ là Văn Thành Công Chúa và Khri-Btsun.
(8) Tara theo ngữ nguồn có nghĩa là đấng có khả năng giúp con người hay sự sống vượt qua đại dương đau khổ của hiện tại, là đấng tràn đầy tình thương, với ước vọng cứu giúp mọi người.
Mục đích người có tín ngưỡng
Vậy thì tín đồ mong đợi những gì ở các chư Phật và các vị Bồ Tát? Theo các tín đồ Phật giáo đấng cứu thế có bốn chức năng chính yếu như sau:
Theo thời gian, khuynh hướng tình thương càng ngày càng lớn mạnh ở Ấn Độ, Phật giáo cũng có chung khuynh hướng như thế. Theo đó những tín đồ thuần thành mong ước “ở trong ánh mắt Như Lai” và “nhìn thấy Như Lai” . Cho dù rất thất vọng, nhưng các tín đồ vẫn mong mỏi tin rằng Phật thật ra không mất, vẫn còn tồn tại hiện hữu nơi nào đó mà thôi. Trí tuệ và quy y hay lòng mộ đạo rõ ràng có tính chất mâu thuẫn, tương phản lẫn nhau. Trí tuệ về bản chất là cố gắng từ bỏ mọi sự giúp đỡ cho dù chúng là cái gì đi chăng nữa. Trong khi đó lòng mộ đạo được xem như bất hạnh nếu không có sự phù hộ trợ giúp liên tục của đấng nào đó. Do đó Đại Chúng Bộ ra đời cứu vãn tình thế, giải đáp đòi hỏi sâu xa, lòng mộ đạo của tín đồ tại gia bằng cách nuôi dưỡng niềm tin Đức Phật như đấng siêu việt vẫn còn hiện hữu khắp mọi nơi dưới hình thức nào đó, cho dù đã nhập Niết Bàn. Sau đó Đại thừa đã triển khai mở rộng tư tưởng này, cho rằng sự sống các vị Phật, các Bồ Tát được yêu mến, tôn kính tràn ngập khắp toàn vũ trụ cho đến biên giới của không gian.
Ngước nhìn lên bầu trời đầy sao trong không gian rộng lớn bao la, người Đại thừa cảm nhận dường như có nhiều thiên đường trong vũ trụ. Ngay như Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trên thế gian này, chắc hẳn có nhiều vị Phật ở trên những hành tinh khác, và chắc rằng tại mỗi tiểu vũ trụ khác nhau sẽ có những vị Phật khác nhau. Tư duy này chắc không phải người Đại thừa đầu tiên nói ra, vì những điều này đã được hai trường phái Đại Chúng Bộ và Kinh Lượng Bộ đã đề cập đến. Sáng tạo độc đáo của Đại thừa là đưa ra khái niệm Phật quốc (Buddha-kshetra), và làm sáng tỏ tính chất thanh tịnh và bất tịnh nơi Phật quốc.
Mỗi vị Phật gây ảnh hưởng trên lãnh vực nào đó, khi giảng pháp cho mọi sự sống toát ra âm thanh kỳ diệu, cao quý, và thâm trầm, trợ giúp người nghe đạt được sự giác ngộ hay vô thượng chính giác. Phật quốc là vương quốc cho các thánh thần, một thế giới huyền bí, cư ngụ tại thế giới này bao gồm Phật và những đấng đã được Phật giáo hóa cũng như hướng dẫn và chi phối. Theo Phật Âm (Buddhaghosa) Phật có hai tương quan liên hệ đến vương quốc này:
(1) Với trí tuệ toàn năng, Phật thấu triệt toàn thể vũ trụ, tất cả đều nằm trong phạm vi trí tuệ Phật.
(2) Với uy lực tối cao Phật phát huy quyền năng va tác động ảnh hưởng lên toàn hệ thống tiểu vũ trụ.
Tương quan thứ nhất đã được mô tả giải thích trong kinh điển tiểu thừa. Riêng với tương quan thứ hai nói về quyền năng ảnh hưởng của Phật trên mặt thần bí cũng như trên toàn thể vũ trụ thì hầu như không thấy trong kinh điển tiểu thừa, có lẽ Phật Âm đã mang vào quan điểm này từ đại thừa.
Tuy nhiên những trình bày ở trên không nói hết đầy đủ về Phật quốc, nhiều nước Phật ở đó là thế giới thiên nhiên và bất tịnh. Ngoài ra cũng ở thế giới này những chúng sinh còn trong cảnh giới lục đạo cư ngụ (Xem phần vũ trụ luận). Chúng ta cũng còn biết có nước Phật khác như nước Phật của Vô Lượng Quang Phật là cõi “Tịnh Độ”. Hơn nữa có một số vị Phật sáng tạo ra thế giới siêu hiện thực, lý tưởng, vượt thoát ra ngoài cảm giác, tam giới đó là sắc giới, dục giới và vô sắc giới; Ở thế giới này không có đàn bà, súc vật, ngã qủy, những người bị đày ải; Nơi đây chỉ có những bồ tát với tinh thần vĩ đại toàn hảo cư ngụ, hoặc các thánh thần, hay những con người tái sinh đến thế giới này với tâm hồn, giọng nói, trong thân thể trong sạch. Tại nơi đây mọi người gặp Phật sắc thân đầy hào quang, lắng nghe lời Phật dạy, ngày càng trở lên thanh tịnh cho đến khi mọi người đều thành Phật (3). Chúng ta có thể thấy thiên đường này được mô tả với những hình ảnh gây nhiều cảm giác mạnh. Chẳng hạn như đây là nơi toàn những hạt lưu ly, lóng lánh, không hầm hố, tường đá cheo leo, bụi bận, nhìn khắp mọi nơi chỉ nhìn thấy sự duyên dáng, thanh tịnh đẹp đẽ, trang sức với những cây bằng kim cương, những cây này sen kẽ lẫn nhau giống như bàn cờ ô vuông, nối kết lẫn nhau bằng những sợi chỉ vàng được bọc bởi những đóa hoa. v.v..
“Với những người sinh ra trên đất nước này không còn bao giờ phải lo lắng về cái chết, rất giàu có, chuyên làm việc thiện, thành thực và đứng đắn, dịu dàng trong lời nói. Gia đình và thân tộc không bao giờ bị phân tán. Họ khéo léo hòa giải những sự tranh chấp, khi nói chuyện luôn làm vui lòng mọi người, luôn luôn giữ đúng nguyên tắc, không bao giờ ghen ghét hay nổi giận.” (4)
Tất cả những đặc tính dễ hiểu nêu trên nói lên tôn gíáo của đại chúng. Tuy nhiên đặc tính Phật giáo là nỗ lực tổng hợp những quan niệm phổ cập trong đại chúng với tư tưởng căn bản trường phái Tân Trí Tuệ. Tư tưởng về nước Phật có thể xem như đi ngược lại giáo lý tính không, nếu bảo rằng những thiên đường này như thực thể thiên nhiên nguyên sơ ở ngoài không gian. Nói cho đúng đó là sản phẩm tâm Bồ Tát. Trong kinh Hoa Nghiêm có nói:
“Nước Phật thì nhiều vô số như những hạt bụi, phát sinh từ những niệm trong tâm từ bi của Bồ Tát. Vì Bô Tát với tâm từ bi thực hành thiện nghiệp trong vô số kiếp, dẫn dắt vô số người đến chân lý.
Nước Phật khởi sinh từ tâm với muôn vàn hình tướng, có khi thanh tịnh, có khi bất tịnh, là một chu kỳ tuần hoàn của sự sướng lẫn sự khổ.”
Nước Phật là kết tinh tinh thần lợi tha của Bồ Tát, không phải tránh xa hay cô lập kẻ ác mà là giúp họ cải tâm xâu. Điều này Bảo Vân Kinh (Ratnamegha) có nêu như sau:
“ Nếu Bồ Tát biết được lòng tham lam và hung bạo của con người, Bồ Tát không được nói “tránh xa” những người tham lam và hung bạo này, mà phải ưu sầu để làm thế nào cho họ trở lại con người chân thật. Bồ Tát lập lời thề tạo dựng đất nước thanh tịnh ở nơi đây không bao giờ nghe đến những con người tham lam và bạo ngược. Do đó nếu Bồ Tát quay lưng đi không để ý đến hạnh phúc muôn loài, đất nước của Bồ Tát sẽ trở lên bất tịnh, và sứ mạng Bồ Tát có thể nói chưa hoàn thành.” (5)
Trong hiện tại ít ai tin rằng có thể tạo một thế giới chỉ bằng cầu nguyện. Nhưng đối với tín đồ Phật gíáo sức mạnh sáng tạo do những hành động liên quan đến luân lý là điều hiển nhiên, cho dù xa lạ với những người khác. Hoàn cảnh trạng thái con người đang sống vui hay khổ phần lớn tùy thuộc vào nghiệp mỗi người. Chẳng hạn địa ngục khác nhau tạo thành do hành vi khác nhau của mỗi người. Vì thiếu đức cho nên có những người phải sống ở sa mạc không có nước. Thế giới vật chất chẳng qua phản ảnh hành vi, nghiệp của mỗi người. Hoàn cảnh người đó sống có được là do nghiệp người đó tạo ra. Trong cùng tinh thần trên, chúng ta có thể nói công đức Bồ Tát rất vĩ đại có khả năng tạo thế giới tịnh độ không chỉ cho chính Bồ Tát mà còn cho tha nhân.
Như tôn giáo của đại chúng, niềm tin Phật gíáo thuyết rằng có nhiều nước Phật, Từ lập trường trường phái Tân Trí Tuệ cho rằng nhiều nước Phật chẳng qua chỉ có tính chất nhất thời. Cùng cực nhất, mọi nước Phật là một và một nước Phật cũng là mọi nước Phật. Một cách rốt ráo, đất nước Phật lý tưởng và đất nước Phật hiện thực cũng chỉ là một. Đức Phật ở khắp mọi nơi, thế giới này bản chất là thế giới lý tưởng, nếu chúng ta nhìn nhận là như thế. Duy Ma Cật có nói như sau:
“Ngay tại nơi đây, chính căn phòng này tất cả những cung điện trang nghiêm cõi trời, của chư phật đều hiện ra nơi đây.” (6)
Thường thường chúng ta cho rằng thế giới chúng ta đang sống hoàn toàn nhơ uế, đầy rẫy đủ loại phiền não, sầu thảm và bất hạnh và khủng bố. Trong khi đó những người có lòng thành tín, tuy sống trong cùng thế giới hiện ra với tất cả tính chất cõi tịnh độ được mô tả như sau:
“Thế giới tạo bằng những hạt lưu ly, với cánh đồng bằng phẳng, đan kẻ lẫn nhau như bàn cờ nối kết nhau bằng cây ngọc thạch, những sợi chỉ vàng.(7)
Ông Duy Ma Cật lần nữa đưa ra tính chất tương phản với lý luận cổ truyền như sau:
“Hỡi loài người, do vì tội lỗi không thể nhìn thấy sự thanh tịnh của Phật quốc mà chúng ta đang sống. Thật ra đất nước mà chúng đang sống mãi mãi thanh tịnh, những ô uế là do chính tâm chúng ta mà sinh ra. Này ông Xá Lợi Phất, Bồ Tát với tâm hồn thanh tịnh, kiên cường, với trí tuệ Phật hãy nhìn mọi vật với sự bình đẳng, do đó nước Phật là nơi thanh tịnh không nhơ uế. Thế giới này thì mãi mãi thanh tịnh, tuy nhiên thế giới tàn ác, nhơ uế hiện ra như phương tiện để cứu vớt những người thiếu kém năng lực.”(8)
Chú thích: